Tâm
tư người trẻ về 30 tháng Tư (phần 1)
26/04/2021
https://www.voatiengviet.com/a/tam-tu-nguoi-tre-30-thang-tu/5866992.html
Nhân ngày 30 tháng Tư năm nay, tôi đã liên lạc
sáu bạn trẻ, đều là những người quan tâm sâu xa về các vấn đề Việt Nam. 2 bạn
sinh ra và lớn lên từ miền Bắc, 4 sinh ở miền Trung, nhưng có 2 bạn sống phần lớn
ở miền Nam.
Onyx thuộc thế hệ Z,
sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thập niên 2000s; đang sống và học tập tại nước
ngoài.
Thảo Nguyên sinh
ra và lớn lên ở Hà Nội, thập niên 1990s, học luật; một nhà hoạt động đấu tranh
cho tự do, nhân quyền tại Việt Nam.
Nguyễn sinh ra tại miền
Trung Việt Nam, thập niên 1990s; đang sống và học tập tại nước ngoài.
Đặng Quân sinh ra tại miền
Trung Việt Nam, thập niên 1970s; một Blogger của
Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền; đang sống và làm việc trong nước.
Nhất Tâm sinh ra tại miền
Trung Việt Nam, thập niên 1990s; một người hoạt động dân quyền trong nước.
Trung Nguyen sinh
ra tại miền Trung Việt Nam, thập niên 1980s; một người hoạt động dân chủ trong
nước.
Tôi đã hỏi 6 bạn bốn câu: một, các bạn có nghĩ
giới trẻ nên tìm hiểu về sự kiện lịch sử này không; hai, thái độ của các bạn ra
sao trước những phức tạp của vấn đề gặp phải; ba, có nhu cầu hòa giải giữa người
Việt với nhau không; bốn, đâu là bài học thích hợp đối với giới trẻ về tiến
trình hòa giải cho dân tộc.
Câu trả lời của các bạn tuy có nhiều điểm
tương đồng nhưng cũng có cách nhìn ở góc độ khác nhau. Đặng Quân thì chia sẻ rất
chi tiết các trãi nghiệm của mình, như một thầy giáo. Nhất Tâm thì nhìn vấn đề
thực tiễn của một người chuyên về vận hành. Onyx thì chia sẻ rất nhiều cảm xúc
khi được tiếp cận với một không gian mới. Nguyễn thì vừa sâu sắc vừa thực tiễn:
nếu không hiểu vấn đề thì làm sao giải quyết nó. Trung Nguyen đi thẳng vào vấn
đề và đặt câu hỏi ai mới là người phải có trách nhiệm trước các vấn đề quốc gia
hôm nay. Thảo Nguyên thì rất thẳng thắn và độc lập trong mọi vấn đề tiếp cận.
Có bạn trả lời ngắn, có bạn trả lời dài. Tôi định
rút ngắn một số câu trả lời để độ dài không quá chênh lệch, nhưng nghĩ lại thấy
có nhiều trãi nghiệm cá nhân khá lý thú, nên để nguyên như vậy. Tôi chia bài ra
làm hai kỳ để quý bạn đọc dễ theo dõi.
***
Câu
hỏi số 1: Biến cố 30 tháng 4
năm 1975 đã xảy ra cách đây 46 năm. Theo bạn, thế hệ trẻ sinh sau biến cố này
có nên hay không tìm hiểu về biến cố lịch sử này? Tại sao?
Các bạn đều đánh giá cao về tầm quan trọng của
việc tìm hiểu lịch sử, kể cả sự kiện 30 tháng Tư. Quá khứ, hiện tại và tương
lai gắn liền chặt chẽ với nhau. Riêng Onyx thì cho rằng những gì học từ môn sử
trong nước chẳng để lại gì trong mình, còn những gì được tiếp cận để lại dấu ấn
trong lòng. Nguyễn quan niệm không nên tránh né lịch sử, dẫu có buồn đến mấy.
Thảo Nguyên: Trước hết tôi không muốn gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là “biến cố”. Mỗi
người sẽ có những cách gọi khác nhau về sự kiện này. Đối với bên thắng cuộc thì
gọi ngày này là “Ngày Giải phóng độc lập”. Đối với bên thua cuộc thì gọi ngày
này là “Ngày Quốc Hận”. Còn đối với tôi- một người trẻ sinh sau ngày 30/4/1975,
tôi chỉ coi ngày 30/4/1975 là một sự kiện lịch sử. Tôi gọi như vậy bởi vì tôi
không được tham dự vào sự kiện này, tôi chỉ nghe các thế hệ đi trước hoặc bên
thắng cuộc kể lại. Do đó, tôi chưa có những đánh giá khách quan, toàn diện,
đúng đắn để đặt một cái tên phù hợp nhất cho sự kiện ngày 30/4/1975.
Theo tôi, thế hệ trẻ sinh sau biến cố này nên
và cần tìm hiểu về sự kiện 30/4/1975. Bởi tôi cho rằng đây là một sự kiện đặc
biệt, đánh dấu “bước ngoặt” của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nói riêng cũng
như vận mệnh của đất nước và tương lai dân tộc Việt Nam nói chung. Qua đó, các
bạn trẻ quan tâm đến chính trị có thể học được những bài học thành công và thất
bại từ cả hai bên Cộng sản miền Bắc và Việt Nam Cộng Hòa.
Ngoài ra, các bạn trẻ cũng nên tìm hiểu về
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tự do, non trẻ. Các bạn sẽ biết được về những mặt
tích cực, hạn chế của thể chế chính trị dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam Cộng
Hoà có thể không phải là một thể chế chính trị hoàn hảo nhất nhưng ít nhất người
dân sống dưới thời Việt Nam Cộng Hòa cũng đã từng được hưởng không khí của nền
tự do thực sự, trong đó có quyền lập hội và quyền biểu tình - những quyền mà
ngày nay, chúng ta bị chính quyền hạn chế tối đa.
Đặng Quân: Theo tôi, thế hệ trẻ sinh sau năm1975 cần phải tìm hiểu kỹ biến cố lịch
sử này. Chính nhờ lịch sử mà các thế hệ nối tiếp học được các bài học thành bại
của quá khứ. Lịch sử là tấm vé một chiều, không thể có chuyện vãn hồi dĩ vãng;
nhưng giới trẻ buộc phải nhìn về quá khứ để rút ra bài học xương máu và cũng là
dùng lịch sử làm nền tảng suy tư và hành động trong thời hiện tại.
Một thế hệ trẻ không biết gì về lịch sử nước
nhà là coi như mất gốc. Đặc biệt là ngay trong biến cố chỉ mới xảy ra cách đây
46 năm. 46 năm chả là gì nếu so với dòng lịch sử. Nhưng xét trong đời người nó
đã là một chặng đường dài. Và nó đã trực tiếp và ít nhiều liên hệ đến cuộc đời
của chính ông bà, cha mẹ và anh chị em trong gia đình mình. Bỏ qua không tìm hiểu
hoặc chỉ lười biếng không nghiên cứu kỹ, chỉ nghe theo thông tin một chiều và
sai sự thật, mà không chịu xét lại lịch sử theo nhiều góc cạnh khác nhau, phân
tích, nhận định và so sánh với các biến cố tương tự đã diễn ra với các nước
khác cũng là sai lầm to lớn. Bởi vì muốn rút ra bài học lịch sử chưa bao giờ là
điều dễ dàng, nhất là đối với hiện tình chính trị Việt Nam.
Nhất Tâm: Một nhà văn Mỹ đã nói rằng: “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là
một thế hệ không có quá khứ - và cũng không có tương lai.”. Người Việt đã trải
quan nhiều cuộc nội chiến khác nhau trong lịch sử nhưng Biến cố 30 tháng 4 là một
sự kiện lịch sử vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tư và cảm xúc của bất cứ ai
quan tâm đến hiện tình đất nước. Có thể nói người Việt chỉ có thể phát triển
toàn diện khi ký ức về cuộc biến cố này được khai thông.
Onyx: Mình nghĩ mình may mắn khi có trí nhớ không tốt vì khi học lịch sử ở
trong nước, dù sách giáo khoa và giáo viên Lịch Sử đều có giọng điệu huy hoàng
tới đâu, thì mình cũng không thể nào nhớ gì về "câu chuyện của các cụ"
(tức môn lịch sử) đã được truyền dạy.
30 tháng Tư năm 1975 là một sự kiện mà mình phải
đi ra khỏi nơi vùng an toàn ấm êm của mình ở Việt Nam để được biết thêm những mảnh
ghép khác của câu chuyện. Đằng sau những từ ngữ hào nhoáng của phía thắng cuộc
trong các cuốn sách họ viết cho thế hệ về sau là bao nhiêu thương tổn, hiu quạnh
tâm hồn của bên chịu mất mát, thiệt thòi. Câu chuyện của họ chạm tới mình nhiều
hơn những gì giáo viên Lịch sử bắt mình thuộc lòng để kiểm tra.
Trung Nguyen: Theo tôi, thế hệ trẻ sinh sau năm 1975 rất nên tìm hiểu về lịch sử của
dân tộc nói chung, cũng như lịch sử cận đại và hiện đại của dân tộc nói riêng.
Khi hiểu quá khứ của dân tộc thì chúng ta mới hiểu được hiện tại của dân tộc,
và từ đó mới có thể có hành động để định hình tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc.
Biến cố 30/4/1975 là một sự kiện vẫn còn ảnh
hưởng rất lớn đến hiện tại của dân tộc, đến tư duy của người Việt trong nước lẫn
hải ngoại, đến chính sách của đảng cộng sản cầm quyền. Do đó, người trẻ càng
nên tìm hiểu về sự kiện này.
Nguyễn: Nếu mỗi cá nhân thường coi những trải nghiệm trong quá khứ là bài học
cho chính họ ở hiện tại và tương lai, thì mỗi quốc gia cũng cần gìn giữ trang sử
của riêng nó - trước nhất là để đừng lặp lại sai lầm, và sau nữa là để tháo gỡ
những vấn đề còn tồn đọng.
Bốn mươi sáu năm có thể được coi là dài với một
đời người, song chỉ như một tích tắc đối với chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của
dân tộc-quốc gia. Rõ ràng, những vết thương từ cuộc nội chiến 1954-1975 vẫn
chưa hề được chữa lành, nếu không muốn nói là đã bị phớt lờ và rồi dần trở nên
lở loét qua nhiều thế hệ. Anh nhìn tôi bằng ánh mắt thận trọng khi tôi gọi “ông
Hồ Chí Minh" thay vì “Bác Hồ". Đứa em tôi nhíu mày, rồi lặng lẽ
unfriend, khi thấy một người bạn đăng lên Facebook hình xe tăng kỷ niệm ngày
“giải phóng". Có những biểu hiện của sự đứt gãy như thế, tuy âm thầm,
nhưng đã luôn đẩy chúng tôi - những đứa trẻ sinh vào thời bình - ra xa nhau.
Ai sẽ là người chữa lành những vết thương đó,
nếu không phải là người trong cuộc? Cần phải tìm biết chuyện gì đã xảy ra trước
đã. Không có lý do gì để chúng ta né tránh lịch sử, dẫu đó có là một trang sử rất
buồn.
***
Câu
hỏi số 2: Chiến tranh Việt
Nam là một sự kiện chính trị/lịch sử khá phức tạp. Không dễ gì để tìm hiểu về
nó một cách khách quan, trung thực, hay đầy đủ, cho dầu có muốn. Bạn đã làm gì,
và chọn thái độ nào, về vấn đề này trong những năm qua?
Hầu như tất cả các bạn đều thấy được sự phức tạp
của sự kiện 30 tháng Tư. Nguyễn nghĩ rằng khi viết sử nên tránh thao túng cảm
xúc con người. Đặng Quân phải thường xuyên nhờ cậy vào gia đình lúc còn bé để
thấu hiểu được các khía cạnh của môn sử được dạy ở trường. Trung Nguyen phải tiếp
cận nhiều nguồn khả tín khác nhau. Onyx thì quan niệm cần tiếp cận lịch sử một
cách toàn diện. Còn Thảo Nguyên biện luận cần phải đọc với óc phán xét, tư duy
độc lập và phản biện.
Nguyễn: Tôi nghĩ ít ai dám nhận rằng họ hiểu về cuộc chiến này một cách vẹn
toàn.
Quả vậy, những trang sử viết về cuộc nội chiến
1954-1975 dẫu đang được nhiều bên nỗ lực lấp đầy, song hãy còn rải rác và khó
tìm đọc một cách đầy đủ, nhất là trong bối cảnh giáo dục lịch sử ở nhà trường bị
kiểm duyệt và sửa đổi thành ra méo mó. Ấy là chưa kể, dù tôi đã lục lọi khắp
nhiều thư viện từ Bắc chí Nam, vẫn khó lòng tìm ra những tài liệu dám thừa nhận
chính thể Việt Nam Cộng hòa.
Những cuốn hồi ký của nhiều cây viết hải ngoại,
có lẽ, đã giúp lấp dần vào chỗ hổng kiến thức lịch sử của thế hệ tôi, những người
sinh sau đẻ muộn. Song lối kể chuyện tường thuật của nhiều tác giả không tránh
khỏi khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ, mà tôi e rằng không phải là một điều kiện
tốt cho việc tìm hiểu lịch sử - bởi bên cạnh mặt lợi là chúng cho phép ta tưởng
tượng và trải nghiệm những gì đã diễn ra trong quá khứ, thì chúng cũng có khả
năng thao túng cảm xúc con người. Trong vai trò một độc giả, tôi không là ngoại
lệ. Dầu cố gắng giữ cho bản thân một thái độ khách quan, song tôi nhận ra rằng
ý muốn này dần trở nên phi thực tế, khi tôi đọc phải những câu chuyện đau
thương và đầy phẫn uất về những gì mà người Việt đã đối xử với nhau và về thân
phận của chính người Việt mình.
Đặng Quân: Tôi sinh ra và lớn lên giữa những cảnh tem phiếu, đói ăn dẫu cho tất cả
các thành viên gia đình phải đầu tắt mặt tối. Bản thân tôi từ lớp 4 đã phải phụ
các chị lo việc nhà, tưới rau lang trồng quanh nhà để có thêm bát canh cho mỗi
bữa ăn vốn chỉ toàn những thứ ngày nay dành cho gia súc... Lớp 6, tôi đã phải một
buổi đi học, một buổi đi đóng sách cho một tiệm đóng sách gần nhà, may lại những
tờ giấy thừa đóng lại thành tập bán cho người mua.
Và tôi được bà ngoại, ba mẹ, các anh chị lớn
trong gia đình kể lại những thời khắc trước trong và sau năm 1975. Trước những
lời chứng của người thân trong nhà, và diễn biến sự việc tôi phải đi làm sớm
luôn đặt tôi vào cuộc sống hiện tại với nhiều thắc mắc: tại sao các bạn bè con
cán bộ quan chức có xe đạp, xe máy để đi học, áo mới để mặc? Các bạn ấy chả bao
giờ có vẻ thiếu ăn, luôn trông có da có thịt, riêng con nhà có đạo và con ngụy
quân ngụy quyền chúng tôi luôn rách rưới, áo lò xo, quần thủng lỗ chổ, đứa nào
cũng gầy còm, đen đủi… đi học mong cho hết giờ về đi làm.
Tôi đã không ngừng hỏi bà ngoại và được bà kể
cho nghe nhiều chuyện thật hay về cuộc sống trước đây. Mỗi khi kể như thế, bà
tôi phải hạ thấp giọng, nói thủ thỉ đủ nghe. Tôi đã quyết tâm tìm hiểu thêm, thế
nhưng suốt thời trẻ, tôi chỉ biết được biến cố thống nhất Nam Bắc qua lời kể trực
tiếp từ chính những người trong gia đình và các giờ lịch sử ở trường học. Hai
nguồn thông tin đều trái ngược nhau: lời kể và sách vở từ nhà trường khiến tôi
bối rối. Học được điều gì về lịch sử năm 1975, tôi đều về hỏi lại bà và ba mẹ.
Nhờ đấy, tôi nhận ra một điều rằng chả có nhiều sự thật trong các sách giáo
khoa tôi được học. Chính người thân yêu trong gia đình tôi, những nhân chứng sống
đã xác nhận điều đó. Và tôi quyết định phải tìm hiểu kỹ lưỡng về bối cảnh lịch
sử, diễn biến sự kiện năm 1975 ra làm sao và rút ra những kết luận cho cá nhân
mình.
May mắn hơn là sau này, tôi được tiếp cận và đọc
thêm các sách vở hải ngoại để hiểu rằng: Một miền Bắc nghèo khổ đã xóa sổ một nền
kinh tế miền Nam tiếp cận được với đời sống khoa học, kỹ thuật hiện đại và phát
triển của thế giới. Một nền dân chủ bị xóa sổ khỏi miền Nam để rồi cả dân tộc
Việt Nam phải chịu ý thức hệ cộng sản độc tài áp chế. Mọi quyền lợi chính đáng
của người dân không được tôn trọng… Những hộ khẩu, khai tạm trú tạm vắng, công
an, các tổ chức đảng, đoàn, đội chỉ là những tổ chức theo dõi người dân sát
sao, không cho bất cứ ai được tự do đi lại; hoặc kềm kẹp, kiểm soát những ai tỏ
ý chống đối.
Hiển nhiên, tôi biết rằng trước sau gì, lịch sử
sẽ phán xét một cách công bằng, nhưng những người trẻ cần phải tìm hiểu và dành
thời gian cho biến cố lịch sử năm 1975 này. Đó là một phương thế giúp hiểu và
hành động nhanh chóng hơn trong thời hiện tại. Người trẻ cần làm gì để biến cố ấy không trở
thành dĩ vãng chợt nhớ nhợt quên hoặc chỉ để hoài niệm. Nhưng nó phải là một cú
hích để người trẻ đưa đất nước đi theo đúng quỹ đạo dân chủ, tự do và phát triển
chung trên thế giới, chứ không thể mãi sống trong thể chế độc tài, độc đảng nắm
giữ mọi vận mệnh dân tộc với mọi thứ tham nhũng, cửa quyền và chà đạp con người.
Nhất Tâm: Tôi chọn thái độ quan sát và tự tìm hiểu các tài liệu liên quan đặng
rút ra các bài học cho tương lai. Đây cũng là chủ đề tôi thường xuyên sử dụng
làm case study trong các buổi thảo luận với các nhóm bạn trẻ đặng mở ra một góc
nhìn toàn diện nhất có thể.
Onyx: Mình không nhớ ngày tháng năm hay chi tiết cụ thể và thứ tự xảy ra của
các sự kiện lịch sử ra sao. Nhưng mình nhớ sự tò mò lặp lại của mình mỗi lần
mình đọc về các chiến công, các anh hùng và các cụm từ miêu tả chiến thắng như
"oanh tạc", "lừng lẫy", "vẻ vang" trong sách giáo
khoa Lịch Sử. Những câu chuyện và sự tò mò lặp lại đó không vương vấn trong đầu
óc mình những tháng năm lớn lên ở Hà Nội vì dù chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ
đi chăng nữa, tốt đẹp hay xấu xa thì mình cũng đang ở đây, lớn lên tại Hà Nội,
Việt Nam mà mình biết quý trọng vì được sinh ra. Cho tới khi mình đi du học.
Câu chuyện của những người lính Việt Nam Cộng
Hòa, của những thanh thiếu niên đang độ đi học, làm việc vì đam mê ở một đất nước
cùng tên Việt Nam khác mà mình không hề được biết tới. Những cái tên, những ước
mơ, những mảnh đời của những người Việt Nam bị trùm lên bằng những ngôn từ đắng
ngắt như "Lính Ngụy", "phản động", "ba sọc" làm
mình giận tím người. Giận vì mình bị nói dối và giận vì người lớn không dám nói
cho bọn nhỏ mình sự thật. Giận vì hằng năm khi mình và gia đình được nghỉ ở nhà
vào ngày 30 tháng Tư thực ra không phải là "Ngày Giải Phóng Miền
Nam".
Có thể trí nhớ mình không tốt nhưng mình sẽ nhớ
lí do tại sao mình giận. Giận và thương.
Vậy nên mình mong các bạn bằng tuổi mình, là lứa
sinh sau các xích mích của thể hệ trước, tìm hiểu về những gì đã xảy ra vì câu
chuyện sẽ không thể nào đầy đủ được nếu chỉ nghe từ một phía. Nhất là khi cả
hai phía đều là người Việt, câu chuyện này càng phải được tiếp cận một cách
toàn diện, quang minh hơn.
Trung Nguyen: Để tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam, tôi luôn cố gắng đọc càng nhiều
sách và càng nhiều bài viết càng tốt từ càng nhiều bên tham gia càng tốt để có
được cái nhìn đa chiều. Tôi đặc biệt chú trọng đến việc đọc sách của các nhà
khoa học như chính trị học, sử học,... vì những người làm khoa học đã được đào
tạo để sưu tầm tư liệu và có cái nhìn càng khách quan càng tốt về vấn đề nghiên
cứu. Tôi cũng tiếp xúc với càng nhiều người ở tất cả các bên càng tốt để nghe họ
kể lại cuộc đời của chính họ.
Về sách khoa học thì tôi hay đọc sách của giáo
sư Tường Vũ đại học Oregon, giáo sư Lê Xuân Khoa,... Trước đây tôi có đọc nhiều
tư liệu trên trang talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài, rồi các sách của các bác
Bùi Tín, Vũ Thư Hiên,...
Sau khi tìm hiểu thì tôi có quan điểm rõ ràng
rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến giữa hai miền Nam Bắc đi
theo hai chủ thuyết chính trị khác nhau, lồng trong đó là cuộc chiến giữa hai
khối tư bản (tự do, dân chủ) và khối xã hội chủ nghĩa (độc đảng toàn trị) trên
bình diện thế giới.
Thảo Nguyên: Tôi chọn thái độ khách quan, tư duy độc lập trong mọi vấn đề khi tìm
hiểu về các sự kiện chính trị/lịch sử của Việt Nam. Từ ngày nhỏ đến giờ, tôi
không bao giờ tin hết tất cả những gì sách giáo khoa lịch sử viết vì đây là
sách do bên thắng cuộc kể lại. Lớn lên khi quan tâm chính trị, lịch sử Việt
Nam, tôi đọc nhiều, nghe nhiều những bài phân tích về lịch sử, chính trị từ những
thế hệ đi trước đến những chuyên gia, nhà nghiên cứu. Tôi không tin ai hoàn
toàn khi chưa tự tìm hiểu, so sánh, đối chiếu để tự đánh giá về tính đáng tin cậy
từ những nguồn tin tôi có được.
Tôi cho rằng, đôi khi những gì chúng ta nhìn
thấy và nghe thấy chưa chắc đã đúng chứ đừng nói đến việc nhận định những vấn đề
lịch sử, chính trị xảy ra từ lâu. Do đó, khi đánh giá bất cứ một vấn đề gì, tôi
khuyên các bạn trẻ nên tìm hiểu từ nhiều nguồn tài liệu, biết suy nghĩ và hành
động độc lập.
Xin mời quý vị xem phần hai vào bài tới.
Tâm
tư người trẻ về 30 tháng Tư (phần 2)
27/04/2021
https://www.voatiengviet.com/a/tam-tu-nguoi-tre-30-thang-tu-phan-2/5868448.html
Trong cuộc trò chuyện này, tôi đã hỏi 6 bạn trẻ
bốn câu: một, các bạn có nghĩ giới trẻ nên tìm hiểu về sự kiện lịch sử này
không; hai, thái độ của các bạn ra sao trước những phức tạp của vấn đề gặp phải;
ba, có nhu cầu hòa giải giữa người Việt với nhau không; bốn, đâu là bài học
thích hợp đối với giới trẻ về tiến trình hòa giải cho dân tộc. Phần 1 đã đăng
trả lời của hai câu hỏi đầu. Phần này sẽ tiếp tục với hai câu hỏi cuối.
Câu
hỏi số 3: Vấn đề hòa giải
thường được đặt ra vào dịp 30 tháng Tư hàng năm. Theo bạn thì người Việt có nhu
cầu hòa giải với nhau không? Cho dầu nếu có nhu cầu thì có thể không, và bằng
cách nào?
Phần lớn cho rằng Việt Nam có nhu cầu hòa giải,
dựa trên sự bình đẳng, và phải đến từ bên thắng cuộc, nhưng thực tế xảy ra thì
vẫn là quan hệ kiểu “cai trị” và “bị trị”. Onyx cho rằng không thể có hòa giải
gì khi một bên không muốn. Nguyễn biện luận rằng thiện chí phải đến từ phía cầm
quyền. Thảo Nguyên thì biện luận rằng khi có tự do dân chủ thì vấn đề hòa giải
sẽ được giải quyết. Nhất Tâm cũng chia sẻ quan niệm này, cho rằng sự thật và
dân chủ mang tính hệ trọng.
Trung Nguyen: Chắc chắn là người Việt có nhu cầu hòa giải với nhau. Thù hận giữa đồng
bào với nhau là một gánh nặng trong bản thân mỗi người, gây chia rẽ dân tộc. Một
dân tộc chia rẽ là một dân tộc yếu và dễ bị ngoại bang như Trung Cộng lợi dụng
như đã từng diễn ra trong chiến tranh Việt Nam. Bản thân đảng cộng sản cầm quyền
đã luôn nêu ra khẩu hiệu “hòa hợp, hòa giải" cho thấy bản thân “phe thắng
cuộc" cũng cần hòa giải, có điều họ có thực tâm “hòa hợp, hòa giải” hay
không thì rõ ràng là chưa.
Đầu tiên, để bắt đầu tiến hành quá trình hòa
giải thì sự thật cần phải được làm sáng tỏ và công nhận bởi tất cả các bên. Thế
nhưng sách giáo khoa lịch sử, các bảo tàng lịch sử ở Việt Nam đều tuyên truyền
một cách sai lạc rằng cuộc nội chiến là một cuộc “kháng chiến chống Mỹ cứu nước",
rằng Việt Nam Cộng Hòa là “ngụy quân ngụy quyền", ác ôn,... Ông Võ Văn Kiệt
khi còn sống đã gián tiếp phủ nhận tuyên truyền của đảng cộng sản cầm quyền khi
thừa nhận vào ngày 30/4 có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người
buồn. Tại sao “chống Mỹ cứu nước" thành công mà hàng triệu người Việt lại
buồn?
Tiếp đến, hòa giải cần phải dựa trên cơ sở
bình đẳng chứ không phải dựa trên quan hệ “cai trị - bị trị” như hiện nay. Hiện
tại thể chế chính trị Việt Nam cho phép một thiểu số cán bộ cao cấp là giai cấp
thống trị, các đảng viên cộng sản cấp thấp và người dân là giai cấp bị trị. Hiến
pháp hiện hành gọi “giai cấp thống trị” một cách mỹ miều là “lực lượng lãnh đạo
nhà nước và xã hội". Làm sao có thể có “hòa giải" giữa những người
cai trị và những người bị trị? Những người bị trị chỉ có lựa chọn duy nhất là
đóng thuế nuôi những người cai trị, chấp nhận để những người cai trị tước đoạt
các quyền tự do của mình, tài sản của mình như đất đai, thậm chí cả mạng sống của
mình như trong thảm án Đồng Tâm với cái chết cụ Lê Đình Kình.
Chỉ có thể chế chính trị dân chủ, đảm bảo quyền
tự do và bình đẳng giữa những người Việt Nam với nhau thì khi đó mới có thể có
hòa giải thực sự. Khi đó sự thật mới có thể được nói ra, và người Việt tha thứ
cho nhau để cùng đi tới, cũng như Nam Phi đã làm được. Ủy ban Sự thật và Hòa giải
của Nam Phi đã phải làm hai chuyện, nói ra sự thật, công nhận sự thật, không phải
để trả thù nhau mà để tha thứ cho nhau, không còn người da trắng cai trị và người
da đen bị trị.
Nguyễn: Tôi tin rằng, đằng sau mỗi sự tổn thương là một (vài) nhu cầu chưa được
giãi bày.
Đó có thể là nhu cầu được nói, được lắng nghe,
được chia sẻ, được đòi lại công lý. Cũng có thể là nhu cầu tìm hiểu sự thật lịch
sử, thoát ly khỏi những gánh nặng và di sản để lại từ thế hệ cha ông. Tôi không
rõ những điều trên có phải là “hòa giải" hay chăng, song tôi tin chắc rằng,
chừng nào các nhu cầu (unspoken needs) này không được thỏa mãn, thì chừng đó
các bên còn tiếp tục gây tổn thương cho nhau như những gì đã diễn ra 46 năm qua
và có thể sẽ còn lâu hơn nữa.
Song, thực tế, chúng ta không thể nói đến chuyện
hòa giải như một dạng nỗ lực tự thân của từng người trong xã hội. Hòa giải thế
nào, khi mà có nhiều ngành nghề, và nhất là tại các cơ quan công quyền, vẫn
đang tuyển dụng theo cái cách xét lý lịch ba đời. Hòa giải thế nào, khi sách lịch
sử không thừa nhận rạch ròi bản chất của cuộc chiến 1954-1975. Hòa giải thế
nào, khi mỗi ngày 30 tháng Tư, khắp Việt Nam lại cờ hoa ăn mừng kỷ niệm ngày
“chiến thắng".
Thiện chí hòa giải phải bắt đầu từ thái độ của
“bên thắng cuộc".
Đặng Quân: Suốt 46 năm qua, mỗi khi đến tháng 4, nhiều người lại nói đến việc hòa
giải giữa người Việt cộng hòa và cộng sản, làm sao để chung tiếng nói thống nhất,
xóa bỏ mọi thù hận, giải tỏa những sóng gió trong tâm hồn và bắt tay nhau giữa
người Việt cộng hòa và cộng sản, trong nước và hải ngoại. Nhu cầu đó là có,
nhưng tôi không tin nó sẽ thành hiện thực; và nếu có sẽ mất một thời gian dài nữa
cho khi các thế hệ sống trước và trong biến cố 1975 đã qua đi, hoặc cho đến khi
cộng sản không còn nắm quyền tại Việt Nam thì may ra.
Tại sao tôi có ánh nhìn bi quan như thế? Trước
hết là những mất mát, đau thương trong và sau biến cố 1975 quá lớn. Và nó kéo
dài không chỉ từ biến cố 1975, mà nó là cả quá trình từ khi cộng sản cướp chính
quyền từ thập niên 40 ngoài miền Bắc. Các thành phần trí thức, người có Đạo,
các đảng phái đối lập từ miền Bắc đã gánh gồng chạy vào miền Nam vì họ đã chứng
kiến cuộc thủ tiêu, những sự tinh quái biến báo đủ đường của cộng sản và những
người di cư đó hiểu đủ để biết rằng không thể sống với thứ ý thức hệ nguy hiểm
này.
Tiếp đến là ảnh hưởng từ ý thức hệ cộng sản vốn
tự tôn và độc tôn, không hề có chuyện chấp nhận nhau. Đối với người cộng sản chỉ
có triệt tiêu bất cứ ai dám cản đường tiến của họ. Họ sẵn sàng dùng mục đích biện
minh cho phương tiện… Sau
Đức quốc xã thì chính cộng sản là những kẻ diệt chủng không ghê tay. Những
Pôn Pốt, Mao, Stalin… đã cho cả thế giới chứng kiến một thứ ý thức hệ hoang tưởng,
chưa hề được kiểm chứng, thử nghiệm trong lịch sử. Nó chỉ là những giả định của
Max và những kẻ cuồng tín theo nó mà thôi. Lịch sử đã chứng minh ý thức hệ này
là quái thai của thời đại; và những kẻ áp đặt ý thức hệ hoang tưởng này lên các
dân tộc khốn khổ, chúng là những kẻ ác vì dám đem cả dân tộc làm vật thí nghiệm
cho một ý thức hệ chưa hề được thừa nhận là mang lại tốt lành gì cho người dân.
Thứ đến là lòng tự tôn sắt đá của người cộng sản.
Họ không hề thực lòng muốn hòa giải theo kiểu đồng phẩm giá. Người cộng sản chỉ
muốn hòa giải trong tư cách họ là kẻ thắng cuộc. Bằng chứng là sau năm 1975,
thay vì rộng lượng tập trung vào các khoa học, kỹ nghệ, phát triển kinh tế có sẵn
ở miền Nam; thay vì xóa bỏ thù hận, nhẹ tay với những người cầm súng dưới chế độ
Việt Nam cộng hòa, thì trái lại, phe cộng sản đã chụp mũ cho chế độ cũ mọi thứ
xấu xa cần loại trừ, gán cho những người miền Nam là tàn dư chế độ cũ. Người cộng
sản đã đẩy toàn dân miền Nam về lại con số không bằng cách ly tán các gia đình
mà theo họ là ngụy quân, ngụy quyền. Bắt đi cải tạo cả triệu người thuộc chế độ
cũ. Các gia đình quan chức, lính cộng hòa bị bắt đi kinh tế mới để nhà cửa lại
cho cán bộ cộng sản chiếm ở. Người cộng sản bắt đổi tiền nhiều lần, đánh tư sản
để gom vàng của các nhà giàu ở miền Nam… Họ đưa cả nước về lại cái thời kinh tế
hợp tác xã hệt trong “trại súc vật”; đã thế còn bế quan tỏa cảng đày đọa người
dân cả nước trong đau thương đói khổ, khiến hàng triệu người vượt biên, chết mất
xác hàng trăm ngàn người ngoài đại dương. Biết bao thảm cảnh hải tặc cướp bóc
hãm hiếp, bão biển, hư tàu trôi dạt, rồi nào là trại tị nạn… Những ký ức tàn độc
của phe miền Bắc đó không dễ xóa nhòa trong ký ức của các nạn nhân cộng sản.
Chính thái độ xem nhau như kẻ thù của những
người cộng sản khiến cho dân tộc mất đi cơ hội hòa giải mà lẽ ra ngay từ những
năm sau 75, người cộng sản phải làm; họ đã bỏ lỡ… Tuy là hiện tại chính người cộng
sản vẫn kêu gào hòa giải, đoàn kết dân tộc, nhưng mọi thứ chỉ theo kiểu xin
cho. Bên thua phải xin được hòa giải, và bên thắng cho phép hòa giải. Như thế
thì làm sao có được lòng tin để tiến đến cuộc hòa giải thật sự?
Onyx: Mình nghĩ điều này giống như việc trị liệu các cặp đôi (couple
therapy) vậy. Cho rằng thế hệ chúng mình là thế hệ sau, giống như con cái của hệ
quả một cuộc hôn nhân tan vỡ - chiến tranh Việt Nam, thì dù chúng mình có muốn
bố mẹ hòa giải với nhau đi chăng nữa, chỉ cần một phía (bố hoặc mẹ) không muốn
nói chuyện với người còn lại, thì việc hòa giải sẽ không xảy ra. Tương tự trong
câu chuyện về ngày 30 tháng Tư.
Phần lớn những đứa trẻ sinh ra trong một gia
đình tan vỡ thường sẽ cố gắng tự hiểu chuyện gì đã xảy ra với tiền thế hệ và tự
tạo ra sự kết thúc (closure) của các sự kiện đó trong tâm trí họ. Bằng cách này
hoặc cách khác như việc nghĩ bố là người sai, hoặc mẹ là người nên mở lời xin lỗi.
Có lẽ Việt Nam Cộng Hòa nên đợi lời xin lỗi, hoặc Miền Bắc Việt Nam nên ngỏ lời
làm hòa. Dù hai bên có làm vậy hay không, những thế hệ sau như chúng mình đều
đã tự chọn màn hạ màn cho câu chuyện của họ.
Một số chọn nghe theo câu chuyện của bố về mẹ,
một số chọn nghe theo câu chuyện của mẹ về bố do tính gắn bó của họ với bố hoặc
mẹ nhiều hơn. Người sinh ra ở miền Bắc không được tiếp xúc với những người sinh
ra tại Việt Nam Cộng Hòa sẽ chọn nghe theo những gì sử sách của bên thắng cuộc
nói và ngược lại. Số còn lại chọn khoan dung vì trong câu chuyện có nhiều khúc
mắc vì có lẽ họ hiểu rằng không phải người nào, lớn như bố mẹ hay ông bà, cũng
sẵn sàng đối mặt với những cảm xúc đau thương hay những điều sai trái họ đã
làm.
Dù cảm xúc và lí lẽ của cả hai bên đều có lí,
mình chấp nhận rằng không ai hoàn toàn biết về toàn bộ sự thật và vì vậy nên
mình chấp nhận một hạ màn cho câu chuyện của thế hệ trước trong đầu của mình.
Như một cuộc hội thoại thấu cảm giữa hai bên mà chưa bao giờ từng xảy ra hay sẽ
xảy ra cho tới khi cả hai phía đều sẵn sàng.
Thảo Nguyên: Theo tôi, cần đặt ra vấn đề lớn hơn là làm cách nào để Việt Nam có được
một nền tự do thực sự. Bởi vì khi Việt Nam tự do thực sự, nhân quyền được tôn
trọng thì lúc đó mọi vấn đề lịch sử sẽ được giải quyết, trong đó có vấn đề hoà
giải và hoà hợp dân tộc ở Việt Nam.
Nhất Tâm: Mọi người thường nói hòa giải mà ít nói đến điều kiện tiên quyết của sự
hòa giải phải bắt đầu từ SỰ THẬT và NIỀM TIN. Trong khi chế độ Cộng Sản đang tồn
tại dựa trên sự dối trá thì vấn đề hòa giải rất có thể chỉ là ảo tưởng. Theo
tôi người Việt không cần sự hòa giải, chúng ta chỉ cần nhu cầu biết SỰ THẬT một
cách công khai. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi Việt Nam thực sự có chế
độ dân chủ.
***
Câu
hỏi 4: Tiến trình hòa giải
có dễ dàng hơn cho giới trẻ Việt Nam sinh sau 30 tháng Tư năm 1975? Đâu là bài
học hòa giải thích hợp của các dân tộc khác mà giới trẻ Việt có thể tìm hiểu để
chuẩn bị tinh thần cho tiến trình này?
Tiến trình hòa giải rõ ràng là dễ dàng hơn đối
với người trẻ, nhưng đảng cầm quyền cần thực tâm “hòa hợp hòa giải” với nhân
dân Việt Nam bằng việc tiến hành dân chủ hóa, theo Trung Nguyen. Nguyễn biện luận
rằng phía cầm quyền cần tôn trọng sự thật trong tiến trình hòa giải. Onyx cho rằng
giới trẻ sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các cảm xúc mãnh liệt, nên dễ dàng
hơn. Nhất Tâm, Thảo Nguyên, Đặng Quân đều nghĩ rằng giới trẻ không cần hòa giải
mà cần sự thật, tự do và dân chủ.
Trung Nguyen: Người Việt sinh sau 30/4/1975 do không còn trực tiếp trải nghiệm chiến
tranh nên sẽ dễ dàng bỏ qua quá khứ, chấp nhận lẫn nhau, chấp nhận sự khác biệt,
mở lòng với cả những người lớn tuổi ở cả hai bên. Tuy nhiên, hãy nhìn sang Miến
Điện, khi giới quân phiệt muốn lặp lại chế độ độc tài, giới trẻ đã vùng lên biểu
tình đòi dân chủ. Khi nhà cầm quyền tắm máu nhân dân thì một số người đã cầm đến
vũ khí và khởi nghĩa vũ trang. Miến Điện đang đứng trước nguy cơ rơi vào nội
chiến giữa nhà cầm quyền độc tài và người dân, nhất là thế hệ trẻ khao khát tự
do dân chủ.
Cho nên tôi vẫn mong các lãnh đạo đảng cộng sản
cầm quyền hãy chủ động và sáng suốt chuyển sang thể chế dân chủ như nhà cầm quyền
da trắng ở Nam Phi đã làm được. Mâu thuẫn lớn nhất trong lòng xã hội Việt Nam
hiện tại không phải là giữa “bên thắng cuộc" và “bên thua cuộc" của
ngày 30/4/1975 nữa. Mâu thuẫn lớn nhất trong lòng dân tộc hiện tại là mâu thuẫn
giữa giai cấp thống trị là đảng cộng sản cầm quyền và giai cấp bị trị là toàn
thể người dân Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam cần thực tâm “hòa hợp hòa giải”
với nhân dân Việt Nam bằng việc tiến hành dân chủ hóa.
Việc níu kéo chế độ độc đảng toàn trị chỉ gây
ra tham nhũng, bất công xã hội rộng khắp, thù hận giữa người dân và nhà cầm quyền,
và sẽ đẩy dân tộc đến những thảm cảnh không lường trước được trong tương lai
cho cả đảng cầm quyền và người dân.
Nguyễn: Chắc chắn. Việc gần đây bộ sách giáo khoa lịch sử Việt Nam dần bỏ những
cụm từ như “Ngụy quân Ngụy quyền", hay giới báo chí quốc doanh bắt đầu
đăng những tin bài thảo luận chuyện “thừa nhận Việt Nam Cộng hòa", hẳn là
một chỉ dấu tích cực để có thể mở ra tiến trình hòa giải. Một lần nữa, tôi muốn
nhấn mạnh rằng, thiện chí phải bắt đầu ở phía chính quyền, từ việc tháo dỡ những
khung chính sách và pháp lý mang tính phân biệt đối xử với các gia đình có gốc
gác Việt Nam Cộng hòa, cho đến việc điều chỉnh lại nội dung lịch sử theo đúng sự
thật, cũng như loại bỏ những nội dung tuyên truyền vốn khoét sâu các rạn nứt
trong lòng xã hội bấy lâu.
Nhất Tâm: Có thể những thế hệ sinh sau 1975 không trực tiếp trải qua những đau
thương, mất mát trong cuộc chiến sẽ dễ dàng hơn trong tiến trình hòa giải. Có rất
nhiều bài học tương tự về hòa giải trên thế giới, đơn cử như cuộc nội chiến của
Mỹ thường xuyên được đưa ra làm ví dụ. Tuy nhiên, trước khi đến được tiến trình
đó cần phải xác định rõ về bản chất cuộc chiến và phải có sự đồng thuận chung về
tên gọi. Đó là cuộc “chiến tranh chống Mỹ -Ngụy” như nhà cầm quyền hiện nay
tuyên truyền hay là “cuộc nội chiến Bắc Nam”? Để có một tên gọi đúng với bản chất
của cuộc chiến thì cần phải có sự minh bạch, trả lại lịch sử về đúng với sự thật
của nó trước khi đề cập đến vấn đề khác.
Onyx: Khi bị buộc phải đối mặt với những gì mình đã gây ra hay tổn thương
mình đã chịu, có lẽ thế hệ trước sẽ khó để ngồi lại và cùng trò chuyện mà không
gây thêm những tổn thương mới.
Vậy nên giả sử, khi thế hệ trước không còn nữa,
lúc đó thế hệ sau soi xét và bàn luận về những câu chuyện trong quá khứ sẽ dễ
được tiếp nhận bởi đôi bên hơn. Vì khi này những người trong câu chuyện không
còn, việc ghi nhận lỗi hay hàn gắn vết thương sẽ không còn có chủ thể.
Khi các chủ thể còn tồn tại thì việc ghi nhận
lỗi sẽ được dịch thành "đổ lỗi" và việc hàn gắn vết thương có lẽ sẽ
được muốn hiểu thành "bồi thường". Có thể với những người không trong
cuộc, là thế hệ sinh sau năm 1975, vai trò người đứng ngoài sẽ quan trọng hơn hết
vì chúng mình không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các cảm xúc mãnh liệt hay những
diễn thoại của hai chủ thể trong câu chuyện. Khi đó chúng mình sẽ được viết lại
lịch sử theo cách nhìn của thế hệ sau, thu thập câu chuyện một cách bao quát và
đa chiều hơn.
Đặng Quân: Tiến trình hòa giải có thể sẽ hơi dễ dàng hơn cho giới trẻ Việt Nam
sinh sau năm 1975. Tuy nhiên, hòa giải là hòa giải giữa hai đối thủ, giữa những
người ngày xưa từng cầm súng đối mặt nhau trên chiến trường. Còn bây giờ, có
chăng là hòa giải giữa lớp con cháu những người cựu thù chăng? Giới trẻ sau năm
1975 có gì để hòa giải đây? Nên tôi nghĩ thay vì tập trung giới trẻ vào việc
hòa giải mà họ không hề có ý thức hoặc nhu cầu cần hòa giải; thì nên tập trung
giới trẻ vào việc rút tỉa bài học từ quá khứ giúp cho công cuộc đấu tranh dân
chủ, nhân quyền, tự do và công lý, công bằng thực sự trong thời hiện tại. Để giới
trẻ nhận biết rằng họ không nên quá hiền lành để bị nhà cầm quyền bắt nạt nữa.
Họ cũng không nên làm lơ vận mệnh bản thân và trao tất cả sự quyết định chính
trị vào tay những người khác nữa. Giới trẻ cần học và hiểu lịch sử hầu không
tin tưởng vào những thông tin một chiều, phó mặc cho nhà cầm quyền đùa giỡn với
quá khứ bằng những thông tin dối trá, lươn lẹo gạt gẫm người trẻ.
Tuy nhiên, tôi cũng xin nói lên một sự hòa giải
lớn giữa các thế hệ già trẻ, bảo thủ và cấp tiến, cộng sản và dân chủ nếu có biến
cố nào đấy, tựa biến cố năm 1975, nếu xảy ra ở Việt Nam một lần nữa. Khi đó thực
sự rất cần đến những người trẻ có hiểu biết kỹ lưỡng về chính trị, về dân chủ
và tự do, để người trẻ biết cùng nhau xây dựng một xã hội mới. Để bước qua những
khác biệt và hướng đến tương lai. Muốn thế, giới trẻ trong nước và hải ngoại cần
có tấm lòng bao dung, chưa có những rạn nứt sâu xa, để cùng nắm tay nhau mở ra
một tương lai chính trị mới cho Việt Nam.
Thảo Nguyên: Tôi cho rằng, vấn đề hoà giải không phải là một chủ đề xa lạ, nhưng sẽ
không được giới trẻ Việt Nam ưu tiên và quan tâm. Bởi sự kiện 30 tháng Tư năm
1975 đã là quá khứ, hơn nữa, chúng tôi không hề tham dự vào sự kiện này. Nếu có
nhắc lại sự kiện này, chỉ là nhắc lại những bài học về sự thành công và thất bại.
Tôi cho rằng, giới trẻ hiện nay nên hành động, suy nghĩ độc lập, dũng cảm, biết
đột phá, và cố gắng làm mọi thứ để mang lại tự do thực sự cho người dân Việt
Nam. Lúc đó, vấn đề hoà giải dân tộc sẽ tự được giải quyết chứ chúng ta không cần
phải lật lại lịch sử để giải quyết vấn đề hoà giải.
No comments:
Post a Comment