Wednesday, 11 November 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 11/11/2020 (The Economist)

 


 

Thế giới hôm nay: 11/11/2020

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

11/11/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/11/11/the-gioi-hom-nay-11-11-2020/

 

Hàng trăm người biểu tình tập trung về thủ đô Yerevan của Armenia để yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức vì ông này đã ký một thỏa thuận vào hôm qua do Nga làm trung gian nhằm chấm dứt chiến tranh với Azerbaijan xoay quanh khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Một số người đã xông vào tòa nhà quốc hội. Một số lên phát biểu trong phòng họp chính; trong khi những người khác phá hủy thiết bị văn phòng.

 

Đảng Cộng hòa tiếp tục chối bỏ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Ngoại trưởng Mike Pompeo nói đùa rằng sẽ có “một cuộc chuyển giao suôn sẻ sang chính quyền Trump thứ hai”. Một ngày trước đó, bộ trưởng tư pháp William Barr đã bỏ đi các luật lệ nhằm bật đèn xanh cho các công tố viên của ông điều tra cáo buộc gian lận bầu cử, khiến một quan chức cấp cao từ chức để phản đối. Đội ngũ chuyển giao của Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là đang xem xét khởi kiện để cho phép họ tiếp cận thông tin và ngân sách liên bang.

 

Các cơ quan quản lý chống độc quyền của EU buộc tội Amazon bóp méo cạnh tranh trên chợ trực tuyến của hãng. Gã khổng lồ bán lẻ được cho là đã sử dụng dữ liệu từ những người bán độc lập trên trang web để làm lợi cho việc kinh doanh của chính họ. Ủy ban Châu Âu cũng đã mở một cuộc điều tra về đối xử ưu ái đối với các sản phẩm của chính Amazon cũng như những người bán hàng dùng dịch vụ của Amazon trên trang web. Amazon phủ nhận mọi hành vi sai trái.

 

Saeb Erekat, tổng thư ký của Tổ chức Giải phóng Palestine, đã chết vì covid-19. Ông Erekat là một trong những nhà đàm phán của Hiệp định Oslo, một thỏa thuận năm 1993 với Israel cho phép người Palestine được tự quản hạn chế Dải Gaza và Bờ Tây lần đầu tiên kể từ 1967. Mahmoud Abbas, tổng thống Palestine, đã kêu gọi ba ngày quốc tang.

 

Một báo cáo của Vatican cho thấy các lãnh đạo cao cấp nhất của giáo hội Công giáo, bao gồm cả Giáo hoàng John Paul II, đã cho phép một cựu hồng y thăng chức bất chấp những cáo buộc về hành vi tình dục sai trái. Theodore McCarrick, một hồng y và Tổng giám mục Washington, là một trong những giáo sĩ Công giáo tiếng tăm nhất ở Mỹ. Năm ngoái, ông bị cách chức sau một cuộc điều tra kết luận ông phạm tội tình dục.

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trở thành nhà lãnh đạo mới nhất chúc mừng Joe Biden chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ. Ông Biden thường xuyên chỉ trích ông Erdogan, người mà ông gọi là “kẻ chuyên quyền”. Ít ngạc nhiên hơn, chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng chúc mừng tổng thống đắc cử, và kêu gọi “một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới”.

 

Quốc hội Peru cách chức tổng thống của  nước này, Martín Vizcarra. Ông Vizcarra đã bị luận tội vì cáo buộc nhận hối lộ để đổi lấy các hợp đồng chính phủ khi còn là thống đốc bang, điều mà ông phủ nhận. Cuộc khủng hoảng chính trị đến không hề đúng lúc: Peru có tỷ lệ tử vong do coronavirus cao nhất thế giới và nền kinh tế đang suy thoái.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Căng thẳng thương mại Mỹ-EU có dấu hiệu hạ nhiệt

Sau hơn 15 năm kiện tụng, một vụ tranh chấp gay gắt đang hạ nhiệt. EU và Mỹ đã cáo buộc nhau trợ cấp không công bằng cho ngành công nghiệp máy bay, và cả hai đều đã thắng kiện tại WTO. Thuế quan của Mỹ lên hàng hóa EU được áp dụng từ tháng 10 năm 2019. Vào ngày 10 tháng 11, EU cũng đã áp thuế lên 4 tỷ đô la hàng nhập khẩu Mỹ, bao gồm thuế 15% đối với máy bay nhập khẩu.

 

Song có dấu hiệu của một cuộc ngừng bắn. Thuế quan của EU đã được điều chỉnh cẩn thận để tương xứng với thuế quan của Mỹ. Và bất chấp những lời đe dọa trước đó của Mỹ về việc leo thang tranh chấp, một tuyên bố từ Washington hôm 9/11 cho thấy hai bên đang đàm phán. Có thể đoán sẽ có những lời chua cay — người Mỹ đang gợi ý rằng hãng máy bay châu Âu Airbus nên trả lại một số khoản trợ cấp. Nhưng cả hai bên đều nhận ra rằng, trong bối cảnh khó khăn do covid-19 gây ra cho các nhà sản xuất máy bay, hòa bình là hợp lý hơn.

 

Đan Mạch vật lộn với chồn nâu vì covid-19

Các ca nhiễm Covid-19 xuất hiện lần đầu tại ba trang trại nuôi chồn nâu ở tỉnh Bắc Jutland của Đan Mạch vào tháng 6. Nhưng các nhà nghiên cứu đã biết trước trong nhiều tháng rằng loài thú này có thể lây virus sang người. Ban đầu, nhà chức trách ra lệnh tiêu hủy ở các trang trại bị nhiễm bệnh, để rồi quay ngoắt vào tháng 7, lần này chỉ đơn thuần đưa ra các quy tắc vệ sinh chặt chẽ hơn. Sau đó, họ tiêu hủy trở lại, nhưng đến ngày 6 tháng 11, đã có khoảng 216 trang trại bị nhiễm bệnh.

 

Tệ hơn nữa, virus đã đột biến. Cơ quan kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Đan Mạch đã phát hiện ra rằng một số đột biến có thể miễn nhiễm trước các loại vắc-xin covid-19 đang phát triển. Tuần trước, chính phủ đã ra lệnh giết toàn bộ 15 triệu con chồn nâu của đất nước, nhưng hôm thứ Hai, họ thừa nhận không có quyền pháp lý để làm vậy và sẽ cần một luật mới. Phe đối lập bảo thủ đã tuyên bố sẽ chặn quyết định này trừ khi nông dân được bồi thường đầy đủ cho trang trại của họ. Sự chậm chạp của Đan Mạch có thể sẽ trả giá đắt.

 

Lễ hội mua sắm Ngày Độc thân ở Trung Quốc

Hôm nay là ngày lễ mua sắm không chính thức nhưng sinh lợi lớn của Trung Quốc. Alibaba và các đại gia bán lẻ khác của Trung Quốc giảm giá để kỷ niệm Ngày Độc thân, đạt doanh số áp đảo so với Prime Day, một trong những sự kiện mua sắm lớn nhất của Amazon. Năm nay, Alibaba khởi động sớm với đợt sale sớm Ngày Độc thân hồi tháng trước. Sẽ có các kỷ lục bị phá vỡ. Người mua sắm Trung Quốc có thể chi hơn 40 tỷ USD chỉ riêng cho Alibaba.

 

Các nhà bán lẻ Mỹ, nơi nền kinh tế nội địa vẫn đang phục hồi sau suy thoái covid-19, đang cố gắng lấy lòng người tiêu dùng Trung Quốc. Nike thậm chí còn tung ra phiên bản Ngày Độc thân của đôi giày biểu tượng của họ, Air Jordan. Tuy nhiên, vì căng thẳng giữa hai nước, các nhà bán lẻ Mỹ có thể không được ưa chuộng như mong đợi. Một cuộc khảo sát của công ty tư vấn AlixPartners cho thấy 2/3 người tiêu dùng Trung Quốc có kế hoạch ưu tiên các thương hiệu nội địa trong Ngày Độc thân, và hơn một nửa sẽ giảm chi tiêu cho hàng hóa Mỹ.

 

Sáu nước Balkan ký kết hợp tác kinh tế

Một kỷ nguyên mới của hợp tác Balkan bắt đầu từ hôm nay. Đó là hy vọng của các lãnh đạo từ sáu quốc gia Balkan không thuộc EU vừa ký hiệp định thành lập một “thị trường khu vực chung” tại hội nghị thượng đỉnh ở Sofia vào hôm qua. Vì không ai trong số sáu nước này sẽ sớm gia nhập EU, nên họ đã quyết định tạo ra một thị trường duy nhất theo phong cách EU của riêng mình. Ý tưởng là khi thời cơ gia nhập EU đến, họ đã áp dụng sẵn các tiêu chuẩn của EU và có sẵn một thị trường thống nhất gồm 18 triệu dân, thay vì sáu thị trường nhỏ.

 

Hội đồng Hợp tác Khu vực ở Sarajevo sẽ giám sát công việc. Phần khó là đặt những mâu thuẫn khu vực sang một bên và biến lời nói thành hành động. Hội nghị thượng đỉnh gần như bị lu mờ bởi lời đe dọa của Bulgaria là sẽ chặn con đường gia nhập EU của Bắc Macedonia. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tham gia qua video: “Các bạn phải hòa thuận với nhau. Đừng quên điều này. Rất quan trọng!”

 

Belize tổng tuyển cử

Dean Barrow, thủ tướng da màu đầu tiên của Belize và nắm giữ chức vụ trong hơn 12 năm, mãn nhiệm sau cuộc bầu cử hôm nay. Nếu Đảng Dân chủ Thống nhất của ông giành chiến thắng, Bộ trưởng Giáo dục Patrick Faber sẽ tiếp quản. Nếu không đó sẽ là John Briceño, thủ lĩnh phe đối lập. Ưu tiên hàng đầu của người chiến thắng là giải quyết nạn lũ lụt từ cơn bão nhiệt đới Eta, vừa đi qua Belize sáu ngày trước, gây ra 56cm mưa ở một số quận.

 

Sau đó, tân thủ tướng sẽ phải đối mặt các vấn đề khác của đất nước. Dân số chỉ dưới 400.000 người của Belize hiện có số ca mắc bệnh trên một triệu người nhiều gấp 5 lần các nước láng giềng Mexico và Guatemala. Nền kinh tế, vốn bị đè nặng bởi nợ công đã ba lần tái cơ cấu kể từ 2006, đã trở nên tồi tệ hơn do hoạt động du lịch ngừng trệ trong sáu tháng. Ngay cả khi có lý do ăn mừng, cũng sẽ không có ai tiệc tùng tối nay — có lệnh giới nghiêm đêm bầu cử và lệnh cấm bán rượu.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats