Ba
cuốn sách gợi nhớ một nền xuất bản bị lãng quên của Việt Nam Cộng hòa
GIANG
SƠN - LUẬT KHOA
27/04/2021
Những góc nhìn khác
về miền Nam trước 1975 được mở ra, từ chuyện luật pháp cho tới đất đai.
Nguồn: Facebook Thú
Chơi Sách/ Luật Khoa/ Nhatbook/ Wikipedia
Để tìm hiểu về nền văn hóa, lịch sử hay giáo dục
của một quốc gia, phương pháp khả dĩ nhất là tìm đọc những cuốn sách viết về quốc
gia đó. Quá trình tìm hiểu về di sản của thời Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trước
đây cũng không phải là một ngoại lệ.
Tuy nhiên, những tư liệu viết về VNCH hiện còn
được lưu hành vốn đã hiếm, các cuốn sách có giá trị do những học giả trước năm
1975 biên soạn lại càng khó tìm. Hầu hết trong số đó hiện đã bị thất lạc, nằm tản
mác ở nhiều nơi trên thế giới, hay thậm chí là đã tuyệt bản.
Bài
viết này điểm lại ba cuốn sách may mắn vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Nội dung của những tư liệu này đã được scan hoặc số hóa, nhằm lưu trữ
và lan truyền kiến thức cho độc giả quan tâm đến nền học thuật và xuất bản của
miền Nam trước năm 1975.
Sách “Án lệ vựng tập” – Tác giả:
Trần Đại Khâm
Ảnh: Facebook Thú
Chơi Sách.
Cho đến hiện nay, những thảo luận về đề tài lịch
sử nhà nước và pháp luật của VNCH vẫn còn được xem là nhạy cảm, thậm chí cấm kỵ
tại Việt Nam. Thế nhưng, chúng ta cũng cần có cái nhìn khách quan về nền pháp
quyền của VNCH để hiểu tại sao quốc gia chỉ tồn tại có 20 năm này lại đạt được
nhiều thành tựu đáng ghi nhận đến vậy.
“Án lệ vựng tập” được xem là một tài liệu tham
khảo quý giá trong số những ấn phẩm về luật học đã được xuất bản trước năm
1975.
Là một quyển sách dày đến hơn 750 trang được
Thẩm phán, Chánh án Trần Đại Khâm biên soạn công phu, “Án lệ vựng tập” tập hợp
một số đặc điểm của hệ thống pháp luật và án lệ VNCH trong nhiều lĩnh vực, bao
gồm dân sự, điền địa, lao động, nhà phố, thương mại, hình sự, quân sự và hành
chính.
Theo ghi nhận của tác
giả Võ Văn Quản, một điều thú vị có thể kể đến của nền pháp luật VNCH là sự
giao thoa của hai truyền thống pháp luật Dân luật (châu Âu lục địa) và Thông luật
(Anglo-Saxon).
Tên gọi “Án lệ vựng tập” có thể khiến cho độc
giả nghĩ rằng pháp luật VNCH có xu hướng của Thông luật. Tuy nhiên, văn bản
pháp luật vẫn là nguồn chính yếu của pháp luật VNCH, song song với việc tòa án
VNCH dường như vẫn có một số quyền lực nhất định trong việc giải thích và quy định
các trình tự thủ tục tố tụng thuộc thẩm quyền của mình.
Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu lên một số đặc
điểm thú vị và tiến bộ của bộ luật trong các chế định về bảo vệ an toàn lao động,
hay quyền sở hữu bất động sản. Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng được
chính quyền VNCH học hỏi và áp dụng từ rất sớm.
Độc giả có thể tải cuốn “Án lệ Vựng tập” tại đây.
Sách “Đất đai và nông nghiệp tại Việt
Nam Cộng hòa” – Tác giả: Đỗ Quang Giao
Ảnh: binhtrung.org/
Nhatbook. Đồ họa: Luật Khoa.
Việt Nam nói chung, hay VNCH nói riêng là những
quốc gia phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Do đó, “Đất đai và nông nghiệp tại Việt
Nam Cộng hòa” được cho là một cuốn cẩm nang hữu dụng dành cho những ai quan tâm
đến nền nông nghiệp nước nhà, đặc biệt là những “tân nông gia”.
Theo lời đề tựa của tác giả, một kỹ sư canh
nông, Việt Nam sở hữu nhiều loại đất tốt cũng như tài nguyên quý từ rừng, từ đó
có thể sản xuất được hầu hết các loại nông phẩm cần thiết cho đời sống hàng
ngày của người dân.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt những lợi thế địa
lý sẵn có, nâng cao năng suất cây trồng, hay tự chủ vào nguồn cung lương thực
thì chúng ta còn cần chú trọng đến việc khai khẩn đất hoang, cải tạo những giống
cây thích hợp và phải tìm cách bảo tồn vốn tài nguyên quý giá được thiên nhiên
ban tặng. Tất cả những khía cạnh trên đều được nhắc đến trong cuốn cẩm nang
này.
Về cấu trúc, “Đất đai và nông nghiệp tại Việt
Nam Cộng hòa” có độ dày hơn 200 trang, được chia thành tám chương nhỏ riêng biệt.
Trong chương đầu tiên, cuốn sách cung cấp cho
người đọc những khái niệm cơ bản về đặc điểm địa dư và khí hậu của Việt Nam.
Đây là những tổng quan về núi non, sông ngòi, đồng bằng, gió, nhiệt độ và quang
kỳ.
Ba chương tiếp theo mang đến những kiến thức về
thổ nhưỡng, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Bốn chương còn lại tập trung vào lĩnh vực
nông nghiệp, bao gồm kiến thức đại cương về ba loại cây trồng chính là lúa, cây
ăn trái và cây kỹ nghệ, bên cạnh những loại cây lương thực khác. Trong phần
này, kỹ sư Đỗ Quang Giao cũng giới thiệu những kỹ thuật canh tác khác nhau và cả
lưu ý cụ thể cho từng nhóm cây trồng.
Nếu bạn đang nghĩ rằng độc giả ngày nay đọc
chuyện canh tác ngày xưa làm gì, cuốn sách này sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Không
đơn thuần là một tài liệu chuyên ngành nông nghiệp, “Đất đai và nông nghiệp tại
Việt Nam Cộng hòa” mô tả sống động đời sống xã hội miền Nam Việt Nam trước 1975
qua những giống cây mà người nông dân trồng, mang theo những tập quán ăn uống
và hy vọng về vụ mùa của họ.
Sách được viết bằng ngôn ngữ phổ thông, với lối
dẫn chuyện dung dị, đóng vai trò như một mắt xích trong việc kiến tạo mối tương
giao giữa con người và thiên nhiên. Giá trị ấy vẫn còn nguyên sau 47 năm cuốn
sách được ra mắt ở cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn, dù Việt Nam Cộng hòa
nay đã trở thành lịch sử.
Độc giả có thể tải sách theo đường link này.
Sách “Luật Hiến pháp và Chính trị học”
– Tác giả: Nguyễn Văn Bông
Ảnh:
bienxua.wordpress.com/ Goodreads. Đồ họa: Luật Khoa.
“Luật Hiến pháp và Chính trị học” từng là sách
gối đầu giường một thời của sinh viên Học viện Quốc gia Hành chánh VNCH. Theo lời
giới thiệu trên trang blog Pro&Contra của nhà văn Phạm Thị Hoài, “Luật Hiến
pháp và Chính trị học” là một công trình tư liệu đồ sộ giải thích những khái niệm
căn bản nhất về lý thuyết tổ chức của một nhà nước dân chủ và pháp quyền.
Tác giả của cuốn sách, Giáo
sư Nguyễn Văn Bông, là một trí thức uy tín của miền Nam trước năm 1975. Ông
từng tốt nghiệp chuyên ngành công pháp và sau đó là luật học tại trường đại học
Sorbonne Université (Pháp). Vào đầu năm 1963, ông quay trở về Việt Nam tham gia
vào hoạt động giảng dạy tại Học viện Quốc gia Hành chánh của Việt Nam Cộng hòa.
“Luật Hiến pháp và Chính trị học” được xem là cuốn sách nổi tiếng nhất của ông.
Cuốn sách được chia làm hai phần, mỗi phần lại
được chia thành những thiên, chương và mục nhỏ hơn để mở rộng từng khía cạnh của
chủ đề được khai thác.
Phần thứ nhất là lý thuyết đại cương. Phần này
có vai trò diễn giải và định nghĩa những khái niệm cơ bản nhất về nền tảng
chính trị của một quốc gia, chẳng hạn như khái niệm về hình thức tổ chức chính
quyền, hiến pháp, nguyên tắc dân chủ, cũng như sự tham gia của công dân trong
chế độ dân chủ.
Sau khi đã trình bày cặn kẽ những kiến thức
chính trị cơ bản nhất, phần thứ hai của cuốn sách mang tên “Thế giới chính trị
hiện đại” đi sâu vào đặc tính của các mô hình quản trị nhà nước khác nhau trên
trên thế giới. Những mô hình trên bao gồm nhiều chế độ khác nhau, từ nền dân chủ
cổ điển của Hoa Kỳ và Anh Quốc cho đến độc tài chuyên chế như nhà nước Nga Sô
(từ thời trước để chế Liên Xô).
Trong chương hai của thiên thứ ba, tác giả tập
trung phân tích bối cảnh lịch sử và hệ thống chính trị hiện đại của Việt Nam: bắt
đầu từ thời đế quốc đến chính thể cộng hòa, tiếp đến là chế độ Ngô Đình Diệm và
sự hình thành Quốc hội Lập hiến vào năm 1966 để mở ra nền Đệ nhị Cộng hòa (năm
1967).
Chương ba của cuốn sách, cũng là chương cuối
cùng, giải thích về ba cột trụ trong cơ chế tam quyền phân lập của nền Đệ nhị Cộng
hòa cùng các định chế đặc biệt.
“Luật Hiến pháp và Chính trị học” là một tác
phẩm hàm chứa lượng kiến thức lớn, được trình bày chi tiết, khách quan và không
thiên vị. Bất cứ ai muốn tìm hiểu về lịch sử, chính trị và các hình thức chính
thể nói chung đều có thể tìm thấy nhiều thông tin hữu ích trong cuốn sách này.
Sách đã được trang Pro&Contra số hóa. Độc
giả có thể tải sách tại đây.
Bài viết nằm trong chuyên mục “Đọc sách cùng Đoan
Trang”, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm
Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
No comments:
Post a Comment