Thư
gửi bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Nguyễn
Đình Cống
23/04/2021
https://baotiengdan.com/2021/04/23/thu-gui-bo-truong-nguyen-kim-son/
Kính thưa Bộ trưởng,
Tôi viết thư ngỏ, vì xét ra chẳng có gì phải
giữ bí mật và tôi cũng rất muốn nhận được sự đồng tình của nhiều trí thức có
tâm huyết với nền giáo dục.
Đầu tiên tôi xin bày tỏ lòng kính phục vì ông
có một số tài giỏi nào đó và qua việc ông gửi thư cho thầy cô giáo, với một số
câu phát biểu tôi cảm nhận được rằng ông là người tử tế, tin được.
Tôi nguyên là giáo sư trường Đại học Xây dựng,
đã 84 tuổi, nhưng những lời sắp viết ra không phải là của một lão già lẩm cẩm
mà là của một trí thức cao niên, tự cho là có tâm huyết với vận mệnh đất nước,
đặc biệt là với ngành giáo dục.
Bộ trưởng là lãnh đạo ngành, người cần được
kính trọng, nhưng chưa đủ, mà còn phải có được sự yêu mến. Tôi hy vọng rằng, bằng
việc làm và nhân cách Bộ trưởng sẽ đạt được sự kính phục và yếu mến ấy (chứ
không bằng quyền uy và mệnh lệnh).
Để đạt được điều vừa nêu, ngoài Tâm sáng, Tầm
nhìn xa, còn cần có Thái độ đúng trong việc thu nhận và xử lý thông tin. Viết
thư này tôi mong tác động một phần nhỏ vào việc biết lắng nghe của Bộ trưởng.
Không biết nghe, không dám đối thoại là một
trong những tật xấu của nhiều loại cán bộ. Hy vọng Bộ trưởng tránh được tật xấu
đó. Vừa qua tân Thủ tướng cũng kêu gọi các thành viên Chính phủ cần tăng cường
nghe phản biện.
Bộ trưởng có bốn nguồn thông tin cơ bản. Một
là từ sự lãnh đạo của Đảng. Hai là từ báo cáo của các cấp dưới. Ba là từ thầy
trò và nhân dân. Bốn là từ những người phản biện.
Hai nguồn đầu có sẵn, dễ xử lý, nhưng khó tạo
ra được những giải pháp hay, đột xuất. Hai nguồn sau khó nghe hơn, nhưng nghe
và hiểu được sẽ có những điều quý giá. Nghe chỉ là bước đầu, quan trọng là xử
lý để đánh giá đúng tình hình và đề ra được việc làm có hiệu quả.
Bộ trưởng đã nghe rằng: “Đất nước ta chưa
bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Liệu
đem áp dụng đánh giá đó cho ngành giáo dục sẽ như thế nào? Bộ trưởng có muốn một
đánh giá tương đối toàn diện về nền giáo dục nước nhà hay không và đã có cách
gì hay chưa?
Tôi xin cam đoan rằng, hiện tại nếu chỉ dựa
vào nguồn thông tin 1 và 2 thì không có cách gì đánh giá đúng sự thật và mọi đường
lối dựa vào sự đánh giá đó chỉ là lấy cái sai này thay cho cái sai khác mà
thôi.
Bộ trưởng đã kịp thời gửi thư cho các thầy cô
giáo. Ngoài những điều tâm huyết mà mọi người, kể cả tôi đều thấy và đánh giá
cao, tôi còn phát hiện ra vài điều, muốn trao đổi vì quan điểm có hơi khác. Bộ
trưởng viết: “Việc đổi mới cần bắt đầu từ người thầy và phát triển người
thầy”. Tôi tán thành vế thứ hai và bất đồng vế thứ nhất.
Người thầy có trách nhiệm quan trọng trong việc
thực hiện đổi mới chứ nói rằng “Đổi mới cần bắt đầu từ người thầy” là
không chuẩn, là đề cao người thầy quá mức cần thiết, không phản ánh đúng bản chất
sự việc. Việc đổi mới phải được bắt đầu từ lãnh đạo, nó phải được biến thành nhận
thức sâu sắc, thành tình cảm mãnh liệt của lãnh đạo, từ đó mới truyền năng lượng
cho người thầy.
Bộ trưởng viết: “Vẫn còn không ít những tâm
tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy
nhìn về phía học trò thân yêu”.
Tôi nhớ đến câu Kiều: “Rằng hay thì thật là
hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Thầy cô bị những thiệt thòi
và oan uổng, Bộ trưởng đã không có cách gì gỡ ra cho họ, thông cảm với họ, lại
khuyên người thầy đang bị đối xử oan uổng nhìn về phía thân yêu.
hắc rằng cả đời Bộ trưởng chưa bị oan uổng lần
nào nên không hiểu được tâm trạng của người bị oan uổng. Người đó giữ được bình
tĩnh đã khó, họ đang cần chia sẻ, còn nhìn được đi đâu. Bị oan uổng mà quên đi
để làm việc đại nghĩa thì chỉ có thánh nhân mới làm được. Phải chăng Bộ trưởng
muốn biến các thầy cô thành thánh nhân?
Trong thư còn ba chỗ nữa tôi không nhất trí với
nhận định của Bộ trưởng, nhưng tạm dừng (tránh cho thư quá dài), nếu có điều kiện
sẽ xin phát biểu sau.
Tôi rất tâm đắc với câu của Bộ trưởng: “Về
phía cá nhân, là một nhà giáo, nhà quản lý, tôi sẽ làm hết sức vì ngành và phát
triển ngành”. Tuy vậy câu này chỉ mới nói lên một phần nhỏ, đó là “Làm
hết sức”. Chưa thấy nói đến làm như thế nào, làm việc gì cho có hiệu quả
cao.
Làm hết sức mà tập trung vào những việc kém hiệu
quả, sai quy luật thì càng làm càng thất bại lớn. Chắc rằng Bộ trưởng có nghĩ tới
rất nhiều, chỉ là chưa cho mọi người biết mà thôi. Tuy vậy qua vài phát biểu về
nhiệm vụ và trả lời phỏng vấn tôi có cảm nhận, hình như Bộ trưởng chưa có được
những suy nghĩ thật sâu sắc trong công việc hoàn toàn mới này.
Theo Stephen Corwey công việc có 4 loại. Loại
A- Vừa quan trọng và cấp thiết. Loại B- Rất quan trọng nhưng không cấp thiết.
Loại C- Cấp thiết nhưng không quan trọng. Loại D- Không quan trọng mà cũng
không cấp thiết.
Người không biết làm việc luôn bị vướng vào
công việc loại A và loại D, họ tỏ ra bận rộn, quá bận rộn, nhưng hiệu quả rất
thấp. Người giỏi, biết tập trung trí tuệ cho các việc loại B.
Tôi hy vọng Bộ trưởng phát hiện đúng những việc
loại B của ngành và biết tập trung vào đó.
Tôi có nhận xét rằng, khá nhiều cán bộ vừa được
đề bạt, được thăng chức có một loại việc vừa cấp thiết vừa quan trọng nhưng cố
giấu không muốn cho ai biết. Đó là trong thời gian ngắn cần thu hồi tiền vốn đã
bỏ ra (để cho… Thế là hòa vốn còn sau thì lời).
Không biết Bộ trưởng có vướng vào việc này
không. Nếu không thì quá may, vì như thế mới có thể làm hết sức vì ngành. Nếu lỡ
có bị vướng chút ít thì cũng đừng xem là quá cấp thiết, từ đó mới có thể tập
trung được vào phát triển ngành.
Có hai việc quan trọng đối với ngành giáo dục.
Một là phát triển người thầy (như Bộ trưởng đã viết); Hai là giảm tải cho cả
trò và thầy. Về hai việc này cũng như một số việc khác quan trọng của ngành
giáo dục tôi đã có một số nghiên cứu sâu sắc (Tôi và một số bạn bè tự đánh giá
là khá hay và thiết thực). Nếu Bộ trưởng muốn nghe tôi xin sẵn sàng trình bày bằng
văn bản hoặc bằng thuyết trình. Bộ trưởng muốn như thế nào xin cho thư ký liên
hệ với tôi qua Email: ndcong37@gmail.com và
số điện thoại 0389 578 620.
Tôi nghĩ rằng không phải chỉ có tôi mà nhiều
trí thức phản biện như Thái Hạo, Chu Mộng Long, Nguyễn Ngọc Chu, Nguyễn Ngọc
Lanh, Trương Văn Thương và nhiều người khác nữa sẵn sàng trình bày để Bộ trưởng
nghe hoặc cung cấp những bài viết về suy nghĩ của họ nhằm chấn hưng nền giáo dục.
Vấn đề là Bộ trưởng có thành tâm, có dũng cảm để nghe hay không và cần tổ chức
chu đáo, biết tôn trọng tấm lòng và công sức của họ.
Về việc nghe, xin kể câu chuyện vui để kết
thúc. Vua nước nọ (thời Đông Chu bên Tàu) thích nghe âm nhạc do số đông biểu diễn
đồng thời. Đội nhạc công khá đông. Mỗi lần nhiều chục người cùng hòa tấu.
Vua băng hà, vua mới lên ngôi lại thích nghe từng
nhạc công hoặc vài ba người biểu diễn riêng. Vua tuyên bố sẽ nghe lần lượt. Thế
là chỉ còn dưới một phần năm số nhạc công ở lại, còn trên bốn phần tự động bỏ
trốn. Số này một thời đã hưởng nhiều danh lợi do lạm dụng được sự vô minh của
nhà vua.
No comments:
Post a Comment