Friday, 20 November 2020

THƯ GỬI ANH NHẠ (Le Dung)

 


THƯ GỬI ANH NHẠ  

Le Dung

21:53  19/11/2020    

https://www.facebook.com/le.dung.98499/posts/10158579433337221

 

Trong khi rất nhiều bộ trưởng năm nay rộ lên phong trào viết thư cho giáo viên để thể hiện mình có giáo dục, nào thì là bộ trưởng vừa Cương vừa Thông, vừa Lông vừa Đạo, vừa Ê vừa Tí, rằng thì là vừa Tồi vừa Mai, vừa Tài vừa Chén và vừa Dông vừa Thao, nhưng lại không thấy anh Nhạ tôi đâu.

 

Năm nay nói riêng, tổng kết nhiệm kì này nói chung, đúng ra anh mới là người quan trọng nhất, cần viết thư nhất, bởi di sản mà anh đã để lại cho nền giáo dục nước nhà.

 

Mười lăm năm vừa qua là 15 năm bấn loạn của nền giáo dục, để lại những di sản ngắn ngủi trong khâu đúc kết sờ-lo-gần, nhưng hệ luỵ lại vô cùng hung hiểm.

 

Anh Nhân với ba không đánh trống bỏ dùi và đại học hoá cả nước.

 

Anh Luận với trò tháu cáy đổ lỗi cho cấp dưới ngay ở chốn công đường, biến ba không của anh Nhân trở thành trò đùa lố bịch và bi kịch nhất của thời đại ở chân thềm thế kỉ 21, thành dông cả trăm năm, báo hiệu một thế kỉ lầm lạc về giáo dục.

 

Và anh Nhạ tôi yêu.

 

Trước hết nói về cải cách. Tự nhiên có 80 triệu USD rơi vào đầu, thế là bộ dục bấn loạn trở thành bộ học cách giải ngân và sờ lần giáo án.

 

Một đề án cải cách giáo dục rộng khắp là một đề án liên quan đến việc cải tổ vận mệnh tương lai của một quốc gia, chứ không phải đơn thuần như một bảo tàng xây không dùng thì bỏ xó. Nhưng cách xây dựng nó thì thậm chí còn tệ hơn người ta lên thiết kế và xây dựng 1 công trình.

 

Thiếu triết lý.
Thiếu thiết kế tốt.
Thiếu tham vấn ý kiến cộng đồng.
Thiếu người tài.
Và thiếu nhân văn.

 

Có chứ không phải không, nhưng đề án cấp nhà nước về đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam được anh Nhạ đề xuất và anh Đam thòi boi đã không tìm ra được. Trong khi nói về nó, tôi đã bảo, nếu anh không tìm ra được thứ gì hay hơn cách đây 60 năm mà những người đồng bào của các anh đã tìm ra là “Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng”, thì tốt nhất các anh đừng đi tìm, mà hãy lấy “5 điều bác Hồ dạy” mà sử dụng. Bao giờ con cháu giỏi hơn ông ấy, hãy đi tìm tiếp, chứ các anh tuổi gì.

 

1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
2. Học tập tốt, lao động tốt.
3. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt.
5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

 

Một công trình muốn tốt, người ta tổ chức thi ý tưởng qui hoạch, ý tưởng thiết kế. Mời những kiến trúc sư danh giá hàng đầu thế giới tham dự. Sau đó người ta chia làm 3 ngả để đánh giá, 1 là các nhà chuyên môn, 2 là trưng cầu ý kiến nhân dân, và 3 là thẩm định độc lập.

 

Có đủ ba yếu tố đó, mới tiến hành xây dựng. Và trong quá trình xây dựng, kiến trúc sư phải chịu trách nhiệm giám sát tác giả, tiếp thu ý kiến và sửa đổi nếu cần thiết để tối đa hoá công năng sử dụng và hiệu quả khai thác.

 

Cải cách giáo dục có làm thế không? Không.

 

Thế giới không thiếu anh tài về giáo dục. Nền giáo dục thế giới cũng không thiếu những bước đi tiêu biểu đáng học tập. Và người Việt cũng không đến nỗi nào không có những con người vừa trí tuệ vừa tâm huyết. Thế nhưng họ đã làm thế nào?

 

– Họ không thèm thi tuyển. Thậm chí chỉ từ một mẩu đưa ra rồi đục đi đẽo lại, gọt chân cho vừa giày là ra đề cương.

 

– Họ không thèm học hỏi thế giới hàng trăm năm qua đã thành công thế nào thông qua các dữ liệu thống kê hướng đến các yếu tố Khai minh, Bồi đắp nhân cách và Đề cao giá trị sử dụng.

 

– Họ không thèm quan tâm đến di chứng để lại cho cháu con.

 

– Họ ra sức, nghĩa là đem hết sức cùng lực kiệt với những bộ não u tối, trì trệ, thiếu tầm nhìn, thiếu kiến thức, thiếu khát vọng, thiếu tiếp thu, và khiếm khuyết về nhân cách để … nâng những cánh chim chỉ để đái ướt giày.

 

80 triệu đô không phải là con số lớn, nếu anh dùng để sơn móng chân, như xây một ngôi trường không phù hợp, thì cùng lắm chỉ để lại một khoản nợ.

 

Nhưng 80 triệu đô đó, mà anh dùng để sản xuất 1 loại vắc-xin, mà trước đó anh không thèm tiêm vào một con chuột, con chó, con mèo nào khác, không thử nghiệm lâm sàng, không sàng lọc, không phân tích, không chạy thử, và không có độ trễ cũng như đường bao chiến lược để sửa chữa sai sót.

 

Xong phát tiêm luôn cả triệu người. Sợ không?

 

Tôi nói anh hay. Một nhà máy, khi người ta đi vào vận hành thực tế, người ta phải chạy thử để khắc phục sai sót, kiểm tra hiệu năng, chuẩn mực đáp ứng và an toàn khai thác.

 

Một cái ô tô, xe máy cũng phải thử nghiệm sản phẩm trước khi sản xuất đại trà.

 

Một món ăn sản xuất đồng loạt cũng phải xin các chứng chỉ kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Và một bóng đèn vài chục ngàn, cũng thế.

 

Thưa anh. Văn minh thế giới đã phát triển đến mức chỉ một bóng đèn vài chục ngàn cũng-đã-phải-thử-nghiệm rồi. Vậy anh đã lấy chuẩn văn minh nào để làm thước đo thử nghiệm cho vắc-xin cải cách giáo dục mà anh đưa ra, thưa anh?

 

Các anh đã coi các con, là tương lai của đất nước, không bằng con chó con mèo con chuột và thậm chí là cái bóng đèn!

 

Đất nước chúng ta còn nghèo, nhân dân ta còn khó khăn, cuộc sống nhiều người còn rất vất vả, bần hàn. Nhưng quốc gia không thiếu 80 triệu đô, bởi nó không bằng chi phí cho một kì đại hội đảng. Khi anh không phát huy nội lực, không có tầm nhìn chiến lược, mà anh chấp nhận đi vay, thì anh phải chấp nhận áp đặt.

 

Guidelines của Ngân hàng thế giới (WB) qui định rất rõ, kể cả khi anh chỉ sử dụng 1% vốn vay của WB, anh phải chấp nhận bị áp đặt bởi thông lệ của họ. Mà họ thì sao? Đó chỉ là những con buôn biết tiếng Anh và hành xử như một con rô-bốt.

 

Họ biết gì về giáo dục không? Không.
Họ biết gì về dân tộc này không? Không.
Họ có vì khát vọng để đưa dân tộc này trở nên hùng cường không? Không.

 

Tôi đã nói nhiều lần, những nhân sự làm về giáo dục của WB trình độ chỉ nhỉnh hơn cô giáo dạy tiếng Anh cấp 3 ở khoản đọc thông viết thạo Guidelines của WB.

 

Nhưng họ kiểm soát tất cả. Đó là điều đau đớn. Bởi khi những thằng ngu kết hợp với những con buôn trứ danh hợm hĩnh thì cái sản phẩm không quái thai mới lạ.

 

Anh ạ.

Đúng là không phải anh làm, mà là do anh không quyết liệt trong việc chọn người làm, để những kẻ trình độ i tờ với nhân cách khuyết thiếu như thuyết ghế trên ngồi tót sỗ sàng. Và di chứng để lại không biết bao giờ mới sửa hết.

 

Nên đúng ra trong ngày hôm nay, anh cần có một lời qua thư, để xin lỗi.

 

Xin lỗi đất nước này.

 

Xin lỗi các con vì trót phải bị học sách cải cách của anh.

 

Xin lỗi các bậc phụ huynh đã vì anh mà nên nỗi.

 

Và xin lỗi người người giáo viên đã vì anh mà chịu tiếng trước muôn loài.

 

Anh ạ, non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, một phần lớn nhờ vào công học tập của các anh, không phải các cháu đâu.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats