Saturday, 24 April 2021

NẠN KHAN HIẾM CHẤT BÁN DẪN GÂY XÁO TRỘN CÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI (Thanh Phương - RFI)

 



Nạn khan hiếm chất bán dẫn gây xáo trộn công nghiệp thế giới

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 23/04/2021 - 09:43

https://www.rfi.fr/vi/kinh-t%E1%BA%BF/20210423-khan-hi%E1%BA%BFm-ch%E1%BA%A5t-b%C3%A1n-d%E1%BA%A......BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

 

Trong thời gian gần đây, nhiều ngành, từ điện thoại thông minh, thiết bị chơi video game, xe hơi, gặp rất nhiều khó khăn về nguồn cung ứng chất bán dẫn. Nạn khan hiếm vật liệu thiết yếu này đang ngày càng gây nhiều xáo trộn cho công nghiệp toàn cầu. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/39e92fa4-a3f5-11eb-bc43-005056a9b1a7/w:900/p:16x9/2021-04-15T023717Z_967329823_RC22WM91GPNZ_RTRMADP_3_TSMC-RESULTS.webp

Ngay cả tập đoàn sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới TSCM của Đài Loan cũng không đáp ứng kịp nhu cầu hiện nay. REUTERS - ANN WANG

 

Chất bán dẫn quan trọng thế nào?

Chất bán dẫn, hay nói rộng hơn là các linh kiện điện tử được chế tạo từ chất bán dẫn, là tối cần thiết đối với ngành công nghiệp thế giới, đặc biệt là chip điện tử để giúp cho các máy móc thu thập, xử lý và lưu giữ các dữ liệu.

 

Chất bán dẫn có mặt trong các máy điện tử hay vật kết nối, như điện thoại thông minh, máy vi tính, xe hơi, thiết bị chơi game, máy bay, các mạng tin học hay mạng điện thoại. Các linh kiện này thường rất nhỏ, loại nhỏ nhất chỉ khoảng từ 5 đến 7 nanomètre.

 

Theo nữ giáo sư kinh tế học Mathilde Aubry, trường thương mại EM Normandie, được hãng tin AFP trích dẫn, vì đây là một ngành đòi hỏi rất nhiều đầu tư, cho nên các công ty đôi khi chỉ chuyên về một lĩnh vực, chẳng hạn như chuyên về nghiên cứu và phát triển, hoặc chuyên về sản xuất. Có khi cả một quốc gia chỉ chuyên về một lĩnh vực.

 

Hiện giờ các nhà sản xuất chủ yếu của thế giới là ở Đài Loan ( TSMC ), Hàn Quốc (Samsung và SK Hynix). Hoa Kỳ thì có một nhà sản xuất lớn khác là Intel. Ngược lại, châu Âu chủ yếu chuyên về nghiên cứu và khả năng sản xuất thì rất hạn chế. 

 

Nguyên nhân của sự khan hiếm

Với việc cả thế giới nay buộc phải làm việc từ xa để ngăn ngừa đại dịch Covid-19, nhu cầu về các linh kiện cho máy vi tính và các loại máy điện tử khác đang bùng nổ. 

 

Nhưng trước khi có đại dịch, thị trường chất bán dẫn đã chịu áp lực rất mạnh do hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Một số tập đoàn như Hoa Vi vào năm ngoái đã mua trữ rất nhiều linh kiện bán dẫn để hạn chế những tác động của các trừng phạt do Mỹ ban hành

 

 Lại thêm hạn hán ở Đài Loan 

Tình trạng khan hiếm chất bán dẫn lại càng thêm nặng nề do nạn hạn hán tại Đài Loan. Hòn đảo này hiện có các nhà máy chuyên sản xuất chất bán dẫn thuộc loại tân tiến nhất thế giới. Nhưng các nhà máy này tiêu thụ rất nhiều nước, nhất là để rửa sạch các con chip điện tử. Ngay trước khi xảy ra hạn hán, các nhà máy ở Đài Loan đã không thể đáp ứng nổi nhu cầu. Bây giờ lại thêm hạn hán chưa từng có. 

 

Đài Loan là một trong những nơi ẩm ướt nhất thế giới, với lượng mưa trung bình là 2.600 mm mỗi năm. Đảo này bình thường vẫn hay bị bão vào mùa mưa, nhờ vậy mà cho tới nay không bao giờ thiếu nước. Thế mà, lần đầu tiên từ 56 năm qua, trong năm 2020, đã không có một cơn bão nào ập vào Đài Loan và trong 3 tháng đầu năm nay, lượng mưa chỉ bằng 40% mức trung bình.

 

Trước tình hình này, chính phủ Đài Bắc đã ra lệnh cho các hộ gia đình và các công ty, kể cả các tập đoàn sản xuất chất bán dẫn, phải hạn chế sử dụng nước.   

  

Thật ra, theo chuyên gia Alan Patterson, của tạp chí chuyên môn EE Times, hiện giờ nạn hạn hán chưa phải là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng khan hiếm chất bán dẫn ở Đài Loan, mà là do một số công ty đặt mua một số lượng nhiều hơn mức mà họ thật sự cần đến. Nhưng nếu hạn hán kéo dài, ngành sản xuất chất bán dẫn sẽ gặp thêm khó khăn. Cho nên một số người đã yêu cầu xây dựng thêm các hồ trữ nước và có những giải pháp dài hạn để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.  

 

Ngành xe hơi bị nặng nhất 

Theo giáo sư Aubry, những ngành tiêu thụ nhiều chất bán dẫn nhất là những ngành đầu tiên bị tác động, chẳng hạn các thiết bị viễn thông (box internet, máy vi tính, điện thoại di động). Nhưng ngành bị tác động thấy rõ nhất chính là công nghiệp xe hơi.

 

Do khan hiếm chất bán dẫn mà một nhà máy của tập đoàn Stellantis ( PSA-Fiat Chrysler) ở Pháp phải ngừng hoạt động trong 8 ngày, còn các cơ sở sản xuất của General Motors và Ford ở Hoa Kỳ hoạt động chậm lại hoặc tạm ngưng hoạt động. Hãng Land Rover của Anh hôm nay cũng vừa thông báo sẽ phải tạm ngưng sản xuất tại 2 trong 3 nhà máy lắp ráp ở Anh. Tại Đức, cũng do nạn khan hiếm chất bán dẫn, hàng ngàn lao động trong ngành xe hơi sẽ bị thất nghiệp bán phần.

 

Theo Matthias Heck, một nhà phân tích của hãng Moody's, trong ngành công nghiệp xe hơi thế giới, nạn khan hiếm chất bán dẫn sẽ khiến khối lượng sản xuất trong ngành này sụt giảm khoảng 2% trong năm nay. 

 

Trước mắt, việc sản xuất khoảng 1 triệu xe hơi trong sáu tháng đầu năm trên thế giới, trong đó có 300.000 chiếc ở châu Âu, sẽ bị chậm trễ hoặc bị hủy bỏ.

 

Một trong những hậu quả bất ngờ của nạn khan hiếm chất bán dẫn đó là đồng hồ của kiểu xe Peugeot 308 của tập đoàn PSA - Fiat Chrysler nay trở lại giống như thời xưa, tức là với những cây kim, chứ không hiện số điện tử! Xe này sẽ bán với giá rẻ hơn 400 euro so với xe có trang bị đồng hồ số điện tử.

 

Giải pháp: Gia tăng sản xuất?

Vấn đề trầm trọng đối với ngành công nghiệp xe hơi Mỹ đến mức đích thân tổng thống Joe Biden hôm 12/04 vừa qua đã họp với các lãnh đạo những tập đoàn lớn để tìm giải pháp cho tình trạng khan hiếm chất bán dẫn trên thế giới. 

 

Trong cuộc họp này, ông Biden khẳng định cả hai đảng trong Quốc Hội Hoa Kỳ đều ủng hộ một dự luật nhằm hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp chất bán dẫn. Cũng tham gia cuộc họp với tổng thống Biden, tổng giám đốc tập đoàn Intel, Pat Gelsinger, tuyên bố với hãng tin Reuters là, trong từ 6 đến 9 tháng tới, tập đoàn này sẽ sản xuất các chip điện tử để góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm hiện nay. Tổng cộng Intel sẽ đầu tư thêm 20 tỷ đôla để nâng cao khả năng sản xuất.

 

Nạn khan hiếm chất bán dẫn còn làm nổi rõ những rủi ro của việc tập trung các cơ sở sản xuất của thế giới vào một số nơi, chủ yếu là ở Đài Loan và Hàn Quốc. Cho nên tập đoàn TSCM của Đài Loan vừa thông báo xây dựng thêm các nhà máy ở bang Arizona, Hoa Kỳ. Tổng cộng TSCM sẽ đầu tư 100 tỷ đôla để nâng cao khả năng sản xuất.

 

Châu Âu cũng đang cố tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp chất bán dẫn từ châu Á. Liên Hiệp Châu Âu có tham vọng tăng gấp đôi sản lượng từ đây đến năm 2030, để chiếm 20% tổng sản lượng chất bán dẫn của thế giới.

 

Nhưng theo chuyên gia về kinh tế Đài Loan Iris Pang, được hãng tin AFP trích dẫn, nạn khan hiếm chip điện tử có nguy cơ kéo dài đến 2022, thậm chí 2023. Cùng với đà phục hồi kinh tế thế giới, nhu cầu về chất bán dẫn sẽ gia tăng, nhưng việc xây dựng các cơ sở sản xuất mới sẽ mất nhiều thời gian.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats