Tại
sao Mỹ không thể thắng trong Chiến tranh Việt Nam?
Kevin Boylan - The
New York Times
Nguyễn Thị Kim Phụng
biên dịch
29/04/2021
Đầu những năm 2000, khi tôi còn làm việc ở Lầu
Năm Góc, các cựu binh bị thương trên chiến trường Iraq và Afghanistan thường
xuyên đi xe buýt đến Bệnh viện Walter Reed ở Đông Bắc Washington, D.C., để nhận
huy chương. Thật đau lòng khi phải chứng kiến những người đàn ông và phụ nữ trẻ
này, nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn mất đi mắt, tay, chân hoặc thậm chí tứ
chi, được đẩy trên những chiếc xe lăn trong tòa nhà.
Là một nhà sử học quân sự được đào tạo chuyên
về Chiến tranh Việt Nam, tôi không thể không nghĩ về cuộc chiến ấy khi nhìn các
cựu binh từ từ đi xuống dọc hành lang Lầu Năm Góc. Và tôi không phải là người
duy nhất. Nhiều cái tên nổi bật trong chính phủ, quân đội và truyền thông đã
đem những cuộc chiến mới này so sánh với Chiến tranh Việt Nam, và thật ngạc
nhiên khi có nhiều người cho rằng bài học thuở xưa chứa đựng hy vọng về một chiến
thắng ở Iraq.
Những người đưa ra lập luận này cho rằng nước
Mỹ đã đến rất gần chiến thắng ở Việt Nam nhưng lại ném đi cơ hội của mình chỉ
vì sự tiêu cực của giới báo chí, và kéo theo đó, là thất bại về ý chí chính trị
ở quê nhà. Lập luận “chiến thắng bị bỏ lỡ” (lost victory) này bắt nguồn từ
chính quyền Nixon và những người ủng hộ họ thời kỳ những năm 1970, sau đó nhận
được sự chú ý đáng kể trong thập niên 1980 và 1990, khi nó được một nhóm các
nhà sử học xét lại có ảnh hưởng, bao gồm Mark Moyar và Lewis S. Sorley III, nhắc
đến.
Sử dụng gợi ý từ những người theo chủ nghĩa
xét lại về chiến tranh Việt Nam, những người lạc quan về chiến tranh Iraq lập
luận rằng tương tự như việc người Mỹ nghĩ rằng mình đang thua ở Việt Nam trong
khi thực tế đang chiến thắng, thì chúng ta cũng chiến thắng ở Iraq bất chấp bằng
chứng rõ ràng chỉ ra điều ngược lại. Những người lạc quan lập luận rằng vấn đề ở
đây là giống như trong Chiến tranh Việt Nam, các học giả và chính trị gia không
chỉ đơn thuần làm suy yếu sự ủng hộ của toàn dân cho cuộc chiến, mà còn cho kẻ
thù của chúng ta hy vọng rằng họ có thể chiến thắng bằng cách chờ đợi người Mỹ
mất đi ý chí tiếp tục cuộc chiến.
Kiểu lập luận này khiến tôi phải thất kinh bởi
nó không khuyến khích một đánh giá thẳng thắn về chiến lược thất bại của Mỹ ở
Iraq, nơi đã tạo nên “đám rước hàng tuần” của các cựu binh thương tật ấy. Và
tôi cũng biết rằng các tiền đề lịch sử làm cơ sở cho nó đều cực kỳ thiếu sót.
Nước Mỹ chẳng hề có “chiến thắng bị bỏ lỡ” nào ở Việt Nam cả; trên thực tế, chiến
thắng có lẽ nằm ngoài tầm với ngay từ ban đầu.
Trong giới sử gia chuyên nghiệp có một sự đồng
thuận rộng rãi rằng chúng ta thực sự không thể giành chiến thắng trong Chiến
tranh Việt Nam. Ngay cả những người theo chủ nghĩa xét lại cũng phải thừa nhận
tình trạng thiểu số của mình, mặc dù một số người cho rằng đó là bởi vì sự
thiên vị chủ nghĩa tự do vốn cắm rễ sâu trong giới nghiên cứu lịch sử. Nhưng những
nghi ngờ về khả năng Mỹ giành chiến thắng trong cuộc chiến hoàn toàn không chỉ
giới hạn trong giới học giả dân sự. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy chúng trong
các công trình đã xuất bản của các nhà sử học quân sự chính thức như Tiến sĩ
Jeffrey J. Clarke – người mà cuốn sách “Advice and Support: The Final Years,
1965-1973” của ông nhấn mạnh những vấn đề không thể chối bỏ đã dẫn đến thất bại
chính sách và chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Sự bi quan cũng tràn ngập
trong “Vietnam Declassified: The C.I.A. and Counterinsurgency,” một bộ sách giải
mật chính thức của CIA, chắp bút bởi Thomas L. Ahern Jr., một sĩ quan CIA hoạt
động tích cực khắp Đông Dương trong thời chiến.
Ngược lại, phe xét lại chủ yếu dựa trên khẳng
định rằng thất bại của chúng ta ở Việt Nam về cơ bản là do tâm lý, và theo đó,
chiến thắng đã có thể xảy ra nếu giới lãnh đạo chính trị biết cách duy trì sự ủng
hộ của toàn dân đối với chiến tranh. Dù các yếu tố tâm lý và ủng hộ toàn dân là
rất quan trọng, nhưng thái độ của người Việt Nam, chứ không phải người Mỹ, mới
là điều quyết định. Ở Mỹ, ủng hộ toàn dân nhằm chống Cộng sản ở miền Nam Việt
Nam đã khởi đầu mạnh mẽ rồi mới hạ nhiệt dần khi chiến tranh ngày một dai dẳng.
Tuy nhiên, ở miền Nam Việt Nam, ủng hộ toàn dân cho cuộc chiến luôn nửa vời, và
phần lớn (và ở một số vùng là đa số) dân chúng lại ủng hộ Cộng sản.
Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tham nhũng, phi
dân chủ và chia rẽ nội bộ – ngay cả dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, người bị
ám sát trong cuộc đảo chính năm 1963, và dưới các phe phái quân sự sau nhiệm kỳ
của ông – đã chứng tỏ mình không có khả năng cung cấp cho nhân dân và lực lượng
vũ trang của mình một lý do chính đáng để tham chiến. Thật không may cho Mỹ và
tương lai của người dân miền Nam Việt Nam, những người Cộng sản đã thành công
hơn: Bằng cách đánh vào tâm lý chủ nghĩa dân tộc chống “Đế quốc Mỹ” xâm lược và
hứa hẹn sẽ cải tổ hệ thống kinh tế xã hội thối nát khiến cho các công dân vĩnh
viễn mắc kẹt trong nghèo đói, họ đã thuyết phục hàng triệu người chiến đấu và
chết vì họ.
Sự bất cân xứng này là trở ngại không thể vượt
qua trên con đường đi đến chiến thắng ở Việt Nam. Đánh bại du kích Cộng sản hẳn
đã là chuyện dễ dàng nếu người dân miền Nam không giúp họ ẩn nấp trong chính cộng
đồng của mình. Thay vào đó, quân Mỹ và lính miền Nam chỉ có thể mò mẫm đi sau kẻ
thù, và hiếm khi có thể đối đầu trực tiếp với nhóm này, trừ phi họ muốn thế.
Và ngay cả khi lính Mỹ bắt đầu đổ bộ vào Việt
Nam năm 1965, thực chất quân đội miền Nam đã có đủ quân số để có thể tự bảo vệ
mình. Rốt cuộc thì lực lượng miền Nam đông hơn lực lượng Cộng sản, được trang bị
tốt hơn nhiều, có hỏa lực vượt trội và có lợi thế đáng kể về khả năng cơ động
nhờ máy bay vận tải và máy bay trực thăng. Nhưng gót chân Achilles của họ chính
là ý chí chiến đấu quá yếu – và thiếu sót này đã không bao giờ được khắc phục.
Vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, Trung tướng
Arthur S. Collins, chỉ huy toàn bộ quân Mỹ ở khu vực Tây Nguyên từ tháng
02/1970 đến tháng 01/1971, nói với một sử gia quân đội: “Tôi không nghĩ là có
cách nào đó để Nam Việt Nam có thể tồn tại, bất kể chúng ta có làm gì cho họ đi
chăng nữa. Theo quan điểm của tôi, điểm chí mạng nằm ở câu trả lời mà tôi nghe
từ các sĩ quan [Nam Việt Nam] cấp dưới, hầu như không có ngoại lệ, rằng con
trai của họ đang theo học ở Pháp, Thụy Sĩ hoặc Mỹ. Nếu họ không chiến đấu cho
miền Nam, thì ai sẽ làm điều đó?”
Tất nhiên, bất chấp điểm yếu cơ bản của đồng
minh, Mỹ có thể vẫn giành chiến thắng, nếu họ sẵn sàng huy động đầy đủ sức mạnh
quốc gia của chính mình. Nhưng điều đó sẽ đòi hỏi phải tăng thuế, huy động lính
dự bị, cùng với nhiều hy sinh khác mà Tổng thống Lyndon Johnson không còn dám
yêu cầu từ người dân Mỹ nữa.
Trong một bài
báo gần đây của New York Times, Moyar, nhà sử học xét lại, đã giải
thích về “sự vắng mặt của tổng thống kiêm đội trưởng đội cổ vũ” và quy trách
nhiệm cho Johnson vì đã không tạo ra thứ “tâm lý chiến” có thể khiến Việt Nam
trở thành một cuộc thập tự chinh của lòng yêu nước (và giúp bịt miệng các nhà
phê bình chiến tranh). Moyar lập luận, “Việc công chúng quay lưng với cuộc chiến
không phải là điều không thể tránh khỏi; đúng hơn, đó là kết quả của sự thất bại
của các nhà hoạch định chính sách trong việc giải thích và thuyết phục người Mỹ
ủng hộ nó.”
Nhưng Johnson là chính trị gia sắc sảo nhất của
Nhà Trắng trong thế kỷ 20, và ông biết rằng mình đang đối mặt với một nghịch
lý. Nếu Chiến tranh Việt Nam không yêu cầu nước Mỹ hy sinh quá nhiều và mọi người
đều tin rằng chiến thắng là rất gần, thì hầu hết người Mỹ sẽ ủng hộ nó. Nhưng nếu
Johnson công khai thừa nhận rằng Nam Việt Nam chẳng thể tồn tại nếu không có sự
cam kết đầy đủ của Mỹ, ông hiểu rằng mọi ủng hộ cũng sẽ tan biến.
Một động thái như vậy sẽ tiết lộ những sự thật
trần trụi của chiến tranh: rằng chính phủ Nam Việt Nam là một chế độ độc tài
chuyên chế, rằng quân đội của họ không muốn chiến đấu, rằng phần lớn dân số sẵn
sàng ủng hộ Cộng sản, rằng Bắc Việt đang từng bước leo thang, rằng Johnson đã
cam kết tham chiến mà không có kế hoạch giành chiến thắng, và Lầu Năm Góc chẳng
hề có ý tưởng rõ ràng về việc khi nào họ mới có thể giành chiến thắng. Johnson
biết rõ rằng nếu công chúng chống lại chiến tranh, họ cũng sẽ chối bỏ quyền
lãnh đạo của ông, cũng như từ chối chính sách đối nội “Xã hội Vĩ đại” (Great
Society) đã từng được yêu mến.
Vì vậy, giống như các tổng thống khác trước và
sau ông, Johnson đã cố gắng che giấu thực tế ảm đạm tại Việt Nam khỏi mắt người
Mỹ và cố tình đánh lừa họ về thời hạn và chi phí của cuộc chiến. Ông không muốn
tạo ra một tâm lý thời chiến – hay kêu gọi huy động toàn lực. Cộng sản đã chẳng
cần các nhà báo hay những đoàn người biểu tình chống chiến tranh để vạch trần rằng
sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc chiến là rất mong manh. Việc Johnson từ
chối tăng thuế hay huy động lính dự bị đã làm rõ mọi chuyện ngay từ đầu – hệt
như việc chúng ta không áp dụng thuế mới hoặc huy động lính nhập ngũ kể từ sự
kiện 11/9 chính là dấu hiệu cho kẻ thù chúng ta biết rằng ý chí chiến đấu của
nước Mỹ đang rất yếu.
Mặc dù Mỹ chắc chắn có đủ phương tiện để thắng
thế ở Việt Nam, nhưng cuộc chiến không thể vượt qua mức độ cam kết và hy sinh
mà đất nước chúng ta sẵn sàng chấp nhận. Như nhà sử học nổi tiếng George
Herring đã nói, cuộc chiến này “không thể thắng được theo bất cứ nghĩa nào với
một cái giá đạo đức hay vật chất mà hầu hết người Mỹ coi là chấp nhận được.”
Có lẽ bài học quan trọng ở Việt Nam là nếu những
lý do gây chiến không đủ thuyết phục để các nhà lãnh đạo của chúng ta yêu cầu tất
cả người Mỹ phải hy sinh nhằm theo đuổi chiến thắng, thì có lẽ đừng nên tham
chiến. Chúng ta không nên đặt gánh nặng hy sinh lên chỉ những người dám mạo hiểm
mạng sống và thân thể mình cho đất nước ở một chiến trường nước ngoài xa xôi
nào đó.
-------------------------
Kevin
Boylan là nhà sử học quân sự tại Đại học Wisconsin-Oshkosh
và là tác giả của cuốn “Losing Binh Dinh: The Failure of Pacification and
Vietnamization, 1969-1971.” Ông làm việc cho Vụ Kế hoạch Chiến tranh của Bộ Quốc
phòng và Quân đội Mỹ từ năm 1995 đến 2005.
Nguồn: Kevin Boylan, “Why
Vietnam Was Unwinnable”, The New York Times, 22/08/2017.
======================================================
.
.
Có thể bạn quan
tâm:
1. Chiến tranh Việt Nam
qua hồi ức của một lính Mỹ
2. Playboy và lính Mỹ trong
Chiến tranh Việt Nam
3. Chiến tranh Việt
Nam: Cuộc chiến giết chết niềm tin
4. Màu da người lính trong
chiến tranh Việt Nam
5. Tại sao Liên Xô giúp đỡ Bắc Việt?
6. Sự tàn bạo của Lực lượng
Mãnh Hổ ở Việt Nam
7. Nhìn lại vai
trò của McNamara trong Chiến tranh Việt Nam
8. Tôi đã thấy gì trong trận Tết Mậu
Thân?
No comments:
Post a Comment