Y Chan - Luật
Khoa
04/11/2020
https://www.luatkhoa.org/2020/11/trump-trung-va-chung-ta/
.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/11/3-1024x536.png
Nhiều
người Việt Nam xem Donald Trump là cứu tinh. Ảnh: Reuters. Đồ hoạ: Luật Khoa.
Vào tháng 10/2020, YouGov, một công ty
nghiên cứu dữ liệu quốc tế có trụ sở tại London, đã công bố kết quả khảo sát về
xu hướng ủng hộ của người dân các nước đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm
nay. Theo đó, hầu hết người dân các nước châu Âu đều hy vọng Joe Biden thắng cử.
Tương tự, trong tám nước
và vùng lãnh thổ châu Á được khảo sát, đa số người dân cũng ủng hộ Biden, với tỷ
lệ áp đảo từ 7:1 ở Malaysia (bảy người chọn Biden so với một chọn Trump) đến
sát sao như 7:6 tại Hong Kong.
Ngoại lệ duy nhất là Đài
Loan, khi những người được hỏi ủng hộ Donald Trump nhiều hơn so với Joe Biden.
Cứ năm người chọn Biden thì có bảy muốn Trump tái đắc cử (tỷ lệ 5:7).
Nếu là người thường xuyên
theo dõi các chương trình truyền hình về chính trị ở Đài Loan, người ta hẳn phải
nghi ngờ con số này. Nó quá thấp so với thực tế.
Các talk-show về chính trị
tại đảo quốc gần như đưa tin áp đảo về Donald Trump. Các nhà bình luận gọi sự ủng
hộ của người Đài Loan dành cho Trump là một thứ “tình cảm quốc dân”, ai nấy đều
đồng lòng. Những người khác không ngần ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ, rằng “ngày nào
cũng theo dõi nhất cử nhất động, mê mẩn từng lời phát biểu của ông ấy, còn hơn
cả việc đón xem ngôi sao điện ảnh.”
Tương tự, với những ai có
theo dõi báo đài ở Hong Kong, họ sẽ phải nghi ngờ kết quả khảo sát của YouGov,
khi số người ủng hộ Trump tại đây có vẻ áp đảo, hoặc ít nhất là cuồng nhiệt vượt
xa số còn lại.
Apple Daily, một trong những tờ báo có lượng phát hành
cao nhất tại Hong Kong, được xem là ngọn cờ đầu của phong trào dân chủ của
thành phố này, liên tục đăng tin bài ủng hộ Donald Trump. Một trong những bài
bình luận gần đây được đăng tải tuyên
bố, “một phiếu bầu cho Trump không chỉ là vì lợi ích của nước Mỹ, mà còn là
vì sự sống còn của thế giới tự do.”
Các tờ báo độc lập khác của
Hong Kong, như Stand News và Hong Kong Free Press, mỗi khi đăng các thông
tin bất lợi cho Donald Trump, đều nhận được phản ứng kịch liệt của cư dân mạng.
Nhiều người chụp mũ những tờ này là “cộng sản” hay “bị chính quyền mua chuộc”,
bất kể việc các phóng viên tại đây, từ những ngày đầu tiên đã và vẫn đang mạo
hiểm đưa tin ủng hộ cho phong trào đấu tranh dân chủ của người Hong Kong, còn bản
thân họ luôn là đối tượng bị chính quyền đặc khu tìm cách đàn áp.
Không chỉ có cộng đồng
người Hoa tại Đài Loan và Hong Kong, những người gốc Hoa hải ngoại cũng góp
phần không ít trong việc lên tiếng bảo vệ “sự sống còn của thế giới tự
do” – lý do mà họ tin rằng mình phải ủng hộ Trump.
Vào tháng 8/2020 vừa qua,
Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), một trong những nhà hoạt động nhân
quyền gốc Hoa nổi tiếng nhất ở nước ngoài đã xuất hiện tại Đại hội toàn quốc của
đảng Cộng Hòa và đăng đàn bày tỏ sự ủng hộ cho Donald Trump. Điều đáng nói là tám
năm trước, ông được chính quyền Obama, và đích thân ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm
đó, Hillary Clinton, can thiệp ngay trong đêm để cho trú thân trong đại sứ quán
Mỹ tại Bắc Kinh, và sau đó điều đình cùng chính quyền Trung Quốc để đưa ông
sang Mỹ, thoát khỏi sự bức hại của nhà cầm quyền cộng sản. Tám năm sau, ông xuất
hiện ủng hộ Trump, người vẫn luôn hào hứng với ý
định tống cổ Hillary, Obama, Joe Biden, hay bất kỳ ai chống lại mình
vào tù.
Hay như trường hợp của Văn
Chiêu (Wen Zhao), một trí thức rất được kính trọng trong cộng đồng gốc Hoa
hải ngoại. Ông sống tại Canada và được xem là một trong những nhà bình luận
chính trị gốc Hoa nổi tiếng nhất tại nước ngoài vào thời điểm hiện tại. Kênh Youtube của ông có hơn 650.000 người đăng ký theo dõi,
và các video ở đây tính đến nay đã có hơn 260 triệu lượt xem. Trong đợt bầu cử Mỹ
lần này, Văn Chiêu dành phần lớn thời gian để phân tích mổ xẻ các thế lực hắc
ám bên trong lẫn bên ngoài nước Mỹ đang cố tình bức hại Donald Trump, và luôn kết
thúc bằng lời kêu gọi, trông đợi vào “tri thức, năng lực phán đoán và lương
tri” của những cử tri Mỹ.
Người Mỹ gốc Hoa
trương biểu ngữ ủng hộ Donald Trump. Ảnh: VOA.
Điều gì khiến cho nhiều người gốc Hoa ở mọi ngóc ngách của trái đất tề
tựu lại dưới ngọn cờ Trump? Câu trả lời quá hiển nhiên: ác cảm, hay sự căm hận,
đối với chế độ cộng sản độc tài Bắc Kinh.
Những người Đài Loan hàng
chục năm qua luôn phải sống dưới cái bóng của hàng ngàn quả tên lửa từ đại lục
hướng thẳng về phía mình. Chưa kể thời gian gần đây Bắc Kinh còn liên tục tăng
cường gây hấn, điều tàu chiến và máy bay xâm phạm quấy nhiễu đảo quốc gần như mỗi
ngày, đánh to trống trận đòi “thu phục” mảnh đất mà họ chưa bao giờ sở hữu.
Những người Hong Kong thì
chưa đi hết nửa chặng đường của lời hứa 50 năm tự trị đã phải chứng kiến các
quyền tự do cơ bản nhất của mình bị Bắc Kinh bóp nghẹt, biến nơi từng được xem
là tự do văn minh bậc nhất thế giới dần trở thành một nhà tù khổng lồ dưới chế
độ công an trị.
Nhiều người Hoa sống tại
nước ngoài thì đã tiêu gần hết đời mình cho các hoạt động vận động dân chủ,
nhân quyền cho quê hương, đổi lại vẫn là một con đường trong hầm dài gần như vô
tận, mãi không thấy lối ra.
Rất nhiều người trong số
họ đã quá chán nản, thậm chí là tuyệt vọng.
Họ muốn thay đổi. Họ cần
thay đổi. Bất kỳ sự thay đổi nào so với thực tại.
Đó là thứ mà họ nghĩ mình
nhìn thấy được ở Donald Trump.
***
Cũng giống như những người
Đài Loan, Hong Kong, và gốc Hoa ở nước ngoài, các cử tri Mỹ ủng hộ Trump vì họ muốn có một sự thay đổi,
bất chấp các vấn đề về nhân cách của ông.
Hãy nghe thử những bình luận dưới
đây về Trump.
– Một kẻ không biết thế
nào là sự thật, cộng thêm mức độ ái kỷ vô biên, chỉ biết đến bản thân mình mà
không đếm xỉa gì đến người khác.
– Ông ta không phân biệt
được đâu là sự thật và đâu là dối trá. Mọi thứ phát ra từ miệng Trump đều là giả
dối.
– Tất cả những gì tôi dạy
các con mình khi đi học mẫu giáo là đừng học theo những gì Trump làm.
– Ông ta là một kẻ kích động
thù hằn chủng tộc, bài ngoại, và cuồng tín.
– Ông ấy nói mình luôn đứng
về phía những người nghèo khổ, nhưng sự thật là ông ta xây dựng sản nghiệp của
mình trên xương máu của họ.
– Trump từng khoe khoang
rằng nếu ông ta yêu cầu một người lính phải phạm tội ác chiến tranh, người lính
đó sẽ ngoan ngoãn tuân lệnh.
– Ông ta là một thứ
cocktail tổng hợp từ các món mị dân, những trò tiểu nhân, và những thứ nhảm nhí
khác.
– Tôi không thể nào ủng hộ
một người như Donald Trump.
Đó không phải là lời của
những người vô danh cầu bơ cầu bất. Lại càng không phải là phát biểu của những
người kém học thức. Và chắc chắn những người phát ngôn trên không hề nghèo khó
tuyệt vọng.
Tác giả của những câu nói
để đời ở trên là Lindsey Graham, Nikki Haley, Kellyanne Conway, Susan Collins,
Mike Pompeo… những con người
quyền cao chức trọng mà sau khi thổ lộ những điều này, đều quay ngoắt 180 độ
chiến đấu hết mình để bảo vệ chính con người mà họ từng nói ruột gan “không thể
nào ủng hộ”.
https://www.youtube.com/watch?v=P43wDpKQxaM&feature=emb_logo
#TheyKnew who Trump Really Was All Along.
Conservatives in their own words.
Việc tự tát vào mặt mình
giúp họ thăng tiến như diều gặp gió, khi người được chức cố vấn, người được làm
Ngoại trưởng, người trở thành đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, người thì tiếp tục nắm
quyền sinh sát trong thượng viện…
Những người này có phải bị
sét đánh trúng, đột nhiên ngộ ra chân lý, nhìn thấy được các phẩm chất tốt đẹp
của Trump?
Tất nhiên là không. Nếu
và khi Trump không còn tại vị, họ sẽ lại trở về với “những lời gan ruột” của
mình.
Họ đi theo Trump vì một lẽ
giản dị: quá nhiều cử tri Mỹ chán ngán với thể chế hiện tại, cần một sự thay đổi,
và Trump là đại diện cho hy vọng thay đổi. Họ phải theo Trump để lấy lòng những
con người bất mãn đó.
Với những người Mỹ cảm
giác bị bỏ rơi, giấc mơ Mỹ ngày càng xa vời, thì thứ quyền lực Mỹ duy nhất còn
sót lại là bỏ phiếu cho bất kỳ sự thay đổi nào.
Một tâm thế giống như phần
lớn cộng đồng người Hoa trên thế giới: chẳng còn gì có thể tệ hơn hiện tại.
Ra sao thì ra, nhưng phải
thay đổi.
***
Người Đài Loan tất nhiên
biết Trump mở miệng chống Trung Quốc không phải vì mình. Họ cũng biết Trump
ngay từ đầu đã xem Đài Loan là con bài để mặc cả, xem có thể “deal” thế nào với
Trung Quốc. Họ cũng hiểu Trump xem vị thế của Đài Loan chỉ bé như cái ngòi bút,
còn lợi ích từ Trung Quốc to như cái bàn (như tiết
lộ từ hồi ký của John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời
Trump).
Người Hong Kong cũng biết
Trump lần lữa lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ tại đây, không muốn làm hỏng
thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Ông chỉ thông qua Đạo luật Dân chủ Hong
Kong khi nó đạt được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của lưỡng viện quốc hội (nếu
Trump không thông qua thì lưỡng viện quốc hội cũng sẽ phủ quyết).
Những người chống lại chế
độ cộng sản Bắc Kinh cũng thừa biết việc Trump rất thích thú khoe khoang về “mối
quan hệ tốt” với những lãnh đạo độc tài, từ Vladimir Putin ở Nga, Erdogan ở Thổ
Nhĩ Kỳ, đến Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên, và thậm chí không ít lần buông lả với
Tập Cận Bình.
Nhưng họ chấp nhận bỏ qua
tất cả, vì Trump có khả năng đem đến sự thay đổi.
Chính xác hơn, Trump có
khả năng thay đổi xoành xoạch.
Ngày hôm nay chửi thậm tệ
Bắc Hàn, ngày mai tay bắt mặt mừng với nhà độc tài trẻ tuổi. Buổi sáng khen ngập
mặt Bắc Kinh, buổi tối đe dọa cắt đứt quan hệ.
Những người ghét Trump
không hiểu nổi đây là thứ phong thái lãnh đạo kiểu gì. Những người đặt niềm tin
vào Trump thì vô cùng hứng khởi với “tư duy thực tế” của ông.
Nếu chịu bỏ thời gian tìm
hiểu tiểu
sử gia đình Trump, người ta sẽ nhận ra những thứ ông làm chẳng có gì đáng
ngạc nhiên.
Donald Trump và dự
án sòng bạc Taj Mahal, vốn đã hai lần đệ đơn phá sản. Ảnh: Joe Dombroski/Newsday
via Getty Images.
Một người từ khi lên ba
đã được rót hàng trăm ngàn đô la vào tài khoản, trở thành triệu phú từ trước
khi lên tám, và khi chưa thành niên thì đã là đồng sở hữu một tòa chung cư 52
căn hộ. Một thanh niên được cha dày công xây cho hình tượng “tỷ phú tự thân”, tự
hào dẫn phóng viên đi khắp thành phố khoe về tất cả các công trình và gia sản
(mọi thứ đều từ người cha) để marketing cho bản thân mình. Một người mà mọi dự
án kinh doanh thất bại đều được cha ra tay cứu vớt trong âm thầm và bí mật, để
rồi vẫn lớn tiếng ra sách dạy người khác “nghệ thuật làm giàu”. Một người bất
chấp thủ đoạn tìm mọi cách hoán cải di chúc của cha để thao túng toàn bộ sản
nghiệp, khiến người cha vào những phút cuối đời vẫn phải gắng gượng tìm cách chống
lại “âm mưu đảo chính” này.
Kiểu người này không hề
xa lạ trong xã hội Việt Nam. Chúng ta gọi họ là các “cậu ấm”, hoặc hay ho hơn
là danh xưng “công tử Bạc Liêu”.
Trump đích thị là một
công tử Bạc Liêu thời hiện đại.
Chuyện đó có vấn đề gì
không?
Với nhiều người, nó chẳng
có vấn đề gì, mà ngược lại, còn là chỉ dấu để thu hút họ. Đứng về phe của những
người giàu có, quyền lực, chẳng phải luôn là lựa chọn khôn ngoan nhất từ xưa đến
nay sao? Chuyện họ giàu và có quyền ra sao thì liên quan gì! Miễn có lợi cho
mình thì cứ theo thôi!
Khi những người như Trump
được trao cho quyền lực chính trị, máu công tử Bạc Liêu được thỏa sức vùng vẫy.
Với những người ngậm thìa
vàng trong miệng từ nhỏ đó, có gì để mất và có gì phải sợ? Có thứ gì họ nghĩ
mình không làm được? Có thứ gì mà họ không dám hứa?
Đập bỏ hệ thống. Xây bức
tường to nhất. Biến nước Mỹ thành vĩ đại nhất. Buộc Trung Quốc phải cúi đầu. Đến
con virus cũng phải biến mất.
Công tử Bạc Liêu, quyền lực
chính trị và sự chán nản tuyệt vọng của dân chúng – tất cả là nguyên liệu tuyệt
vời cho ra đời những nồi lẩu như Trump.
***
Chiêu bài chống Trung cộng
giúp Trump thu hút được sự ủng hộ nhiệt thành từ những người Đài Loan, Hong
Kong và người Hoa ở nước ngoài. Vậy nên không có gì khó hiểu khi nó cũng là tác
nhân khiến đông đảo người Việt quần tụ dưới ngọn cờ Trump.
Chưa có khảo sát nào dành
cho người dân Việt, nhưng chắc chắn mức độ ủng hộ của người Việt Nam trong nước
dành cho Trump phải ở tỷ lệ áp đảo.
Sự tuyệt vọng và mong muốn
thay đổi của người Việt không chỉ đến từ mối họa Trung Quốc. Nó còn đến từ
chính thể chế độc tài cộng sản đã và đang đè đầu cưỡi cổ dân Việt suốt hàng chục
năm qua.
So với những nước khác,
người Việt Nam như sống trong ách một cổ hai tròng – vừa bị độc tài trong nước
áp bức, vừa bị ngoại bang hà hiếp.
Đừng hỏi lối ra nào cho họ.
Bất kỳ chỗ nào trên bốn bức tường, chỉ cần có một hình vẽ nhợt nhạt mang dáng dấp
cánh cửa, họ cũng đều sẽ lao vào đục tường tìm cách phá ra.
Đối với nhiều người Việt
Nam, chiếc cổ hai tròng này là một thứ bi kịch song trùng. Rõ ràng nhất là việc
bị đè nén áp bức từ bên trong lẫn bên ngoài. Nhưng có thứ bi kịch lẳng lặng
hơn: sức hút từ lỗ đen của những ảo tưởng, thành kiến, cực đoan và tuyệt vọng.
Trong cái lỗ đen thăm thẳm
đó, mọi vấn đề trên đời này đều là lỗi của kẻ khác, hoặc Việt cộng, hoặc Tàu cộng,
hoặc bất kỳ ai, miễn không phải là mình. Trốn, hoặc bị đẩy vào trong cái hố đen
đó, mọi trách nhiệm và quyền lực của họ đối với cuộc đời mình đều biến mất. Chỉ
còn chờ những vị cứu tinh.
Đối với những ai trông chờ
vào thần Trump, bi kịch lớn nhất tất nhiên là việc Trump thất cử. Thay vì có cơ
hội tỉnh mộng, họ sẽ nguyền rủa những thế lực đã “hãm hại” vị cứu tinh, tiếc nuối
cho một tương lai vĩ đại không tồn tại, và dành phần còn lại của cuộc đời tiếp
tục tìm kiếm những cứu tinh mới.
***
Chỉ mới cách đây không
lâu, người Việt vẫn còn trông chờ vào một cứu tinh khác, với cái tên Barack
Obama. Năm 2016, khi tổng thống Mỹ Obama thăm chính thức Việt Nam, hàng ngàn
người đã đổ ra đường gào thét tên ông.
Người Việt Nam đổ
ra đường chào đón tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2016. Ảnh: USA Today/ EPA
Tôi đã từng rất ngạc
nhiên khi chứng kiến cảnh một người phụ nữ trung niên nức nở trên truyền hình “I
love you Obama”. Trong đầu tôi khi đó nảy ra vô số thắc mắc. Liệu người phụ
nữ đó có biết các chính sách, đối nội lẫn đối ngoại, mà Obama đã thi hành trong
hai nhiệm kỳ tổng thống? Liệu bà có tìm hiểu về các cuộc chiến, chìm và nổi, mà
nước Mỹ khi đó vẫn đang tham gia, thậm chí là tạo ra? Hay những người vẫy gọi
Obama vào lúc đó liệu có hiểu tiếng Anh và đủ kiên nhẫn để nghe hết một lần ông
nói chuyện để ít nhất biết con người này nghĩ gì?
Tất nhiên tôi giữ tất cả
những thắc mắc này cho riêng mình. Chỉ nội việc có những câu hỏi đó thôi cũng đủ
để được ghép tội kệch cỡm, xem thường người khác. Người phụ nữ trung niên đó,
cùng những người thét gào gọi tên Obama vào ngày ấy, hoàn toàn có thể có hiểu
biết sâu sắc về tình hình thế giới nói chung và nền chính trị của nước Mỹ nói
riêng, hơn xa một kẻ luôn chỉ tập tẽnh tìm hiểu mọi thứ như tôi.
Mà ngay cả khi không có
thời gian tìm hiểu, điều đó cũng chẳng hề ngăn cấm họ có cảm xúc yêu thích người
khác, nhất là khi đấy lại được xem là người đàn ông quyền lực nhất hành tinh.
Sự việc trên diễn ra chỉ
mới cách đây bốn năm, nhưng với những ai còn sống đến năm 2020 này, nếu còn lưu
giữ đoạn ký ức đó, họ phải có cảm giác thời gian đã nhảy cóc đến vài thế hệ.
Giờ đây so với Donald
Trump, mọi thứ của Barack Obama làm đều là tồi tệ, thậm chí là tội lỗi (vì đã
“thông đồng”, “nhu nhược”, “bắt tay” với Trung cộng).
Không khó hình dung vài
năm sau, những người Việt yêu Trump sẽ nghĩ gì về ông khi lại có một cứu tinh mới
xuất hiện.
***
Tôi không phải là một người
ủng hộ Donald Trump, đơn giản vì xưa nay tôi không có nhu cầu đặt niềm tin vào
kẻ khác, nhất là càng không bao giờ tin tưởng những cậu ấm nói dối như cuội.
Nhưng tôi hoàn toàn hiểu
được lý do những người ủng hộ Trump, khi bản thân họ hoặc người thân là nạn
nhân bị chế độ độc tài bức hại. Trong hoàn cảnh của họ, còn có lựa chọn nào
khác?
Những ai muốn chỉ trích họ,
có lẽ nên dừng lại một chút để tự soi gương. Chúng ta đã làm được gì để giúp những
con người phải chịu bất công đó?
Với những ai không phải
là nạn nhân trực tiếp của bạo quyền, tôi có ít hứng thú thông cảm hơn. Việc họ
lựa chọn ủng hộ những cậu ấm vô đạo đức như Trump chỉ đơn giản là một cách
thoái thác trách nhiệm bản thân.
Họ đẩy sự bất lực của mình cho những thế lực kém-xấu-xa-hơn, hy vọng nó
làm giúp mình trong việc chống lại cái-xấu-xa-nhất.
Tất nhiên đấy là những
người vẫn còn ý thức về trách nhiệm của bản thân đối với số phận của những nạn
nhân chịu bất công, bị áp bức. Không ít người hùa theo Trump chỉ đơn giản vì sở
thích cá nhân, vì một niềm tin tôn giáo mù mờ nào đó, hay chỉ vì nó có lợi cho
mình. Họ không cảm thấy một gram trách nhiệm nào đối với sự bất công và không
may của đồng loại. Những kẻ đó không xứng đáng được dành thời gian quan tâm.
Nếu bạn là người ủng hộ
Biden, điều đó cũng không giúp bạn có tư cách gì hơn để chỉ trích những người
Việt Nam trong nước ủng hộ Trump.
Sự thật là, bạn cũng như
tôi, chúng ta vẫn chưa làm được gì trong việc bảo vệ những người bị áp bức.
Nói thẳng ra, bất kể ai
làm tổng thống Mỹ, ngày nào còn dựa dẫm vào thế lực bên ngoài để cứu giúp bản
thân, ngày đó chúng ta vẫn còn là những kẻ thất bại.
Chỉ khi nào soi gương và
nhìn thấy gương mặt của chính mình, thay vì của một đấng cứu tinh nào đó, chúng
ta mới có tư cách nói với người khác về một sự thay đổi thật sự.
Như một chân lý xưa nay,
quả trứng nếu bị vỡ do tác động từ bên ngoài, sinh mạng bên trong của nó sẽ kết
thúc. Nếu bị phá vỡ do lực từ bên trong, sự sống của nó mới bắt đầu.
Những thứ tốt đẹp nhất
luôn khởi sinh từ bên trong mỗi người.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
No comments:
Post a Comment