Chính
phủ như thế thì thảm nạn phải như thế!
03/11/2020
https://www.voatiengviet.com/a/sat-lo-thuy-dien-dia-chat-tham-nan/5646403.html
Hôm 2 tháng 11, khi tham
gia thảo luận với các đại biểu quốc hội cùng tổ với mình tại kỳ họp thứ mười của
khóa này, ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Việt Nam, cương quyết phủ nhận thủy
điện là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũ lớn, lụt sâu kéo dài và sạt lở xảy ra
khắp nơi, đặc biệt là tại Quảng Nam.
Nhân vật từng là cựu Chủ
tịch kiêm Phó Bí thư Quảng Nam, bảo rằng: Kết cấu địa chất ở các khu vực
xảy ra sạt lở tại Quảng Nam là đất sét nên vũ lượng trên 1.000 mm và kéo dài chừng
nửa tháng là nhão. Ngày xưa, rừng già còn nhiều nhưng mưa thối đất thì không kết
cấu nào chịu được thành ra người chềt không ít.
Ông Phúc nói thêm… qua
khảo sát, các khu vực bị sạt lở ở Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế đều
còn từ 80% đến 90% thảm thực vật và khẳng định chắc nịch: Sạt
lở là do tác hại của… thiên nhiên. Cần đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn
chế tối đa tác động của con người.
Có một điểm đáng chú ý là
dù cương quyết phủ nhận tác động của thủy điện khiến mưa bão tạo ra lũ lụt, sạt
lở trầm trọng và nhấn mạnh thảm thực vật còn… tốt (80% đến
90%) nhưng cuối cùng, ông Phúc lại tin rằng: Cần… tăng trưởng xanh tốt
hơn, hạn chế thuỷ điện tốt hơn nữa để không lấy rừng, đất rừng.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng
Công Thương, vừa là thành viên chính phủ, vừa là đại biểu quốc hội như ông Phúc
cũng phản bác các ý kiến cho rằng, những thảm nạn như đã biết có sự can dự của
thủy điện vì: Trong thực tế, tuy lũ lụt, sạt lở trầm trong nhưng các
công trình thủy điện vẫn… an toàn và vận hành đúng cả… quy trình lẫn… pháp luật!
Một thành viên khác trong
nội các của ông Phúc, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường, tuy
cũng cho rằng, nguyên nhân thảm nạn là do mưa bão kỷ lục với cường độ
cao, kéo dài nhưng nhìn nhận các hoạt động nhân sinh (xây dựng
- phát triển hạ tầng, thủy điện,…) cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc
gây ra sạt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại (1).
Đó là quan điểm chính thức
của chính phủ về thảm nạn kéo dài đã hơn một tháng…
***
Vài ngày trước khi các
thành viên trong chính phủ khoác áo… đại biểu quốc hội phủ nhận tác động của thủy
điện đến tình trạng lũ lớn, lụt sâu và kéo dài, sạt lở tràn lan trên diện rộng,
ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt
Nam, nhận mạnh: Cơ quan này đã phát giác, đã cảnh báo từ lâu (2)!
Năm 2012, Viện
Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam bắt đầu thực hiện
Dự án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các
vùng núi Việt Nam” để xác lập hai loại bản đồ: Bản đồ hiện trạng
trượt lở đất đai (TLĐĐ) và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ
TLĐĐ (8).
Trong cuộc trò chuyện với
tờ Lao Động hồi cuối tuần trước, ông Tân cho biết, từ 2016 đến 2019, Viện
Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chuyển kết quả
điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở đất đai cho các tỉnh miền
Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng
nhưng thực tế cho thấy, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không
thèm bận tâm nên không có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó! Ông Tân không biết tại
sao? Ông chỉ đoán rằng: Có thể công tác chuyển giao đến các cộng đồng địa
phương ở cấp huyện, cấp xã hoặc làng bản còn chậm. Hoặc kết quả còn… tương đối
khó hiểu với người sử dụng!
Cùng thảo luận về đề tài
này với tờ Lao Động, ông Vũ Trọng Hồng, cựu Thứ trưởng Nông nghiệp - Phát triển
nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, xác nhận: Các nhà khoa học
đã cảnh báo về sạt lở từ lâu nhưng không ai nghe, không được ủng hộ, không nơi
nào triển khai phòng ngừa.
***
Về nguyên tắc, tổ chức
phòng vệ - ứng cứu khi xảy ra những tình huống hiểm nghèo hay thiên tai, ảnh hưởng
tới tính mạng, tài sản của cá nhân hoặc dân cư một khu vực, một vùng, luôn luôn
phải là khảo sát - dự đoán tình huống - lập sẵn kế hoạch – chuẩn bị sẵn phương
tiện, nhân lực – tổ chức tập luyện cho cả lực lượng dự trù sẽ tham gia ứng cứu
lẫn dân chúng trong khu vực có nguy cơ cao về cách thức ứng phó, phối hợp để hạn
chế tối đa thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về nhân mạng. Việt Nam cũng có hệ
thống Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến địa
phương nhưng đến nay, hệ thống này không bận tâm đến phòng ngừa để giảm
thiểu thiệt hại.
Thảm nạn đã, đang và chắc
chắn sẽ còn lặp đi, lâp lại ở nhiều nơi chỉ ra, chính phủ chỉ hành động khi
lương dân đã thiệt mạng, bị thương, trắng tay. Nghe chính phủ biện bạch và nhìn
vào thành phần đại biểu ý chí, nguyện vọng cho toàn dân ở quốc hội, không thể
mơ chuyện cật vấn, truy cứu trách nhiệm. Lương dân tiếp tục... chết chùm!
------------------
Chú thích
(1) https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-cac-bo-truong-noi-ve-ly-do-sat-lo-o-mien-trung-947699.html
(3) http://www.monre.gov.vn/Pages/15-tinh-mien-nui-phia-bac-da-co-ban-do-canh-bao-truot-lo-dat-da.aspx
No comments:
Post a Comment