Friday, 20 November 2020

DỰ LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2020 ĐƯỢC THÔNG QUA: THẤT BẠI ĐÂU CHỈ CỦA RIÊNG AI? (Trần Tuấn)

 



DỰ LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2020 ĐƯỢC THÔNG QUA: THẤT BẠI ĐÂU CHỈ CỦA RIÊNG AI?  

Trần Tuấn

08:41 20/11/2020    

https://www.facebook.com/trantuanrtccd/posts/10219311029581502

 

Dự luật này có hai đặc điểm cơ bản:

 

(1) Mất cơ bản nền tảng khoa học xây dựng một luật bảo vệ môi trường theo chuẩn mực khoa học thập niên 3 thế kỷ 21;

(2) Từ mục đích “Bảo vệ môi trường”, biến thái thành một dự luật nghiêng hẳn về “bảo vệ lợi ích của chủ dự án đầu tư“ khai thác môi trường (TLTK 1,2,3).

 

Nhưng dự luật vẫn được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp 10, phiên họp 17/11/2020, với tỷ lệ nhất trí cao: 443/466 phiếu (~ 95%).

 

TẠI SAO ĐỔ ĐỐN ĐẾN VẬY?

 

1. Tại sao, một dự luật liên quan trực tiếp tới sự tồn vong của dân tộc, ảnh hưởng tới từng hơi thở, từng miếng ăn, từng ngụm nước uống hàng ngày của từng người dân sống trên nước Việt cả hiện tại và tương lai. Mà hàng chục ngàn nhà khoa học, hàng trăm ngàn cây bút truyền thông dòng chính, hàng chục triệu tài khoản mạng xã hội, lại chịu “im hơi lặng tiếng” để qua được các vòng thẩm định của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để rồi cuối cùng tới 95% đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua với chất lượng như thế?

 

2. Tại sao, hai “đặc điểm chết người” của dự luật nêu ở trên, để đến mãi tọa đàm 2/11 mới được nêu lên, và phải đợi đến các thư kiến nghị ngày 9/11 (trước chỉ có 2 ngày phiên họp thông qua theo theo kế hoạch gốc của Quốc hội, 11/11/2020?) mới gửi đến các đại biểu Quốc hội?

 

3. Trong số 466 đại biểu tham gia bấm nút dự thảo luật này, bao nhiêu nhận được các thư kiến nghị ngừng thông qua gửi 4/11, 9/11, 16/11/2020 từ các liên minh NCDs-VN, EBHPD, VSEA, NVR, EJH? Bao nhiêu bài báo, bài viết (cả trên truyền thông dòng chính và mạng xã hội) lên tiếng thảo luận liên quan tới hai tồn tại lớn trên?

 

Đấy là 3 câu hỏi chính tôi đặt ra mong muốn ban tổ chức đưa vào nghị trình thảo luận “cuộc họp rút kinh nghiệm của các liên minh tham gia phản biện vận động dự luật Bảo vệ môi trường 2020” tổ chức vào sáng mai, 21/11/2020 tại Hà nội!

 

Và cũng là những câu hỏi tôi chủ ý khơi dậy sự quan tâm của những con dân nước Việt còn biết lo cho bản thân, cho con cháu mình, cả hiện tại và tương lại: Ô nhiễm, thoái hóa môi trường sống không trừ mình ra!

 

“NỖI NHỤC” ĐÂU CHỈ CỦA RIÊNG AI!

 

Chúng ta đã thất bại! Một thất bại đáng được mổ xẻ tới nơi tới chốn, nếu muốn đứng dậy đi tiếp!

 

than thở lúc này không giúp được gì! “Công việc chỉ cần kết quả, vui buồn với nó thảy đều vô nghĩa”!

 

Còn một năm phía trước cho hành động sửa đổi về măt pháp lý, cả nội dung dự luật và các văn bản dưới luật của chính phủ hướng dẫn sự thực thi, để giảm thiểu tối đa tác hại “tàn phá môi trường” của một dự luật mang tên “bảo vê môi trường”!

 

“Thất bại” là cơ sở để gây dựng thành công, nêu biết “nhìn ra đúng” nguyên nhân sâu xa, cốt lõi dẫn đến thất bại này!

 

“Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng”! Câu dạy của người xưa rất đúng cho trận chiến trước các thế lực thủ lợị đang biến “luật bảo vệ môi trường” thành “luật bảo vệ lợi ích chủ dự án đầu tư khai thác môi trường”, trước khi dự luật này có hiệu lực thực thi 1/1/2022!

 

HÃY CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG!

 

Hy vọng một ngày mới đến, bắt đầu thời kỳ mới, với mục tiêu mới, phương thức làm việc mới, đội ngũ lâm trận mới với kiến thức mới, kỹ năng mới và ý chí mới!

 

Cho luật bảo vệ môi trường đích thực trở về với đất nước này, hãy ngày ngày tự nhắc nhở:

 

– Vì sự tồn tại của MÔI TRƯỜNG SINH THÁI cha ông để lại;

 

– Vì sự PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG đất nước;

 

– Vì QUYỀN BÌNH ĐẲNG CHO THẾ HỆ TƯƠNG LAI TRƯỚC DI SẢN CHA ÔNG ĐỂ LẠI cho con cháu bao đời;

 

– Vì sự ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÂN LỌAI cho một HÀNH TINH XANH AN TOÀN MÔI SINH cho con người cùng các sinh thể chung sống bền vững.

 

HÃY PHỐI HỢP LÊN TIẾNG ĐÒI HỎI CHỈNH SỬA DỰ LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2020 CÙNG CÁC VĂN BẢN DƯỚI LUẬT ĐI THEO!

 

Lượng đổi chất đổi!

 

Khoa học khẳng định thế!

 

_____

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 

1. Thư kiến nghị của NCDs-VN gửi Chủ tịch Quốc hội ngày 9/11/2020.

 

2. Dự luật Bảo vệ Môi trường (Sửa đổi): Đừng để nỗi xấu hổ của bộ phận những người làm luật trở thành nỗi nhục của cả Quốc hội khóa XIV kỳ họp 10!

 

3. “Mất cơ bản”- Lý do chính khiến dự thảo luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) không thể được thông qua!

 

4. Luật bảo vệ môi trường hay là luật bảo vệ ai khác đây?

 

=================================================

 

Tran Tuan

9 tháng 11 lúc 23:04  · 

https://www.facebook.com/trantuanrtccd/posts/10219253169855045

 

“MẤT CƠ BẢN”- LÝ DO CHÍNH KHIẾN DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI) KHÔNG THỂ ĐƯỢC THÔNG QUA!

 

“Mất cơ bản” nghĩa ở bài viết này, là “mất nền tảng cơ sở khoa học xây dựng luật bảo vệ môi trường”!

Ngày 22/10/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra báo cáo ““giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)” số 559/BC-UBTVQH14, kèm theo dự thảo luật bảo vệ môi trường phiên bản sửa đổi lần thứ 7 (sau đây gọi tắt là dự thảo Luật) (Tài liệu tham khảo 1 và 2).

Ngày 24/10 Quốc hội có phiện thảo luận toàn thể. Truyền thông chính phủ và Quốc hội đưa tin rộng rãi các ý kiến đại biểu thảo luận, đóng góp cho dự thảo luật.

Tuyệt không một ý kiến nào đánh giá dự thảo luật là “mất cơ bản” cả.

 

TỪ TỌA ĐÀM 2/11/2020 TỚI THƯ KIẾN NGHỊ CỦA NCDs-VN 9/11/2020: KIÊN ĐỊNH ĐÁNH GIÁ DỰ THẢO LUẬT " MẤT CƠ BẢN"!

 

Tại tọa đàm phản biện dự thảo luật tổ chức bởi 3 liên minh (NCDs-VN, VSEA, JEH) sáng 2/11/2020, đại diện liên minh NCDs-VN đưa ra đánh giá:“dư thảo luật rơi vào tình trạng mất cơ bản”; đi kèm bài viết trên facebook giải phóng ngay sau tọa đàm, đánh giá toàn diện và chi tiết hơn “dự thảo luật là nỗi xấu hổ của bộ phận những người làm luật”!. (Tài liệu tham khảo 3).

Ngày 4/11: Ba liên minh JEH, VSEA, NCDs-VN gửi chung thư kiến nghị Quốc hội khóa XIV hoãn thông qua dự thảo luật trong phiên toàn thể dự kiến ngày 11/11/2020 (tài liệu tham khảo 4).

Ngày 9/11: Liên minh NCDs-VN gửi thêm một thư phân tích chi tiết hơn nữa, toàn diện hơn nữa (13 trang đi kèm 3 phụ lục ) nhấn mạnh “3 tồn tài lớn” về tình trạng yếu kém của dự thảo luật, trong đó hàng đầu là “Dự thảo luật rơi vào tình trạng mất cơ bản nền tảng khoa học bảo vệ môi trường” (Tài liệu tham khảo 5).

Bài viết này nhằm cung cấp cho các đại biểu Quốc hội lời giải đáp cho thắc mắc: Dựa vào đâu liên minh NCDs-VN đánh giá “dự thảo luật là “mất cơ bản”?

 

ĐỌC VÀ PHÂN TÍCH MỘT DỰ THẢO LUẬT: HÃY CHÚ Ý “GÓT CHÂN ASIN”!

 

“Gót chân Asin” muốn chỉ phần cốt lõi của toàn bộ “chân đế” làm cơ sở cho một dự luật đứng vững về mặt khoa học và thực tế. Gót chân Asin quá yếu, bộ luật “mất chân trụ”, hay còn gọi “mất cơ bản”, đổ kềnh!

Mục tiêu phản biện một dự thảo luật, là nhanh chóng tiếp cận nội dung và tìm cho ra “gót chân asin”- cơ sở khoa học làm nền tảng xây dựng dự thảo luật, trước khi đi vào góp ý chi tiết (các điều luật, chỉnh sửa câu chữ…) dự thảo luật.

Hai câu hỏi cơ bản phải được làm rõ ngay từ đầu: Liệu có bị rơi vào tình trạng “YẾU CƠ SỞ KHOA HỌC” hay không? Nếu có, mức độ trầm trọng đến đâu? Có đến mức bị “MẤT CƠ BẢN” hay không?

Đã bị “mất cơ bản”, bắt buộc phải sửa lại, chưa thể thông qua! Mức độ mất cơ bản càng nặng, càng phải “ngược về cội nguồn”, tức sửa từ “nền móng” ! Trong nhiều trường hợp, phải “phá đi xây lại”.

Mất cơ bản mà vẫn thông qua là “Có tội” với Dân với Nước! Không chỉ về mặt CHUYÊN MÔN, mà nặng hơn, về mặt ĐẠO ĐỨC!

 

CƠ SỞ KHOA HỌC “CƠ BẢN, NỀN TẢNG” CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

 

Đối với một bộ luật về môi trường, tìm “gót chân Asin” là tìm đến các thuật ngữ cơ bản của khoa học bảo vệ môi trường được hiểu và vận dung thế nào trong dự thảo luật; những ‘ nguyên lý” cơ bản nào của khoa học bảo vệ môi trường được tuân thủ sử dụng để làm “rường cột” cấu trúc nên các chương luật và tạo xương sống gắn nối các phần, các điều luật ở các chương khác nhau, tạo nên một “chỉnh thể” hướng đến “kết quả” cuối cùng phải đạt.

Khoa học môi trường và khoa học bảo vệ môi trường ngày nay đã phát triển rất mạnh rất sâu, đủ cơ sở làm rõ mọi căn nguyên gây nên ô nhiễm môi trường, thoái hóa môi trường và hậu quả của nó, cả trước mắt và lâu dài. Không khó để tìm ra đích của một bộ luật bảo vệ môi trường ở thập niên 3 của thế kỷ 21 hướng đến: MÔI TRƯỜNG SINH THÁI, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, MỘT SỨC KHỎE CHO TẤT CẢ (con người, động vât, thực vật và sinh thể trong hệ thống sinh thái)!

Càng không khó để tìm tài liệu khoa học hướng dẫn xây dựng chính sách bảo vệ môi trường, trong đó chỉ ra 9 nguyên lý cơ bản phải đảm bảo cho một luật bảo vệ môi trường được xây dựng.

9 nguyên lý đó là:

1- Nguyên lý “Minh bạch và giải trình trách nhiệm” (the accountability and transparency principle).

2- Nguyên lý “Người gây ô nhiễm phải bổi hoàn tổn hại môi trường” (“the Polluter Pays” principle)

3- Nguyên lý “Sự tham gia của công chúng” (the public participation principle)

4- Nguyên lý “Công bằng và sòng phẳng trách nhiệm của thế hệ trước với thế hệ sau” ( equity and equality principle)

5- Nguyên lý “Cảnh giác an toàn làm đầu” (the Precautionary principle)

6- Nguyên lý “Dự phòng xuyên suốt” (prevention principles)

7- Nguyên lý “Lồng ghép, tích hợp, đồng bộ hóa” (the integration principle)

8- Nguyên lý “Trách nhiệm xuyên biên giới” (cross-border responsibility principle)

9- Nguyên lý “Phát triển bền vững” (the environmental sustainability principle)

 

DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI): BẰNG CHỨNG MẤT CƠ BẢN TRẦM TRỌNG!

 

đã dễ dàng chỉ ra “ 3 tồn tại lớn” trong dự thảo luật (chi tiết xem TLTK 5).

Trong đó, tồn tại lớn nhất (trích trang 2 nội dung thư, TLTK5):

“ Dự thảo luật rơi vào tình trạng mất nền tảng cơ bản của khoa học bảo vệ môi trường”, do hai nguyên nhân:

1. Các điều luật cụ thể không được phát triển trên cơ sở cao nhất là tôn trọng mối quan hệ sinh thái giữa con người với các sinh thể khác (động vật, thực vật, vi sinh vật..) cùng tồn tại và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, đa chiều, cả trước mắt và lâu dài.

2. Tổng thể cấu trúc dự luật không tuân thủ hoặc sử dụng hời hợt, chắp vá các nguyên lý cơ bản cần phải đảm bảo trong làm luật bảo vệ môi trường thế kỷ 21.

Thư nêu ra hai bằng chứng cho nguyên nhân 1và chỉ ra hậu quả:

1.1. Thuật ngữ “môi trường” thiếu khuyết:

“Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên”. (Mục 31, điều 3, chương 1)

à Giải thích như trên là có chủ đích loại ra ngoài các sinh thể khác (động vật, thực vật..) cùng tồn tại với con người trong hệ thống phát triển sinh thái bền vững!.

à Hậu quả:

à Dự luật không được xây dựng cho mục tiêu phát triển bền vững! à không có một điêu luật nào, chỉ ra nguyên lý phát triển bền vững được vận dụng làm cơ sở cho cấu trúc khung luật và phát triển các điều luật cụ thể.

à Các điều khoản của dự luật trong tất cả các chương sau, đặc biệt chương II (bảo vệ các thành phần môi trường, di sản thiên nhiên) và chương IV (đánh giá môi trường chiến lược đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường), không có điều luật nào thể hiện theo dõi và đánh giác tác động tới sự tồn tại của các hệ sinh thái động, thực vật, sinh thể khác có trong môi trường cụ thể đang xét với một dự án can thiệp môi trường cụ thể.

1.2. Không có các thuật ngữ cơ bản làm nền tảng cho hiểu được yêu cầu hướng đến của luật làm cơ sở cho các đối tượng thực thi luật hiểu và chấp nhận tuân thủ.

Cả Bộ chủ quản soạn thảo và Ủy ban KHCNMT của Quốc hội thẩm định cuối cùng đã không dùng đến các thuật ngữ cơ bản trong khoa học phát triển môi trường bền vững (environmental sustainability), làm nền tảng cho (1) đo lường tác động ô nhiễm môi trường, (2) giám sát tiến trình thoái hóa môi sinh và (3) đánh giá các can thiệp bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cao nhất của an toàn môi sinh cho con người và các hệ động, thực vật liên quan:

à Điều 3, chương 1 không có các thuật ngữ cơ bản sau: “Môi trường sinh thái”, “hệ sinh thái”, “bảo tồn”, “động vật bản địa”, “thảm thực vật bản địa’, “sức khoẻ sinh thái”, “sức khoẻ môi trường”, “Một sức khoẻ”… thể hiện dự luật không sử dụng đến các tiêu chí phản ánh các trạng thái/kết quả trên trong đánh giá chất lượng môi trường và tác động của dự án can thiệp tới môi trường đích. Điều này khiến toàn dự thảo luật không hướng đúng mục tiêu an toàn môi sinh cho phát triển bền vững và sức khoẻ sinh thái!

Với nguyên nhân 2 (Không tuân thủ hoặc sử dụng hời hợt, chắp vá các nguyên lý cơ bản một luật môi trường trong thế kỷ 21 phải đảm bảo), các chuyên gia của NCDs-VN đánh giá thực tế 9 nguyên lý cơ bản được sử dụng đến đâu và sử dụng như thế nào trong toàn bộ dự luật! Kết quả cho thấy, có 5 nguyên lý hoàn toàn không được sử dụng (nhóm 2.1), và 4 nguyên lý sử dụng hời hợt, thiếu hệ thống (nhóm 2.2):

2.1. các nguyên lý không thể hiện trong chương 1 & xuyên suốt trong dự luật gồm:

- 1. Nguyên lý “Cảnh giác an toàn làm đầu”

- 2. Nguyên lý “Dự phòng xuyên suốt”

- 3. Nguyên lý “Lồng ghép, tích hợp, đồng bộ hóa”

- 4. Nguyên lý “Trách nhiệm xuyên biên giới”

- 5. Nguyên lý “Phát triển bền vững”

Cả 5 nguyên lý này hoàn toàn không được sử dụng theo đúng nghĩa là các nguyên lý trụ cột trong thiết kế dự luật, nên hoàn toàn không thể hiện ở chương 1- điều 4 (Nguyên tắc bảo vệ môi trường) và điều 5 (chính sách của nhà nước về bảo vệ môi trường).

Riêng thuật ngữ “phát triển bền vững” chỉ được xuất hiện một lần ở chương XII, (hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường) ở điều 157, và thể hiện mờ nhạt như là một yếu tố bên ngoài du nhập: “Nhà nước khuyến khích việc chủ động hội nhập quốc tế về bảo vệ môi trường, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu…”. (trích mục 1- điều 157).

2.2. Các nguyên lý không được nhắc đến như là “nguyên lý, nguyên tắc”, mà được nhắc đến ở những vai trò và vị trí không rõ ràng, thiếu hệ thống, hời hợt:

- 1. Nguyên lý “Minh bạch và giải trình trách nhiệm”

- 2. Nguyên lý “Người gây ô nhiễm phải bổi hoàn tổn hại môi trường”

- 3. Nguyên lý “Sự tham gia của công chúng”

- 4. Nguyên lý “Công bằng và sòng phẳng trách nhiệm của thế hệ trước với thế hệ sau

Độc giả theo dõi đến đây, tôi tin rằng đã hiểu được tại sao và đồng lòng với NCDs-VN về đánh giá dự thảo luật “mất cơ bản”!

 

Mong các độc giả quan tâm tới thực trạng môi trường Việt nam, mong các đại biểu Quốc hội khóa XIV kỳ họp 10, sau khi đọc bài viết này, sẽ vận dụng phương pháp tư duy trên, tìm hiểu phát hiện thêm nhiều chi tiết hơn nữa trong dự thảo luật để chứng minh cho những kết luận nêu trong nội dung thư kiến nghị ngày 9/11 của NCDs-VN!

Để rồi, tất cả chuyển hướng đồng thuận nói lên tiếng nói của mình!

Và cái gì đến sẽ phải đến: Việt nam phải có một bộ luật bảo vệ môi trường được xây dựng trên các nguyên lý của khoa học môi trường thời điểm thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 một cách đầy đủ, sáng tạo, thực tế, cho mục tiêu “môi trường sinh thái, phát triển bền vững, và sức khỏe cho tất cả " chung sống trong môi trường nước Việt!

Và có nghĩa là, không thể thông qua bản dự thảo luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) phiên bản lần thứ 7 tại phiên họp Quốc hội

 

11/11/2020!

CHÚC THÀNH CÔNG!

 

Trần Tuấn

09.11.2020

 

---------------

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Báo cáo thẩm định dự thảo luật của UBTVQH số 559/BC-UBTVQH14, 22/10/2020, tải xuống từ

https://rtccd.org.vn/.../Bao-cao-giai-trinh-du-thao-7.pdf...

2. Dự thảo luật bảo vệ môi trường, phiên bản 7, 22/10/2020, tải xuống từ:

https://rtccd.org.vn/.../201023_-Du-thao-7_compressed.pdf...

3. Trần Tuấn (2/11/2010)- Dự luật bảo vệ môi trường (sửa đổi): đừng để nỗi xấu hổ của bộ phận những người làm luật trở thành nỗi nhục của cả quốc hội khóa XIV kỳ họp 10! https://www.facebook.com/trantuanrtccd/posts/10219205103933427

4. Ba liên minh JEH, VSEA, NCDs-VN gửi chung thư kiến nghị Quốc hội khóa XIV hoãn thông qua dự thảo luật trong phiên toàn thể dự kiến ngày 11/11/2020: https://rtccd.org.vn/.../Thu-kien-nghi-4-Lien-minh_Luat...

5. Thư kiến nghị của NCDs-VN gửi Chủ tịch Quốc hội ngày 9/11/2020, tải xuống từ:

https://rtccd.org.vn/.../Thu-kien-nghi-Luat-BVMT_NCDs...

 

 



 


No comments:

Post a Comment

View My Stats