Quá
trình chuyển giao quyền lực tổng thống Mỹ diễn ra như thế nào
Huỳnh Minh Triết - Luật
Khoa
13/11/2020
https://www.luatkhoa.org/2020/11/qua-trinh-chuyen-giao-quyen-luc-tong-thong-my-dien-ra-nhu-the-nao/
Tổng thống Barack
Obama tiếp tổng thống tân cử Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 10/11/2016, hai
ngày sau cuộc bầu cử, để khởi động quá trình chuyển giao quyền lực. Ảnh:
PBS.
Dịch
từ bài Here’s
How a Transition Is Supposed to Work của tác giả Amy Mackinnon, đăng ngày 11/11/2020 trên tạp chí Foreign Policy.
***
Đây là lần thứ hai trong
lịch sử bầu cử Mỹ, giám đốc Cơ quan Dịch vụ Công Hoa Kỳ (GSA) chưa chịu chính
thức bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực cho tổng thống mới đắc cử. Để
chính thức kích hoạt tiến trình quan trọng này, điều còn thiếu chỉ là một lá
thư xác nhận, một mảnh giấy thủ tục mà ở những cuộc bầu cử bình thường khác, chẳng
ai biết đến.
Nhưng bốn ngày sau khi ứng
viên Đảng Dân chủ Joe Biden được giới truyền thông dự đoán đắc cử sau khi thắng
bang chủ chốt Pennsylvania, Emily Murphy, người được TT
Donald Trump bổ nhiệm làm giám đốc GSA, vẫn từ chối gửi lá thư đó.
Lý do được đưa ra là một loạt các vụ kiện tụng vô căn cứ của chính quyền Trump,
cáo buộc cuộc bầu cử có gian lận, quan chức bầu cử tham nhũng. Nhưng việc trì
hoãn này không phải là vô hại. Đội ngũ của ông Biden chưa được nhận ngân sách
liên bang 10 triệu USD để hỗ trợ quá trình chuyển giao và không được tiếp cận
các cơ quan chính phủ mà Biden sẽ sớm phải bổ nhiệm nhân sự và tiếp quản vận
hành.
Tiến trình chuyển giao
quyền lực trong chính quyền Mỹ là một hệ thống đã trải qua bao lần thử sai
trong suốt nhiều thập kỷ để nhằm đảm bảo chính quyền mới có thể lập tức vận
hành trơn tru ngay khi nhậm chức. Nhưng tiến trình này năm nay bị trật đường
ray, và bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhớ lại rằng thế nào là một cuộc chuyển
giao êm ả, và nếu nó không xảy ra thì sao.
Trước đây, Mỹ từng chẳng có
quá trình chuyển giao nào cả
Tổng thống Harry Truman (1945-1953)
là người đầu tiên nỗ lực chính thức hóa việc chuyển giao quyền lực giữa các
chính quyền Mỹ hiện đại. Trước đó, ông Truman, khi tiếp nhận quyền lực năm 1945
sau cái chết của TT Franklin D. Roosevelt, đã thấy mình chẳng có sự chuẩn bị
nào cho yêu cầu của công việc quản lý quốc gia. Câu chuyện nổi tiếng là mãi đến
khi tuyên thệ, Truman, trước đó làm phó tổng thống, mới được báo cho biết rằng
nước Mỹ đã phát triển được bom
hạt nhân. Sau này ông thả hai quả bom này xuống Hiroshima và
Nagasaki.
Việc kiện tụng về kết quả bầu
cử đã từng xảy ra
Việc ông Trump khởi động
làn sóng kiện tụng kết quả bầu cử được đem ra so với vụ kiện Bush v.
Gore năm 2000 mà Tối cao Pháp Viện đã thụ lý. Vụ kiện nổi tiếng này
khiến thủ tục thông báo người thắng trong cuộc bầu cử năm đó bị trì hoãn mãi đến
ngày 12/12, và làm cho tiến trình chuyển giao quyền lực đã ngắn đi nhiều ngày
quan trọng. Đây là lần
duy nhất, trước cuộc bầu cử năm nay, GSA đã chủ động trì hoãn việc công bố
thư xác nhận người đắc cử.
Việc này cũng không vô hại.
Ủy ban điều tra vụ tấn công khủng bố 11/9 kết luận rằng quá trình chuyển giao
quyền lực bị trì hoãn đã “gây tổn thất cho chính quyền mới trong việc xác định,
tuyển dụng, thẩm tra, và thuyết phục Thượng viện chuẩn thuận các ứng viên quan
trọng”. Ủy ban đề nghị rằng
“do một cuộc tấn công thảm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, chúng ta cần phải
giảm thiểu tối đa sự gián đoạn của hệ thống ra quyết sách an ninh quốc gia
trong thời gian thay đổi chính quyền”.
Kinh nghiệm đau thương đó
đã khiến tổng thống George W. Bush quyết tâm thực hiện chuyển giao quyền lực
nhanh gọn nhất có thể ở cuối nhiệm kỳ hai của mình, vào 2008. “Ông nói với Josh
Bolten, chánh văn phòng của ông, rằng ông muốn một cuộc chuyển giao tốt nhất có
thể bởi vì họ đang có hai cuộc chiến, và để đảm bảo rằng việc chuyển giao quyền
lực trơn tru nhất có thể”, Kumar, tác giả của cuốn sách “Trước khi Tuyên Thệ:
Bush và Obama đã chuyển giao chính quyền như thế nào”, xuất bản 2015, nói.
Bất chấp những cáo
buộc về gian lận bầu cử từ chính quyền Trump, ông Joe Biden đã khởi động quá
trình chuyển giao quyền lực. Ảnh: Amr Alfiky/The New York Times.
Cả hai ứng viên đã
có kế hoạch chuyển giao từ lâu trước ngày bầu cử
Theo truyền thống và theo
yêu cầu của luật pháp, việc chuyển giao quyền lực bắt đầu từ khá lâu trước khi
công bố người thắng cuộc. Việc giao lại quyền hành Nhà Trắng không phải là một
nhiệm vụ đơn giản. “Riêng về các con số đã khiến người ta choáng ngợp: Ngân
sách 5 nghìn tỷ USD, 4 triệu nhân sự, 4.000 vị trí cần bổ nhiệm, hàng trăm đơn
vị vận hành. Vì thế, chuyển giao chính quyền là một công việc cực kỳ phức tạp”,
Max Stier, Chủ tịch kiêm CEO của Partnership for Public Service, một tổ chức
phi chính phủ tại Washington giúp soạn thảo các hướng dẫn để chuyển giao quyền
lực, nói.
“Một chiến dịch thông
minh không chỉ đầu tư vào lúc bầu cử mà còn trước đó từ lâu để sẵn sàng [chuyển
giao quyền lực]”.
Các chiến dịch tranh cử
thường bắt đầu lên kế hoạch cho việc chuyển giao quyền lực ngay từ mùa xuân
trong năm bầu cử, tức là trước khi biết người chiến thắng tới vài tháng. Lúc
đó, các ứng viên đã bổ nhiệm vị trí trưởng ban chuyển giao và lập một đội ngũ để
quản lý quá trình này. Số lượng nhân sự trong nhóm này thường vào khoảng một chục
người trước khi kết quả ngã ngũ, và nhanh chóng nở ra hàng ngàn người nếu ứng
viên đó thắng cử. Luật pháp cũng yêu cầu chính phủ tại nhiệm phải chuẩn
bị chuyển giao quyền lực từ sáu tháng trước cuộc bầu cử.
Bầu cử xong rồi, giờ thì sao?
Ở một cuộc bầu cử bình
thường, GSA sẽ công bố thư xác nhận ngay sau khi giới truyền thông dự đoán người
thắng cử. Sau đó các ban bệ chuyển giao sẽ phải chạy đua với thời gian khi đồng
hồ đếm ngược tới ngày nhậm chức 20/1. Việc trì hoãn năm nay ảnh hưởng tới cả bốn
khía cạnh trong kế hoạch chuyển giao của tân chính quyền, theo Stier.
Đầu tiên là
việc tìm kiếm và nhanh chóng thẩm định hồ sơ của 4.000 ứng viên cần bổ nhiệm. Trong số này, khoảng 1.250 người cần có sự
chuẩn thuận của Thượng viện. Trước khi tiến trình chuyển giao được chính thức
khởi động, đội ngũ của Biden không thể bắt đầu việc đánh giá xung đột lợi ích
cũng như xử lý hồ sơ khai báo tài chính của các ứng viên mà họ chọn với Văn
phòng Đạo đức Chính phủ.
Nhiệm vụ thứ
hai bị ảnh hưởng là công tác chuẩn bị trước cho các sự vụ trong Nhà Trắng. Hôm thứ Ba, chiến dịch Biden thông báo thành
lập đội ngũ đánh giá trung gian, bao gồm hàng trăm người sẽ tới các cơ quan
chính phủ như Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Cục Tình báo Trung ương, để tìm hiểu
tình hình từ các quan chức đang làm việc ở đó và chuẩn bị cho quá trình chuyển
giao. Tờ Washington Post đưa tin rằng các quan chức được bổ nhiệm
của chính quyền Trump, đang làm việc ở các cơ quan này đã yêu cầu cấp dưới
không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của đội ngũ Biden cho đến khi GSA bật đèn
xanh.
Khía cạnh thứ
ba bị tổn hại là các chính sách của tân chính quyền và việc thực hiện các cam kết
trong vòng 100 và 200 ngày đầu tiên nhậm chức. Chính phủ Biden sẽ tiếp quản Nhà Trắng với một
đống công việc cao hơn bình thường, trong đó ông nói đối phó với đại dịch sẽ là
một ưu tiên hàng đầu. Hôm thứ Hai, chiến dịch của ông công bố thành lập Ban chỉ
đạo chống COVID-19, nhưng việc trễ nải chuyển giao quyền lực khiến đội ngũ này không
thể bước vào các cơ quan liên bang và tiếp cận các thông tin quan trọng
cho chiến lược hành động của họ, trong bối cảnh đại dịch đang bùng phát mạnh mẽ
khắp cả nước.
Yếu tố cuối cùng gặp trở ngại là thời gian của một
tổng thống đắc cử. Ông Biden đã nhận điện
thoại chúc mừng của các lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, với việc không được công
nhận chính thức, Bộ Ngoại giao Mỹ không hỗ trợ ông trong công tác phiên dịch và
cố vấn các điểm thảo luận như họ vẫn thường làm. Việc hợp tác như thế này là rất
quan trọng để đảm bảo chính quyền hiện tại và chính quyền kế nhiệm không gửi
các thông
điệp mâu thuẫn nhau về vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh quốc
gia.
Ngoài ra, trong một cuộc
chuyển giao bình thường, ông Biden sẽ sớm được nhận Báo cáo Tổng thống thường
nhật, một báo cáo tình báo cấp cao để chuẩn bị cho những thách thức mà ông sẽ
phải đối mặt khi nhậm chức. Việc này cũng giúp ông có ý thức về bất kỳ một chiến
dịch ẩn tàng nào đang diễn ra. Theo NPR,
Biden chưa được nhận báo cáo quan trọng này. Trong khi đó, ở cuộc bầu cử năm
2.000, khi kết quả bầu cử vẫn chưa ngã ngũ, Tổng thống Bill Clinton (Đảng Dân
chủ) vẫn quyết định cho phép ứng viên George W. Bush (Đảng Cộng hòa) được nhận
báo cáo tình báo. Và với tư cách là Phó Tổng thống, ứng viên Al Gore cũng được
biết tới các báo cáo này.
Thế giờ Biden đang làm gì?
Trả lời báo giới hôm thứ
Ba, ông Biden gọi
việc TT Trump không chịu nhận thất cử là “một nỗi xấu hổ”. Và bất chấp việc bị
trì hoãn, ông vẫn đánh giá một cách tích cực về hoạt động tiếp nhận quyền lực
trong đội ngũ của mình.
“Chúng tôi đã bắt đầu rồi”,
Biden nói. Đội ngũ của ông đang thúc đẩy việc tìm chọn các ứng viên cho các vị
trí quan trọng trong Nhà Trắng và hy vọng sẽ tìm được vài cái tên trước Lễ Tạ
ơn (26/11). Mặc dù không thể đến các cơ quan chính phủ, không gì ngăn họ tiếp cận
các quan chức đã từ nhiệm để tìm hiểu thông tin bên trong. Cho tới khi GSA
chính thức xuất thư xác nhận, đội ngũ của Biden vẫn sẽ bị đóng băng khỏi ngân
sách liên bang 10 triệu USD phục vụ chuyển giao. Tuy vậy, tờ New York
Times đưa
tin rằng chiến dịch Biden đã bắt đầu gây quỹ cho việc chuyển giao từ
tháng Năm, và được cho là quyên góp được ít nhất 7 triệu USD.
Các tác động khác của việc trì
hoãn là gì?
Việc chuyển giao quyền lực
hòa bình trong trật tự là một dấu hiệu quan trọng của nền dân chủ. Nếu nó bị
trì hoãn hay làm cho hỗn loạn, nền an ninh quốc gia Mỹ có thể phải chịu hậu quả
đáng kể. Ngoài ra, việc này cũng có thể phá hủy uy tín của Mỹ, làm Mỹ khó ăn
nói khi Bộ Ngoại giao muốn chỉ trích một lãnh đạo nước ngoài tham quyền cố vị
sau một cuộc bầu cử dân chủ. Đáng kinh ngạc hơn, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Ba tuyên bố sẽ có “một
cuộc chuyển giao quyền lực trôi chảy tới nhiệm kỳ hai của chính quyền Trump”, khiến
các nhà ngoại giao Mỹ tức giận còn các đồng minh thì ngơ ngác.
No comments:
Post a Comment