Thursday, 29 April 2021

THAM VỌNG CỦA TỔNG THỐNG MỸ BIDEN : CHIẾN THẮNG TRONG CUỘC TRANH ĐUA VỚI TRUNG QUỐC (Thanh Phương - RFI)

 



 

 

Tham vọng của tổng thống Mỹ Biden: Chiến thắng trong cuộc tranh đua với Trung Quốc

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 29/04/2021 - 12:25

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210429-m%E1%BB%B9-biden-chi%E1%BA%BFn-th%E1%BA%AFng-trung-qu%E1%BB%91c

 

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ tối qua, 28/04/2021, tổng thống Joe Biden đã trình bày những kế hoạch đầy tham vọng nhằm củng cố tiềm lực quốc gia, từ việc thêm 4 năm giáo dục công miễn phí, cho đến việc thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ea37209a-a8d3-11eb-b264-005056a9b1a7/w:980/p:16x9/2021-04-29T014950Z_122558674_RC2D5N97SLUC_RTRMADP_3_USA-BIDEN.webp

Tổng thống Joe Biden chuẩn bị phát biểu tại Quốc Hội lưỡng viện, Washington, Mỹ, ngày 28/04/2021. REUTERS - JONATHAN ERNST

 

Mục tiêu tối hậu của những kế hoạch này chính là nhằm giành lấy phần thắng trong cuộc tranh đua với Trung Quốc, như tuyên bố của ông Biden trong bài phát biểu hôm qua: Chúng ta đang trong một cuộc tranh đua với Trung Quốc và các nước khác để chiến thắng trong thế kỷ 21”. 

 

Nikkei Asia hôm nay trích lời Ryan Hass, một cựu giám đốc an ninh quốc gia đặc trách Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ, ghi nhận là dưới thời chính quyền Biden, quan hệ Mỹ-Trung “đang dần dần chuyển từ đối đầu gay gắt sang cạnh trạnh sâu rộng”.  

 

Chính quyền Biden đã thường xuyên nói rõ, một trong những yếu tố quan trọng trong kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm chiến thắng trong cuộc tranh đua với Trung Quốc đó là tăng cường các liên minh của Mỹ. Trong chiều hướng này, Nhật Bản có vẻ là ưu tiên hàng đầu của tổng thống Biden, thể hiện qua việc trong tháng 4, tổng thống Hoa Kỳ vừa tiếp đón thủ tướng Nhật Yoshihide Suga trong chuyến viếng thăm cấp Nhà nước đầu tiên ở Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Biden.

 

Trong tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước cho biết Washington và Tokyo sẽ làm việc với nhau để “đối đầu với những thách thức từ Trung Quốc” và “bảo đảm một vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở vùng eo biển Đài Loan. 

 

Tuy nhiên, trong bài phát biểu hôm qua, tổng thống Dân Chủ cũng cho biết ông đã nói với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Hoa Kỳ duy trì một sự hiện diện quân sự hùng hậu ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, “giống như chúng ta làm với khối NATO ở châu Âu, không phải để gây xung đột, mà là ngăn ngừa xung đột”.

 

Sau khi lên cầm quyền, tổng thống Biden cũng đã nhanh chóng tăng cường quan hệ với các đối tác trong Bộ Tứ, tức Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD), qua cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 3. Đối với chính quyền Biden, Bộ Tứ, quy tụ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc, Nhật, sẽ phải là một bức tường thành vững chắc trước đà lớn mạnh của Trung Quốc.

 

Đối với Trung Quốc, nhìn chung, tổng thống Biden vẫn có một chính sách cứng rắn tương tự như người đồng nhiệm Donald Trump. Cho nên, cuộc gặp cấp cao giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ủy viên Bộ Chính trị đặc trách đối ngoại Dương Khiết Trì, tại Alaska vào cuối tháng trước, đã diễn ra rất căng thẳng, nhất là vì phía Bắc Kinh không chấp nhận những lời chỉ trích nặng nề của Washington về vấn đề Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ. 

 

Chính quyền tổng thống Biden thật ra đang còn trong giai đoạn điều chỉnh lại chiến lược đối với Trung Quốc, cho nên nhiều chính sách của thời Donald Trump vẫn được giữ nguyên, trong đó có các thuế quan mang tính trừng phạt được ban hành trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Cũng không loại trừ khả năng là trong lĩnh vực công nghệ, chính quyền của tổng thống Dân Chủ ban hành thêm các hạn chế đối với các công ty Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này ở Mỹ, nhất là trong ngành trí thông minh nhân tạo, một trong những ngành mà theo ông Biden, Hoa Kỳ đang tụt hậu so với nhiều nước.  

 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên khắp thế giới, cuộc tranh đua giữa Mỹ và Trung Quốc còn đang diễn ra trên mặt trận y tế. Hoa Kỳ có giành phần thắng hay không là tùy thuộc vào khả năng của cường quốc số một thế giới khống chế được dịch trong nước và giúp các nước khác đẩy lùi virus corona.  Nói cách khác, chính sách “ngoại giao vac-xin “ sẽ là một trong những nhân tố quyết định cho sự thắng bại cho cuộc tranh đua Mỹ-Trung.

 

Không chỉ là một sự cạnh tranh về việc phát triển các công nghệ của tương lai, như phát biểu của tổng thống Biden tối qua, quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh còn là một cuộc trắc nghiệm về những giá trị của dân chủ đối lại với chế độ độc đoán.

 

Ông Biden nói: “ Chủ tịch Tập Cận Bình “rất quyết tâm đưa Trung Quốc trở thành quốc gia quan trọng nhất thế giới. Ông ấy và những lãnh đạo chuyên quyền khác nghĩ rằng trong thế kỹ 21, dân chủ không thể tranh đua được với độc đoán, bởi vì dân chủ mất rất nhiều thời gian để đạt đồng thuận”. Và để dân chủ thắng độc đoán, đối với ông Biden không có cách gì khác hơn là phải đầu tư mạnh mẽ để nâng cao sức mạnh của nước Mỹ qua những kế hoạch mà ông đã trình bày trước Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ.

 

                                                         ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Biển Đông: Một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc có thể diễn ra như thế nào?

 

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật cam kết cùng sát cánh đối phó với Trung Quốc

 

Trung Quốc – Hoa Kỳ : Cuộc chia ly sẽ đi đến đâu ?

 

=================================================

.

.

Tổng thống Biden : Nước Mỹ lại tiến bước

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 29/04/2021 - 12:52

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210429-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-biden-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BB%B9-l%E1%BA%A1i-ti%E1%BA%BFn-b%C6%B0%E1%BB%9Bc

 

3 phút

Phát biểu lần đầu tiên trước Quốc Hội Lưỡng Viện, hôm qua 28/04/2021, đánh dấu 100 ngày đầu nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ Joe Biden chủ yếu tập trung vào chương trình phục hưng kinh tế cho nước Mỹ. Về đối ngoại, Nhà Trắng nói rõ ý định « tránh gây thêm căng thẳng với Nga và xung đột với Trung Quốc ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/bdb20a5e-a896-11eb-ae35-005056a964fe/w:980/p:16x9/e15d1ecde5bfa04d8cf7f1c6c38d64bdd84d8286.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Quốc Hội lưỡng viện, Điện Captitol, Washington, ngày 28/04/2021. Melina Mara POOL/AFP

 

Lần đầu tiên trong lịch sử, người ta trông thấy hình ảnh một vị tổng thống Mỹ phát biểu trước Quốc Hội Lưỡng Viện, sau lưng ông là hai phụ nữ, đó là phó tổng thống Kamala Harris và chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Nguyên thủ Mỹ khẳng định « sau 100 ngày cầm quyền, Hoa Kỳ lại tiến bước » và đưa ra hình ảnh một đất nước đang vượt qua rất nhiều khủng hoảng để thoát khỏi đại dịch Covid-19.

 

Bên cạnh những thông báo được đánh giá là mang tính lịch sử về chương trình phục hồi kinh tế Mỹ, Joe Biden nhắc lại : Trong quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ không gây sự để dẫn đến « xung đột », nhưng Washington luôn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ, bảo vệ các « hoạt động mậu dịch công bằng ». Ông Biden cảnh báo : Washington « bảo vệ mô hình mậu dịch công bằng, bảo vệ quyền lợi của người lao động Mỹ, bảo vệ nền công nghiệp của Hoa Kỳ trước những hành vi đánh cắp công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ ».

 

Về chiến lược, nước Mỹ dưới chính quyền Biden cũng sẽ « duy trì sự hiện diện quân sự trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, tương tự như tại châu Âu trong khuôn khổ khối NATO », không « từ bỏ công cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền » và « Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác để giành phần thắng trong thế kỷ 21 ». 

 

Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, phát biểu trước Quốc Hội Lưỡng Viện, cũng đã nhắc lại rằng các chế độ toàn trị đã sai lầm khi cho rằng các nền dân chủ không có khả năng cạnh tranh nhưng « cạnh tranh không có nghĩa là Hoa Kỳ muốn lao vào một cuộc xung đột ». 

 

Với nước Nga của tổng thống Putin, nguyên thủ Mỹ nhấn mạnh Washington tránh để căng thẳng « leo thang » nhưng Matxcơva sẽ phải « trả lời » về những hành động đã can thiệp vào bầu cử Mỹ, và về trách nhiệm của nước Nga trong các vụ tấn công tin học nhắm vào các cơ quan Nhà nước vào các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lãnh đạo Nhà Trắng không loại trừ khả năng hợp tác « vì quyền lợi của cả đôi bên ».

 

                                                               ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

TT Mỹ Biden phát biểu trước Quốc Hội, đánh dấu 100 ngày đầu của nhiệm kỳ

 

Thượng đỉnh khí hậu : Cơ hội để TT Mỹ Biden khẳng định vị thế lãnh đạo thế giới

 

TT Mỹ Biden khẳng định chủ trương chống bất bình đẳng xã hội

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats