Thứ Sáu, 04/30/2021 - 16:35
— nguyenhuuvinh
https://www.rfavietnam.com/node/6784
Ngày hôm nay, kỷ niệm lần thứ 46 ngày Việt Nam
Cộng Hòa thất thủ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hoàn thành công cuộc cưỡng chiếm một
quốc gia được quốc tế công nhận, có một chính quyền do người dân bầu lên, có một
nền văn hóa và trình độ xã hội cao hơn hẳn chế độ đi cưỡng chiếm.
Những người cộng sản gọi đó là “Chiến thắng”.
Những người Việt Nam Cộng Hòa gọi là ngày mất nước. Những ẩn ức tâm lý đó đã
qua thời gian đến gần nửa thế kỷ.
Nửa thế kỷ sau khi kết thúc một cuộc chiến mà
tên gọi của nó cho đến nay chưa hoàn toàn được đồng ý từ mọi phía. Và do vậy,
ngày kết thúc chiến tranh chưa có một cái tên khả dĩ được hầu hết mọi người chấp
nhận.
Nửa thế kỷ sau khi cuộc chiến kết thúc, người
cộng sản mới công nhận một tên gọi của một quốc gia là Việt Nam Cộng Hòa, việc
công nhận này trong sự khiên cưỡng không thể khác bởi một vài quan chức cộng sản.
Trong khi đó, rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa là một
quốc gia theo đúng luật lệ quốc tế, các văn bản chính thức mà chính Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa ký kết.
Chỉ riêng điều đó, đủ cho thấy sự “ngạo nghễ”
hay “ngạo mạn” bất chấp sự thật của “kẻ chiến thắng”.
Thật ra, cái gọi là “Chiến thắng” trong cuộc
chiến bạo lực, chưa hẳn đã nói lên tính chính nghĩa và đúng đắn của phe chiến
thắng. Bởi điều đơn giản nhất, dù bên chiến thắng có cho rằng đó là cuộc “Giải
phóng” cho Miền Nam, thì thực tế, đó là việc đưa quân đội vượt giới tuyến để
chiếm đóng một quốc gia có chủ quyền, có nhà nước dân chủ và được quốc tế công
nhận.
Cái ngôn từ “Giải phóng” đã dần dần được chỉ
rõ ra rằng, chẳng có một trường hợp nào, một ai và một khi nào được gọi là giải
phóng khi đem sự man rợ áp đặt vào một khu vực, một lãnh thổ hay một đất nước
văn minh bằng súng đạn.
Và
phải gọi đúng tên của nó là một Cuộc xâm lược.
Chiến tranh là một nỗi bất hạnh cho mọi đất nước,
mọi dân tộc. Một đất nước, chẳng bao giờ mong muốn một cuộc chiến tranh, dù đó
là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Chỉ có khi dã tâm xâm lược lên đến đỉnh cao,
thì một đất nước mới phát động chiến tranh xâm lược một đất nước khác. Hoặc chỉ
có khi không thể nào khác, thì một đất nước phải đứng lên cầm súng lao vào cuộc
chiến không thể trì hoãn để bảo vệ đất nước mình.
Sau một cuộc chiến, hầu như, mọi dân tộc, mọi
người đều mong mỏi sự bình an, phát triển để xóa đi những ký ức đau thương của
cuộc chiến bạo tàn.
Những người chiến thắng trong cuộc chiến chính
nghĩa, phải hiểu rằng dù là ai của bên chiến bại, họ cũng là những người đồng
bào, đồng chủng mà có bạo tàn đến đâu cũng không thể tán sát đi tất cả. Và
chính những người dân này sẽ góp phần quyết định vào việc có xây dựng được
giang sơn tươi đẹp hơn hay không. Nhiều điều có thể giải quyết được trong chiến
tranh bằng súng đạn tàn bạo, sẽ không thể giải quyết được trong khi xây dựng
trong hòa bình.
Những người chiến bại trong cuộc chiến tranh bị
xâm lược sẽ muốn nhanh chóng quên đi những ký ức đau buồn mà cuộc chiến đem lại
cho gia đình, đất nước của họ bên cạnh những ấm ức, những mất mát như những vết
thương khó chữa lành.
Những người chiến thắng trong cuộc chiến chính
nghĩa, cần biết xây dựng sự bình an của xã hội, để cùng nhau phát triển đất nước,
xây dựng lại cơ đồ.
Ở đó, không thể thiếu sự hòa giải những mâu
thuẫn mà cuộc chiến đã đem lại. Những mâu thuẫn đó, sẽ là cội nguồn cho sự chia
rẽ, sự phân hóa, sự hận thù… và chỉ có khi hóa giải được những điều đó, thì chiến
thắng mới thật sự có ý nghĩa đúng đắn.
Và cũng chỉ khi đó, mới tập hợp được sức mạnh
toàn dân tộc để đương đầu với mọi thử thách, mọi mưu đồ xâm lấn và khuất phục của
kẻ thù chung của dân tộc, của đất nước.
Người ta thấy điều
gì ở nửa thế kỷ sau cuộc chiến ở Việt Nam?
Sau cuộc chiến, những dòng người bên chiến bại
và cả của những người dân bên chiến thắng đã ào ạt bỏ nước ra đi đến bất cứ nơi
đâu, bất cứ chỗ nào miễn là thoát khỏi chế độ “Thiên đường” của bên “Chiến thắng”.
Những cuộc vượt biên ào ạt, bất chấp sóng to,
biển lớn và hải tặc mà cái chết cận kề, thậm chí chui vào thùng xe lạnh chấp nhận
nguy hiểm để mong được thoát khỏi cái “thiên đường XHCN” mà bên chiến thắng hứa
hẹn.
Và số người Việt Nam buộc phải rời bỏ Tổ Quốc,
quê hương nơi chôn rau cắt rốn của mình để lưu vong khắp mọi phương trời trên
thế giới với sự ngậm ngùi: “Biết bao giờ trở về Việt Nam”.
Hẳn nhiên, sự phản kháng của họ cũng sẽ dần
tăng lên tỷ lệ với những uất ức, những oan khuất, những cay đắng và mất mát mà
họ phải chịu.
Những cuộc biểu tình phản đối, những hành động
chống đối, những cuộc thăm viếng của những nhà lãnh đạo đất nước đến nơi có đồng
bào, người dân của mình bị tẩy chay dữ dội và chui cửa hậu, đi lối sau đã trở
thành những biểu tượng cho sự hận thù và căm phẫn.
Và khi đó, những người cộng sản kêu gọi: Hòa
giải, hòa hợp dân tộc.
Nhưng, hòa giải như thế nào?
Nửa thế kỷ sau chiến tranh, ngày kết thúc chiến
tranh hàng năm, vẫn là những dịp kẻ cầm quyền tung hô, hò hét và gợi lại những
“chiến công”, những trận đánh, những thái độ của bên chiến bại bằng hệ thống
truyền thông khổng lồ.
Họ nhảy nhót, reo vui và tung hứng lẫn nhau,
đào lại, xới lên những vết thương khó chữa lành, khó hàn miệng của bên chiến bại.
Họ xới tung, bịa đặt, bêu xấu, làm cho sự nhục
nhã của bên chiến bại dâng cao trong lòng mỗi người, chỉ nhằm để thỏa mãn sự
kiêu ngạo, sự “tự hào” và che lấp đi sự bất chính, sự tàn bạo đằng sau và thực
chất của những “chiến thắng” đó.
Tất cả chỉ nhằm dựng lại cái “Vinh quang” tưởng
tượng mà họ đã đạt được bằng súng đạn, bằng sự tàn bạo và bất nhân, phi nghĩa.
Và đó cũng là cách họ ăn mày dĩ vãng, sống với
ảo ảnh của cái hào quang mà họ đã tạo nên bằng mọi mưu đồ, mọi giá, bằng hàng
triệu sinh mạng người dân.
Nửa thế kỷ sau chiến tranh, những dòng lý lịch,
những ngôn từ dùng để chỉ bên chiến bại vẫn cứ ra rả được sử dụng, được dùng để
ngăn chặn những sự tiến thân của các thế hệ sau từ bên chiến bại.
Những cựu chiến binh, những thương phế binh của
bên chiến bại vẫn tủi nhục mưu tìm cuộc sống nơi đáy xã hội mà không dám mở miệng
kêu la hoặc chỉ là những lời rên rỉ.
Và từ những đất nước xa xôi, vẫn vọng về quê
hương sự cảm thông với thân phận người dân, sự căm phẫn và những lời ai oán về
một chính quyền, một nhà nước ngày càng lộ rõ bộ mặt hèn với giặc, ác với dân.
.
Người cộng sản phải
hòa giải bắt đầu từ đâu?
Có lẽ, khi nghe nói đến từ hòa giải, nhiều người
sẽ chỉ nghĩ rằng người cộng sản Việt Nam hiện nay đang nói về những người phía
bên kia của cuộc chiến đã qua, những người thuộc về bên chiến bại, những người
đang sống trong hoặc ngoài đất nước nhưng không đồng tình và phản đối quyết liệt
chế độ cộng sản ở Việt Nam.
Và những người cộng sản cũng chỉ nghĩ rằng những
lời hoa mỹ rằng hòa giải, hòa hợp dân tộc của họ chỉ nhằm đến những đối tượng ấy,
dù họ đã buông ra đủ những từ hoa mỹ như họ là “khúc ruột ngàn dặm” là những kiều
bào, con dân giòng giống Việt…
Thế nhưng, có lẽ người cộng sản không hiểu hết
ý nghĩa của từ hòa giải, hòa hợp cần phải sử dụng ở những nơi nào.
Ngoài những đồng bào của bên chiến bại, bên
thua cuộc trong cuộc xâm lược trắng trợn phải ngậm ngùi chấp nhận và thậm chí
tâm lý bại trận trở thành phản xạ có điều kiện trong họ. Trong chế độ cộng sản,
được hình thành bởi cuộc “Cướp chính quyền” và tồn tại bằng súng đạn,sự tàn bạo
và dối trá gần một thế kỷ qua trên đất nước Việt Nam, không chỉ những người đồng
bào của Việt Nam Cộng Hòa, mà ngay cả những người dân sinh ra, lớn lên trong chế
độ cộng sản miền Bắc, đã dần dần hiểu ra bản chất của chế độ cộng sản.
Đó không chỉ là cướp chính quyền, mà cướp bằng
nhiều cuộc cải cách, bằng nhiều cuộc “cách mạng” mà mọi thứ, từ nhân phẩm, quyền
sống, quyền tự do tối thiểu của con người bị tước đoạt.
Và họ đã lên tiếng, họ đã phản đối.
Họ phản đối những chính sách bất nhân lấy cướp
làm đầu bất chấp nhân nghĩa, công lý, công bằng và sự thật. Họ phản đối một chế
độ lấy tham nhũng làm cốt lõi cho sự tồn tại, coi người dân như cỏ rác, mọi
hành động và nguồn lực, đều chỉ nhằm củng cố chiếc ghế cai trị trên đầu, trên cổ
người dân.
Họ phản đối một nhà cầm quyền mạo danh “Của
dân, do dân và vì dân” nhưng được hình thành và củng cố bởi súng đạn và lừa đảo.
Họ phản đối những chính sách cho phép họ cướp
tài sản, đất đai của họ bao đời xây dựng, chỉ bằng ý thích của một quan chức cộng
sản, lập tức bị lực lượng vũ trang tấn công, đàn áp, thảm sát.
Họ phản đối tài nguyên đất nước bị bóc sạch,
đào sạch bán đổ bán tháo nhằm cho đầy túi quan tham trong đảng lãnh đạo.
Họ phản đối thái độ ươn hèn trước giặc ngoại
xâm, thái độ “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ”, tiếp tay cho ngoại
xâm và đàn áp tàn bạo những người yêu nước.
Và họ được đảng, nhà nước ưu ái dành cho chỗ ở
trong nhà tù.
Nhà cầm quyền cộng sản, muốn có sự hòa hợp,
hòa giải, trước hết cần phải hòa giải đối với họ, đối với những tấm lòng yêu nước,
vì cộng đồng, vì xã hội mà lên tiếng chứ không cần những lời mỹ miều được nhắc
đi nhắc lại rằng: Tôn trọng những ý kiến phản biện nhưng hành động ngược lại. Bởi
trong xã hội không có tiếng nói phản biện thì hẳn nhiên mọi sự suy đồi sẽ có cơ
hội phát triển.
Cũng không chỉ là những người dân, những người
có thân phận cọng rơm, cái kiến trong xã hội, mà ngay cả những công chức, công
an, thậm chí quan chức cấp cao cũng đã bằng cách này hay cách khác thể hiện sự
bất mãn rất có lý của họ về hệ thống tham nhũng, hà hiếp người dân, phe cánh và
cả những chính sách sai lầm hại nước của nhà cầm quyền hiện nay.
Và họ được đảng đưa vào lò, thành củi trong những
cuộc thanh trừng nội bộ, trong những hành động trù dập, trấn áp.
Nếu nhận thấy sự hòa giải là cần thiết, nhà cầm
quyền cộng sản cần hòa giải với chính họ, chính những công chức trong hệ thống
cầm quyền, để họ có thể yên tâm lo lắng cho công việc của họ, hoàn thành trách
nhiệm được giao và góp phần xây dựng xã hội, đất nước.
Thậm chí, không chỉ các quan chức lên tiếng,
mà cả những cá nhân đảng viên, quan chức đang im lặng, điều ai cũng biết rằng
trong mỗi cá nhân, dù là người cộng sản, cũng chứa một trái tim, và ở trong
trái tim đó, có chứa những tình cảm con người, gia đình, bạn bè, xã hội và cộng
đồng.
Những trái tim của họ sẽ không thể nào im lặng
trước những chính sách, hành động bất nhân của nhà cầm quyền đối với nhiều vấn
đề xã hội và đất nước.
Vậy nhà cầm quyền cộng sản cần hòa giải thì
trước hết, họ cần sự hòa giải với chính tâm hồn của họ, với những tiếng nói
lương tâm của họ, với những sự thôi thúc của sự thật, của tính người trong họ.
Do vậy, chuyện hòa giải của người cộng sản hôm
nay, không chỉ là những người Việt ở năm châu, những “khúc ruột ngàn dặm” hay
thế lực chống đối, phản biện ở nước ngoài. Mà trước hết, họ cần hòa giải với mọi
thành phần xã hội, với những người dân trong nước.
Và trước hết, là hòa giải với chính tính người,
chính lương tri của từng cá nhân trong họ.
Ngày 30/4/2021
J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment