Tuesday, 13 April 2021

CHIẾN THUẬT"VÙNG XÁM" CỦA TRUNG QUỐC CÓ THỂ BỊ ÔNG BIDEN LÀM CHO PHÁ SẢN (Trương Nhân Tuấn)

 


Chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc có thể bị ông Biden làm cho phá sản

Trương Nhân Tuấn

13/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/13/chien-thuat-vung-xam-cua-trung-quoc-co-the-bi-ong-biden-lam-cho-pha-san/

 

Trung Quốc đã sử dụng một phương cách cổ điển, họ sử dụng lui tới nhiều lần và lần nào cũng thành công. Đó là phương cách sử dụng lực lượng “dân quân biển” và chiến thuật “vùng xám”.

 

Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974, chiếm các bãi san hô ngầm của Việt Nam, như Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Tư Nghĩa, đá Subi v.v… ở Trường Sa năm 1988, hay là chiếm đá Vành khăn của Phi năm 1995. Cuối cùng là vụ chiếm bãi đá Scarborough của Phi năm 2012. Tất cả Trung Quốc đều dùng một phương pháp. Đó là phương cách sử dụng đội ngũ ngư dân mà thực chất là “lực lượng dân quân biển” để mở đầu cuộc xâm lăng. “Vùng xám” trở thành vùng kiểm soát của Trung Quốc.

 

Trường hợp Hoàng Sa năm 1974, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đổ bộ lên một số đảo như đảo Quang Ảnh và Hữu Nhật. Hải quân VNCH can thiệp, bắt bớ và trục xuất những ngư dân này ra khỏi lãnh thổ của mình. Trung Quốc nhân dịp này đưa hải quân của họ đánh lại, rồi thôn tính Hoàng Sa.

 

Vụ bãi đá Scarborough 2012 cũng vậy. Trung Quốc cho tàu bè dân quân biển của họ vô neo đậu trong vùng bể lặng, giống y như hiện nay họ neo đậu ở đá Ba Đầu. Hải quân Phi ra truy bắt các tàu này thì lập tức bị hải quân Trung Quốc hăm dọa. Hải quân Phi phải rút lui và từ đó đá Scarborough bị Trung Quốc chiếm đóng.

 

Vụ đá Scarborough nhiều người lên tiếng trách móc chính phủ Obama yếu đuối, không can thiệp để giúp Phi. Theo tôi vụ này Mỹ không có lý do để can thiệp.

 

Cái cách sử dụng dân quân biển của Trung Quốc là không bị luật quốc tế chi phối. Còn cái gọi là “vùng xám”, tức là vùng luật lệ chưa minh bạch. Có thể vùng đó là vùng có tranh chấp. Có thể vùng đó chưa được pháp điển hóa (vùng nước quần đảo, vùng biển lịch sử, hải phận EEZ của các đảo nhỏ…).

 

Ta thấy Trung Quốc rất giỏi về các thủ thuật này. Chiến tranh nhân dân, hay du kích chiến mà CSVN áp dụng ở chiến trường Việt Nam đều xuất phát từ Trung Quốc. Ngày nay ta gọi đó là chiến tranh khủng bố. Theo đó, người dân, lúc bình thường họ làm ruộng. Lúc cần chiến đấu thì họ cầm súng. Người dân trở thành người lính nhưng trên phương diện pháp lý họ là người dân.

 

Dân quân biển của Trung Quốc, lúc bình thường thì họ đánh cá. Lúc cần thiết họ trở thành người lính hải quân. Luật quốc tế không có điều khoản nào nói về việc này cả.

 

Vụ Scarborough, Obama không can thiệp là vì không biết can thiệp trên tiêu chuẩn nào, với lý do nào? Hiệp ước an ninh hỗ tương Mỹ và Phi không bao gồm các đảo ở biển Đông.

 

Đứng trên quan điểm của Trung Quốc, vụ đá Ba Đầu, ta thấy Trung Quốc muốn nắn gân Biden thử coi tổng thống mới của Mỹ đối phó ra sao với chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc.

 

Đứng ở phía Phi ta cũng thấy như vậy. Các viên chức ngoại giao và quốc phòng của Phi nhân vụ này làm rùm beng lên, mục đích cũng để thăm dò mức độ dấn thân của Mỹ tới đâu?

 

Theo tôi vụ này Trung Quốc có thể sẽ ăn nhằm trái đắng. Miền Nam có câu tục ngữ “ăn quen chồn đèn mắc bẫy”.

 

Vấn đề là cái gọi là “vùng xám” đó đã không còn mù mờ, Trung Quốc muốn làm sao thì làm nữa.

 

Bài phỏng vấn mới đây của TS Vũ Hồng Lâm trên RFA có nói về chiến thuật “vùng xám”. Nhận định của TS Lâm có thể đã không còn đúng. Từ nay Tổng thống Biden có thể dựa trên nguyên tắc “bảo vệ trật tự pháp lý” để can thiệp vụ Đá Ba Đầu, nếu Trung Quốc sử dụng hải quân uy hiếp Phi và Việt Nam.

 

Mỹ nhìn nhận hiệu lực phán quyết 12 tháng 7 năm 2016 của tòa Trọng tài thường trực ở La Haye. Nước Mỹ và Tổng thống Biden có lý, vì phán quyết ngày 12-7-2016 là “luật”. Bởi vì phán quyết có mục đích “giải thích và hướng dẫn cách áp dụng luật biển”. (Chỉ tiếc là Mỹ chưa phải là thành viên của công ước LHQ 1982 về Luật Biển).

 

Tức là từ nay vùng biển Trường Sa không còn là “vùng xám” nữa. Vùng biển này đã được pháp điển hóa qua các điều giải thích của phán quyết 12 tháng 7 năm 2016. Thí dụ, yêu sách đường chữ U, vùng biển quần đảo, vùng kinh tế độc quyền 200 hải lý của các đảo… tất cả không còn “xám” nữa vì tất cả đều được Tòa giải thích rõ rệt.

 

Nếu Mỹ làm gì cũng “theo luật mà làm” thì sách lược “vùng xám” của Trung Quốc xem như phá sản.

Còn nhìn từ phía Việt Nam, nếu ta so sánh sự im lặng của Việt Nam với ngôn từ trao đổi giữa Phi và Trung Quốc, ta tưởng rằng tranh chấp đá Ba đầu là tranh chấp giữa Phi và Trung Quốc. Trong khi trên ba phương diện, thứ nhứt chiếm hữu thực tế, thứ hai pháp lý và thứ ba lịch sử, quần đảo Trường Sa thuộc về Việt Nam.

 

Cụm đảo Sinh Tồn từ lâu VNCH đã kế thừa từ Pháp. VNCH đã đổ quân chiếm đóng cụm đảo Sinh Tồn liên tục cho tới năm 1975.

 

Đá Ba đầu, một thực thể địa lý “lúc chìm lúc nổi”, tùy thuộc vào mực nước lên xuống của thủy triều. Đây không phải là một “lãnh thổ”, Trung Quốc không thể chiếm hữu hay tuyên bố chủ quyền. Đá Ba đầu sẽ phụ thuộc vào lãnh hải 12 hải lý của đảo gần nhứt, hoặc thuộc thềm lục địa 200 hải lý của quốc gia kế cận. Quan chức Phi lên tiếng, do đó là nhằm thăm dò độ “dân thân” của Mỹ. Chớ làm gì mà họ không biết bãi đá ngầm Ba Đầu nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đảo Sinh Tồn đông mà đảo này của Việt Nam.

Việt Nam hiện trấn đóng đảo Sinh Tồn Đông, cách đá Ba đầu 6 hải lý. Đá Ba Đầu vì vậy thuộc thẩm quyền tài phán của Việt Nam.

 

Dĩ nhiên sự im lặng của Việt Nam là không bình thường. Sự im lặng này có thể hiểu là Việt Nam từ bỏ lãnh thổ. Vấn đề bãi ngầm “không phải là lãnh thổ” để người ta có thể từ bỏ hay tuyên bố chủ quyền.

 

Nhưng theo tôi Việt Nam im lặng là cũng muốn thăm dò sự dấn thân của Tổng thống Biden như thế nào. Bởi vì phán quyết 12 tháng 7 năm 2016, trên thực tế chỉ quan hệ giữa Trung Quốc và Phi mà thôi. Sự im lặng của Việt Nam, hoặc sự lên tiếng có chừng mực, vì vậy ta có thể hiểu được và thông cảm.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats