Kịch
bản thay đại cử tri Dân Chủ bằng đảng Cộng Hòa để giúp Trump tái đắc cử
Trọng
Nghĩa -
RFI
Đăng
ngày: 17/11/2020 - 12:20
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày
03/11/2020 do các phương tiện truyền thông công bố cho thấy ứng viên Joe Biden
thuộc đảng Dân Chủ đã chiến thắng với 306 đại cử tri, so với 232 đại cử tri về
tay đối thủ Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa. Kết quả này tuy nhiên còn chờ được
chính các đại cử tri từng bang bỏ phiếu xác nhận vào ngày 14/12 tới đây.
Tổng thống Donald
Trump (P) không chấp nhận thua cuộc trước đói thủ Biden (T). AFP/File
Chính trên điểm này mà
nhiều người trong giới ủng hộ tổng thống Trump được cho là muốn tranh thủ để
“chuyển bại thành thắng”.
Trong bối cảnh Donald
Trump kiên quyết không chấp nhận thất bại, liên tiếp cáo buộc phe Dân Chủ gian
lận, đồng thời tung ra nhiều vụ khiếu kiện để đảo ngược kết quả bầu cử, nhiều người thân cận với tổng thống
mãn nhiệm đã gợi lên khả năng các nghị viện tại các bang do đảng Cộng Hòa
lãnh đạo chọn ra đại cử tri của đảng cho cuộc bỏ phiếu ngày 14/12, kể cả khi đa
số cử tri trong bang đã bầu cho ông Biden vào ngày 03/11. Làm được điều
đó, đặc biệt là tại các bang then chốt như Georgia, Michigan hay Wisconsin,
Pennsylavania, thì tổng thống Trump dứt khoát sẽ vượt quá con số 270 phiếu đại
cử tri cần thiết để được tái đắc cử.
“Mọi khả năng cần
được xem xét”.
Theo báo chí Mỹ, dù có vẻ
không tưởng, nhưng ngay từ khi những kết quả đầu tiên cho thấy tổng thống Trump
bị thua đối thủ Joe Biden về số đại cử tri, một số tên tuổi trong đảng Cộng Hòa
đã bắt đầu gợi lên khả năng này.
Một ví dụ
điển hình được báo New York Times nêu bật là trường hợp thống đốc bang
Florida Ron DeSantis, ngày 06/11, đã cho rằng các cơ quan lập pháp của các
bang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo nên tính tới việc chọn ra đại cử tri cho ông
Trump.
Nhật báo Washington Post
ngày 11/11 còn tiết lộ rằng chính tổng thống Trump đã gợi đến kịch bản Nghị Viện
Cộng Hòa tại các bang chọn đại cử tri cho ông, trong lúc giới thân cận với
tổng thống Mỹ thì đang khuyến khích đảng Cộng Hòa tại các bang then chốt như
Pennsylvania và Michigan xem xét khả năng đó.
Trên đài truyền hình Fox
News, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa thuộc bang South Carolina Lindsey Graham, một
người ủng hộ nhiệt tình của ông Trump cho rằng “mọi khả năng cần được xem xét”.
Nghị
Viện Bang có thể quyết định về đại cử tri nếu " bầu cử thất bại"
Theo các chuyên gia về luật pháp Hoa Kỳ được báo New York Times
và hãng tin Mỹ AP trích dẫn thì về mặt lý thuyết, cơ quan lập pháp tại các bang
có quyền quyết định cách thức chọn các đại cử tri để bỏ phiếu bầu ra tổng thống
và phó tổng thống.
Trên nguyên tắc thì đạo
luật về đại cử tri quy định thống đốc bang xác nhận cả kết quả bầu cử và kết
quả bầu đại cử tri của bang đó, và thông thường thì đảng của ứng cử viên tổng thống
giành chiến thắng sẽ cử ra các đại cử tri ở bang đó, và thống đốc bang có nhiệm
vụ xác nhận các đại cử tri này.
Tuy nhiên, luật về đại cử
tri cũng có quy định về trường hợp “bầu cử thất bại", tức khi cử tri toàn
quốc không chọn ra được tổng thống, các cơ quan lập pháp của bang được trao quyền
tham gia và chỉ định đại cử tri. Tuy nhiên, đạo luật được ban hành từ năm 1876
này không nêu rõ thế nào là một cuộc bầu cử “thất bại”.
Cơ hội duy nhất để cơ quan lập pháp bang can
thiệp vào việc chỉ định đại cử tri là điều khoản về “bầu cử thất bại”. Nếu từ
nay đến giữa tháng 12 mà kết quả của cuộc bầu cử còn giằng co, thì Nghị Viện
Đảng Cộng Hòa kiểm soát ở các bang có thể tuyên bố rằng Trump đã thắng và
chỉ định các đại cử tri ủng hộ ông.
Theo New York Times, các
vụ kiện mà ban vận động tranh cử của tổng thống Trump đệ trình dường như nhằm mục
đích làm chậm tiến độ chứng nhận kết quả bầu cử của các bang, từ đó viện cớ để
tuyên bố đây là cuộc bầu cử “thất bại”.
.
Kết
quả không thể đảo ngược ?
Từ khi những ý tưởng bị
cho là nhằm đảo ngược kết quả phiếu bầu phổ thông được gợi lên, báo giới Mỹ đã
liên tục mời các chuyên gia về luật pháp Hoa Kỳ phân tích về tinh khả thi của kịch
bản nói trên, và hầu như tất cả đều trả lời là “không thể”.
Như để chứng minh cho
tính xác đáng của các phân tích từ giới chuyên gia, hãng tin Mỹ AP ngày
14/11/2020 cho biết là giới lãnh đạo ở bốn bang then chốt mà tổng thống
Trump cần thắng để có thể tái đắc cử là Arizona, Michigan, Pennsylvania và
Wisconsin đều xác định rằng họ sẽ không tham gia vào kế hoạch nhằm thay đổi các
đại cử tri trong bang để dồn phiếu cho tổng thống Donald Trump.
Điều đáng nói là các lãnh
đạo này đều là người trong đảng Cộng Hòa. Tuyên bố của họ như vậy đã mặc nhiên
bác bỏ gợi ý mà một số nhân vật theo đảng Cộng Hòa đã nêu lên thành cơ hội cuối
cùng để tổng thống Trump tiếp tục ở lại Nhà Trắng,
Một số người còn lưu ý rằng,
một động thái như vậy sẽ vi phạm luật bang và đi ngược lại ý nguyện mà cử
trí đã thể hiện qua lá phiếu của minh.
Rusty Bowers, chủ tịch “Hạ
Viện” tại Arizona do đảng Cộng Hòa nắm đa số cho biết: “Nếu không có gian lận -
điều mà cho đến giờ tôi vẫn chưa nghe thấy - thì tôi chẳng thấy có bất kỳ cách
thức nghiêm túc nào để thay đổi đại cử tri”. Sau khi cho biết là ông đã nhận được
vô số email yêu cấu Hạ Viện Arizona nhập cuộc, nhân vật này khẳng định: “Theo
luật các đại cử tri phải bỏ phiếu cho người đã được người dân chọn lựa”.
.
Pennsylvania
và Wisconsin cũng không tán đồng
Tại Pennsylvania và
Wisconsin cũng vậy, các nhà lãnh đạo Cộng Hòa cũng bác bỏ khả năng xen vào việc
lựa chọn đại cử tri.
Trong một bài bình luận
vào tháng 10, thượng nghị sĩ của Jake Corman và dân biểu Kerry Benninghoff – đều
thuộc đảng Cộng Hòa - của bang này đã viết : “Lập pháp Pennsylvania không hề và
sẽ không nhúng tay vào việc lựa chọn đại cử tri tổng thống của bang hoặc quyết
định kết quả của cuộc bầu cử tổng thống,”. Văn phòng của hai người hôm 11/11 đã
xác nhận với AP rằng lập trường của họ vẫn không thay đổi.
Tương tự như vậy, lãnh đạo
Cộng Hòa của "Hạ Viện" Wisconsin, Robin Vos, từ lâu đã bác bỏ ý tưởng
này và phát ngôn viên của ông ngày 12/11 cho biết ông vẫn giữ quan điểm đó.
Ở Michigan, thì giới lãnh
đạo Nghị Viện cho rằng hành vi can thiệp nào cũng sẽ trái luật của bang. Tại
bang này, thống đốc thuộc đảng Dân Chủ, nhưng cơ quan lập pháp lại ở trong tay
đảng Cộng Hòa, vốn đang cho điều tra cuộc bầu cử. Tuy vậy, lãnh đạo “Thượng viện”
của bang Mike Shirkey đã công khai cho biết hôm 13/11 rằng họ "không hy vọng
là sẽ có thay đổi nào trong kết quả bầu cử", theo đó ông Joe Biden đã thắng.
Tóm lại ý tưởng muốn các
cơ quan lập pháp của các bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát sẽ bỏ qua chiến
thắng qua phiếu phổ thông của Biden ở các bang của họ và chọn các đại cử tri của
Trump xem ra khó thể thực hiện, và vào ngày 14/12, các đại cử tri sẽ họp lại ở
mỗi bang để bỏ phiếu bầu ra tổng thống và phó tổng thống. Gọi là bầu, nhưng thực
ra là xác nhận ý muốn của đa số các cử tri toàn bang đã thể hiện trong cuộc bầu
cử ngày 03/11.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Bầu
cử tổng thống Mỹ: Sóng gió vẫn đang chờ đợi phía trước
Đài
Loan và Hồng Kông: Hậu thuẫn của Trump thách thức chính sách TQ của Biden
DONALD
TRUMP - TRUYỀN THÔNG MỸ
Tuần
báo Pháp Le Point: Sự phá sản của truyền thông Mỹ
No comments:
Post a Comment