Saturday, 14 November 2020

HẬU BẦU CỬ MỸ 2020 : CỰU ĐẠI SỨ TẠI HÀ NỘI GIẢI THÍCH TRANH CHẤP và DỰ ĐOÁN CHO VIỆT NAM (BBC Tiếng Việt)

 


Hậu bầu cử Mỹ 2020 : Cựu đại sứ từ Hà Nội giải thích tranh chấp và dự đoán cho Việt Nam 

Quốc Phương

BBC Tiếng Việt

13 tháng 11 2020

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54930298

 

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với những tranh chấp, thách thức đang diễn ra đang có những tác động trực tiếp tới khả năng giải quyết các vấn đề nội trị và bang giao của nước Mỹ hiện tại và tới đây, trong đó có quan hệ Mỹ - Việt, theo góc nhìn của một nhà nghiên cứu, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam từ Hà Nội.

 

Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 12/11 từ Viện Nghiên cứu các vấn đề Phát triển (VIDS), Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, trước hết bình luận về những thách thức đón chờ người sẽ là ông chủ Nhà trắng vào ngày tuyên thệ 20/01/2021 tới đây, bất luận người đó là ai, nếu nhìn từ thời điểm hiện nay.

 

"Về đối nội thì ông nào lên cũng phải lo chuyện đối phó với Covid, nạn thất nghiệp và những vấn đề nổi cộm về kinh tế. Nhưng có lẽ yêu cầu khẩn cấp là hàn gắn tình trạng chia rẽ trong lòng xã hội Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà quyền Bộ trưởng Quốc phòng Miller vừa được bổ nhiệm là Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ.

 

"Về đối ngoại, nếu Trump tái đắc cử, những động hướng lớn hiện nay, đặc biệt là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được tiếp tục. Nếu ông Joe Biden giành chiến thắng, chính sách đối ngoại nói chung, nhất là quan hệ Mỹ - Trung và quan hệ với các đồng minh truyền thống nói riêng, chắc chắn có sự điều chỉnh.

 

"Có thể sẽ có một số thay đổi đối với một vài định chế quốc tế mà Trump trước nay bỏ qua. Riêng với đại khu vực Đông Á, ông Biden sẽ có cả núi việc, từ "Blue Dot Network" (Sáng kiến hạ tầng do Mỹ, Nhật Bản và Úc đồng khởi xướng) muộn màng và chưa triển khai được mấy để đối phó với BRI (Con đường tơ lụa mới) của Trung Quốc, trị giá hàng ngàn tỷ USD."

 

Thượng tôn pháp luật và điểm dừng?

Trước câu hỏi cuộc tranh cãi về kết quả bầu cử và thách thức pháp lý hậu bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra thể hiện điều gì, có khả năng dẫn tới đâu và hệ lụy chính có thể là gì đối với quá trình chuyển giao quyền lực, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng đáp:

 

"Nếu tuyên bố mới đây của ngoại trưởng Mike Pompeo "sẽ có sự chuyển tiếp êm đẹp sang chính phủ Trump lần thứ hai" thành hiện thực, thì câu chuyện thách thức pháp lý hậu bầu cử có thể nói lên nhiều điều.

 

"Thứ nhất, đây là câu chuyện trường tồn về giá trị Mỹ. Nếu Biden thắng thì đấy là do dân Mỹ đã không chấp nhận một Trump độc tài, truyền thống Mỹ là chống độc tài, bất kể thành tựu 4 năm qua của ông ấy như thế nào. Cuộc khảo sát mới đây của Reuters, cho thấy gần 80% người Mỹ tin rằng Biden đã đắc cử.

 

"Thứ hai, nếu các vụ kiện đảo chiều các kết quả kiểm phiếu và ông Donald Trump vẫn ngồi lại, thì đấy lại là câu chuyện thượng tôn pháp luật. Khi đã có tranh chấp pháp lý thì các bằng chứng thuyết phục và quyết định cuối cùng của Toà án là chuẩn mực buộc các bên phải tuân thủ. Thứ ba, dù thách thức pháp lý hậu bầu cử căng thẳng đến mấy, các bên vẫn tìm được điểm dừng, vì lợi ích nước Mỹ, sự đoàn kết quốc gia là trên hết. Chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp sẽ được tôn trọng. Cử tri Mỹ cuối cùng sẽ là người chiến thắng, dù Dân chủ hay Cộng hoà ngồi vào ghế Tổng thống."

 

Bất biến, khả biến trong quan hệ Mỹ - Việt?

Liên quan bang giao Mỹ - Việt, trước câu hỏi chính sách của Mỹ tới đây sẽ thế nào, có gì mới, khác biệt hay không, cựu Đại sứ Đinh Hoàng Thắng trả lời:

 

"Quan hệ Việt - Mỹ, theo tôi, đã được đặt trên một "đường ray" khá vững chãi. Nó thể hiện qua nhiều tuyên bố cấp nguyên thủ giữa hai nước trong vòng mươi năm trở lại đây, dựa trên lợi ích chiến lược lâu dài của mỗi bên. Đây là nhân tố bất biến, không dễ gì đảo lộn một sớm một chiều. Sát nút ngày bầu cử, Ngoại trưởng Mỹ vẫn sang gặp lãnh đạo Việt Nam là biểu hiện rõ nhất. Liệu các sắc thái chính sách của tân Tổng thống có gì khác biệt và đáng nói? Nếu ông Donald Trump tại vị thì miễn bàn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người đứng đầu chính phủ đầu tiên trong ASEAN đã gặp ông Trump hồi ông đắc cử năm 2016.

 

"Còn ông Biden, liệu ông ấy có thúc đẩy nhanh hơn tiến trình "tan sương đầu ngõ" để "vén mây giữa trời" như khi ông ấy chuyển thông điệp cho TBT Nguyễn Phú Trọng? Đấy là nhân tố khả biến. Chúng ta còn phải chờ. Vấn đề chính yếu là nội lực và bản lĩnh của Việt Nam. Nếu Việt Nam gắn kết với khu vực và chủ động thích ứng được trong bối cảnh mới thì quan hệ sẽ vững chãi.

 

"Đầu tuần này, khi căn dặn các đại sứ trước khi lên đường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở: Việt Nam không chọn bên. Nhưng nội hàm "bên" đang chuyển hoá mạnh. "Bên" giờ đây không chỉ là "quốc gia", mà bên còn là "xu thế". Nghĩa là chọn giữa một xu thế của Trật tự dựa trên luật lệ, các giá trị phổ quát, còn "bên kia" là Trật tự bá quyền và triều cống, thì tất yếu Việt Nam phải chọn "bên" nhân loại văn minh đang hướng tới.

 

Liệu Mỹ sẽ chế tài Việt Nam vì "thao túng tiền tệ"?

Mới đây, một diễn biến được Việt Nam và giới quan sát quan tâm là Việt Nam đã bị chính quyền Mỹ cáo buộc "thao túng tỷ giá" đồng tiền Việt Nam gây bất lợi cho thương mại và kinh tế Mỹ.

 

Khi được hỏi liệu chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ của ông chủ Nhà Trắng tới đây từ sau ngày nhậm chức 20/01/2021) có chế tài Việt Nam hay có bất kỳ hành động trừng phạt nào khác không, ông Đinh Hoàng Thắng đáp:

 

"Câu trả lời có hai vế. Vế thứ nhất, trên thực tế Việt Nam có thao túng đồng tiền hay không? Ông Thống đốc Ngân hàng Việt Nam vào thời điểm Việt Nam bị cáo buộc như thế mới đây và từ trước từng tuyên bố: "Ngân hàng Nhà nước chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế".

 

"Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, chính phủ Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách "coi chừng" (watch list) về thao túng tiền tệ. Và từ đầu tháng 10 năm nay 2020, Mỹ đã mở cuộc điều tra về cung cách thương mại của Việt Nam. Liệu bước này đi có thể dẫn tới việc tăng thuế suất nhập cảng lên hàng hóa Việt Nam hay không, cho đến nay hai bên vẫn đang tiếp tục giao thiệp để làm rõ lộ trình.

 

"Còn vế thứ hai, liệu chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ của ông chủ Nhà Trắng tới đây, có chế tài hay trừng phạt Việt Nam? Trong trường hợp ông Donald Trump vẫn tại vị, xác suất chế tài có vẻ cao hơn. Thao túng tỷ giá từ các nền kinh tế "phi thị trường" là câu chuyện lớn đối với Mỹ và nhiều khả năng ông Trump sẽ chống lại cung cách thương mại không công bằng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân Mỹ.

 

"Trong trường hợp ông Biden sẽ vào Nhà Trắng sau 20/1 sang năm và đến lúc đó, kết quả điều tra Việt Nam vi phạm hay không trở nên rõ ràng, thì câu chuyện trừng phạt có thể vẫn chưa diễn ra ngay. Nó còn phải tuỳ thuộc vào hai xét đoán. Thứ nhất, quy mô thiệt hại của Mỹ đến đâu trên thực tế? Hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm 3% tổng giá trị hàng nhập cảng của Mỹ (năm ngoái). Phần lớn đó là sản phẩm của các công ty Mỹ. Hàng "gốc" Việt Nam chỉ có các loại nông sản, thực phẩm có giá trị thấp.

 

"Vì thế, dù có chênh lệch cán cân thương mại nhưng Việt Nam không gây thiệt hại nhiều. Trừng phạt Việt Nam vì chênh lệch thương mại, theo một nghĩa nào đó, là cách Mỹ ứng phó với tình huống do chính họ tạo ra. Đây là ý kiến của một số chuyên gia. Thứ hai, Tổng thống mới sẽ nhấn mạnh ưu tiên nào trong quan hệ đối với Việt Nam? Thuần tuý lợi ích kinh tế hay ưu tiên lớn hơn cho ý đồ chiến lược? Trong khi Bộ Thương mại và Tài chánh Mỹ dựa vào luật thao túng tiền tệ tính chuyện trừng phạt, thì Quốc phòng và Ngoại giao có thể có tính toán khác. Bộ Ngoại giao Mỹ thường ưu tiên vai trò "đối tác mới nổi" của Việt Nam trong cục diện địa-chính trị ở khu vực. Thật khó đoán định tân Tổng thống sẽ nghe theo "tai" nào?

 

Bốn điều nào Việt Nam có thể học hỏi?

Trước câu hỏi qua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này, Việt Nam liệu có thể học hỏi hay tham khảo điều gì và nếu có thì có thể tránh hay nên tránh đi gì, Tiến sỹ, cựu Đại sứ Đinh Hoàng Thắng nêu quan điểm:

 

"Tôi ngạc nhiên vì nhiều cụ già, trước nay không mấy để ý đến chính trị, nhưng vừa qua cập nhật và hỏi han liên tục. Kể cả các bà sống trên các rẻo cao mà chúng tôi có dịp đi picnic qua cũng chú ý theo dõi thời sự và có vẻ ủng hộ Trump (Các cụ ngây thơ tin ông Trump sẽ giúp Việt Nam trong ứng xử với Trung Quốc).

 

"Kinh nghiệm ở đây là phải có một hệ thống bầu cử thế nào mà người dân thấy được ý nghĩa của lá phiếu. Nói cách khác lá phiếu và hệ thống bầu cử phải phản ánh được quyền lực tối hậu của người dân.

 

"Các nhà quản trị theo tôi có thể tham khảo một số điều: thứ nhất là tính hợp pháp của nhà lãnh đạo tối cao, cùng với tất cả các quan chức được bầu, phụ thuộc ở niềm tin của công chúng vào tính liêm chính của cuộc bầu cử. Thứ hai là cử tri quan tâm chủ yếu là chính quyền nào đứng sau những người họ bầu và chính sách của chính quyền tới là gì? Có đáp ứng nguyện vọng của họ hay không? Đấy là mới bản chất của vấn đề.

 

"Thứ ba là dù ông Trump hay ông Biden lên làm Tổng thống, giai đoạn tới đây là thời điểm phân cực tả hữu mạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ và thế giới. Nếu nước Mỹ rơi vào hỗn loạn, các quốc gia độc tài có thể lên ngôi và thứ tư, kết luận cuối cùng là nước nào dân chúng lương thiện, hiểu biết, quốc gia đó sẽ phát triển. Ngược lại, ở đâu người dân không có giác ngộ về kinh tế và chính trị, chỉ lo tranh giành về vật chất, quốc gia đó sẽ lụi tàn," ông Đinh Hoàng Thắng bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 12/11/2020 từ Hà Nội.

 

------------------------

 

TIN LIÊN QUAN

 

Quan chức bầu cử Mỹ bác bỏ cáo buộc của Trump về gian lận

13 tháng 11 năm 2020

.

Bầu cử Mỹ 2020: So sánh với cuộc kiểm phiếu lại năm 2000 ở Florida

13 tháng 11 năm 2020

.

TT Trump ký lệnh cấm đầu tư vào công ty dính líu quân đội Trung Quốc

13 tháng 11 năm 2020

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats