Monday, 12 April 2021

BIỂN ĐÔNG : VIỆT NAM, PHILIPPINES SẼ BỚT "ĐƠN ĐỘC" ĐỐI ĐẦU VỚI TRUNG QUỐC? (Thu Hằng - RFI)

 



Biển Đông : Việt Nam, Philippines sẽ bớt “đơn độc” đối đầu với Trung Quốc?

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 12/04/2021 - 10:05

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20210412-viet-nam-philippines-bot-don-doc-doi-dau-voi-trung-quoc-o-bien-dong

 

Hơn 200 tầu vỏ sắt Trung Quốc “kết bè tránh gió bão” trong suốt một tháng (từ khoảng 07/03 đến khoảng giữa tháng 04/2021) ở Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Hà Nội yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Manila lên án “sự hiện diện bầy đàn và hăm dọa” của lực lượng “dân quân biển” Trung Quốc với khẳng định Đá Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) của Philippines.

 

Washington liên tục tuyên bố ủng hộ Manila, khẳng định sẽ áp dụng hiệp ước phòng thủ chung trong trường hợp Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông. Từ ngày 04/04/2021, đội tầu sân bay Theodore Roosevelt CSG và đội tầu đổ bộ Makin Island ARG đã có mặt ở Biển Đông để “luyện tập năng lực chiến thuật và thể hiện các nỗ lực tận tụy không ngừng cho an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Theo trang USNI News ngày 08/04, vào thời điểm này, 44 tầu dân quân biển Trung Quốc vẫn neo đậu gần Đá Ba Đầu.

 

Cùng lúc với đội tầu Trung Quốc vẫn “trú gió bão” ở Đá Ba Đầu, ngoại trưởng Vương Nghị tiếp riêng lẻ bốn đồng nhiệm Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines ở tỉnh Phúc Kiến từ ngày 31/03 đến 02/04. Theo trang Global Times ngày 05/04, các cuộc họp này truyền đi “một thông điệp rõ ràng (của Bắc Kinh), đặc biệt là khi các thế lực nước ngoài, dưới sự chỉ hy của Hoa Kỳ, đang cố đào sâu hố ngăn cách giữa ASEAN với Trung Quốc bằng cách cổ vũ cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương và liên minh Bộ Tứ - QUAD để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc”.

 

Ngoài Mỹ, nhiều cường quốc khác như Nhật Bản, Anh, Úc và Canada cũng phản đối đội tầu dân quân biển của Trung Quốc neo đậu ở Đá Ba Đầu, cũng như những yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhờ sự ủng hộ này, Việt Nam và Philippines nói riêng, hai nước nhận có chủ quyền ở Đá Ba Đầu, và những nước trong vùng nói chung có tranh chấp với Trung Quốc, có lẽ sẽ bớt “đơn lẻ” đối đầu với Bắc Kinh, theo nhận định của nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Á tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp (Fondation pour la Recherche stratégique, FRS), khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 07/04/2021.

 

*****

 

RFI : Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lần lượt tiếp bốn đồng nhiệm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines từ ngày 31/03 đến ngày 02/04 ở tỉnh Phúc Kiến (Fujian). Các cuộc họp song phương đó diễn ra trong bối cảnh nào ? Tại sao lại là bốn nước này ?

 

Antoine Bondaz : Trước hết cần nhấn mạnh đến một điểm vô cùng quan trọng, đó là hoạt động năng nổ thực sự của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á. Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) là một đối tác không thể thiếu của Bắc Kinh.

Thứ nhất, năm 2020, ASEAN trở thành đối thương mại hàng đầu của Trung Quốc, với hơn 730 tỉ đô la trao đổi thương mại, vượt qua cả Liên Hiệp Châu Âu. Còn Trung Quốc luôn là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN. Thứ hai, năm 2021 đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và ASEAN. Vì thế, hai bên có mối quan hệ đối tác thương mại và chính trị rất quan trọng. Cuối cùng, về mặt ngoại giao, khi cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington không ngừng gia tăng, thì tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á cũng không ngừng tăng theo.

Trong bối cảnh đó, ngành ngoại giao Trung Quốc trở nên vô cùng năng động ở Đông Nam Á từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Vào tháng 11/2020, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công du Cam Bốt, Malaysia, Lào, Thái Lan và Singapore. Sau đó, vào tháng 01/2021, ông Vương Nghị đến Miến Điện, Indonesia, Brunei và Philippines, có nghĩa là bao trùm hết các quốc gia thành viên ASEAN, trừ Việt Nam. Nhưng trước đó, ông Vương Nghị đã gặp đồng nhiệm Việt Nam vào tháng 08/2020.

Chúng ta có thể thấy Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng khắp Đông Nam Á, tương tác với toàn bộ các nước đối tác. Và việc ông Vương Nghị tiếp ngoại trưởng bốn nước ASEAN ở miền nam Trung Quốc vào đầu tháng 03/2021 cũng nhằm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ASEAN trên phương diện kinh tế, chính trị và ngoại giao.

 

*

RFI : Như ông nói Việt Nam không nằm trong hai vòng công du Đông Nam Á của ông Vương Nghị vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tiếp theo là vòng làm việc tại tỉnh Phúc Kiến, thì vẫn có cảm tưởng như Việt Nam bị “cô lập” ?

 

Antoine Bondaz : Tôi nghĩ có lẽ có nhiều giả thuyết. Có thể là phía ngành ngoại giao Trung Quốc cho rằng đã có cuộc gặp vào tháng 08/2020, cách đây chưa đầy 1 năm, như vậy Việt Nam được đặt ngang hàng với tất cả các nước ASEAN khác.

Tiếp theo, trên phương diện mang tính chính trị hơn và cần phải nhấn mạnh đây chỉ là một giả thuyết, có thể chính sách của Trung Quốc là “cô lập” Việt Nam đủ để Việt Nam có thể nhượng bộ, kể cả về mặt chính trị qua việc bớt công khai chỉ trích, ví dụ như chính sách của Bắc Kinh về Biển Đông. Chúng ta biết rõ là căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam và với Phillipines rất lớn và không ngừng gia tăng, thêm vào đó là Hà Nội tỏ ra quyết liệt hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình trong những năm gần đây.

Việt Nam hiện cũng được phần nào đó hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng kinh tế và dịch tễ khi ngày càng trở thành một đối tác khu vực không thể thiếu với các nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc. Mục tiêu của Trung Quốc có thể là tránh để Việt Nam gia tăng hợp tác với các nước khác.

 

*

RFI : Cùng lúc với các cuộc gặp giữa ngoại trưởng Vương Nghị và bốn đồng nhiệm Đông Nam Á, thì hơn 200 tầu cá Trung Quốc vẫn neo đậu ở Đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa. Phải giải thích như nào về hành động hung hăng trên thực địa và đường lối ngoại giao của Bắc Kinh ?

 

Antoine Bondaz : Đường lối của Bắc Kinh khá nhất quán và không đổi trong những năm gần đây. Có nghĩa là Bắc Kinh có những yêu sách tối đa, bao trùm gần hết Biển Đông trong đường 9 đoạn, chứ không chỉ ở một số đảo nhỏ.

Thứ hai, ngay từ đầu Trung Quốc theo đuổi chiến lược thay đổi nguyên trạng trong khu vực bằng cách từng bước thông qua những chính sách mới nhằm thay đổi nguyên trạng, như bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông.

Thứ ba là Bắc Kinh thường xuyên sử dụng những nhân tố mới, được gọi là lực lượng “dân quân biển” trực thuộc Quân Ủy Trung Ương, nhưng lại không phải là Hải Quân hay Hải Cảnh. Biện pháp này giúp Trung Quốc có được sự linh hoạt nhất định trong cách tiếp cận chính trị và trên hết là để quản lý được mức độ leo thang. Đây chính là mục đích của Trung Quốc. Sử dụng lực lượng dân quân biển, đó là buộc các nước khác hoặc không làm gì hết, hoặc phải bước vào leo thang căng thẳng. Qua đó, Trung Quốc có thể cân nhắc hoặc tìm cách để biến Việt Nam hoặc Philippines thành các bên điều lực lượng cảnh sát biển hay Hải Quân đến trước và như vậy phải chịu trách nhiệm về leo thang chính trị, thậm chí là leo thang quân sự.

Một lần nữa, đừng quên rằng mục tiêu của Trung Quốc là thay đổi nguyên trạng bằng cách thực hiện các chiến dịch có thể được mô tả là “chiến tranh hỗn hợp”. Có nghĩa là tiến hành các chiến dịch làm thay đổi nguyên trạng nhưng lại không bao giờ phạm đến ngưỡng có thể gây ra xung đột.

Đối với các nước trong vùng, rất khó có thể đơn phương đối đầu, dù là Việt Nam hay Philippines. Chiến lược được Manila áp dụng gần đây là “quốc tế hóa” tình hình, truyền đạt rộng rãi nhất có thể bằng cách xác định những gì đang xảy ra, tố cáo những gì Trung Quốc đang làm và mời Hoa Kỳ, cũng như những nước khác, lên tiếng về tình hình trong khu vực.

Chính điều này giải thích cho những phát biểu vô cùng khắc nghiệt từ phía đại sứ Trung Quốc ở Philippines cũng như từ ngành ngoại giao Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ trích gay gắt Manila và cho rằng Philippines không có tính chính đáng để lên án hành động của Trung Quốc. Bắc Kinh tìm cách áp đặt ý đồ của họ lên các nước trong vùng, nhất là Philippines, quốc gia có ít phương tiện để một mình đương đầu với Trung Quốc.

 

*

RFI : ASEAN luôn kêu gọi các bên không gây căng thẳng trong khu vực và sẽ không chọn bên. Nhưng trước sức ép ngày càng quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông, phải chăng sự hiện diện của Mỹ lại giúp giữ thế cân bằng ?

 

Antoine Bondaz : Điều rõ ràng hiện nay là thiếu sự cân bằng đáng kể trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam và giữa Trung Quốc với Philippines chừng nào Hà Nội và Manila còn chưa thể một mình đương đầu với Bắc Kinh. Do đó, một mặt, cần phải tăng cường khả năng phòng thủ riêng, như chúng ta thấy Việt Nam hiện đại hóa quân đội, trong đó có lực lượng hải quân. Nhưng với nhịp độ hiện đại hóa đó, cũng không có khả năng chống lại được sức mạnh của quân đội Trung Quốc và cũng sẽ không thể đối mặt trong tương lai. Vì thế mục tiêu là dựa vào và cố gắng có được sự ủng hộ của quốc tế, như về mặt an ninh.

Chúng ta thấy là nhiều nước trong vùng, như Indonesia đang xích lại gần với Nhật Bản để hiện đại hóa quân đội, Việt Nam cũng làm tương tự với nhiều nước khác. Và nhất là về thực tế chính trị và ngoại giao, Việt Nam hay Philippines không tìm cách liên kết với Hoa Kỳ, thì hai nước này nên tìm cách có được sự ủng hộ của Washington và trong tương lai là của Liên Hiệp Châu Âu để bớt bị cô lập và có thể đối mặt với sức ép của Trung Quốc. Nhưng cần nhắc lại rằng chênh lệch giữa hai bên là rất lớn.

Yếu tố mới có thể có lợi cho những nước này chính là nỗ lực phối hợp chưa từng có được chính quyền Joe Biden triển khai, kể cả ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chúng ta thấy trong những tuần qua có cuộc họp thượng đỉnh của Bộ Tứ - QUAD (gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ), tiếp theo là chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken. Đây mới chỉ là lần thứ ba, kể từ năm 1945, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ là tại châu Á, trước đó là ngoại trưởng David Dean Rusk vào năm 1961 và ngoại trưởng Hillary Clinton vào năm 2009.

Chúng ta cũng thấy là các nước Bộ Tứ đã nhất trí sản xuất hơn 1 tỉ liều vac-xin ngừa Covid-19 từ nay đến cuối năm 2022 cho các nước Đông Nam Á, và rộng hơn là cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Điều này cho thấy Hoa Kỳ nỗ lực rất nhiều trong việc điều phối và việc này có thể có lợi cho Việt Nam, Phillipines dù rằng cả Hà Nội lẫn Manila sẽ không tham gia Bộ Tứ.

 

*

RFI : Như vậy là tình hình tại Biển Đông và Đông Nam Á sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới ?

Antoine Bondaz : Theo tôi, điều quan trọng là phải hiểu rằng Đông Nam Á là một khu vực ngày càng mang tính chiến lược. Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiếp tục tăng, thì vùng Đông Nam Á vẫn có tầm quan trọng ngày càng lớn. Như đã nói ở trên, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, điều này ít người biết đến. Ngoài ra, Đông Nam Á còn nằm ở vị trí trung tâm trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nơi tập hợp các thách thức an ninh truyền thống hoặc phi truyền thống, trong khi nhiều quốc gia lại đang phát triển chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có nhiều nước châu Âu.

Khu vực Đông Nam Á cũng như các nước thành viên ASEAN nhận thấy tầm quan trọng của họ được các nước châu Âu tái khẳng định. Vì thế đây là một cơ hội chưa từng có đối với các nước như Indonesia, Việt Nam để xích lại gần với các quốc gia châu Âu. Đúng là Việt Nam hay Indonesia đã xích lại gần với một số nước trong vùng, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc hoặc với Đài Loan mà mỗi đối tác này có ít nhất một chính sách dành cho Đông Nam Á trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm nhiều hơn và như vậy ASEAN, cũng như các nước thành viên, sẽ có vai trò còn quan trọng hơn trước đây. Từ đó, ASEAN không những có thể tranh thủ được sự cạnh tranh Mỹ-Trung mà còn được hưởng lợi từ mối quan tâm ngày càng lớn của các nước châu Âu đối với khu vực này. Một lần nữa, tôi nghĩ rằng Indonesia và Việt Nam chẳng hạn, sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

 

 

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Á tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp (Fondation pour la Recherche stratégique, FRS).

 

 

                                                            ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

BIỂN ĐÔNG - PHILIPPINES - MỸ

Biển Đông: Lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ và Philippines hội ý về tàu dân quân Trung Quốc

 

PHÂN TÍCH

Biển Đông: Trung Quốc "nắn gân" Biden giống như với Obama

 

BIỂN ĐÔNG-HOA KỲ-TRUNG QUỐC

Hàng không mẫu hạm Mỹ đến Biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc tập trận gần Đài Loan

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats