‘Tự do dùng súng không quan trọng bằng an toàn cộng đồng’
13/04/2021
Nước Mỹ nên vì sự an toàn
của cộng đồng mà hạn chế quyền sử dụng súng đạn của các cá nhân, một người Mỹ gốc
Việt theo dõi về vấn đề này nói với VOA trong lúc Tổng thống Joe Biden công bố
các biện pháp kiểm soát súng đạn.
Mỹ trong thời gian qua đã
chứng kiến nhiều vụ xả súng hàng loạt làm chết nhiều người khiến dư luận dấy
lên đòi hỏi phải có các biện pháp kiểm soát bạo lực súng đạn.
Các biện pháp trước
mắt
Ông Biden hôm 8/4 đã thực
hiện một loạt các bước đi khiêm tốn để giải quyết cái mà ông gọi là ‘dịch’ bạo
lực súng đạn và thừa nhận rằng ‘cần phải làm nhiều hơn nữa’ cũng như thúc ép Quốc
hội có hành động quyết liệt hơn bằng cách bịt các lỗ hổng về kiểm tra lý lịch,
cấm vũ khí tấn công và tước bỏ quyền được miễn tố của các nhà sản xuất súng.
Ông Biden cho biết Bộ Tư
pháp sẽ ban hành một quy tắc để hạn chế sự phổ biến của cái gọi là ‘súng ma’ –
tức là những khẩu súng được lắp ráp từ các bộ phận không có số series. Mục đích
của quy tắc này là đòi các bộ phận trong bộ dụng cụ lắp ráp phải có số series để
có thể truy vết được chúng và để cho cây súng lắp ráp được xem là súng hợp
pháp. Khi đó, người mua phải được kiểm tra lý lịch.
Các chuyên gia cho biết
loại súng ma đã trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các tổ chức tội phạm và những
kẻ cực đoan cánh hữu vốn muốn có trong tay vũ khí không thể truy ra được để
không cần phải kiểm tra lý lịch gì hết. Loại súng ma này thường được dùng trong
các vụ xả súng ở các bang như California, nơi có luật sử dụng súng rất nghiêm
ngặt.
Tổng thống Biden cũng cho
biết ông sẽ yêu cầu thiết bị được bán dưới dạng nẹp ổn định để biến súng lục
thành súng trường phải tuân theo các quy định của Đạo luật Súng quốc gia. Hung
thủ trong vụ xả súng ở Boulder, bang Colorado, hồi tháng trước đã sử dụng một
khẩu súng lục có nẹp tay súng, để giữ cho nó ổn định và chính xác hơn, ông nói.
Ông Biden cho hay Bộ Tư
pháp cũng sẽ công bố luật gọi ‘cờ đỏ’ kiểu mẫu cho các bang. Biện pháp này cho
phép sĩ quan cảnh sát và các thân nhân kiến nghị tòa án tạm thời tước súng khỏi
những người có thể gây nguy hiểm cho bản thân họ hoặc người khác.
Mặc dù ông Biden không thể
một mình thông qua luật ‘cờ đỏ’ mà không có sự chuẩn thuận của Quốc hội, nhưng
các quan chức chính quyền cho biết mục tiêu của luật mẫu này là giúp các tiểu
bang muốn thông qua nó có thể dễ dàng làm được ngay bây giờ. Bộ Tư pháp cũng có
kế hoạch công bố một báo cáo toàn diện về buôn bán súng, điều mà họ đã không
làm kể từ năm 2000.
“Luật ‘cờ đỏ’ có thể ngăn
chặn các tay súng giết người hàng loạt trước khi họ thực thi kế hoạch bạo lực của
họ,” ông Biden nói và cho biết ông muốn có một đạo luật ‘cờ đỏ’ quốc gia.
‘Xã hội không an
toàn’
Trao đổi với VOA, bà Công
Huyền Phương Dung hiện đang làm quản lý dữ liệu tại trường đại học Northern
Illinois University, nói bà hoàn toàn ủng hộ việc hạn chế quyền sử dụng súng đạn
trong đó có việc cấm các vũ khí có tính sát thương cao và thực hiện kiểm tra lý
lịch chặt chẽ.
Bà Dung từng chứng kiến một
vụ xả súng hàng loạt ở ngôi trường này vốn cách nơi bà sống không xa hồi năm
2008 khiến cho sáu người chết. May mắn là con gái của bà hôm đó không có mặt tại
trường nên thoát nạn, bà cho biết.
“Từ năm 2008 đến giờ nước
Mỹ đã có biết bao nhiêu vụ xả súng,” bà đặt vấn đề và đề xuất cấm các vũ khí có
thể sát thương nhiều người.
“Cái vũ khí tấn công
(assault weapon) là để giết giặc ngoài chiến trường chứ không phải để tự vệ
cũng không phải để cho người dân sử dụng. Chỉ trong vài giây là mấy chục người
chết,” bà nói.
Ngoài ra, bà yêu cầu tăng
cường kiểm tra lý lịch những người sử dụng súng, trong đó cấm những người có tiền
sử bạo lực, có vấn đề tâm thần, có vấn đề về cơn giận dữ hay có tiền sử đánh đập
vợ con không được mua súng.
Về lập luận quyền sử dụng
súng là quyền tự do cá nhân được Tu chính án thứ hai cho phép, bà Dung nói mỗi
năm có rất nhiều người chết vì xả súng vì vậy quyền tự do cá nhân để mua súng
sát thương cao thành ra ‘không phải là điều đáng xét đến’.
“Lâu lâu lại xảy ra các vụ
nổ súng. Con nít đi học ở trường không có an toàn, đi ra đường, đi mua sắm cũng
không có an toàn,” bà than phiền.
Về lập luận không nên cấm
súng vì ‘chính người sử dụng súng có lỗi chứ bản thân súng đạn không thể giết
người’, bà Dung nói nếu súng rất dễ tìm mua được thì những người có ý định giết
người lại càng dễ dàng thực hiện ý đồ.
Tuy nhiên, bà cũng nói rằng
nước Mỹ không thể nào cấm tất cả các loại súng vì ‘đó là văn hóa của người Mỹ’
nếu cấm hết thì sẽ dẫn đến phản ứng ngược.
Về khả năng Tổng thống
Biden không thể thông qua được dự luật kiểm soát súng ở Thượng viện, bà Dung
nói bà hy vọng ông sẽ ra các sắc lệnh hành pháp và chờ đến năm 2022 để hy vọng
có thế đa số mạnh mẽ ở Thượng Viện thì lúc đó mới có thể thông qua được dự luật
này.
‘Nỗi xấu hổ trước
quốc tế’
“Chúng ta còn phải đi một
chặng đường dài, có vẻ như chúng ta luôn còn một chặng đường dài,” ông Biden
nói khi công bố các biện pháp kiểm soát súng từ Nhà Trắng bên cạnh Phó Tổng thống
Kamala Harris và thừa nhận những giới hạn của các biện pháp mà ông có thể thực
hiện không cần thông qua Quốc hội.
“Bạo lực súng
đạn ở đất nước này là dịch bệnh, và đó là nỗi xấu hổ trước quốc tế,” Tổng thống Biden nói.
Các sáng kiến được Tổng
thống Biden công bố không tương xứng với mức độ cam kết của ông đối với việc kiểm
soát súng đạn trong suốt sự nghiệp của ông, đặc biệt trong thời gian ông làm
thượng nghị sĩ. Hồi năm 1993, ông Biden đóng một vai trò then chốt trong việc
thông qua Đạo luật phòng chống bạo lực súng ngắn Brady mang tính bước ngoặt. Một
năm sau, ông giúp ban hành lệnh cấm 10 năm đối với vũ khí tấn công.
Ông Biden thừa nhận ông
không thể làm gì nhiều về vấn đề này nếu không có sự hậu thuẫn của Quốc hội.
“Đây mới chỉ là khởi đầu,” ông nói. “Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.”
Hạ viện đã thông qua hai
dự luật kiểm soát súng hồi tháng trước, nhưng chúng đang mòn mỏi chờ được thông
qua ở Thượng viện khi đối mặt với ngưỡng 60 phiếu cần có để thông qua hầu hết
các dự luật, do đó đòi hỏi lá phiếu thuận của ít nhất 10 thượng nghị sĩ phía đảng
Cộng hòa.
Ông Biden cũng loan báo đề
cử ông David Chipman, một người ủng hộ kiểm soát súng, làm lãnh đạo Cục Rượu
bia, Thuốc lá, Súng và Chất nổ. Cục này đã không có giám đốc thường trực kể từ
năm 2015.
No comments:
Post a Comment