Donald
Trump và chiến dịch "tiêu thổ kháng chiến"
Thanh
Hà -
RFI
Đăng ngày: 23/11/2020
- 14:03
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201123-donald-trump...BA%BFn
Dập tắt ngọn hải đăng dân chủ
của Hoa Kỳ, cản đường người kế nhiệm trên mọi hồ sơ lớn, từ chính sách đối ngoại
đến môi trường, để mặc cho đại dịch và khủng hoảng kinh tế tàn phá Hoa Kỳ.
Giới quan sát quốc tế cho rằng Donald Trump đang tiến hành chiến dịch "tiêu
thổ kháng chiến" để đến ngày ông ra đi, nước Mỹ sẽ chỉ còn là một
"bãi chiến trường".
Tổng thống
Trump không còn điều hành đất nước từ ba tuần qua mà chỉ tập trung vào việc
cáo buộc rằng bầu cử ngày 03/11/2020 bị gian lận, cho dù ông và dàn luật
sư vẫn chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Việc ứng viên đảng Dân Chủ Biden hơn Trump đến
hơn 6 triệu lá phiếu phổ thông, theo dự phóng của Cơ quan Census Bureau và USA
Election Project, vẫn chưa đủ sức thuyết phục chủ nhân Nhà Trắng nhìn nhận thất
bại.
Tệ hơn cả là thái độ của
tổng thống Mỹ thứ 45 càng lúc càng biến Hoa Kỳ thành "trò cười cho
thiên hạ", như ghi nhận của Gilles Paris, thông tín viên báo Le
Monde tại Washington.
Từ đầu tháng 11 tới nay,
chính quyền trong thế như "rắn không đầu". Lịch làm việc
của nguyên thủ Mỹ gần như là một tờ giấy trắng, ngoại trừ cuộc họp trực tuyến
ngắn ngủi với các lãnh đạo nhóm G20 trước khi Donald Trump và đoàn tùy
tùng hối hả đi đánh golf giải trí.
Về đối nội, trước ngày ra
đi, chính phủ Mỹ để ngỏ khả năng cho phép khai thác dầu khí tại một khu vực cần
được bảo tồn ở bang Alaska. Đối với nhiều nhà phân tích, đây là biện pháp nhằm
cản trở chính quyền Joe Biden quay trở lại với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu.
Qua cử chỉ này, chính quyền Trump muốn chứng tỏ họ bảo vệ quyền lợi của các nhà
sản xuất dầu khí Mỹ.
Nhưng cùng lúc, ngày
20/11/2020, bộ trưởng Tài Chính Mnuchin đơn phương yêu cầu Ngân Hàng Trung Ương
ngừng hỗ trợ kế hoạch khắc phục hậu quả kinh tế do dịch Covid-19 gây nên. Hành
động này, theo thông tín viên báo Le Monde từ Washington, không hơn không kém
là cách để ông Trump "khóa tay" Biden, để cho người
kế nhiệm lên cầm quyền trong những "điều kiện tệ hại nhất".
Về đối ngoại, lâu nay ai
cũng xem Hoa Kỳ là một thành trì dân chủ trên thế giới. Washington đã biết bao
lần can thiệp để các nhà lãnh đạo tôn trọng lá phiếu cử tri, để các cuộc chuyển
giao quyền lực được diễn ra êm thắm. Trong vài tuần lễ, việc tổng thống Mỹ
cương quyết không thừa nhận thất bại, đồng thời liên tục cáo buộc gian lận bầu
cử nhằm bôi nhọ đối thủ Biden, dù không có bằng chứng, như đã "vỗ
vào mặt" những giá trị tự do và dân chủ.
Trả lời hãng tin Pháp
AFP, một nhà đối lập của tại Tchad mỉa mai cho rằng, nhờ có Donald Trump, từ
nay trở đi có lẽ không ít các nhà độc tài châu Phi sẽ càng tin chắc rằng
các "cuộc bầu cử phải được tổ chức sao cho trong mọi điều kiện họ
đều không bị thua".
Vô địch cờ vua của Nga và
cũng là một tiếng nói đối lập có uy tín tại Matxcơva Gary Kasparov, qua
Twitter, khẳng định nhờ có Trump, nền dân chủ của Mỹ bị mất uy tín và đó
là "mong ước của Vladimir Putin".
Thomas Carothers, thuộc Quỹ Carnegie đấu tranh vì hòa bình quốc tế, trụ sở tại
Washington, thận trọng hơn khi cho rằng thực ra các nhà lãnh đạo cai trị đất
nước với một bàn tay sắt như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, Vladimir Putin tại Nga,
hay tướng Al Sissi ở Ai Cập và kể cả những phù thủy non tay như Victor Orban tại
Hungary đã không đợi ông Trump chỉ đường dẫn lối để bám trụ quyền lực.
Nhưng trò hề trên sân khấu
chính trị Mỹ cho thấy là ngay cả một nền dân chủ lâu đời và chặt chẽ, một xã hội
với dân trí cao, cũng có thể trở thành "nạn nhân của những trò lừa
đảo".
Vẫn theo chuyên gia này,
cụm từ "Fake News" là công cụ để Trump khóa miệng
báo chí và đã được các chính quyền trên thế giới khai thác cũng với mục đích
này. Trump đã là "tấm gương" để nội các của thủ
tướng Ấn Độ Narendra Modi sách nhiễu xã hội dân sự, để chính quyền của tổng thống
Mêhicô Andrez Manuel Lopez Obrado tố cáo gian lận mỗi khi bị lá phiếu cử tri trừng
phạt.
Cũng ông Trump từ năm
2016 đã cáo buộc đối thủ là thượng nghị sĩ Ted Cruz bang Texas "gian
lận", khi ông bị thua Cruz trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này.
Cùng năm đó, một khi đã chính thức đại diện cho đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng
thống, Donald Trump từng tuyên bố Hillary Clinton "chỉ có thể thắng
nếu gian lận lá phiếu cử tri". Bốn năm sau, khi thất bại, cũng Trump
dùng lại lá bài này, nhưng là để nhắm vào Joe Biden.
Có điều, việc
làm xấu đi hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế, hay đe dọa nền tảng của nền
dân chủ Hoa Kỳ và kể cả việc chia rẽ người dân Mỹ, dường như không mảy
may khiến ông trùm địa ốc New York nao núng, như kết luận của thông tín viên báo Le Monde, Gilles Paris.
Bởi lẽ những thành phần
trung thành với Trump vẫn tin rằng đó mới là sự thực. Vẫn tác giả bài viết tiếc
rằng những nhà lập quốc của nước Mỹ cách nay đã hơn 200 năm không thể ngờ rằng
di sản của họ đã bị một nhà chính trị tay mơ làm chao đảo.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
"Chuyện
tình buồn" Donald Trump & Rupert Murdoch
Mỹ:
TT Trump vẫn không chịu thua dù hy vọng lật ngược kết quả bầu cử tắt dần
Bầu
cử Mỹ : Donald Trump gây sức ép với lãnh đạo Cộng Hòa thay đổi kết quả
No comments:
Post a Comment