Wednesday 14 April 2021

TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 14/04/2021 (BTV Tiếng Dân)




Tin Biển Đông ngày 14-4-2021

BTV Tiếng Dân

14/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/14/tin-bien-dong-ngay-14-4-2021/

 

Tổng Thư ký NATO lên án Trung Quốc bắt nạt láng giềng ở Biển Đông, VTC đưa tin. Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Đối thoại Raisina của Ấn Độ hôm qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, sự trỗi dậy của TQ được xem là vấn đề mang tính toàn cầu, tất cả các nước cần phải quan tâm đến vấn đề này.

 

Ông Stoltenberg lưu ý, TQ tăng gấp 3 lần chi tiêu quân sự trong thập niên qua. Bắc Kinh hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 thế giới và tiếp tục đầu tư mạnh để hiện đại hóa quân đội. Ông Stoltenberg nói: “Chúng tôi cũng đã chứng kiến ​​những động thái quyết đoán hơn của Bắc Kinh, thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Trung Quốc công khai đe dọa Đài Loan, ép buộc các nước láng giềng trong khu vực và cản trở tự do hàng hải ở Biển Đông”.

 

Báo Người Lao Động có bài: 18 cơ quan tình báo Mỹ đồng loạt “điểm danh” Trung Quốc. Báo cáo đánh giá mối đe dọa thường niên, được tổng kết từ những thông tin tình báo nổi bật từ 18 cơ quan khác nhau trong cộng đồng tình báo Mỹ, “tập trung vào các mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất mà Mỹ đối mặt trong năm tới”, xác định TQ là mối đe dọa lớn nhất đối với tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, TQ sẽ tiếp tục gây bất ổn ở Biển Đông và gia tăng áp lực lên Đài Loan.

 

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Âm mưu của Trung Quốc khi phóng 4 vệ tinh trên Biển Đông. Kiến trúc sư trưởng Yang Tian Liang của Hệ thống Chòm sao Vệ tinh Quan sát Trái đất Hải Nam tiết lộ, bốn vệ tinh quan sát Trái Đất Hải Nam 1 đã được lắp ráp và lên kế hoạch đưa vào quỹ đạo trong chuyến bay thứ 2 của tên lửa đẩy Trường Chinh 8, phóng từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Văn Xương, ở đảo Hải Nam. Các vệ tinh đã được lên lịch phóng vào cuối năm nay, nhằm theo dõi chuyển động của các tàu thuyền trên Biển Đông.

 

Họ Yang tuyên bố, trong 2-3 năm tới, sẽ có thêm 2 vệ tinh Hải Nam 1, 2 vệ tinh viễn thám đa góc nhìn Tam Á 1 và 2, vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp Tam Sa 1, gia nhập vào mạng lưới Hệ thống Chòm sao Vệ tinh Quan sát Trái đất Hải Nam, lập thành hệ thống gồm 10 vệ tinh “sẽ có khả năng giám sát toàn bộ Biển Đông, do đó giúp Trung Quốc bảo vệ tốt hơn chủ quyền của mình, phát triển khu vực và đối phó với các tình huống bất ngờ”.

 

RFA đưa tin: Trung Quốc đăng ký thương hiệu các thực thể ở Biển Đông. Nguồn tin từ cuộc điều tra của BenarNews cho thấy, TQ thực hiện “một bước đi bất thường” là đăng ký thương hiệu cho hàng trăm thực thể nằm rải rác ở Biển Đông. Hành động của TQ Quốc gặp phải sự phản đối từ các quốc gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Đài Loan và Việt Nam.

 

Hoạt động đăng ký thương hiệu bắt đầu âm thầm diễn ra từ 7 năm trước, không gây chú ý như các vụ tranh chấp ngoài thực địa. Tài liệu của BenarNews cho thấy, TP Tam Sa, đơn vị hành chính chịu trách nhiệm quản lý các yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông, đã đăng ký hàng ngàn thương hiệu cho 286 đá, bãi đá, bãi cát và các thực thể đang tranh chấp khác, cũng như toàn khu vực Biển Đông.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img3-2.jpeg

Các tên thương hiệu và logo của Đá Vành Khăn, Đá Chữ thập, Đá Subi và toàn bộ quần đảo Trường Sa đã được đăng ký. Hình ảnh thương hiệu do Văn phòng quản lý sự vụ Yongxing thuộc thành phố Tam Sa nắm giữ. Ảnh: BenarNews/ RFA

 

 

Khu vực đá Ba Đầu vẫn tiếp tục căng thẳng

 

Zing có bài: Đội lốt tàu cá, dân quân Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông. Hãng tin CNN dẫn lời ông Carl Schuster vạch trần bản chất các tàu “dân quân biển” TQ: “Lực lượng này không đánh cá. Họ có vũ khí tự động trên tàu và thân tàu được gia cố, và họ rất nguy hiểm ở cự ly gần. Ngoài ra, các tàu này có tốc độ tối đa khoảng 18-22 hải lý/h, nhanh hơn 90% tàu đánh cá trên thế giới”.

 

Chuyên gia quân sự Andrew Erickson của Mỹ nói về lực lượng “dân quân biển” TQ: “Trung Quốc thường giấu về lực lượng biển thứ 3 của họ, (ngoài) hai lực lượng công khai là Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (Hải quân PLA) và hải cảnh. Lực lượng thứ 3 này có thể có hàng nghìn tàu và hàng chục nghìn thủy thủ, thậm chí nhiều hơn”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/Img1-3-1024x574.png

Khu vực đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, hiện bị TQ chiếm đóng và xây dựng trái phép, cũng là điểm neo đậu của lực lượng tàu “dân quân biển” TQ. Ảnh: CNN/ Zing

 

VietNamNet cập nhật diễn biến mới của cuộc tranh chấp lãnh hải ở Đá Ba Đầu: Philippines đưa thêm tàu đến Đá Ba Đầu. Lực lượng đặc nhiệm Biển Đông của Philippines xác nhận, bốn tàu tuần tra của hải quân nước này đã được cử đến hỗ trợ lực lượng tuần duyên và tàu cá đang neo đậu gần các khu vực Đá Ba Đầu, Bãi Cỏ Rong và quần đảo Trường Sa: “Các phương tiện trên biển đang và sẽ được triển khai liên tục đến các khu vực khác nhau để tuần tra”.

 

Về tình hình các tàu TQ, nguồn tin từ lực lượng đặc nhiệm của Philippines cho biết, hơn 200 tàu “dân quân biển” TQ vẫn đang “nán lại” trong vùng biển đang tranh chấp, chủ yếu tụ tập xung quanh vùng Đá Gaven. Ít nhất 6 tàu hải quân TQ cũng bị phát hiện trong khu vực này, một số tàu khai thác hải sản trái phép của TQ được nhìn thấy đang câu những con trai khổng lồ.

 

VietNamNet có clip: Philippines triệu hồi đại sứ Trung Quốc ép Bắc Kinh rút tàu khỏi Biển Đông.

https://www.youtube.com/watch?v=_ixb4dLhkpE

 

Báo Thế Giới và VN dẫn lời chuyên gia Philippines: UNCLOS sẽ sụp đổ nếu để mặc Trung Quốc thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông. Antonio Carpio, cựu Thẩm phán Tối cao Philippines, phát biểu: “Các quốc gia trên thế giới phải đoàn kết để mạnh mẽ đẩy lùi Trung Quốc”.

 

Ông Carpio cảnh báo, nếu TQ thành công trong việc biến Biển Đông thành “ao nhà” và từ chối áp dụng UNCLOS thì công ước này sẽ sụp đổ vì “các cường quốc hải quân khác cũng sẽ chiếm lấy vùng biển mới làm tài sản riêng”, đồng nghĩa với “sự khởi đầu của một trật tự hàng hải được tạo ra và thực thi bằng pháo hạm”.

 

 

Căng thẳng Trung – Đài

 

Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Trung Quốc luyện tập đổ bộ với trực thăng Z-10 để thống nhất Đài Loan? Hoàn Cầu thời báo dẫn tin từ Đài Truyền hình Trung ương TQ, thông báo, trực thăng tấn công Z-10 và trực thăng vận tải Mi-171 của nước này tham gia hoạt động tập trận vận tải và đổ bộ ở vùng biển phía nam tỉnh Phúc Kiến. Diễn biến được cho là bước chuẩn bị của Quân đội TQ để tấn công trên không và đổ bộ vào đảo Đài Loan, cũng như các khu vực chiến lược trên Biển Đông.

 

Theo nguồn tin từ Đài Truyền hình TƯ TQ, “trực thăng tấn công Z-10 và trực thăng vận tải Mi-171 cơ động nhanh đến một hòn đảo không xác định trên biển, các tốp máy bay bay theo đội hình và tấn công phá vỡ các vị trí phòng thủ giả định của đối phương”. Nội dung diễn tập hướng đến kịch bản sử dụng trực thăng vận tải để di chuyển một lượng lớn binh sĩ và khí tài đến chiến trường chỉ trong thời gian ngắn.

 

Báo Thanh Niên có bài: Đối đầu quân sự đáng lo ngại ở Biển Đông và khu vực lân cận. Ông Carl Schuster, cựu GĐ bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp, thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, nhận định về vụ TQ điều 25 máy bay quân sự áp sát không phận Đài Loan hôm 12/4:

“Việc Trung Quốc điều động một lực lượng máy bay chiến đấu hùng hậu xâm nhập vào ADIZ của Đài Loan và vùng lân cận Pratas là thủ đoạn đe dọa mới nhằm đe dọa Đài Bắc. Bắc Kinh muốn khơi lên nỗi sợ hãi đối với người dân Đài Loan và gửi đi thông điệp rằng sẽ không cản được sức mạnh quân sự của Trung Quốc đại lục nhằm vào đảo này. Bắc Kinh sẽ còn nhiều lần hành động như vậy với mật độ và quy mô lớn hơn”.

 

VnExpress đưa tin: Trung Quốc dọa hành động quân sự với Đài Loan. Người phát ngôn Mã Hiểu Quang của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện TQ, nói rằng, sự kiện Bắc Kinh triển khai phi đội máy bay lớn nhất áp sát Đài Loan là thông điệp gửi tới hòn đảo, rằng kế hoạch xích lại gần Mỹ để đòi độc lập sẽ thất bại. Họ Mã đe dọa: “Tín hiệu phát ra từ các cuộc diễn tập đó là chúng tôi quyết tâm ngăn Đài Loan độc lập và ngăn Đài Loan phối hợp với Mỹ. Chúng tôi đang làm điều đó bằng hành động”.

 

Đáp lại lời đe dọa, Tổng thống Biden phái người đến Đài Loan giữa căng thẳng với Trung Quốc, báo Thanh Niên đưa tin. Hãng thông tấn Reuters dẫn nguồn tin từ Tòa Bạch Ốc cho biết, một phái đoàn “không chính thức” gồm Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Dodd và 2 cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg đã đến Đài Loan trong lúc hai bên kỷ niệm 42 năm ký Đạo luật quan hệ Đài Loan.

 

Tin cho biết thêm: “Việc chọn 3 cá nhân này – những chính khách kỳ cựu, là những người bạn lâu năm của Đài Loan và có quan hệ thân thiết với Tổng thống Biden – gửi tín hiệu quan trọng về cam kết của Mỹ đối với Đài Loan”. Phái đoàn Mỹ sẽ tuân theo “truyền thống lưỡng đảng về việc chính quyền Mỹ gửi phái đoàn không chính chức, cấp cao đến Đài Loan”.

 

Mời đọc thêm: Điều chiến đấu cơ áp sát Đài Loan, Trung Quốc tính toán gì? (PLTP). – Hoa Kỳ: TT Joe Biden cử phái đoàn “không chính thức” công du Đài Loan — ​​​​​​​Tổng thống Mỹ Biden năng nổ trên trường quốc tế (RFI). – Trung Quốc tính giăng vệ tinh giám sát toàn Biển Đông (VTC). – Tình báo Mỹ: Trung Quốc đang dần trở thành đối thủ ngang hàng, thách thức Mỹ (TT). – Biển Đông: Trung Quốc triển khai hoạt động quân sự, Mỹ điều động lực lượng hùng hậu ứng phó (TĐ).  – NATO chỉ trích Trung Quốc bắt nạt láng giềng ở Biển Đông (VNE).

 

– Sự thật về dân quân biển của Trung Quốc (VNN). – Chuyên gia vạch trần “chiến thuật tàu dân binh” của Trung Quốc ở Biển Đông (GT). – Hơn 200 tàu Trung Quốc vẫn gây rối trên biển Đông (NLĐ). – Philippines điều thêm 4 tàu hải quân tuần tra tại Biển Đông (PLTP). – Mỹ và Philippines tập trận chung ở khu vực Biển Đông: Liên thủ nhất thời (KTĐT). – Tranh thủ tàu khu trục Đức tiến vào Biển Đông, Nhật Bản ‘rủ rê’ tập trận (TG&VN). – Đại sứ Hà Kim Ngọc điện đàm với Hạ nghị sỹ Mỹ Joaquin Castro về quan hệ Việt-Mỹ (VOV).

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats