Ký
sự : Quân trường – Thao tập (Phần 2)
Trần
Tỉnh Lê
26/04/2021
https://baotiengdan.com/2021/04/26/ky-su-quan-truong-thao-tap-phan-2/
Tiếp theo PHẦN 1
***
PHẦN
2 : NHỮNG CHẶNG QUÂN HÀNH
Đã là binh sĩ mà viết về chuyện hành quân, có lẽ độc giả nghe quá nhàm
chán. Hơn nữa, chiến tranh Việt Nam đã lùi xa gần nửa thế kỷ rồi, viết về sự
quân hành của các chiến binh có thể ít ai muốn đọc hay nghe lại bởi vô số hình ảnh
trên phim ảnh và cũng vô số tự truyện, tiểu thuyết ngắn, dài khắp thế giới đã
minh họa.
Nhưng, tôi vẫn cứ “liều” viết về sự kiện chung này của đất nước và cho
riêng tôi muốn trang trải cùng thế hệ mai hậu còn tâm huyết, nghiên cứu một chặng
đường lịch sử tang thương trong chiến cuộc tương tàn, đẫm máu Việt Nam.
“Trường Sơn, ai đó đã từng,
Chưa qua nơi ấy, xin đừng ba hoa.
Sớm, trưa, chiều, tối: Bốn mùa
Núi cao, vực thẳm, gió lùa lạnh căm
Trùng trùng, lớp lớp đoàn quân
Tóc vờn gió núi, bước chân lưng trời
Phóng tầm nhìn mắt xa khơi,
Biển Đông sóng vỗ nghìn đời, long lanh
Đại ngàn, một cõi nguyên sinh
Dựng lên vóc dáng, bóng hình Việt Nam
(Giang Hồng, 2 -1969)
“Từ buổi con lên đường xa mẹ,
Theo anh em qua Lào rồi tiếp bước vào Trung
Non xanh, núi biếc chập chùng
Sớm nắng biển, chiều mưa rừng gian khổ
Tuổi thanh xuân, cuộc đời như hoa nở
Vì hòa bình, đâu ngại bước gian nguy
Mấy tháng trời, đêm nghỉ, ngày đi
Giày vẹt gót, áo sờn vai thấm lạnh
Đây, Trường Sơn, núi rừng cô quạnh
(Xuân Vũ – Một chiến sĩ Bắc Việt hồi chánh
phía quân lực Việt Nam Cộng Hòa)
Chỉ hai đoạn thơ trên của binh sĩ từ một phía, bước qua chiến tuyến khác
đã phác họa khá rõ nét về việc quân hành xâm nhập từ Bắc vô Nam. Nhưng, tôi vẫn
tin rằng nhất định sau này, sẽ có nhà đạo diễn dựng lại bộ phim toàn cảnh trung
thực về đại ngàn Trường Sơn với bước quân hành của những đoàn quân xuôi, ngược
ra Bắc vào Nam hay bước vào chiến dịch xuống đồng bằng, đánh đô thị hoặc rút
tàn quân, tháo chạy, ẩn khuất và cảnh đói rét trong vách đá, rừng sâu của những
binh sĩ Bắc Việt.
Tôi e rằng, càng để lâu thì sự thật có thể sẽ bị biến dạng và trang, y
phục, quân cụ, vũ khí xưa cũ với con người ngày ấy càng khó tìm kiếm. Nếu tác tạo
lại đủ, cũng sẽ rất khó trung thực, cho dù tốn hao tiền bạc và hóa trang lại được
những “bộ xương” biết di động, khoác trên thân họ những chiếc áo, quần tả tơi,
bươm nát, cáu bẩn bết máu với bùn sình, đất đỏ của từng đoàn người lính chiến ở
Liên khu V, VI (1968 – 1970) và bộ phim khó thành tựu mỹ mãn.
Xin đừng lặp lại toàn bộ những thước phim như Trung Đội, Rambo … của Hoa
Kỳ. Càng không thể “diễn hài hề” như phim “Mùi cỏ cháy” hay các phim tư liệu,
truyền hình hoặc các sách, báo, bài viết về truyền thống các đơn vị lớn, nhỏ của
phía Cộng sản. Đặc biệt, tránh sử dụng nội dung “hồi ký” mà phải nhờ người khác
viết thay của các tướng, tá hay bộ máy tuyên truyền của người Cộng sản. Và,
cũng càng cẩn trọng hơn khi sử dụng cảnh tượng, chi tiết của nhiều tay viết,
phía Việt Nam Cộng Hòa về các cuộc trường chinh, quân sử.
Trong khuôn khổ một ký sự, khó có thể viết dài nên tôi sẽ chia ra nhiều
đoạn. Bởi, mỗi chặng đường đều mang những dấu ấn lịch sử hay sắc thái chính kiến
riêng theo diễn biến thời lượng. Nhưng, tôi luôn tâm nguyện bảo đảm tính trung
thực tối đa nhất của mỗi sự kiện.
Chỉ gần 4 tháng hành trình qua Trường Sơn đã ghi lại trong tâm thức của
tôi như đã bước vào một kho báu vô giá của Tổ Quốc. Những gian khổ từ mang vác,
giúp đỡ những “đồng chí” yếu, kém tư tưởng, bệnh tật dọc đường hay ăn uống kham
khổ, đói, rét và bị địch quân bắn, phá dọc đường đã có quá nhiều người viết rồi
và hầu như không ảnh hưởng đến đoàn quân mang mật số 2103, đơn vị có tổng số
hơn 665, A8 của tôi khi đó có 12 chiến sĩ, càng đi sâu vào phía trong bị “tụt tạt”
mất 4, 5. Riêng tôi càng đi, càng thấy mạnh khỏe hơn. Có lẽ, nhờ vậy mà sau
ngày “chiến thắng” năm 1975 – 1976, tôi đã soạn thảo căn bản 4 dự án xây dựng lại
đất nước, trong đó dự án số1 là: “Đại Lộ Trường Sơn” sẽ xin tường trình với độc
giả ở các ký sự tiếp theo.
Từ khi vào đến chiến trường, tôi chỉ bị hai lần sốt rét nhẹ mất vài
ngày. Lần thứ nhất: Đêm ấy, cùng viên trinh sát tên là Xuân, vượt đoạn đường ở
Đồng Tháp trong mưa bão, nước lội có chỗ lên đến gần đầu gối, sũng ướt, gần suốt
đêm đến Tân Lèo và phải trở lại ven bờ nhánh Vàm Cỏ Tây (Long An) trước giờ
sáng, để nhận số dược phẩm, y cụ cho đơn vị. Và, lần thứ hai là cuộc hành quân
lạc mất đơn vị hơn 10 ngày, đói, khát, rét mướt giữa Tháp Mười mênh mông mùa nước
nổi. Xin ghi lại ít dòng ký sự này để độc giả cùng chia sẻ một chặng quân hành
thiếu sống, thừa chết:
Sau khi nhận tân binh, biên chế và huấn luyện gấp gáp cho tất cả binh sĩ
từ miền Bắc vào làm quen dần với chiến trường sông, nước ở biên giới Long An –
Cambodia, đầu tháng 10 là ở xứ đồng bằng Sông Cửu Long, nước dâng cao nhất. Dân
gian nơi đây thường lưu lại lời cảnh báo đã bao đời: “Nước 17 nhảy qua bờ” cũng
có nghĩa là con nước từ đầu tháng đến 17 tháng 10 là nguy ngập nhất, nó phăng
phăng tràn lên hết đường xá, kể cả quốc lộ 4 được coi là cao nhất khu vực vẫn
có những đoạn bị ngập lên tới đầu gối, nước còn “nhảy qua” tất cả các bờ mẫu,
sông, rạch, đìa, bưng.
Đơn vị tôi được cấp gần 100 chiếc xuồng ba lá, đa số là mới “cáo cạnh, hạ
thủy lần đầu”. Được phân công mỗi chiếc xuồng chuyên chở từ 3 đến 5 binh sĩ,
tùy theo cơ số súng, đạn mang theo. Trung đội hỏa lực mạnh có một khẩu cối 81
và 1 khẩu 60 mm, một khẩu đại liên do Liên Xô viện trợ, di chuyển trên 5 xuồng.
Cứ một hay hai xuồng lại phân nhiệm một trinh sát cũ đi cùng hay binh sĩ người
miền Nam dẫn đường.
Ban chỉ huy là anh Ba Hẫm và anh Hai Trường (Bùi Thái Trường) chính trị
viên hành quân ở đội hình lùi về phía sau, nhưng đi giữa đội hình. Ba đại
đội tạo như mũi tên khổng lồ “lao về phía trước”. Đội trinh sát chia thành hai
bộ phận, một số đi trước mở đường và một số cùng các ban Tham – Chính – Hậu “bọc
lót” phía sau. Xuồng của tôi có hai vị “cựu binh chiến trường” từ ngày độ tuổi
còn vị thành niên, đó là Đặng Thế Khởi (Sáu Khởi – Phú Quý, Mỹ Tho và Năm Sơn,
Giồng Trôm, Bến Tre) và ba chiến sĩ từ Bắc mới vào trong đó có tôi.
Các đơn vị di chuyển sát, song hành cùng trung đội hỏa lực mạnh, do Thượng
sĩ Ngọc Diệp, quê Văn Tiến, Vĩnh Phú chỉ huy. Xuồng của chúng tôi được cấp
phát, trang bị hai khẩu Ak 47 mới toanh, 1 khẩu súng ngắn K54 và hai thùng lựu
đạn do Trung Quốc viện trợ, cùng một số quân cụ y, dược khác. Lệnh hành quân của
cấp chỉ huy ban ra như tiếng thì thầm chìm trong mưa, bão đang cuồng nộ, gào
thét: “Xuất phát”.
Có lẽ cấp trên của chúng tôi đã rút được kinh nghiệm cách đây ít ngày,
tiểu đoàn chủ lực Quân khu 8 mang danh số D.263, trên chặng đường hành quân xuống
chiến trường vừa bị đối phương “xóa sổ” trên dọc bờ kinh Dương Văn Dương, nên
anh Ba Hẫm đã triệt để khai dụng “yếu tố bất ngờ” như đêm nay cho xuất quân vào
giờ khắc mưa, gió, giông bão. Đoàn xuồng như một đàn cá đen trũi, lầm lũi “bơi”
trong đêm trên nhánh Vàm Cỏ Tây chếch về hướng Tây Nam. Sau ít phút hì hục, hè
nhau khiêng, vác lên khỏi bờ sông để vượt qua bãi cỏ còn cạn nước và bằng các
con sào chống chỏi cùng các cánh tay đẩy “vượt cạn”. Mỗi con xuồng đều được
trang bị ít nhất là hai hoặc 3 chiếc dầm bơi, lái và một chiếc sào bằng cây tầm
vông dài, khá vững chắc.
Mở đầu, Sáu Khởi, chống sào rất tuyệt, mỗi nhát chống, đẩy của anh ấy
khiến các lớp cỏ lăn, lác rạt xuống lườn, chiếc xuồng dướn mạnh, chồm lên phía
trước. Tôi ngồi trên đầu mũi vừa trợ sức, bơi, lái với khẩu Ak47 cảnh giới. Ngồi
giữa, phụ bơi là hai anh Xuân Thủy (Yên Đồng – Vĩnh Lạc) và anh Xuân Bổ (Yên
Lãng – Vĩnh Phú). Mưa bay mịt mù, bão giông gào thét, bầu trời đen kịt, mặt nước
bắt đầu thấy lênh láng như biển cả.
Nếu, không phải dân bản xứ thì vô phương kiếm, tìm được phương hướng hay
điểm đứng chỗ này là nơi nào trên trái đất này. Đoàn xuồng đã rời khỏi nơi xuất
phát được khoảng gần hai tiếng đồng hồ thì bỗng, phía trước mặt, sát bên hông
phía cánh phải trung đội hỏa lực, một loạt đạn liên thanh chớp lửa, xé không
gian xuyên thẳng vào đội hình. Tiếp sau, từng loạt, từng tràng “dây lửa” đạn
đan chen, nổ chát chúa ngay trên đầu chúng tôi.
Phản xạ tự vệ cấp thời, ai đó ở xuồng bên cạnh đã “đáp trả” phía đối
phương một băng đạn Ak 47, khiến đội hình hành quân bắt đầu biến dạng, không biết
ai còn sống, chết ra sao. Tiếng súng nổ của địch quân càng dữ dội hơn. Phản ứng
sinh tồn của con người đã run rủi và đưa con xuồng của chúng tôi mất định hướng.
Đội hình hành quân tan tác, mạnh xuồng nào thoát thân được thì cứ lao ra khỏi tầm
đạn của đối phương. Khi đã vượt ra một quãng khá xa tầm đạn và bằng mọi giá phải
di chuyển nhanh hơn để phòng, tránh những trận pháo kích của địch quân có thể sẽ
dội xuống khu vực đã bị lộ này.
Năm Sơn chống sào thay để Sáu Khởi phòng thủ và xác định hướng. Các tay
dầm trên xuồng dùng hết sức bình sinh cố vượt thoát vòng “đất chết”. Trên quãng
đường “đua tìm sự sống” con xuồng ngả nghiêng như muốn chìm, lớp thì nước từ dưới
đồng văng lên tung tóe, lớp nước mưa như trút xuống. Hai anh Xuân Bổ và Xuân Thủy
phải thay nhau sử dụng hết “công lực” và những dụng cụ để tát nước trong xuồng
đổ ra ngoài. Những động tác phối hợp khẩn cấp như một “cỗ máy” cứ tăng tốc, nhịp
nhàng “tác chiến” hơn cả hình ảnh “năm anh em trên một chiếc xe tăng”.
Đúng như nhận định của Sáu Khởi: Đại pháo, hỏa lực mạnh của địch quân từ
các Chi khu Mộc Hóa, Tiểu khu Kiến Tường và khu vực lân cận bắt đầu cùng phát hỏa,
xé tan một khoảng đất, trời. Súng, đạn và pháo sáng các đồn bót của đối phương
trấn giữ chung quanh đua nhau nổ, hỗ trợ lẫn nhau. Trong đêm đen và những đợt
mưa không dứt, nhờ có ánh hỏa châu và với kinh nghiệm chinh chiến dạn dày, Sáu
Khởi không cho con xuồng áp sát mấy vạt Tràm, mà bơi lùi ra phía các cánh đồng
trống trải để tránh đạn pháo kích. Cũng may mắn là, đêm mưa quá lớn nên phi cơ
địch không thể tham chiến được. Nếu, giờ khắc ấy mưa tạnh, gió hòa thì chắc chắn
rằng, tôi không còn sống để ngồi đây viết những trang ký sự này.
Có lẽ phía địch quân phát hiện tiếng súng nổ của một loại vũ khí “chủ lực”
của Việt Cộng (Ak47) nên họ đã kêu tăng viện bằng cách trút hàng ngàn trái đạn
pháo xuống một khoảng đất rộng lớn nhằm tiêu diệt và ngăn chặn “tàn quân” di
chuyển của đối phương. Tiếng chạm nổ của đạn đại pháo từ những ngọn Tràm khiến
cây cối gãy, đổ ràn rạt, kêu răng rắc. Pháo binh địch quân sử dụng cả loại đạn
pháo nổ chụp từ trên cao, gây ra tình huống vô cùng nguy hiểm cho mạng sống mỗi
chúng tôi đang lênh đênh trên mặt nước.
Những tạc đạn như những quầng lửa gầm rít, đan, chen, cắt xé bầu trời rồi
chụm lại nổ “bụp, bụp, bụp” ngay trên đầu rồi bủa xuống mặt nước hàng ngàn, vạn
miểng. Những âm thanh gầm thét như muốn xé rách bung màng nhĩ. Những chớp lửa
như những tia mắt của hung thần trong truyện huyền thoại đang chặn đứng mọi lối
thoát thân của những loài vật bé nhỏ, đơn độc. Cũng có lý, mãi về sau các nhà
làm phim họ đã biết sử dụng âm thanh ba, bốn chiều để dựng lên cảnh chiến tranh
ngày càng thêm hiện thực, mà hơn 50 năm trước tôi đã có dịp làm “khán, thính giả,
chứng nhân” để “thưởng ngoạn và trả giá” bằng cả sinh mạng của mình.
Năm chúng tôi phải chui dưới gầm chiếc xuồng để mong tránh các miểng đạn
pháo đang bủa xuống khắp đó, đây. Đứng dưới gầm xuồng, nhưng mỗi người phải
dùng hai bàn tay của mình đẩy tiếp, di chuyển xuồng rời xa hơn vùng lửa đạn. Hiện
tình, lúc này thì ai biết nơi nào an toàn, chỗ nào là “vùng không lửa đạn”. “Đại
dương” nước Tháp Mười vẫn mênh mông, không định hướng, gió, mưa khiến cho những
vạt Tràm, biển cỏ đưng, lác rạp xuống mặt nước, đạn pháo bao phủ kín ngút trời…
nên còn biết nơi đâu là cõi sống hay mấy trăm con người “đồng đội” vừa tan tác
kia lẩn khuất như những bóng đen trên đường chạy, trốn, ẩn náu. Biết ai là bên
địch, ai là phía ta?
Tiếng pháo địch quân tiếp tục bắn cầm canh, pháo sáng các nơi vẫn bắn
lên soi sáng đều đặn để ngăn chặn lối thoát của đoàn Việt Cộng chúng tôi. Đêm
nay, chắc chắn Tư lệnh sư đoàn 7 của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ở Đồng Tâm, họ
đã chuẩn bị kỹ lưỡng phương án tác chiến quy mô cho một cuộc truy cùng, diệt tận
số Việt Cộng đang chui lủi, lẩn khuất quanh đây sẽ khó thoát vào ngày mai.
Đúng như dự đoán: Từ tờ mờ sáng nghe phía địch quân cho phi cơ L19 bay rất
thấp phát những bản nhạc và đọc bản văn, thơ kêu gọi, chiêu hồi. Đại ý chung có
nội dung là: Việt Cộng, đội hình hành quân của chúng tôi đã bị bại lộ, một số
đã chết và bị bắt. Họ nêu rõ họ, tên, quê quán những binh sĩ “sinh Bắc tử Nam”
và hiện tình chiến sự là sẽ không thể nào thoát chết hoặc bị bắt sống, nên cần
ra đầu hàng sớm để được chính quyền của họ khoan hồng và bảo vệ.
Chiếc phi cơ chiêu hồi bay ở vòng hẹp và rộng dần ra trung tâm điểm đụng
độ đêm qua, nên Sáu Khởi nhận biết đó là khu gần rừng Bắc Trang – Kiến Tường,
nơi có đơn vị biệt kích rất hung hãn. Và, kết thúc chương trình chiêu hồi là lửa
đạn toàn vùng bắt đầu sôi động. Các cụm đại pháo lại phát hỏa hàng ngàn trái nổ
khiến “rung nước, chuyển trời”.
Khoảng nửa tiếng “dọn bãi” là những chiếc trực thăng “đầu láng” (HU.1A”
chỉ huy) phành phạch bay vòng lượn tít trên cao. Cặp “cá lẹp” (UH.1 – Tiêm
kích) gầm rít, nghênh ngang chúi mũi quan sát vào các mục tiêu đáng nghi ngờ để
chuẩn bị trút xuống hàng vạn viên đạn gồm hỏa tiễn, đạn nhọn và từng dây M79.
Còn đôi “cá nóc míc” (OH.6 – Soi + Xét) thay đổi nhau các điểm dừng lại, rà sát
mặt nước, ngọn cỏ, soi từng cành lá, mỗi ngọn cỏ, cây. Xét mỗi lối mòn, vết dấu
đáng nghi ngờ để rồi cũng sẵn sàng trút xuống đó hàng khối bộc phá, lựu đạn M26
hay những đợt xiết cò, xả những tràng đạn liên thanh M16 vào bất cứ nơi, chỗ
nào muốn hủy diệt.
Biết không thể thoát thân trong thời khắc khốc liệt này. Sáu Khởi cho
dìm xuồng sâu xuống mặt nước dưới mấy lùm cỏ lăn, cỏ lác rồi kêu mỗi người tản
ra thật xa khỏi nơi chiếc xuồng, hướng theo những bãi cỏ trống trải nhất và căn
dặn không ai được để lại dấu vết trên các ngọn cỏ và cũng không được động đậy mặt
nước để phi cơ của địch quân nghi ngờ. Nếu có bị phát hiện ra chiếc xuồng thì
cũng khó bắt sống và giết được người.
Trước khi trời tờ mờ sáng, chúng tôi đã hoàn tất mệnh lệnh. Mực nước
Tháp Mười khi đó chỗ sâu cũng đã ngụp đầu, còn hầu hết là ngập ngang ngực và đến
mang tai, nên chỉ cần cúi nhẹ xuống là cỏ lăn, cỏ lác đã phủ kín hết cả đầu.
Theo hướng di chuyển của Sáu Khởi, chúng tôi đã tránh khỏi chiếc xuồng xa hơn cả
cây số và lại may mắn gặp một đầm sen, súng. Nhờ có những cơn mưa liên miên vừa
qua, nên lá sen càng mướt xanh, hoa súng và sen đua chen những bông vàng, tím,
đỏ rộ nở mà hương sen thơm ngát cả một vùng. Những tàn lá lúp xúp thấp, cao khỏi
mặt nước đã giúp chúng tôi thỉnh thoảng phải ngửng mũi lên khỏi mặt nước để
tranh thủ hít, thở Oxy tìm sự sống.
Phía trước mặt là hàng chục trực thăng HU.1A, HU.1B lần lượt, thay nhau,
xà xuống độ khoảng cách chừng 100 mét. Những động cơ, cánh quạt gió của chúng tạo
nên làn sóng nước dập rềnh, dâng trào, đập mạnh vào bụng, ngực như muốn đẩy
thân xác tôi bật lên khỏi mặt nước. Tôi đã phải dùng cả hai bàn chân kẹp chặt
vào gốc mấy cây sen và hai tay thay nhau, ôm xiết những cụm thân sen để không bị
sóng đánh trôi đi hay nổi lên.
Mùa mưa, nên nước ở Tháp Mười trong suốt lại được “phụ họa” thêm độ phèn
“tẩy rửa” nên có thể nhìn thấy rất rõ mặt đất hay đàn cá, tôm, bồ toọc tung
tăng bơi, lội hoặc mọi vật dưới sâu một, vài thước. Cũng vì thế mà tôi nhìn rõ
được từng đàn đỉa trâu đen trũi, lượn lờ, to hơn cả ngón chân. Chúng đã “bắt
hơi được mùi máu những con vật sống” như chúng tôi, nên cứ đua nhau, lao thẳng,
bám vào thân mình mà không thể xua đuổi chúng. Đó là chưa kể những đàn muỗi to
như đàn mòng, từng đàn, dài như bất tận cứ lăn xả vào mặt, mũi, đòi xin “tí huyết”.
Cuộc đổ quân đang diễn ra khẩn thiết hơn. Tiên đoán, có thể đã lên đến
vài đại đội rồi. Và, dấu vết nước dâng lên ướt các thân cây Tràm cao khoảng nửa
thước. Bãi lá sen mà 5 chúng tôi đang “chém vè” cũng trong cơn vô cùng nguy kịch.
Bởi, “cặp đôi nóc mit – OH.6” truy lùng sắp đụng tới “ranh giới chém vè”. Cả
hai “con OH.6” xà hẳn sát mặt nước dùng đôi cánh quạt của chúng “quét, xoay
tròn, dựng đứng các lùm cỏ” tạo thành những cột nước nhỏ xoắn tít, như rồng mây
đang hút, cuốn nước.
Tôi đã phải ngụp đầu hẳn dưới nước chỉ để ló lên hai lỗ mũi. Nhưng, độ rập
rềnh của những đợt sóng tràn qua lỗ mũi, vì vậy mà phải nhẹ nhàng dùng hai ngón
tay thay nhau bóp, bịt, mở cho mũi chìm trong nước vẫn có cơ hội để hít, thở
tìm thêm sự sống. Lần đầu tiên, tôi được mục kích tận mắt lực lượng binh sĩ của
quân lực Việt Nam Cộng Hòa với những bộ đồ rằn ri, cổ khoác những miếng vải màu
đỏ, xanh hay hàng trăm cái mũ sắt sáng loáng biết di động. Súng, đạn nai nịt kỹ
càng, những đôi giày nhà binh đen xám đang nhảy từ thân những chiếc trực thăng
xuống, khiến nước phía dưới tung tóe.
Tôi còn nhìn được rất rõ dáng điệu những viên chỉ huy của họ, khi người
lính mang bộ đàm PRC 25 với hai “hàng cây” ăngten hình lá lúa bóng lên ánh thép
nhà binh lúc vừa nhảy xuống đã rung rinh, ngất ngưởng vì dính nước ướt. Những
âm ngữ, âm thanh như nhận, truyền tin, mệnh lệnh của người lính mang bộ đàm và
vị chỉ huy của họ bị “cắt lát từng mảnh” bởi những guồng quay, rít cánh quạt
gió của trực thăng. Tuy, không nghe được tận tường, nhưng quan sát thấy rõ có
thể hiểu được là yêu cầu: Tất cả phải tản nhanh khỏi vị trí này để bước vào đội
hình tác chiến.
Nếu như giây phút ấy, được lệnh phát hỏa và tử thủ thì chắc chắn chỉ hai
khẩu Ak47 + 6 băng đạn của chúng tôi cũng đủ bắn hạ hay gây trọng thương ít nhất
là vài chiếc trực thăng HU.1A hay HU.1B, và tiêu hao một số sinh lực của đối
phương vì khoảng cách đã quá gần. Nhưng, nếu nổ súng lúc này là đồng nghĩa với
cà 5 chúng tôi đều tự sát.
Tiếng gầm của đạn đại bác đã tạm ngưng và sau khoảng hơn một tiếng đồng
hồ đổ quân xong. Các phi cơ chiến đấu “dọn bãi” cũng đã tạm coi như hoàn thành
nhiệm vụ trở về hậu cứ của họ. Trên cao bây giờ xuất hiện hai chiếc “đầu láng –
HU.1A”. Hình như địch quân đã “thay ca” hay thay đổi chiến thuật?
Binh sĩ của đối phương hoàn toàn không còn để ý, quan tâm gì tới những
khoảng đồng trống, mênh mông biển nước kia nữa. Họ tập trung “tảo thanh” các
khu rừng Tràm xung quanh cho đến tận xế chiều, không biết họ phát hiện được gì
hơn sự kiện đêm qua không, nhưng rồi họ chuẩn bị rút quân. Cũng bởi, nơi ẩn náu
của 5 chúng tôi là vùng nước sâu, nên lực lượng bộ binh không thể hành quân
truy sát tới được. Trước khi điều động trực thăng rước quân ở bên kia phía rừng
Tràm thì địch quân lại sử dụng loại “Bobo – Thuyền chiến cơ động nhanh” rà soát
lại chiến trận lần cuối.
Bất giác, 3 chiếc Bobo không biết rõ từ hướng nào “bay lướt trên mặt nước,
cách chỗ 5 chúng tôi ẩn núp không tới 30 mét. Động cơ và độ nhanh như xé không
khí của chúng, khiến tim óc tôi hoảng loạn, tay chân tôi như muốn rụng rời. Sau
những biến loạn, chấn động chết chóc kinh hoàng của một ngày. 5 chúng tôi lại
tìm đến nhau và phân công hai anh Xuân Thủy cùng Năm Sơn đi “kiếm lại chiếc xuồng”.
Chỉ trong khoảng đợi chờ ấy tôi đã phát hiện và dùng bàn tay mình kéo, rứt ra
khỏi bụng, mông, chân, ngực đến năm, sáu con đỉa to như trái chuối cau đã no nê
máu, ném chúng ra thật xa vẫn nghe tiếng “bủm, bủm”. Không biết, vào thời điểm
cực kỳ nguy kịch từ sáng tới lúc này đã có biết bao nhiêu con đỉa hút máu anh
em chúng tôi no nê rồi bỏ đi?
Ban ngày, bầu trời hưng hửng nắng thì ngập ngụa pháo bom, chết chóc “tử
thần gọi”. Chiều đến lại mây đen vần vũ, những cơn mưa, giông tố lại ập tới,
nên không thể xác định được hiện đang đứng đâu, tọa độ nào và sẽ đi về đâu. Sau
gần hai tiếng đồng hồ mới tìm lại được chiếc xuồng và “tề tựu” đủ 5 binh sĩ. Ai
cũng rét run vì đói, khát và ngâm nước suốt ngày như thế. Hai anh Bổ và Thủy
tranh thủ hái một ít gương sen bỏ lên xuồng để khi nào rảnh thì bóc, nhai nhâm
nhi. Mấy ai hiểu được nghịch lý rằng: Giữa mênh mông biển nước mà vẫn khát từng
giọt nước là vì ở đây chỉ là nước phèn nên không sao uống nổi. Chúng tôi ngồi
trên xuồng phải trải tấm nilon ra để hứng nước mưa mới uống được. Hay phải cuốn
lại những giọt sương đêm còn đọng trên những lá sen để “giải khát”.
Cứ bơi được vài tiếng đồng hồ thì Sáu Khởi, Năm Sơn lại chụm đầu vào
nhau bàn bạc, xác định lại phương hướng. Rồi, biết khi trời gần sáng lại tìm
nơi dìm, giấu xuồng và cả 5 lại tìm chỗ “chém vè” tiếp. Đã sắp 10 ngày, đêm
trôi qua mà lương thực (gạo sấy, thức ăn khô) chỉ chuẩn bị tối đa có 3 ngày,
nên đã hết từ 7 ngày trước. Từ ngày, đêm thứ 4 trở đi, chúng tôi bắt đầu nhịn
đói, uống nước mưa cầm hơi. Những, khi gặp được gương sen, bông súng, hoa điên
điển hay bất cứ thứ cỏ nào nhai được thì hái, vặt đưa vào miệng mà ngấu nghiến.
Tháp Mười vào mùa nước nổi từng đàn cá rô, các sặc nhiều không kể xiết.
Hay, trong rừng Tràm có biết bao chim muông, rắn, chuột trú ấn trên cành cây.
Nhưng, lênh đênh trên mặt nước, không bếp nấu, nướng, không được lộ diện ban
ngày. Bầu trời, mặt nước… địch quân vẫn ráo riết truy đuổi. Và, khi màn đêm
buông xuống lại phải tìm đường chạy trốn, thoát thân nên ai cũng ngày thêm kiệt
sức.
Năm Sơn và anh Xuân Bổ đã ngã bệnh sốt rét. Anh Xuân Thủy hầu như đã mất
tinh thần, tư tưởng bắt đầu biểu hiện sự suy sụp. Sáu Khởi thì càng đau đầu hơn
trong cơn rối trí, chưa tìm được lối thoát. Kẻ thù vẫn vây quanh, đồn bót, thám
báo địch quân giăng mắc, chốt chặn khắp các nẻo đường. Vào một chiều hoàng hôn
phủ xuống vắng lặng, những đám mây đen cũng đang kéo đến một vùng trời vô định
nào xa thẳm.
Tất cả chúng tôi bị rơi vào cơn khủng hoảng, bế tắc. Tôi vẫn núp trong
những lùm cỏ, bóng Tràm ngập nước tới ngực, vừa cố xua đi những đàn muỗi đua
nhau xông vào mặt, mũi tấn công tứ phía. Hình như, đàn muỗi đánh được hơi, máu
người, lần đầu tiên nên chúng “rủ rê, mời gọi” kéo hàng hàng, lớp cháu, con,
chít, chắt mấy đời của chúng bủa đến như những cuộc vây, hãm để đòi “nợ máu”.
Nhớ lại, hôm đó có lẽ đã qua ngày thứ 10, đói, rét, thất lạc. Tôi rút
trên áo ngực và lần giở cuốn sổ Nhật Ký để cố ghi lại ít dòng cảm xúc vào lúc
lâm nguy. Cuốn nhật ký thứ 4 này tôi đã viết ngay từ khi nhận lệnh nhập ngũ và
nó được bọc mấy lớp nilon, cột dây thun gói khá kỹ để tránh ướt. Đọc xong dòng
lưu bút của chị Bảy Huệ, người chị kết nghĩa của tôi những ngày trú quân ở Tà
Nu: “Rồi đây, em của chị sẽ là chiến sĩ dũng cảm biết mấy”. Chị viết trong đó
là quê ở Thanh Hưng, một nơi nào mà giờ này, làm sao tôi biết nơi ấy.
Sau trận nổ súng đầu tiên bắn đàn trực thăng của địch quân đến bố ráp,
thám sát khu vực đóng quân của chúng tôi vào chiều ngày 29 tháng 7 năm 1969. Và
sự kiện nữ sinh Thu Vân của trường Sư Phạm (Dân Chính Khu 8) đang độ tuổi đôi
chín đã bị trực thăng bắn chết thảm khốc, toàn thân em bị bầm dập, máu me lẫn
trong những thân cây, cỏ nát phủ toàn thân bê bết.
Thu Vân nằm bất động trên tấm nilon vừa được khiêng lên bờ từ chiếc xuồng
ba lá, cô có mái tóc óng ả, đen dài đến tận ngang hông và làn da trắng nõn. Người
con gái, quê ở Gò Công, mới tối hôm nào liên hoan văn nghệ chung với anh, em bộ
đội “ba sẵn sàng” chúng tôi. Thu Vân luôn ngồi bên chị Bảy Huệ lắng nghe, chăm
chú thả ánh mắt xa xăm.
Có lẽ, lần đầu tiên cô ấy mới nghe được thể loại nghệ thuật: Độc tấu và
âm ngữ “trọ chẹ” của người ở miền Bắc xa xôi. Đêm ấy, Chị bảy Huệ hát: “Bài Ca
Hy Vọng”. Nhiều bạn khác hát vọng cổ, giao duyên. Tôi tham gia bản độc tấu “Yêu
một nửa”… Giờ đây, Thu Vân nằm đó, thân xác không hồn. Chị Bảy huệ và các bạn đứng
vây quanh rưng rưng lệ và lo các thủ tục khác và mai đây sẽ đưa trả thi hài em
về lại với thân nhân, gia đình ở tận Gò Công xa, xa lắm.
Trên xuồng chỉ còn tôi và anh Sáu Khởi bơi, chèo, lái được. Trời cũng đã
chạng vạng sáng thì gặp một dòng sông, nước đang giòng, chảy xiết. Sáu Khởi ngồi
phía sau bơi, lái. Tôi ngồi mũi trước chèo, bơi tiếp sức. Chiếc xuồng đang “đổ
theo con nước” trôi xuôi. Bỗng, phát hiện lô xô những hàng rào dây thép gai và
cái lô cốt trên cao treo lá cờ vàng ba sọc đỏ ngay phía trước mặt. Sáu khởi vội
nhảy ra khỏi xuồng cố sức lôi, kéo con xuồng ngược lại.
Tôi cũng phản ứng mau lẹ, nhảy xuống tiếp sức thì tên lính gác trên lô cốt
kia cũng đã phát hiện sự kiện bất thường trước mắt, nên y xiết cò, xả súng bắn
về phía chúng tôi từng loạt liên thanh. Nhanh trí xử lý và cũng quá may mắn.
Sáu Khởi cùng tôi kéo lui chiếc xuồng được một đoạn thì gặp ngay một con rạch
chẽ ngang đi về một hướng khác. Hai bên rạch còn cây cối xum xuê nên đã giúp
thêm một lần thoát chết. Mãi sau này, Sáu Khởi kể lại là con rạch và trận đụng cái
bót địch hôm ấy ở trên kinh “đường Thét”, thuộc tỉnh Kiến Phong. Thế là lại trải
qua một lần, cả 5 anh em chết hụt thêm lần nữa.
Kế hoạch hành quân là tối đa, sau 2 đêm là đến điểm tập kết ở gần sát quốc
lộ 4, mà nay, chúng tôi đã lạc hơn 10 ngày vẫn lênh đênh ở tận tỉnh Kiến Phong.
Vào một buổi chiều khác, hôm ấy trời tạnh, mây quang, 5 anh em đều kiệt sức,
Năm Sơn đã thều thào không còn nói được nên lời nữa. Sáu Khởi âm thầm hạ quyết
tâm, liều mạng cất giấu xuồng ở một nơi khá xa, bỏ lại 3 anh em, Sơn, Thủy, Bổ
nằm trên đó, phủ kín các loại cỏ, cây, lá lên. Anh dẫn tôi mang khẩu AK đi
theo. Khẩu K 54, đạn cũng đã lên nòng. Cả hai chúng tôi trườn dưới nước, đầu đội
kín lớp rong rêu rồi cứ nhắm hướng Tây mà cắt, rẽ, đạp lên các loài cây, cỏ
lăn, lác bước tới khi phát hiện một nhóm người lạ. Không biết họ đang ngồi trên
những chiếc ghe nhỏ để câu tôm cá hay giăng lưới, đổ lờ lợp. Ánh trăng non đầu
tuần chênh chếch phía trời Tây, Những ánh sao đêm đã soi hình bóng nước. Mặt trời
mới vừa kịp lặn khuất sau những rặng núi nào đó vời xa. Nhưng, ánh nắng vẫn cố
vươn từ mặt biển, tỏa lên một khoảng trời những tia nắng quái chiều hôm. Sáu Khởi
với bộ mặt rất nghiêm trọng căn dặn tôi: Phải đứng cách xa mục tiêu từ 15 đến
20 mét, khi nào nghe tiếng súng nổ của anh ấy thì tôi cũng sẽ xiết cò yểm trợ.
Và, luôn phải nhớ là không được nói tiếng Bắc.
Nếu, hai chúng tôi hy sinh thì 3 mạng sống đang nằm trên chiếc xuồng kia
cũng khó toàn thây. Sáu Khởi và tôi đang trườn tới. Thật quá là mạo hiểm, anh bất
ngờ như chui từ dưới nước lên, lật bỏ hết rong, rêu trên đầu, cất tiếng hỏi khiến
cho người ngồi trên chiếc ghe kia bấn loạn, suýt bổ nhào xuống nước. Nếu, người
ngồi trên chiếc ghe kia yếu bóng vía mà la hét thất thanh, toáng lên, thì cả những
người khác xung quanh họ sẽ bỏ chạy. Có lẽ, chúng tôi sẽ lâm thêm vào những
nguy khốn khôn lường. Hoặc chẳng may đụng độ nhóm “thám báo”, thám sát của địch
quân giả dạng nống ra “phục kích, theo dõi Việt Cộng ở khu vực thì mạng sống
chúng tôi coi như không còn hiện diện trên trái đất này từ giây phút đó.
Cũng may, anh Sáu Khởi chỉ gọi nhẹ và xin hỏi thăm đường đi bằng giọng
nói Nam Bộ, nên người kia mới kịp hoàn hồn. Sau đó, hai người thì thầm gì đó một
lát khá lâu rồi anh ấy lùi lại, dẫn tôi đi theo. Trên đường trở lại con xuồng,
Sáu Khởi nói nhỏ cho tôi biết, đã gặp được một người nông dân tốt bụng. Người ấy
hẹn và sẽ dẫn chúng ta đi một đoạn và chỉ đường trở lại phía Mỹ Tho. Được biết
nơi đây là vùng giáp ranh tận Tam Nông, Hồng Ngự rồi. Như thế, là hơn 10 ngày,
đêm qua chúng tôi vẫn di chuyển, men theo biên giới Việt – Miên. Còn xa lắm và
giờ phải chuyển hướng Nam – Đông Nam mới đến được Mỹ Tho.
Hơn nửa tháng trầm mình trong nước phèn Đồng Tháp, thân xác này đã nuôi
béo, mập biết bao đàn muỗi, đỉa nên đang dần khô kiệt máu. Những vết đỉa, muỗi
cắn nhiễm trùng, mưng mủ đau, nhức toàn thân. Khi đến được kinh Mỹ Lợi, mới bắt
đầu ăn được bữa cơm với khô cá đầu tiên. Cũng có lúc ghé sát vào một rừng Tràm
nào đó, Sáu Khởi là một tay “thiện nghệ” bắt rắn, chuột đồng hay mò cua, bắt
cá, tôm.
Vào một buổi chiều, anh bắt được cả chục con chuột và một con rắn bông
súng, rồi bầm thịt làm chả nướng “cải thiện, bồi dưỡng” thêm cho bữa ăn chung.
Anh vừa động viên vừa thúc ép tôi ăn thử cho biết vị ngon “vật sản” của đồng bằng
Nam Bộ. Tôi biết anh Sáu Khởi làm thịt chúng khá sạch sẽ và ướp đủ thứ gia vị
và tôi cũng cố gắng nghe lời. Miếng “chả chuột và rắn” bốc mùi thơm nức nồng từ
chiếc chảo nhỏ và bếp than cháy đã hồng tươi kia. Nhưng, bỏ vào miệng thì tôi
không sao nhai, nuốt nổi bởi cái mùi đặc trưng của chuột và rắn khi nó vừa “ảm,
nhập” vào khứu, vị giác, khiến cái lưỡi của tôi không thể chấp nhận và buộc phải
đẩy chúng ra ngoài.
Rồi, chúng tôi cũng lần mò đến được xã Thanh Phú, ẩn trú trên dòng kinh
Nguyễn Văn Tiếp được hai ngày thì cả hai ngày cũng vẫn phải ngồi dưới công sự
ngập nước đen ngòm để đội hết đợt bom này đến đợt pháo kích khác của địch quân.
Trời lại tiếp tục đổ những cơn mưa. Và, đây cũng lần thứ hai tôi lại bị sốt rét
thêm lần nữa.
Ngẫm kiếp nhân sinh, không ít người vẫn còn lầm tưởng trăm năm là trường
thọ. Không hẳn thế, đời người dù có thượng, thượng hay đại thọ cũng chỉ sống
đúng có “ba ngày”: Hôm qua, hôm nay và ngày mai là chấm hết. Chỉ một vài khoảnh
khắc của cuộc đời tôi “hôm qua” là như thế đấy. Sẽ còn nữa, tôi sẽ viết tiếp những
khoảnh khắc còn lại của “hôm qua”, “hôm nay” và ngày mai để cống hiến lại
đời sau.
Mong được độc giả chia sẻ và đón nhận từ tấm chân tình của tôi.
No comments:
Post a Comment