Friday, 30 April 2021

NGÀY 30/4, "TƯƠNG LAI" hay là ... "TƯỞNG NHƯ MỚI HÔM QUA"?! (Jackhammer Nguyễn)

 



 

Ngày 30/4, “Tương lai” hay là… “Tưởng như mới hôm qua”?!

Jackhammer Nguyễn 

30/04/2021

 

Tưởng như mới hôm qua

 

Ngày 30/4/1975 chiến tranh Việt Nam kết thúc. Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày lịch sử ấy. 46 năm là khoảng thời gian rất dài, dài hơn nửa đời người, so với tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay khoảng 75 tuổi. Những chiến binh trẻ nhất trong cuộc chiến Việt Nam vào năm 1975, nay ít nhất cũng đã 64 tuổi.

 

46 năm, có vẻ như cũng rất ngắn khi tràn ngập trên các trang mạng xã hội, những ký ức chiến tranh được kể lại, những cuộc tranh luận về chính trị đến hẹn lại lên, những ước muốn “hòa hợp hòa giải” lại được nêu ra,… không kể đến những lời buộc tội nhau, phe này phe kia. ‘Tưởng như mới hôm qua’.

 

Câu hỏi mà tôi đặt ra cho chính tôi là, cái cảm xúc ‘Tưởng như mới hôm qua’ này có trong đầu bao nhiêu phần trăm người nói tiếng Việt trên trái đất này? Không khéo chính ta lại bị mạng xã hội lừa rằng cảm xúc ‘Tưởng như mới hôm qua’, đông quá!

 

 

Tương lai nằm ở đâu?

 

Vài năm trước, trong một lần về Việt Nam, tôi không nhận ra bộ dạng những thành thị Việt Nam mà tôi biết đến chỉ khoảng 10 năm trước đó. Tôi chợt nhận ra cái câu ‘Tưởng như mới hôm qua’ ấy không có trong đầu những người đang hối hả trên đường phố Sài Gòn, hay trên tất cả các đô thị Việt Nam trong thế kỷ 21 này.

 

Việt Nam, cái nước Việt Nam có diện tích hơn 300 ngàn cây số vuông, đã và đang thay đổi, chứ không phải như hôm qua. Thay đổi như thế nào, tốt hay xấu lại là một vấn đề khác.

 

Theo thống kê dân số từ trang Open Development, năm 2019, ở Việt Nam có đến 74.3% dân số nằm trong độ tuổi 15-49. Nếu ta mở rộng độ tuổi này, từ trẻ sơ sinh cho đến 46 tuổi vào năm 2021, số phần trăm còn lớn hơn nữa. Tức là đại đa số người Việt Nam sinh ra sau năm 1975, lúc chiến tranh Việt Nam kết thúc.

 

Dĩ nhiên, trong số những người Việt sinh sau năm 1975 đó, vẫn có những người nghĩ về ngày 30/4 theo cái nghĩa lịch sử và chính trị của nó, theo lời kể của người thân, theo ý thích tìm tòi lịch sử của riêng mình,… nhưng số này được bao nhiêu?

 

Đối với người Việt trong nước, hầu hết xem ngày 30/4 là một ngày nghỉ lễ, người ta ý ới bàn với nhau rằng sẽ đi chơi ở đâu, mua sắm cái gì, chứ không phải là một ngày để người ta suy ngẫm về lịch sử, mặc cho bộ máy tuyên truyền chính thống liên tục nhấn mạnh đến các từ như là chiến thắng, lịch sử, giải phóng…

 

Đó là nói về bộ phận dân cư đô thị, chiếm khoảng hơn 30% dân số, số người Việt còn lại ở nông thôn, hay chuẩn bị rời nông thôn lên thành thị hoặc các khu công nghiệp để tìm việc làm, họ có những bận tâm cụ thể hơn nữa, xa tính chất lịch sử của ngày 30/4 hơn nữa.

 

Còn đối với cộng đồng người Việt tại hải ngoại, nhất là tại Mỹ, Canada, Úc, các nước Tây Âu, với hơn ba triệu người, thì sao?

 

Không có con số thống kê rằng có bao nhiêu phần trăm người Mỹ, Canada, Pháp,… gốc Việt sinh sau năm 1975, nhưng tôi nghĩ rằng con số này cũng không nhỏ, và có phần chắc là họ quan tâm đến xã hội mà họ đang sống, nhiều hơn là tính chất lịch sử của ngày 30/4 đối với dải đất là quê hương của cha mẹ họ. Sự thiếu quan tâm này không thể trách cứ được vì đất nước mà họ mang quốc tịch ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ, bên cạnh hàng rào ngôn ngữ ngăn cản họ tìm hiểu về mảnh đất xa xôi bên kia bờ đại dương.

 

Nhưng, hãy thử thu gọn lại cộng đồng người Việt hải ngoại vào những người còn nói thông thạo tiếng Việt thì sao? Cộng đồng này cũng đang thay đổi rất mạnh mẽ, không còn giống như những cộng đồng tị nạn đầu tiên sau năm 1975 nữa. Các cuộc hôn nhân, di cư, sum họp gia đình, du học sinh,… đem đến cho cộng đồng nói tiếng Việt tại hải ngoại những thành phần mới. Những thành phần mới này mang theo những gì mà họ trải nghiệm ở “chính quốc”, tức là Việt Nam, trong 46 năm qua.

 

Hãy để ý ngôn từ tiếng Việt mà các tờ báo tại hải ngoại sử dụng, số từ ngữ của tiếng Việt “sau 75”, hay là cách nói, cách trình bày một vấn đề tương tự như báo chí trong nước, ngày càng nhiều. Xem chừng ngôn ngữ từ “chính quốc” ảnh hưởng ra hải ngoại, chứ không phải ngược lại.

 

Trở lại với cái cảm xúc ‘Tưởng như mới hôm qua’, mà tôi nêu ra ở đầu bài viết, có lẽ tôi thuộc thế hệ những người nói tiếng Việt ở hải ngoại vẫn còn chia sẻ cái cảm xúc ấy. Nhưng tôi cho rằng số người không có cảm xúc đó đông hơn, và ngày càng đông, trong cũng như ngoài nước.

 

46 năm, khi người dân Việt Nam sống trong hòa bình trong chừng ấy thời gian, trừ vài năm chiến tranh nóng với Cambodia và Trung Quốc, Việt Nam vẫn còn là một nước kém phát triển về nhiều mặt. Giải quyết chuyện kém phát triển đó, rõ ràng không phải thuộc những người có cảm xúc ‘Tưởng như mới hôm qua’, vì đơn giản là, họ ngày càng ít đi, ngày càng già đi.

 

Tương lai Việt Nam thuộc về những người Việt trẻ tuổi, tương lai cộng đồng người Việt hải ngoại cũng thuộc về những người Việt trẻ tuổi. Tính cách và bản lĩnh của họ, học thức và quan niệm sống của họ sẽ quyết định tương lai của Việt Nam và của cộng đồng người Việt hải ngoại, nó nằm ngoài cảm xúc ‘Tưởng như mới hôm qua’.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats