Monday, 12 April 2021

TRỞ NGẠI CỦA MỸ Ở ĐÔNG NAM Á : TỪ VIỆT NAM và PHILIPPINES (Jackhammer Nguyễn)

 



Trở ngại của Mỹ ở Đông Nam Á: Từ Việt Nam và Philippines

Jackhammer Nguyễn

12/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/12/tro-ngai-cua-my-o-dong-nam-a-tu-viet-nam-va-philippines/

 

Hai quốc gia đối đầu nhiều nhất với Bắc Kinh ở Đông Nam Á lại là trở ngại lớn của Mỹ trong khu vực này, qua nỗ lực chống Trung Quốc: Đó là Việt Nam và Philippines. Trở ngại ở đây không phải là họ chống Mỹ, mà là họ không hợp tác hoàn toàn với Mỹ trong việc chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.

 

 

Việt Nam với chính sách quốc phòng “bốn không” và “một … có thể”

 

Hà Nội được biết là thực hiện chính sách đu dây giữa Washington và Bắc Kinh. Năm 2010, Việt Nam đưa ra chính sách quốc phòng “ba không”. Năm 2019, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam đã chuyển từ “3 không” sang “4 không”, đó là: “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

 

Gần đây với sự đe dọa ngày càng tăng của Bắc Kinh, Hà Nội thêm vào “một… có thể” trong sách trắng quốc phòng 2019. Việt Nam nói là, trong trường hợp nào đó, họ có thể tính đến quan hệ quốc phòng với các quốc gia khác.

 

Trên thực tế người ta chứng kiến mối quan hệ quốc phòng Mỹ  – Việt nồng ấm lên trong mấy năm qua. Có đến hai lần, hàng không mẫu hạm Mỹ thăm cảng Việt Nam. Các chuyến đi qua lại giữa các viên chức quốc phòng hai nước đến Hà Nội và Washington khá dày và nhộn nhịp.

 

Với thực tế đó, giới chuyên gia và quân sự Mỹ hy vọng thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng giữa hai bên. Điều Mỹ cần nhất ở Việt Nam là 3.200 km bờ biển ngay sát cạnh Trung Quốc. Điều này đã được báo Gray Zone, trang thông tin chuyên thực hiện các cuộc điều tra chính trị, đưa ra.

 

Ý niệm về tầm quan trọng của 3.200 cây số bờ biển đó của Việt Nam đối với Mỹ cũng được ông Ngô Vĩnh Long, giáo sư Sử tại đại học Maine, đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với RFA hồi năm 2018.

 

Điều đáng tiếc cho phía Mỹ là, cuộc điều tra của Gray Zone cho thấy, các giới chức Việt Nam nhất định giữ sự cân bằng hiện nay của Hà Nội giữa Mỹ với Trung Quốc.

 

Một nhà quan sát Việt Nam, ông Nguyễn Thế Phương, từ châu Âu, được Gray Zone phỏng vấn, cho rằng giới ngoại giao Việt Nam muốn đưa các tàu tuần duyên Mỹ thăm cảng Việt Nam, vì theo họ các tàu này không gây hoảng sợ cho Trung Quốc và cũng có hiệu quả chống lại hải quân Trung Quốc. Nhưng ý định này đã bị Bộ Quốc phòng Việt Nam bác bỏ.

 

 

Manila đòi tiền

 

Quốc gia thứ hai trong vùng biển Đông phải thường xuyên đối đầu với Trung Quốc là Philippines. Mỹ có thuận lợi hơn trong quan hệ với Manila so với quan hệ với Hà Nội, vì Philippines là một đồng minh, chia sẻ nhiều giá trị chung, Mỹ từng có các căn cứ hải quân và không quân lớn ở quần đảo này, và hai bên hiện nay vẫn có một hiệp ước quốc phòng tương trợ nhau.

 

Trở ngại lại đến từ tổng thống dân túy Rodrigo Duterte. Từ khi lên cầm quyền đến nay ông Duterte tìm cách làm thân với Trung Quốc và xa rời Mỹ, với hy vọng thu hút đầu tư từ Bắc Kinh. Vào tháng 2 năm nay, ông Duterte còn lên tiếng đòi tiền thêm để cho các đơn vị Mỹ luân phiên đến nước này theo thỏa thuận lâu nay giữa hai bên.

 

Tình hình có vẻ sáng sủa hơn đôi chút khi vào Chủ nhật, ngày 11/4/2021, bộ trưởng quốc phòng Philippine, ông Delfin Lorenzana và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tướng Lloyd Austin nói chuyện với nhau và thỏa thuận về cuộc tập trận thường niên ‘Vai kề vai’ , bắt đầu vào thứ hai, 12/4/2021.

 

Nhưng cuộc tập trận này bị giảm cường độ đáng kể với số quân hai bên ít hơn những năm trước.

Điều đáng nói và việc giảm cường độ này lại xảy ra ngay sau khi có sự kiện đá Ba Đầu, trong đó tàu Trung Quốc ngang nhiên vào neo đậu trong vùng thềm lục địa của Philippines.

 

 

Mỹ phải thay đổi học thuyết quân sự, quốc phòng, ngoại giao?

 

Trong một bài phỏng vấn gần đây của RFA với ông Vũ Hồng Lâm, nhà quan sát từ Hawaii, thì Mỹ đang gặp khó khăn khi đối đầu với các chiến thuật của Bắc Kinh trên biển Đông. Đó là chiến thuật vùng xám và chiến tranh “nhân dân” trên biển.

 

Chiến thuật vùng xám là những vùng không hẳn là chiến tranh, nhưng cũng không hòa bình, như ở Đá Ba Đầu. Chiến thuật này đôi khi còn gọi là tằm ăn dâu (Salami) trong đó hải quân Trung Quốc sẽ lấn dần từng bước, tạo nên những sự đã rồi. Chiến tranh “nhân dân” trên biển là các ngư dân (số đông là các cựu binh lính) võ trang.

 

Các học thuyết quân sự của Mỹ đều không có các loại chiến thuật này.

 

Liệu nước Mỹ có thể thay đổi các học thuyết của họ?

 

Về mặt chiến lược, làm thế nào để Mỹ có thể thay đổi sự bướng bỉnh trong chính sách quốc phòng “4 không 1 có thể” của Hà Nội, hay một tổng thống dân túy của Manila?

 

Khả năng quan hệ Mỹ với Philippines có thể sẽ khá hơn vì sự bất thường dân túy của Duterte có thể sẽ chấm dứt vào năm 2022, mặc dù ông ta và các đồng minh chính trị được cho là đang tìm cách thay đổi hiến pháp để có thể tiếp tục cầm quyền sau nhiệm kỳ 6 năm của Duterte hiện nay.

 

Xã hội Philippines cũng như giới chính trị của nước này, dù sao vẫn có khả năng trở lại trong vòng ảnh hưởng của Mỹ.

 

Đối với Hà Nội, sẽ khó hơn cho Mỹ mặc dù cảm tình của dân chúng Việt Nam đối với Mỹ là rất cao, cũng như sự gần gũi ngày càng nhiều của giới ngoại giao Hà Nội với Washington. Tuy nhiên, những giá trị xã hội giữa hai quốc gia còn xa nhau, nhất là mô hình cầm quyền. Biện pháp hữu hiệu của Mỹ hiện nay để kéo Hà Nội về phía mình chính là ảnh hưởng về kinh tế, mà trong hai năm qua đã có sự gia tăng đáng kể.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats