https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/3125224747583771
Hồi xưa đi học không biết
cha cụ Đồ Chiểu là thư kí riêng của tổng trấn Lê Văn Duyệt. Chắc vì yêu quí cụ
Đồ nên các thầy thời tôi đã né chi tiết này để cụ có một lí lịch đẹp. Hoặc ít
ra là không bị bình giảng lung tung.
Không lung tung nhưng lại
ra định kiến. Nguyễn Đình Chiểu đeo vào mình sứ mạng nhà thơ của dân đen, những
dân ấp dân lân mến nghĩa. Thơ văn ông là thơ văn yêu nước đánh giặc. Ông được
“đề bạt” thành một biểu tượng chủ chiến của trí thức Nam Bộ, gần như là để đối
lập với hành động nghị hoà của một nhà nho khác làm quan: Phan Thanh Giản.
Thấm đẫm tinh thần yêu nước
đánh giặc, không chỉ thơ văn mà cả cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu được “huy động”
cho công cuộc đánh Pháp.
Bến Tre đất cù lao cách
trở được “chủ trương” làm đất tị địa. Đám nho sĩ quày quả cùng nhau thực hiện một
hành động có tính biểu tượng, dời mộ thầy giáo Võ Trường Toản, được tôn vinh
như một sư biểu, từ Sài Gòn về Ba Tri, khi ba tỉnh miền Đông vào tay Pháp. Có vẻ
như Nguyễn Đình Chiểu được “sắp xếp” làm một nhân vật chủ chốt của phái tị địa.
Nhưng ít người biết, thực ra cụ Đồ cũng khôn, có móc nối liên lạc với các danh
sĩ môn đệ cụ Võ Trường Toản như Phan Thanh Giản, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị,
Huỳnh Mẫn Đạt…
Lễ an táng bậc thầy Võ
Trường Toản, cụ Đồ Chiểu có đến dự. Kì thực là chính tiến sĩ Phan Thanh Giản đã
bàn thảo rồi trực tiếp cùng đồng môn của mình cải táng người thầy của mình trên
đất Ba Tri. Ông làm việc ấy trước một ít lâu ba tỉnh miền Tây trao cho Pháp,
còn ông uống thuốc độc tự vẫn.
Hay như việc cụ Đồ khăng
khăng từ chối món quà viên chủ tỉnh người Pháp đến thăm và tặng. Đó là cục xà
bông thơm Mạc-Xây nức tiếng, đã thành một món hàng tiêu dùng thời thượng ở Sài
Gòn. Ông kiên quyết không xài xà bông, chỉ dùng nước tro để giặt rửa. Thì chỉ
là không xài xà bông thơm của tây thôi, chứ vào thời điểm đó ở họ đạo Cái Mơn
các cha, các sơ đã hướng dẫn dân chúng cách làm xà bông từ dầu dừa. Dân Bến Tre
theo đó đã sớm có nếp sống sạch sẽ.
Không chỉ xài xà bông, mà
cả học chữ quốc ngữ, chữ Pháp, nghe nói cụ Đồ khăng khăng xa lánh. Thực hư thế
nào chưa rõ, nhưng con gái cụ, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh là người phụ nữ đầu tiên
làm báo bằng chữ quốc ngữ và tri thức tây học. Tờ Nữ giới chung của bà không chỉ
nổi tiếng mà còn như một cuộc cách mạng để những Kiều Nguyệt Nga, Kim Liên bước
vào đời sống hiện đại.
Thời mà cần đến sự hi
sinh của dân đen người ta đưa ông vào giáo khoa như một tác gia. Sự sát sao tải
đạo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu được mô tả như một biểu trưng của chủ nghĩa
yêu nước. Nhưng khi thời cuộc đã rời xa, người ta luận bàn đến những biểu hiện
văn chương trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu. Những tác phẩm được ca ngợi
trước đây cũng lục tục rời khỏi học đường.
Nhưng ông thì vẫn nằm đó,
ở đồng đất Ba Tri.
Hai ngôi mộ xi măng giản
dị của vợ chồng ông, nghe nói được xây dựng như thế từ thời Ngô Đình Diệm, đã
được thời bây giờ mở mang xanh đỏ. Nơi thờ phượng và khu mộ của ông được
“thăng” thành lăng mộ. Người ta yên vị như thế và đinh ninh đã thể hiện lòng
tôn kính với một người thầy ở chiếu tiền hiền của giáo dục Nam Bộ.
Quả thực nhiều thế hệ người
Nam đã tôn kính Nguyễn Đình Chiểu đúng mức với công đức của ông: Cụ Đồ Chiểu.
Qui giản quan điểm văn
chương Nguyễn Đình Chiểu vào chủ nghĩa yêu nước, chủ chiến, chủ hoà… chỉ là
cách thô lậu tiếp cận tầm vóc một người thầy.
Cụ Đồ làm thơ, viết văn
là để dạy học. Có lẽ không có nhiều nhà giáo làm được và đạt kết quả như ông.
Thơ văn ông chính là giáo án, là bài giảng đặc sắc truyền dạy nhân cách. Thật
kì diệu là những điều ông dạy dỗ đã như hệ khung định hình tính cách đặc sắc
người Việt phương Nam. Không có bậc trí giả, người nông dân, kẻ giang hồ trên
vùng đất mới này, từ sau thời cụ Đồ Chiểu, mà không có ảnh hưởng từ những bài
giảng của thơ văn ông.
Nhiều hơn thế, ông soạn
Ngư tiều y thuật vấn đáp, Dương Từ Hà Mậu để phổ biến tri thức làm thuốc, chăm
sóc sức khoẻ, tổ chức đời sống…
Làm thầy, ít ai làm được
như cụ Đồ Chiểu. Ông dạy làm người.
Nhưng khổ, cũng khó được
như ông, làm thơ làm văn dạy học, mà có lăng mộ.
No comments:
Post a Comment