Wednesday, 14 April 2021

NHỮNG CÚ ĐIỆN THOẠI BÍ MẬT (Tạ Duy Anh)

 



NHỮNG CÚ ĐIỆN THOẠI BÍ MẬT   

Lao Ta     (Tạ Duy Anh)

22:06  13/04/2021   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10222500808206567&id=1160946631

 

Chưa bao giờ tôi thực hiện một cuộc gới thiệu sách nào. Khá nhiều bạn đọc và cả chính đối tác in sách của tôi luôn tỏ ra ngạc nhiên về chuyện này (Với đối tác thì họ có quyền bực mình, vì cảm thấy thiệt thòi trong việc quảng bá bán hàng). Thực lòng thì tôi cũng không có hứng làm chuyện đó. Với tôi, một cuốn sách đã in ra, coi như tôi xong việc.

 

Nhưng có một sự thật là giả sử tôi muốn làm, dù chỉ một cuộc thôi, cũng không dễ dàng.

 

Chẳng hạn, sau khá nhiều “lời qua tiếng lại”, năm 2014, nhân tập sách “Làng quê đang biến mất” của tôi ra đời, bên đối tác muốn tôi có một cuộc đối thoại với độc giả. Họ khẳng định là việc ai đó, cơ quan nào đó sẽ “gây khó dễ” như tôi nói, chỉ là do tôi tưởng tượng ra, có lẽ vì bị ám ảnh quá nhiều về chuyện sách bị đình chỉ phát hành.

 

Tôi miễn cưỡng đồng ý. Slogan của cuộc đối thoại, cũng do tôi nghĩ ra theo đề nghị của đối tác, như sau: HÃY NÓI SUY NGHĨ CỦA BẠN.

 

Nhưng trước khi sự kiện diễn ra hai ngày, có một cú điện thoại bí mật, gọi cho đối tác, nói rất nhẹ: “Có lẽ các bạn không nên thực hiện cuộc đối thoại mà các bạn đang dự kiến, tại…”.

 

Bên đối tác hiểu là họ chỉ có quyền chấp hành. Ngay sau đó đối tác gọi điện cho tôi, “ngượng ngùng” xin lỗi.

 

Năm sau, có sự kiện hội chợ sách tổ chức tại Hoàng Thành. Trước ngày khai mạc, cũng một cú điện thoại bí mật gọi cho đối tác, đề nghị không đưa sách của TDA và cuốn Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê vào tham dự (và tất nhiên là đối tác phải chấp hành, dù không được nói lý do).

 

Khi còn làm biên tập viên tại nhà xuất bản, hầu như ngày nào, tuần nào cũng có những cú điện thoại bí mật gọi cho lãnh đạo NXB, về một cuốn sách nào đó. Chẳng hạn cuốn “Lưng rồng” của Đỗ Hoàng Diệu, không chỉ một vài cú, mà tới vài chục cú điện thoại bí mật. Không phải đến từ một vài nơi, mà hàng chục nơi. Một quy kết khốc liệt về quan điểm áp lên cuốn sách diễn ra trong im lặng! Kết quả “Lưng rồng” bị làm cho lặng lẽ biến mất. Nghĩa là không được tuyên truyền ở bất cứ đâu, không được nối bản, tái bản.

 

Nhưng “Lưng rồng” chỉ là một trong hàng trăm cuốn bị áp lệnh từ những cú điện thoại bí mật. Nó khiến cho những gì “sôi động” của nền xuất bản, rồi tự do sáng tác… như mọi người nghĩ, chứa theo vô vàn dối trá.

 

Nghe tin Hội nhà văn đang mở một HỘI NGHỊ LỚN bàn về "sứ mệnh dấn thân" của người cầm bút, bỗng thấy thương các anh các chị vô cùng. Thương đến nỗi không nỡ tiện thể nhấc máy hỏi nhà thơ Phan Hoàng xem cú điện thoại từ đâu, ghê gớm cỡ nào mà khiến ông phải lập tức rút bài trả lời phỏng vấn của tôi khỏi trang Vanvn.vn, một bài thuộc loại hiền lành nhất mà tôi từng trả lời. Không nỡ hỏi còn vì sáng nay có bạn gọi sớm, nói là tiểu thuyết Đất mồ côi bị lặng lẽ biến mất khỏi một số nền tảng mua bán trực tuyến (Thực hư ra sao tôi không biết).

 

Đoạn sau đây trong bài phỏng vấn đã nói liệu có phải là lý do cho việc rút bài? (Tôi xin trưng ra để bạn đọc thẩm xét).

 

1-LỜI GIỚI THIỆU

(Phần này của nhà văn Uông Triều)

 

Tạ Duy Anh là một trong những nhà văn đương đại tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Ông đã làm nhiều nghề trước khi bước vào văn chương chuyên nghiệp và làm việc lâu nhất với vai trò biên tập viên ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, tản văn… Riêng về tiểu thuyết có thể kể tên các cuốn: “Đi tìm nhân vật”, “Lão khổ”, “Thiên thần sám hối”… và gần đây nhất là “Đất mồ côi”. Tạ Duy Anh là nhà văn có sức sáng tạo dồi dào, cá tính mạnh mẽ, các tác phẩm của ông thường đào sâu vào hiện thực xã hội đương thời với giọng văn có phần thô ráp, đi trực diện vào vấn đề và tạo được ấn tượng mạnh với độc giả. Nhân dịp cuốn tiểu thuyết “Đất mồ côi” của ông với bút danh Cổ Viên vừa đến tay độc giả, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn.

 

(Nếu chỉ vì trong bài có nêu tên tiểu thuyết “Đất mồ côi”, thì xin thưa, chỉ cần gõ vào Google dòng chữ “tiểu thuyết Đất mồ côi”, trong 0,47 giây, có ngay gần nửa triệu kết quả?)

 

2-MỘT PHẦN NỘI DUNG

 

CÂU HỎI:

Nhiều người đã có ý kiến rằng có vẻ các nhà văn Việt đang đứng ngoài các vấn đề nóng của xã hội, họ thích trú ngụ trong các tháp ngà hoặc ở trên tít trời xanh! Riêng tôi quan sát thì thấy ông rất quan tâm, bám sát các vấn đề xã hội và có thái độ rõ ràng. Những sự kiện trong quá khứ, kể cả những sai lầm, ví dụ như sự kiện cải cách ruộng đất, theo ông có cần mổ xẻ, phân tích thấu đáo để có cái nhìn khách quan về lịch sử và rút ra những bài học kinh nghiệm cho các thế hệ sau?

 

TRẢ LỜI:

Mỗi nhà văn có lý do cá nhân để lựa chọn cách tiếp cận các vấn đề xã hội, vấn đề lịch sử bằng cách gián tiếp hay trực tiếp, đứng ngoài, hay nhập cuộc. Chuyện này hầu như không thể bàn luận gì được. Bởi chỉ bản thân anh ta mới đủ thẩm quyền quyết định anh ta là ai . Nhưng sau khi khẳng định điều đó, thì không thể không thừa nhận một thực tế thứ hai: Mỗi nhà văn chỉ có giá trị bản thân, khi anh ta dám dấn thân vì cuộc sống và phẩm giá của những người xung quanh anh ta. Ở đâu thì tôi không biết, chứ trong lĩnh vực sáng tác, sự công bằng luôn là tuyệt đối. Nói như dân gian, lựa chọn nào cũng có giá của nó.

 

Tôi không lựa chọn tháp ngà, thứ nhất vì tôi là nhà văn coi TỰ DO LÀ GIÁ TRỊ LỚN NHẤT và còn vì tháp ngà không phải là nơi tôi tìm thấy cuộc sống như tôi muốn và với cá tính của mình, tôi cũng sẽ chẳng thể có được sự bình an. Chỉ có sự bình an, sự thanh thản của tâm hồn con người, đôi khi phải trả giá bằng sự nhọc nhằn, khổ ải, mạo hiểm…mới đáng để tôi mong ước.

 

Có một sự thật là con người nói chung, do mải kiếm ăn, mải tranh đấu thắng thua hơn kém, mải hưởng hạnh phúc và luôn mất cảnh giác, cho nên họ rất chóng quên, rất hay lãng quên những bài học lịch sử, nếu không được thường xuyên nhắc để họ nhớ. Ai sẽ làm việc này? Chắc chắn đây là bổn phận của giới trí thức và nhiều người có thể làm được. Nhưng qua kinh nghiệm, thì nhà văn là những người làm tốt nhất, bởi chính cách thức đặc biệt mà họ thực hiện: Tạo ra sự hấp dẫn cho bài học, bằng các hình tượng nghệ thuật, thông qua câu chuyện kể một cách nghệ thuật, tức là tác phẩm văn học. Nhiều sự kiện lịch sử, nếu đọc qua các sách lịch sử có thể trôi tuột đi mất. Nhưng khi nó được tái hiện dưới dạng tác phẩm nghệ thuật (trong đó có văn học và quan trọng nhất là văn học), thì muốn quên cũng khó. Văn học sẽ tạo ra cho con người thứ kí ức thứ hai mà tôi gọi là “kí ức về những kí ức lịch sử.”

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10222500796206267&set=a.10214678173885598

Sách “Đất Mồ Côi”

 

116 BÌNH LUẬN  

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats