Saturday, 24 April 2021

NGA THỂ HIỆN SỨC MẠNH TẠI BIÊN GIỚI UKRAINE VÀ TRÊN BIỂN ĐEN (tổng hợp)

 



NỘI DUNG :

 

Nga điều binh khiển tướng không chỉ để 'diễn tập' ở biên giới Ukraine

BBC Tiếng Việt

.

Ai đang làm chủ cuộc chơi tại Biển Đen ?

Thanh Hà  -  RFI

 

====================================================
.

.

Nga điều binh khiển tướng không chỉ để 'diễn tập' ở biên giới Ukraine

BBC Tiếng Việt

23 tháng 4 2021, 16:49 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-56831595

 

Bảy năm sau khi sáp nhập Crimea (03/2014), Nga đã tập trung 100 nghìn quân ở biên giới phía Tây của họ rồi tuyên bố rút đi, sau các cuộc "diễn tập".

 

Theo Liên hiệp châu Âu hôm 19/04/2021 thì Nga đã có các sư đoàn cơ giới, pháo binh hạng nặng, tàu chiến, phi cơ tập kết ở vùng biên giới Ukraine.

 

Tuy Nga nói tập trận là để đối phó với hành động "mang tính đe dọa" từ Nato, nhưng vẫn có lo ngại Nga đang lên kế hoạch phong tỏa khu vực Biển Đen.

 

Hiện Ukraine lo sợ rằng các cảng biển của họ sẽ bị ảnh hưởng.

 

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 21/04, Tổng thống Putin cảnh báo phương Tây "chớ có vượt quá làn ranh đỏ".

 

Có ý kiến nói Nga tập trận để "nắn gân" Tổng thống Joe Biden của Hoa Kỳ, đồng thời công khai ủng hộ nhà lãnh đạo Belarus, Alexander Lukashenko, đồng minh thân cận còn lại của Nga ở vùng hậu Liên Xô.

 

 

Bức tranh to: ba điểm nóng

 

Thế nhưng, việc tập trận gần Ukraine chỉ là một trong hai mũi triển khai sức mạnh quân sự của Nga.

 

Cùng thời gian, theo trang phân tích thời sự Geopolitical Futures (16/04), Nga đang triển khai quân lên cả vùng Bắc Cực.

 

Dùng 44 tàu chiến và 42 tàu ngầm và nhiều căn cứ, từ Severodvinsk, Rogachevo, đảo Sredny, Wrangel tới Providenya, Nga đang xây dựng một phòng tuyến đối đầu với Hoa Kỳ và Nato.

 

Cùng Biển Đông và Đông Ukraine, đây là các điểm nóng đang được quốc tế quan tâm.

Tuy thế, Nga và Trung Quốc có thể chia sẻ tham vọng nhưng với mục đích rất khác nhau.

 

Trang Financial Times ra ở Anh hôm 19/04 cho rằng sau Afghanistan, Trung Quốc và Nga sẽ cùng "nắn gân" xem Joe Biden dám tiến tới đâu trong các hồ sơ an ninh khu vực.

 

Nhưng với Trung Quốc, việc giành thế thượng phong ở Tây Thái Bình Dương là điều mới mẻ - hải quân đế chế Trung Hoa thời cổ, và CHND Trung Hoa chưa bao giờ vươn ra vùng này - còn với Nga, việc giành lại không gian trước 1917 và trước 1991 có ý nghĩa lớn.

 

Cựu thủ tướng Thụy Điển, Carl Bildt, viết hồi 2017, nhân dịp 100 năm Cách mạng Tháng 10/1917, rằng tư duy của Vladimir Putin là phục hồi vị thế Đế chế Nga (Imperial Russia) và chống lại mọi dàn xếp an ninh châu Âu không có Nga.

 

Ngày nay, Nga kiểm soát diện tích nhỏ hơn cả năm 1917 và nhỏ hơn nhiều so với khi còn Liên Xô.

 

Trong bàn cờ chiến lược mà Carl Bildt gọi là "mang tính phục thù" (revanchist agenda) đó của Nga, Ukraine luôn đóng vai trò trọng yếu.

 

Với ông Putin, việc đánh Georgia (2008) và chiếm Crimea (2014) là "những rủi ro chấp nhận được", dù cho tham vọng phục hồi lãnh thổ của Đế chế Nga và Liên Xô là bất khả thi, theo Carl Bildt.

 

Putin 'cam kết hỗ trợ' cho tổng thống Belarus

Nga bỏ phiếu cải cách hiến pháp của Putin

Putin khoe vũ khí 'bất khả chiến bại'

Nga-Ukraine: Chính thống giáo hoàn toàn chia rẽ

 

"Putin có thể không có một kế hoạch cụ thể, toàn diện để phục hồi Đế chế, nhưng chắc chắn là ông ta có xu hướng tạo các nước đi mang màu sắc đế quốc khi rủi ro ở trong tầm chịu được, như tại Georgia năm 2008 và ở Ukraine năm 2014."

 

Dù vậy, mọi việc điều động quân sự - nay đã tạm rút - của Nga có thể gây ra hệ quả mà chính Kremlin không tính trước được, theo Shlomo Ben-Ami trong bài "What will Russia do with forces massed on Ukraine's borders?" (The Strategist 20/04/2021).

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/B9FE/production/_118141674_58ff4f75-eec3-44b8-83c8-342e8dfcb574.jpg

Xe tăng của phiến quân thân Nga gần Donetsk, tháng 2/2015. Nay, Ukraine đã có hỏa tiễn chống tăng mua của Hoa Kỳ để tiêu diệt các đơn vị như thế này

 

 

Nếu đánh trên bộ Nga sẽ khó thắng?

 

Trong tương lai, không loại trừ có thêm một cuộc xung đột công khai của Nga với Ukraine, buộc Nato vào cuộc.

 

Tuy thế, theo phân tích của trang Geopolitical Futures, việc đánh chiếm toàn bộ Ukraine không chỉ khó đạt được mà còn khó kiểm soát cho Nga.

 

George Friedman viết trên Geographical Futures (14/04/2021):

 

"Vấn đề chính với một chiến dịch quân sự từ Nga là diện tích quá rộng của Ukraine. Giả sử không gặp chống cự thì Nga sẽ mất vài tuần để chiếm đóng toàn bộ Ukraine nhưng việc không có chống cự là rất thấp. Chưa kể, trong vài tuần đó, vũ khí, cung ứng hậu cần, và có thể cả các đơn vị Phương Tây sẽ đổ vào Ukraine. Một chiến dịch kéo dài sẽ gây tốn kém quá mức cho Nga. Vị thế của Belarus (đang thân Nga) có thể bị thách thức, cũng như vị trí của Nga ở vùng Caucasus.

 

"Một nước Nga giáp mặt với các thành viên Nato, từ Baltic tới Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria, chắc chắn sẽ làm sống dậy sức mạnh Nato, và khiến châu Âu hết tự mãn, thậm chí sẽ hoảng loạn."

 

Theo một số đánh giá thì để đánh xuyên qua lãnh thổ Ukraine, Nga sẽ gặp phải vấn đề hệt như chiến dịch Đầm lầy Pripet của Đức năm 1941, vấp vào tam giác Đông Ba Lan-Tây Ukraine- Nam Belarus.

 

Địa hình nhiều sông ngòi, đầm lầy đó đã giúp Liên Xô cần chân sư đoàn thiết giáp của tướng Heinz Guderian thuộc Tập đoàn quân phía Nam của Đế chế III, và nay, cũng địa hình đó sẽ chặn xe tăng Nga.

 

Chưa kể, thời Donald Trump, Hoa Kỳ đã bán cho Ukraine, nước không thuộc Nato nhưng là đối tác quan trọng, loại vũ khí chống tăng tốt nhất thế giới: hỏa tiễn Javelin.

 

Javelin có khả năng định vị và xuyên phá vỏ thép của mọi loại xe tăng hiện nay trên thế giới ở cự ly ba dặm.

 

Một số trang quốc phòng tin rằng chính loại vũ khí này đã khiến cho Nga không dám triển khai thêm quân, xe thiết giáp sang Donbas những tháng qua mà đẩy mạnh hơn sức ép lên Ukraine ở Biển Đen.

 

Lara Seligman và Natasha Bertrand viết trên Foreign Policy (12/04/2021) rằng hợp đồng ghi là Ukraine chỉ được dùng vũ khí chống tăng để phòng vệ, "không có điều khoản nào cấm Ukraine di chuyển các giàn hỏa tiễn trong lãnh thổ của họ".

 

"Nếu Nga vượt qua lằn ranh đỏ, cho xe tăng tràn vào đất Ukraine, thì các vũ khí mới này sẽ được sử dụng."

 

Hoa Kỳ cũng hủy kế hoạch "bàn giao" ba căn cứ tại Đức cho chính phủ Angela Merkel để triển khai đơn vị chiến tranh đa diện: Multi-Domain Task Force (MDTF) sang châu Âu.

Nếu như trên bộ, vũ khí chống tăng và phòng không của Mỹ đang giúp Ukraine có vị trí vững chắc hơn, việc triển khai quá mạnh ở Biển Đen sẽ không dễ với Nga.

 

 

Mũi tiến công ở Biển Đen?

 

Giả sử Nga tấn công Ukraine ở Biển Đen thì phản ứng của các quốc gia trong vùng, hoặc các nước từng dính líu vào các trận chiến ở đây sẽ không nhẹ nhàng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/12AF0/production/_87982567_dauntlesspa.jpg

Chiến hạm HMS Dauntless của Anh - hình minh họa. Tháng 5/2021 Anh sẽ cử một khu trục hạm tương tự tới Biển Đen để ủng hộ Ukraine

 

Không chỉ Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, mà Đức, Anh, Pháp từng can dự vào các cuộc chiến Biển Đen trong nhiều thế kỷ qua.

 

Hiện nay, vùng biển này đang tạm ở trong thế cân bằng về vùng ảnh hưởng.

 

Trước tin Nga triển khai quân sát Ukraine, Anh cử khu trục hạm mang tên lửa chống ngầm và các phi cơ của Hải quân tới Biển Đen vào tháng 5.

 

Tuy vậy, theo công ước Montreux 1936, tàu chiến nước ngoài chỉ được lưu lại ở Biển Đen 21 ngày, hạn chế khả năng tác chiến của Nato.

 

Hiện nay, Nga đã có trong tay khá nhiều lá bài, kể cả việc hạn chế ảnh hưởng từ Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Nato, ở Biển Đen.

 

Nhưng Nga không thể làm quá vì Thổ Nhĩ Kỳ tuy đặc biệt "thân hữu" với Nga nhưng cũng sẵn sàng đánh Nga, như đã làm với cú hạ phi cơ Nga tại Syria.

 

Theo Friedman, Thổ Nhĩ Kỳ "nếu thấy cơ hội mở ra, sẽ sẵn sàng đọ sức với Nga ở Caucasus (vùng dân Hồi giáo mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn bảo trợ), và nếu Nga đánh Ukraine thì "Ba Lan có thể tiến quân vào Belarus".

 

Tóm lại, mục tiêu tối hậu của Nga rất có thể không phải là đánh chiếm Ukraine, mà nhằm xoay chuyển định hướng của chính phủ ở Kiev và tác động tới các nước EU thuộc Đông Âu.

 

Sau cuộc chiến 2014, Nga giữ Crimea, giành được vị trí chiến lược ở phía Bắc của Biển Đen.

 

Trên bộ, Nga dừng lại ở việc dùng các nhóm phiến quân nói tiếng Nga ở Đông Ukraine để tác động vào chính trị Kiev, nhưng đến nay không đạt kết quả gì.

 

Một trong nhiều lý do khiến dân Ukraine không tin tưởng vào Moscow là thời Liên Xô Kremlin đã hết sức tàn bạo với dân tộc Ukraine, theo Friedman.

 

Nạn đói năm 1932-33 (Holodomor) làm chết ít nhất 4 triệu người Ukraine trong tổng số 5 triệu công dân Liên Xô.

 

Do vậy, ý tưởng "phục hồi không gian Xô Viết" sẽ khó được ủng hộ ở quốc gia 44 triệu dân.

 

Nhưng Shlomo Ben-Ami nêu ý kiến rằng nếu nghị trình "phục thù" của Nga thành công, thì cuộc chiến lớn Nga muốn thắng lợi không phải là chiếm Kiev.

 

"Nghị trình đó là phá tan cục diện an ninh hậu Chiến tranh Lạnh ở châu Âu."

 

Đây là hệ quả có thể gây nguy hiểm...cho chính nước Nga, theo ý kiến này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/1563E/production/_118141678_583639026-594x594.jpg

Kỷ niệm Ngày Rửa tội cho xứ Kievan Rus năm 988, đánh dấu kỷ nguyên Ky Tô giáo đến với tổ tiên của người Slavơ phía Đông mà sau chia thành các dân tộc Nga, Ukraine và Belarus. Ngày nay, Giáo hội Ukraine đã tách khỏi Moscow sau cuộc chiến của Nga ở miền Đông Ukraine năm 2014

 

--------------------

Trong bài sau, chúng tôi sẽ tổng hợp các tin và bài phân tích quốc tế về khả năng có hay không của việc Trung Quốc đổ bộ chiếm Đài Loan.

 

 

===================================================

.

.

Ai đang làm chủ cuộc chơi tại Biển Đen ?

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 23/04/2021 - 15:10

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210423-ai-%C4%91ang-l%C3%A0m-ch%E1%BB%A7-cu%E1%BB%99c-ch%C6%....BB%83n-%C4%91en

 

Trong hồ sơ Ukraina và Biển Đen, Nga đang tính toán những gì và đến khi nào thì ngừng những hoạt động khiêu khích phương Tây ? Đó là hai câu hỏi đang khiến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đau đầu. Việc Matxcơva thông báo rút một phần lực lượng khỏi bán đảo Crimée và tại biên giới sát cạnh với Ukraina phải chăng là dấu hiệu cho thấy Nga đã làm chủ cuộc chơi trong khu vực ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/94ca63f0-a433-11eb-bba8-005056bff430/w:900/p:16x9/2021-04-22T141908Z_1130085581_RC221N9QJK36_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-RUSSIA.webp

Tàu đổ bộ của hải quân Nga trên sông Don trên đường di chuyển từ Biển Caspi đến Biển Đen, Nga, 12/04/2021. REUTERS - SERGEY PIVOVAROV

 

Sau nhiều tuần lễ khuấy động Biển Đen, Nga đã làm hạ nhiệt tình hình. Từ cuối tháng 3/2021 Matxcơva triển khai hàng chục ngàn quân, thậm chí là hàng trăm ngàn, như Liên Hiệp Châu Âu ghi nhận, vũ khí hạng nặng, xe tăng, máy bay trinh sát … đến gần biên giới với vùng Donbass phía đông Ukraina và trên bán đảo Crimée với tầm nhìn gần 360 độ ra Biển Đen.

 

Sự hiện diện của Hải Quân Nga trong vùng biển này đã thêm dầy đặc, các cửa ngõ ra vào các vùng biển chung quanh bị hạn chế từ eo biển Kertch cánh cổng nối liền Biển Đen và Azov. Trước lo ngại của cả Ukraina lẫn cộng đồng quốc tế, điện Kremlin nhấn mạnh đây chỉ là một đợt diễn tập bình thường nhằm kiểm tra khả năng phòng thủ của các lực lượng quân sự và những hoạt động đó « không đe dọa » một ai. Cùng lúc Matxcơva lên án chính quyền Kiev có những hành vi « khiêu khích » qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở miền đông Ukraina từ tháng Hai vừa qua.

 

Những động thái nói trên của Nga khiến NATO « lo ngại », vì các quyền tự do đi lại trên Biển Đen và Azov bị hạn chế, qua đó bóp ngẹt các hoạt động giao thương của Ukraina. Để dằn mặt Nga, Hoa Kỳ đã tính đến khả năng điều tàu chiến đến khu vực, nhưng rồi đã hủy quyết định này vào giờ chót, khi Matxcơva quyết định mở một cuộc tập trận ngay tại chính khu vực mà Mỹ muốn tăng cường hiện diện để thị uy. Riêng về phía Anh Quốc, theo tiết lộ của báo chí tại Luân Đôn, dường như chính phủ Boris Johnson vẫn duy trì kế hoạch điều chiến hạm đến Biển Đen trong tháng 5/2021.

 

Vậy phải chăng phương Tây và Nga đang chơi trò mèo vờn chuột tại vùng biển chiến lược này ? Theo nhà phân tích Mark Galeotti, thuộc trung tâm nghiên cứu về khu vực Trung và Đông Âu ULC SSEES, trụ sở tại Luân Đôn, được AFP trích dẫn, việc Nga thông báo làm hạ nhiệt tình hình ở Biển Đen không là điều ngạc nhiên, sau khi Matxcơva đã phô trương sức mạnh với Hoa Kỳ ngay trong những tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden.

 

Những hoạt động quân sự dồn dập vừa qua của Nga trên Biển Đen và sát biên giới Ukraina chính là nhằm « nắn gân » tân chủ nhân Nhà Trắng. Ngoài ra, điện Kremlin cũng muốn chứng minh với phương Tây là chớ xem thường khả năng phòng thủ của Nga, Matxcơva hoàn toàn có khả năng « triển khai trong một thời gian rất ngắn, huy động đông đảo binh sĩ đến hiện trường ».

 

Nhưng có lẽ các nhà quân sự ở Matxcơva biết rõ cần dừng lại đúng lúc mới là thượng sách. Tây phương cũng đã có một số thiện chí. Thứ nhất về phía Kiev, dù nước này được phương Tây ủng hộ, một lần nữa NATO từ chối để Ukraina gia nhập liên minh quân sự. Điểm thứ hai đáng ghi nhận có lẽ Matxcơva dừng lại các hành động gây thêm căng thẳng vào lúc mà chính Washington đề xuất một cuộc họp thượng đỉnh Mỹ- Nga vào mùa hè năm nay và hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin – Joe Biden sẽ gặp nhau tại một quốc gia thứ ba để khởi động lại đối thoại song phương và có lẽ lúc đó cũng là điều Matxcơva mong muốn.

 

Điểm thứ ba được nhà báo Jean Pierre Stroobants của tờ Le Monde ghi nhận : dường như Nga cũng đã nhận thấy một sự lúng túng nào đó của khối NATO : trước mắt khối này chưa biết trong trường hợp cần can thiệp, liên minh sẽ đáp trả dưới hình thức nào.

Có lẽ như ghi nhận của phóng viên Véronika Dorman trên báo Libération, Nga đấu dịu sau khi Vladimir Putin đã đạt được những gì mong muốn. Đó là buộc chính quyền Biden phải chú ý trở lại đến nước Nga, hù dọa đồng minh của phương Tây là Ukraina và nhắc nhở cả Kiev lẫn NATO rằng chớ « vượt qua lằn ranh đỏ », tức là kết nạp Ukraina vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương hay Bruxelles cho phép Ukraina tham gia Liên Hiệp Châu Âu.

 

Andrei Kortounov, tổng giám đốc hội đồng cố vấn đối ngoại của Nga, trên tờ Libération ghi nhận Matxcơva thừa biết cái giá sẽ phải trả khi khai mào một chiến dịch quân sự, cho nên mục tiêu của Nga là « răn đe », chứ không phải là để đi đến cùng. Nga không hài lòng trước viễn cảnh NATO tập trận ở Biển Đen và Baltic, gần sát cạnh, nên đã thể hiện thái độ bất bình đó bằng một sự hù dọa.  

 

Có điều, như phân tích của chủ tịch trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Matxcơva, Dmitri Trenin, căng thẳng trong vùng Biển Đen mới chỉ tạm lắng, vẫn tồn tại viễn cảnh một cuộc xung đột lại bùng lên trong khu vực. Nhưng có lẽ rõ rệt nhất là trong mọi kịch bản, Vladimir Putin mới là người làm chủ tình hình trong khu vực nhạy cảm này.

 

                                                          ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Nga: Đến lượt TT Putin vạch “lằn ranh đỏ” đối với phương Tây

 

Căng thẳng với Ukraina, Nga tăng cường hiện diện hải quân ở Biển Đen

 

Nga bắt đầu giảm quân số trong vùng biên giới Ukraina

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats