Ba
vấn đề pháp lý của quá trình chuyển giao quyền lực hậu bầu cử Hoa Kỳ
Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật
Khoa
14/11/2020
Cuộc tranh đấu chính trị
với những cáo buộc bay tứ phía càng khiến cho cuộc đua vào Nhà Trắng hấp dẫn
hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thay vì tìm hiểu và thưởng thức vẻ đẹp “hỗn loạn”
đáng quý của dân chủ Hoa Kỳ, các phe phái ủng hộ Trump và ủng hộ Biden từ… trên
trời rơi xuống chửi bới và thóa mạ nhau vì những điều không đáng có. Những
thông tin giả, thông tin chưa kiểm chứng cũng từ đó mà được dịp bùng nổ trong
các thảo luận liên quan đến cuộc bầu cử Hoa Kỳ 2020.
Tuy nhiên, đáng ngạc
nhiên hơn, những hiểu lầm về quy trình pháp lý của hậu bầu cử Hoa Kỳ được phổ
biến từ cả hai phía, khiến cho sự nhiễu loạn thông tin càng thêm trầm trọng.
Với tư cách là một người ủng
hộ Đảng Cộng hòa nhiều năm, và cũng quan ngại các diễn ngôn “xã hội chủ nghĩa”
bên trong nội bộ Đảng Dân chủ không kém bất kỳ ai, người viết nghĩ rằng cần xác
định trắng đen rõ ràng điều gì đúng – điều gì sai về mặt pháp luật để giúp các
cuộc thảo luận luôn đi theo khuôn khổ tích cực và xây dựng.
Quan trọng hơn, chúng ta
cần dành thời gian tìm bài học cho một mô hình dân chủ thay thế tại Việt Nam từ
Hoa Kỳ, hơn là đầu tư xúc cảm của mình vào hai ứng viên vốn chỉ xem Việt Nam là
một trong số hàng vạn các biến số chính trị mà họ phải cân nhắc trong tương
lai.
Vấn đề thứ nhất:
Danh
xưng tổng thống tân cử (president-elect), và chức danh tổng thống tương lai, chỉ
được quyết định chính thức vào tháng Một năm sau năm bầu cử (2021), khi số phiếu
đại cử tri đã được chính thức đếm? Các cơ quan truyền thông và quan sát bầu cử
vi phạm pháp luật khi tuyên bố tổng thống tân cử?
Trước tiên, cần khẳng định
pháp luật Hoa Kỳ cho phép việc xác định tổng thống đắc cử là ai vào ngày tiếp
theo ngày bầu cử, dù quá trình kiểm phiếu kéo dài tới ba tuần sau đó mới chấm dứt,
còn đại cử tri thì phải đến giữa tháng 12 mới bỏ phiếu.
Danh xưng tổng thống tân
cử (president-elect), và thậm chí là chức danh tổng thống Hoa Kỳ trong vài
tháng tới thật ra được (hay đúng hơn là phải được) quyết định vào thời điểm kết
quả phiếu bầu phổ thông ở các bang được chốt hạ; cũng tức là thời điểm mà các
cơ quan truyền thông có uy tín xác định được người chiến thắng trong đợt đếm
phiếu này thông qua kết quả chính thức từ các tiểu bang.
Căn cứ pháp lý rõ ràng nhất
là sự tồn tại song song của chế định tổng thống đương nhiệm (incumbent
president) và tổng thống tân cử (president-elect) nằm ngay trong Đạo luật Chuyển
giao Tổng thống chế (Presidential
Transition Act 1963, sửa đổi bổ sung năm 1976 – PSA).
Đạo luật quy định rất minh bạch:
Khái niệm “tổng thống tân
cử” và “phó tổng thống tân cử” được định nghĩa là những “ứng cử viên
chiến thắng rõ ràng trong cuộc bầu cử phổ thông, do Quản trị viên
(Administrator, khái niệm mà chúng ta sẽ quay trở lại trong phần 2 – ND) xác định
vừa sau khi có kết quả của cuộc bầu cử”.
Như vậy, có thể thấy đạo
luật này quy định về trình tự, thủ tục và chi phí cho quá trình chuyển giao tổng
thống chế cho tổng thống tân cử – người được xác định là chiến thắng thông qua
kết quả của cuộc bầu cử phổ thông ở các bang – bất kể các đại cử tri hay Thượng
viện có bỏ phiếu hay chính thức đếm phiếu hay chưa.
Theo quan điểm của người
viết, đây là một biện pháp để chính quyền liên bang áp đặt “sự đã rồi” thông
qua cuộc tổng tuyển cử chính thức, nhằm tránh tình trạng các nhóm đại cử tri tập
hợp lại và thay đổi lá phiếu của mình một cách đáng kể, từ đó gây ra những hệ lụy
chính trị không đáng có.
Đến đây, cần loại bỏ ngay
kiểu lập luận đại cử tri chưa bỏ phiếu thì cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ chưa kết
thúc.
Hiện nay, có thể khẳng định
Biden là người mặc nhiên chiến thắng rõ ràng nhất khi ông đã giành tới 290 phiếu
đại cử tri dự kiến, dù có thể còn nhiều cáo buộc sai phạm bầu cử.
Cũng được quy định trong
đạo luật, hai tổ chức quan trọng nhất trong của quá trình chuyển giao là Văn
phòng Quản lý và Ngân sách (Office of Management and Budget – OMB) cùng với Cơ
quan Dịch vụ Công (General Services Administration – GSA). Hai cơ quan nói
trên, cùng tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm được giao nghĩa vụ thành lập Hội đồng
Phối hợp Chuyển giao (Transition Coordinating Council) tận sáu tháng trước khi
cuộc bầu cử phổ thông diễn ra; và có trách nhiệm làm việc liên tục để quá trình
chuyển giao được suôn sẻ cho đến khi tổng thống tân cử chính thức tuyên thệ nhậm
chức vào tháng Một năm sau đó. (Section 4, e.4.B)
Việc chuyển giao
quyền lực tổng thống Mỹ trong nhiều thập niên qua đều khá suôn sẻ, ngoại trừ
năm 2000 và 2020. Ảnh: The Sun.
Vấn đề thứ hai:
Phía
Cơ quan Dịch vụ Công (GSA) Liên Bang phải công nhận bên chiến thắng ngay lập tức?
Nói đi phải nói lại.
Chúng ta lại phải bàn về vai trò cực kỳ quan trọng của Quản trị viên quá trình
chuyển giao (Transition Administrator).
Quản trị viên mà Đạo luật
nhắc này chính là Giám đốc của Cơ quan Dịch vụ Công Liên bang (GSA), người nắm
giữ chìa khóa mở cánh cửa thần kỳ để đi vào giai đoạn chuyển giao tòa Bạch Ốc.
Cái sự oái oăm gàn dở ở
đây là người được tổng thống đương nhiệm bổ nhiệm lại cũng là người bắt đầu tiến
trình cho phép tổng thống tân cử tiếp nhận quyền tổng thống (trong trường hợp tổng
thống đương nhiệm tham gia tranh cử). Điều này cũng chính bởi các quy định của
đạo luật PSA mà ra: Ứng cử viên chiến thắng rõ ràng (Apparent Successful
Candidates) do Quản trị viên xác định (ascertained by the Administrator) ngay
sau cuộc bầu cử. Cụm “ascertained by the Administrator” là nhát chí mạng trong
các cuộc bầu cử gây tranh cãi.
Trong kỳ bầu cử lộn xộn không
kém giữa Al Gore và George W. Bush vào năm 2000, chính Quản trị viên David J.
Barram (làm việc dưới thời Tổng thống Bill Clinton 1996 – 2000) là người hoãn lại
toàn bộ quá trình chuyển giao quyền lực cho Bush để chờ các quyết định tư
pháp.
Trong buổi điều trần trước
Hạ viện vào tháng 12 năm 2000, Barram phân trần:
“Trong một cuộc bầu cử
chưa từng có tiền lệ, quá sát sao và bị tranh chấp hết sức căng thẳng, với các
hành động pháp lý đưa ra từ cả hai bên; tôi không thể xác định ai là người chiến
thắng rõ ràng đúng như luật định. Đó là lý do vì sao tôi không xác nhận tổng thống
tân cử theo thủ tục”.
Ông cũng viện dẫn các thảo
luận vào năm 1963 khi Đạo luật PSA được trình làng, trong đó các dân biểu ủng hộ
đạo luật lý giải rằng khi kết quả bầu cử quá sít sao và có tranh chấp, Quản trị
viên đơn giản là không đưa ra quyết định gì cả.
Trong kỳ bầu cử 2000, GSA
chính thức cung cấp tài chính và hỗ trợ nguồn lực, vật lực cho đội ngũ chuyển
giao thuộc nhóm tổng thống và phó tổng thống tân cử Bush – Cheney vào ngày 14
tháng 12 năm 2000, ngay sau khi Al Gore công bố diễn
văn nhượng bộ.
Hiện nay, Quản trị viên
Emily W. Murphy, một người được ông Trump bổ nhiệm, đã lặp
lại lịch sử khi từ chối lời yêu cầu hỗ trợ chuyển giao từ phía đội ngũ
của Biden.
Bất chấp những cáo
buộc về gian lận bầu cử từ chính quyền Trump, ông Joe Biden đã khởi động quá
trình chuyển giao quyền lực. Ảnh: Amr Alfiky/The New York Times.
Vấn đề thứ ba:
Tổng
thống tân cử cho dù đã chiến thắng vẫn chỉ có thể ngồi chờ đến khi tuyên thệ nhậm
chức mới bắt đầu làm việc, việc gì phải gấp rút nếu không gian lận?
Đây là là một loại võ
đoán điển hình, và lại rất sai.
Việc chuyển giao toàn bộ
chính quyền liên bang từ nhóm này sang nhóm khác không phải là một việc đơn giản,
mà chỉ cần liệt kê vài việc ra cũng đủ thấy nó dài dòng và tiêu tốn thời gian
như thế nào.
Như đạo luật PSA đã dẫn ở
trên, liên minh tổng thống – phó tổng thống tân cử được xác định chiến thắng chỉ
cần dựa trên kết quả bầu cử phổ thông ở các bang, và họ sẽ phải bắt đầu đối mặt
với hằng hà sa số các công việc với hy vọng nhanh chóng ổn định tình hình và bắt
đầu các dự án pháp luật – chính sách riêng của mình.
Để
kể một số ví dụ, ngay sau khi được xác định là tổng thống tân cử vào rạng
sáng ngày 02 tháng 11 năm 1976, Jimmy Carter đã bắt đầu chặng đường dài hơi tìm
kiếm các ứng viên cho nội các của ông kéo dài đến ba bốn tuần với các công đoạn
từ lọc hồ sơ ứng viên cho đến phỏng vấn.
Hay trong trường hợp của
Ronald Reagan, ông được báo chí tuyên bố là tổng thống tân cử vào rạng sáng
ngày 04 tháng 11 năm 1980, và chỉ cần đến ngày 22 tháng 12 cùng năm ông đã xác
định xong các chức danh và vị trí chủ chốt cho chính phủ mới, dù lúc này ông
còn chưa được thăm xem bên trong Nhà Trắng có gì.
Trong trường hợp của Bush
(con), ông còn chuẩn bị chuyển giao chính quyền cho Obama ngay cả khi còn… chưa
biết kết
quả bầu cử.
Hiển nhiên, đây không phải
là gian lận bầu cử hay điều gì ghê gớm, mà bởi vì Bush biết rằng bổ nhiệm đầy đủ
tất cả các chức danh liên bang để một chính phủ mới có thể bắt đầu làm việc là
rất tốn thời gian. Theo kinh nghiệm riêng của mình, Bush đã phải mất đến sáu
tháng trời để bổ nhiệm hết 4.000 vị trí trống. Việc này khiến cho các cơ quan
quan trọng không có người quản lý, làm cả nhà nước Hoa Kỳ lúng túng khi sự kiện
11 tháng Chín diễn ra.
Không muốn lỗ hổng an
ninh lặp lại một lần nữa, Bush chủ động đề nghị giúp Obama kiểm tra lý lịch an
ninh của hơn 100 ứng viên cho các vị trí an ninh quốc gia trước bầu cử, từ đó
hoàn thành các thủ tục – giấy tờ cần thiết. Ngay khi cuộc bầu cử có kết quả, và
nếu Obama chiến thắng, chính quyền mới đã sẵn sàng để vào guồng hoạt động.
Thậm chí, trong vài tháng
ngắn ngủi kể từ khi được xem là tổng thống tân cử, chính quyền chuẩn bị tiếp quản
còn cần phải được tham gia các buổi báo cáo, cập nhật tình hình an ninh quốc
gia (national
security briefing), tình hình kinh tế, các mối quan hệ ngoại giao, bí mật
quốc gia… Những vấn đề khác như tăng cường và rà soát an ninh cho tổng thống
tân cử tại tư gia và các địa điểm ông thường lui tới, vận chuyển và chuẩn bị
tài liệu, xây dựng và tái cấu trúc văn phòng… đều là những việc đã được thực hiện
ngay trong giai đoạn chuyển giao từ tháng 11 năm bầu cử đến tháng Một năm sau
đó.
No comments:
Post a Comment