Friday, 30 April 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 30/04/2021 (The Economist)

 



Thế giới hôm nay: 30/04/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

30/04/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/04/30/the-gioi-hom-nay-30-04-2021/

 

Kinh tế Mỹ tăng mạnh trong ba tháng đầu năm 2021, nhờ kích thích tài khóa khổng lồ và nới lỏng hạn chế covid-19 giúp thúc đẩy tiêu dùng. GDP quý đầu tăng 6,4% nếu tính theo năm. Đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới cũng giảm xuống còn 553.000 vào tuần trước, mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch.

 

Các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc về Síp không đạt được tiến bộ nào. Tổng thư ký António Guterres đã mời các nhà lãnh đạo các chính phủ thân Hy Lạp và thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Síp đến Geneva để thảo luận về việc khởi động lại tiến trình hòa bình chính thức. Hiện chính phủ Síp thân Hy Lạp được quốc tế công nhận, nhưng 1/3 phía bắc của hòn đảo vẫn thuộc quyền kiểm soát của Cộng hòa Bắc Síp tự xưng thân Thổ Nhĩ Kỳ.

 

AppleFacebook đồng loạt công bố lợi nhuận cao ngất ngưởng. Người tiêu dùng thèm muốn iPhone 5G nhưng phải sống trong phong tỏa ở phương Tây và Trung Quốc đã giúp Apple thu tới 23,6 tỷ đô la lợi nhuận trong quý đầu năm 2021, so với 11,3 tỷ đô la của năm ngoái. Trong khi đó doanh số quảng cáo vững chắc giúp Facebook mang về 9,5 tỷ đô la trong cùng kỳ — song họ cũng thừa nhận một tính năng bảo mật mới được Apple tung ra trong tuần này có thể gây hại cho hoạt động kinh doanh của Facebook.

 

Năm ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đều báo lợi nhuận tăng nhẹ trong quý đầu, nhờ GDP tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thiệt hại tăng từ các khoản nợ khiến tăng trưởng thu nhập của cả năm ngân hàng chỉ ở mức dưới 3%. Biên lợi nhuận ròng, một chỉ số quan trọng, giảm ở bốn trên năm ngân hàng.

 

Moderna, hãng công nghệ sinh học Mỹ đã phát triển một trong những vắc-xin mRNA đầu tiên chống lại covid-19, tuyên bố ​​sẽ sản xuất 3 tỷ liều trong năm 2022, cao hơn gấp đôi so với dự báo trước đó. Năm nay, họ sẽ sản xuất từ 800 triệu đến 1 tỷ liều. Trong đó liều nhắc lại và liều trẻ em chỉ cần nửa liều. Và các thử nghiệm mới cho thấy chúng chỉ cần trữ trong tủ lạnh thay vì tủ đông, giúp đơn giản hóa công việc phân phối.

 

Tòa án hiến pháp Đức tuyên bố các luật chống biến đổi khí hậu của nước này phần nào “vi hiến” vì chúng đặt gánh nặng lên các thế hệ tương lai. Vụ kiện này do một số thanh niên đệ lên, và được các nhóm hoạt động ủng hộ, bao gồm Fridays for Future của Greta Thunberg. Tòa án cho các nhà lập pháp Đức một năm để nói rõ hơn về cách họ sẽ cắt giảm lượng khí thải sau năm 2030.

 

Trung Quốc bắt đầu xây dựng một trạm vũ trụ sau khi phóng thành công Thiên Hòa, phần lõi nặng 22 tấn của trạm và là mô-đun đầu tiên trong ba mô-đun dự kiến. Khi được lắp ráp hoàn chỉnh, tới cuối năm 2022 trạm Trung Quốc sẽ có kích thước bằng một phần sáu so với Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS hiện tại. Đến nay Mỹ kiên quyết không cho Trung Quốc sử dụng ISS vì e ngại chia sẻ công nghệ.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Trung Quốc phóng thành công module trạm vũ trụ Thiên Hoà

Trung Quốc có tham vọng lớn trên không gian. Hôm qua họ đã phóng thành công Thiên Hòa, mô-đun đầu tiên của một trạm vũ trụ lớn. Trung Quốc thực ra đã có hai trạm nhỏ hơn. Thiên Cung-1 bốc cháy khi quay về bầu khí quyển Trái đất vào năm 2018. Còn Thiên Cung-2 đã được đưa ra khỏi quỹ đạo vào năm 2019. Trạm mới, dự kiến hoàn thành trong năm sau, sẽ có chỗ cho tối đa ba phi hành gia và nặng khoảng 66 tấn. Nó nhỏ hơn đáng kể so với Trạm Vũ trụ Quốc tế 11 người, nặng 450 tấn – một dự án mà Trung Quốc bị cấm tham gia (Mỹ cấm NASA làm việc với Trung Quốc từ năm 2011).

 

Tham vọng của Trung Quốc cũng vượt ra khỏi quỹ đạo gần trái đất. Năm ngoái, một tàu thăm dò đã đem về những mẩu đá Mặt Trăng đầu tiên kể từ những năm 1970. Và chẳng bao lâu nữa, một tàu thăm dò Trung Quốc sẽ tìm cách tiếp cận bề mặt sao Hỏa. Nếu đúng như vậy, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ ba – sau Mỹ và Liên Xô – đáp xuống sao Hỏa.

 

Credit Suisse có giám đốc mới

António Horta-Osório biết cách đưa các ngân hàng vượt qua khó khăn. Chủ tịch sắp tới của Credit Suisse đến từ Lloyds Banking Group, tập đoàn mà ông đã giúp kéo ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. Ngay sau khi được xác nhận tại hội nghị cổ đông thường niên của ngân hàng Thụy Sĩ trong hôm nay, ông sẽ lao vào sửa chữa rất nhiều vấn đề.

Trước mắt là mảng quản trị rủi ro già cỗi của Credit Suisse, sau khi hãng này bị động bất ngờ trước hai vụ phá sản công ty lớn gần đây. Vụ sụp đổ của Greensill khiến quỹ đầu tư của Credit Suisse mất 10 tỷ đô la trái phiếu đang nắm của Greensill. Còn hãng quản lý tài chính gia đình Archegos sụp đổ làm ngân hàng này thiệt hại 5,5 tỷ đô la. Đây là lỗi khách quan hay chủ quan? Các cơ quan quản lý muốn có câu trả lời. Và cổ đông có thể bỏ phiếu cách chức trưởng bộ phận quản lý rủi ro ngay hôm nay.

 

Ngoài ra có những câu hỏi sâu sắc hơn. Liệu hãng có nên giảm phụ thuộc vào mảng ngân hàng đầu tư không ổn định? Có nên hợp sức bằng cách hợp nhất với một ngân hàng châu Âu khác không? Ông Horta-Osório sẽ cần tất cả các kiến thức của ông cho công việc mới.

 

Lạm phát tăng ở Đức: dấu hiệu cho cả khối EU?

Hôm qua, Đức cho biết lạm phát giá tiêu dùng hàng năm của nước này đã tăng 2,1% trong tháng 4, cao hơn một chút so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB là gần 2%. Do đó ước tính lạm phát hàng tháng khu vực đồng euro của Eurostat, văn phòng thống kê thuộc EU, sẽ được các nhà hoạch định chính sách theo dõi sát sao.

 

Đầu năm nay, ECB dự đoán giá tiêu dùng sẽ tăng mạnh, nhưng cho biết họ nghĩ đây chỉ là mức tăng tạm thời do giá năng lượng cao hơn, do tăng thuế giá trị gia tăng của Đức và do những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng công nghiệp. Sau đó, họ dự kiến lạm phát ở dưới mức mục tiêu trong nhiều năm tới. Đó là lý do tại sao mà ngay cả ở Đức, một quốc gia còn nguyên kí ức về lạm phát kinh hoàng của những năm 1920 và 1940, việc tăng lạm phát cũng không gây ra phản ứng tệ nào. Song, giám đốc ngân hàng trung ương Đức Jens Weidmann cảnh báo lạm phát Đức có thể tăng lên tới 3% vào cuối năm nay.

 

Bài học lịch sử về bùng nổ kinh tế hậu đại dịch

Virus vẫn tiếp tục hoành hành ở các nước nghèo. Trong khi các nước giàu đang bùng nổ kinh tế sau đại dịch. Số liệu GDP của Mỹ công bố hôm qua đã cho thấy nước này gần đạt được mức tiền đại dịch. Các nhà kinh tế đang dự đoán về cuộc bùng nổ kinh tế sắp tới — và họ đang nhìn về lịch sử.

 

Những đợt bùng nổ sau đại dịch trước đây có một số bài học. Đầu tiên là mặc dù mọi người muốn ra ngoài và tiêu xài khi không còn phải lo lây nhiễm, nhưng vẫn còn nhiều điều không chắc chắn. Thứ hai là cấu trúc của nền kinh tế thay đổi mạnh mẽ. Tự động hóa tăng lên và mọi người nhạy bén kinh doanh hơn. Cuối cùng là bất ổn chính trị có xu hướng gia tăng, khi những người gặp nạn trong cuộc khủng hoảng tìm cách trả thù. Một ví dụ là “Les Misérables” (Những người khốn khổ), bộ truyện lấy bối cảnh sau một trận dịch tả ở Pháp vào đầu những năm 1830. Hãy tận hưởng cuộc bùng nổ khi còn có thể trước khi có một bước ngoặt bất ngờ.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats