Friday, 13 November 2020

Ở VIỆT NAM, NHIỀU NGƯỜI ĐAU BUỒN VÌ SỰ SỤP ĐỔ CỦA MỘT THẦN TƯỢNG MỸ (The Diplomat)

 


Ở Việt Nam, nhiều người đau buồn vì sự sụp đổ của một thần tượng Mỹ

Tác giả: Phạm Thị Thùy Dương và Trương Thúy Quỳnh  -  Diplomat

Dịch giả: Dương Lệ Chi

13/11/2020

https://baotiengdan.com/2020/11/13/o-viet-nam-nhieu-nguoi-dau-buon-vi-su-sup-do-cua-mot-than-tuong-my/

 

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/11/1-59.jpg

Tổng thống Donald Trump chia tay Nguyễn Phú Trọng, TBT đảng CSVN trong chuyến thăm Hà Nội ngày 27/2/2019. Nguồn: White House

 

Một người dùng Facebook ở Việt Nam viết: “Nếu tôi có thể chết để ông Trump trở thành Tổng thống, tôi sẽ sẵn sàng chết”.

 

Nghe có vẻ phi lý, tuyên bố sầu thảm trong phụ đề của bài viết này không phải do một người Mỹ ủng hộ Trump đưa ra, mà là của một người sử dụng Facebook ở Việt Nam, khi biết rằng tổng thống đương nhiệm đã thua cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đối với cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Trong khi theo dõi cuộc bầu cử, nhiều người Việt Nam khẳng định chắc nịch rằng, “thần tượng” của họ – Donald J. Trump – sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Chúng tôi đã nói chuyện với một số người dân trong nước và đã quan sát các tương tác của họ trên mạng xã hội trong một nỗ lực giải mã hiện tượng này.

 

Một nhận xét được chia sẻ rộng rãi, mà ông Lê Hồng Hiệp tóm tắt trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Viettimes, rằng nhiều người Việt thấy các chính sách quyết đoán của Trump đối với Trung Quốc là có lợi cho đất nước họ. Lập trường gay gắt của Trump đối với Trung Quốc đã gây được tiếng vang lớn qua sự bất bình của công chúng, khiến tổng thống Trump được công chúng Việt Nam tín nhiệm.

 

Đây là lý do rõ ràng nhất để người Việt ủng hộ Trump, nhưng không phải là lý do duy nhất. Vương Toàn Hiệp, 41 tuổi, một người ủng hộ ông Trump sống ở Hà Nội, nói với tác giả: “Trump là một doanh nhân quyền lực, tự tin và thậm chí độc tài. Mọi thứ ông ta làm đều mang tính chiến lược và có tính toán”. Đồng tình với ông Vương, ông Trương Xuân Thái, một người dân Hội An, ngoài 80 tuổi, cho rằng: “Tổng thống Mỹ nên cương nghị, lôi cuốn và cứng rắn! So với Biden, Trump hoàn toàn là người phù hợp hơn”.

 

Việc tôn vinh các đức tính này của Trump có thể giải thích rõ nhận thức về lãnh đạo đã ăn sâu vào văn hóa chính trị Việt Nam. Sự tồn tại của truyền thống Nho giáo trong xã hội Việt Nam có thể đã định hình cách thức mà người dân đánh giá một nhân vật có quyền lực qua đức tính của họ.

 

Trong khi đó, ý thức hoài nghi chính trị tràn ngập môi trường chính trị ở Việt, đan xen với tình cảm thuận lợi mà nhiều người dành cho Trump. Ông Vương nói: “Mọi người cảm thấy mệt mỏi với các chính trị gia lừa dối và lôi cuốn”, khi giải thích lý do tại sao ông thích Trump hơn Biden. Ý kiến ​​này được lặp lại bởi một quan chức chính phủ Việt Nam, 46 tuổi, là người chọn giấu tên: “Tôi thích Trump chính xác bởi vì ông ấy không phải là một chính trị gia. Ông ấy nói bất cứ điều gì ông ấy nghĩ và sống với lời hứa của mình”, quan chức này nói. Phần được hiểu ngầm trong tuyên bố của ông là, Trump không giống như các chính trị gia khác, là những người nói những lời sáo rỗng và đưa ra những lời hứa suông. Nói cách khác, sự ưa thích đặc biệt dành cho Trump bắt nguồn ở chỗ, người Việt Nam không hài lòng với hoạt động của các chính trị gia trên đất nước họ.

 

Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn COVID-19 có thể tạo ra niềm tin rằng, người Việt tin tưởng nhiều vào chính phủ của họ. Tuy nhiên, bên ngoài bối cảnh khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hiện nay, sự hoài nghi về chính trị đã trở thành một thói quen thường ngày trong cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam. Những ví dụ gần đây gồm, tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, vụ bê bối sách giáo khoa Cánh Diều, và vụ án Hồ Duy Hải, liên quan đến một vụ sát hại.

 

Những bình luận châm biếm và chế giễu về tham nhũng lan vào trong các bữa ăn gia đình, trong khi sự thất vọng trước hành vi quấy rối công dân của các quan chức nhà nước lại chiếm ưu thế trong những cuộc nói chuyện nhỏ nhặt bình thường. Một người sử dụng Facebook ở Việt Nam nhận xét về cập nhật mới nhất trên trang Zing News, một tờ báo ở Việt Nam, về chiến thắng của ông Biden: “Zing đã quá quen với chuyện biết kết quả bầu cử, ngay cả trước khi bỏ phiếu ở Việt Nam, họ nghĩ điều tương tự cũng xảy ra ở Mỹ”.

 

Không chỉ hệ tư tưởng chống giới tinh hoa trong chiến dịch của Trump, cộng với ý thức hoài nghi chính trị lan rộng ở Việt Nam, việc sử dụng ngôn ngữ dễ xúc động và thách thức của ông ta cũng bị đánh đồng với sự phẫn nộ thật sự đối với giới tinh hoa tham nhũng. So với tính cách bình tĩnh, thận trọng của các chính trị gia Việt Nam thông thường, hành động ngang ngược của Trump đã tạo ra một sự tương phản hoàn toàn trong suy nghĩ của nhiều người Việt, xếp ông ta vào nhóm trung thực nhất, trong khi các chính trị gia ở Việt Nam thì ở phía ngược lại.

 

Mối tương quan đặc biệt này giữa tình yêu của người Việt Nam dành cho Trump và sự hoài nghi chính trị chỉ là vô thưởng vô phạt cho đến khi người ta nhận ra rằng, chính mạng xã hội đã góp phần cho sự diễn đạt công khai về vấn đề này.

 

Tổng thống Trump có một lượng người hâm mộ hùng hậu ở Việt Nam, gồm hàng chục ngàn người trên Facebook, là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam, đất nước tự hào có khoảng 45,3 triệu người sử dụng hàng ngày, tính đến năm 2019. Ngoài việc nói về Trump, người sử dụng Facebook tham gia vào các cuộc trò chuyện sôi nổi liên quan đến vô số các vấn đề chính trị mà chỉ một thập niên trước, có thể được coi là nhạy cảm và đặc biệt đối với bối cảnh kín đáo ở Việt Nam. Các chủ đề bao gồm tranh chấp Biển Đông, tính hợp pháp của các chế độ cộng sản ở Việt Nam và Trung Quốc, và khả năng liên minh Mỹ – Việt, đó chỉ là vài ví dụ.

 

Đảng Cộng sản Trung Quốc là một nhóm khủng bố! Thế giới, hãy đoàn kết và tiêu diệt Chủ nghĩa cộng sản… một hình thức mới của chủ nghĩa phát xít”.

 

Tôi nghĩ tốt hơn hết tôi đi học tiếng Trung bây giờ. Chúng ta sẽ sớm mất các đảo ở Biển Đông”.

 

Nếu Tổng thống Trump có thể tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa, có lẽ người dân Việt Nam sẽ có thể có được nền dân chủ, vốn đang bị Đảng Cộng sản đàn áp”.

 

Những lời nói trên được tìm thấy phổ biến trên Facebook của những người ủng hộ ông Trump ở Việt Nam, chẳng hạn như nhóm “Người Việt Nam ủng hộ Tổng thống Trump” và trang phụ trợ của nó “Những người yêu thích Donald J. Trump”. Cả hai trang này đều do một người Mỹ gốc Việt sống ở San Jose điều hành. Điều thú vị là, trang này ban đầu có tên “Ngăn chặn virus CCP”. Không phải ngẫu nhiên, San Jose cũng là quê hương của Việt Tân, một tổ chức chống cộng nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam.

 

Các nhóm phản động ở nước ngoài từ lâu đã bị cho là vu khống, chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và gây ra những đợt bất ổn chính trị gần đây, chẳng hạn như các cuộc biểu tình vì môi trường năm 2016 hoặc các cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2018. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của mạng xã hội ở Việt Nam đã tạo ra cho những người sử dụng này một kênh tốt hơn để gây ảnh hưởng đến dư luận trong dân chúng Việt Nam. Chính phủ Việt Nam có lý do chính đáng để lo lắng: Xen kẽ giữa nội dung ca ngợi Trump trên các nhóm / trang Facebook này là những luận điểm chống lại chế độ cộng sản, vốn có nguy cơ làm mất tính chính danh của ĐCSVN.

 

Rosie Nguyễn, một tác giả Việt hiện đang theo học thạc sĩ về truyền thông ở Mỹ, nói với chúng tôi: Người Việt Nam rất dễ bị tấn công bởi luận điệu dân túy của Donald J. Trump và các thuyết âm mưu được lan truyền trên các trang Facebook này ủng hộ ông ta. Trình độ hiểu biết về phương tiện truyền thông thấp và lộ trình xử lý kích thích bên ngoài là những nguyên nhân chính”.

 

Ngay cả khi đã có các cơ chế pháp lý và chính sách (như Luật An ninh mạng 2018 và Lực lượng 47), vẫn còn lâu mới đủ để ngăn người dân Việt Nam tiếp xúc với nguồn thông tin đa dạng hơn. Như Nguyễn Thu Giang, Đại học Queensland lưu ý trong một bài báo nghiên cứu gần đây: “Chiến lược quan trọng trong quản trị kỹ thuật số ở Việt Nam vẫn dựa trên sự trừng phạt… Nhưng với việc sản xuất và điều phối một số lượng dữ liệu lớn trên mạng hàng ngày, thì chiến lược này không thể thực hiện được để thay đổi sự hình thành và khuếch đại sự bất bình tập thể và bất đồng chính kiến thông thường“.

 

Kể từ khi Trump bị đánh bại, một số người hâm mộ ông ở Việt Nam đã từ chối chấp nhận kết quả, đổ lỗi cho các cơ quan truyền thông chính thức của Việt Nam đã lan truyền “tin giả” – một thuật ngữ được Trump thường xuyên nói tới. Cuối cùng, mọi người sẽ phải chấp nhận để đi tới. Tuy nhiên, sau sự kiện này, người Việt sẽ tiếp tục xem mạng xã hội không chỉ là một cửa ngõ thay thế cho thông tin chính trị, mà còn là một lĩnh vực để công chúng phát biểu ý kiến ​​một cách tự do hơn.

 

Sự quan tâm mạnh mẽ của người Việt đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng nêu bật mong muốn của họ về sự hợp tác Việt – Mỹ gần gũi hơn để cân bằng với Trung Quốc. Giờ đây, khi viễn cảnh chính quyền ông Biden đang hình thành, chính phủ Việt Nam cố gắng trấn an công chúng rằng, quan hệ với Washington sẽ tiếp tục phát triển.

 

Thông tin Chính Phủ (Cổng thông tin điện tử Chính phủ), trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam, với khoảng 1,3 triệu người theo dõi, mới đây đã đăng tải một tuyên bố của ông Dương Hoài Nam, Phó phát ngôn viên của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, cho biết, hai nước sẽ tiếp tục phát triển sâu sắc hơn mối quan hệ của họ. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng bất kỳ Tổng thống Mỹ nào cũng sẽ ủng hộ quá trình này. Việt Nam hoan nghênh vai trò và các sáng kiến ​​của Hoa Kỳ trong việc giúp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực”.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats