Nguyễn Đăng Anh
Thi (*) - Kinh tế Saigon Online
23/04/2021
https://baotiengdan.com/2021/04/23/nhan-dien-nhiet-dien-than/
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/0-110.jpg
Một nhà máy nhiệt
điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Ảnh: THÀNH HOA/ KTSGO
(KTSG) – Dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) do Bộ
Công Thương trình lên Thủ tướng đề nghị phê duyệt (Tờ trình số 1682 ngày
26-3-2021) cho thấy chỉ trong 10 năm tới Việt Nam có thể đầu tư thêm tối đa khoảng
25.000 MW công suất nhiệt điện than, gấp 2,2 lần công suất hiện nay.
Phản hồi đề xuất loại bỏ nhiệt điện than để
thay bằng nhiệt điện khí LNG của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA),
Đại sứ quán Đan Mạch và các địa phương, Viện Năng lượng cho rằng công nghệ nhiệt
điện than “đã phát triển và tiến bộ vượt bậc”, “hiệu suất có thể lên đến
trên 50%, tiêu hao ít nhiên liệu và tài nguyên”.
Theo đó, với việc áp dụng công nghệ xử lý
chất thải cuối nguồn với hiệu suất cao, đi kèm với tiêu chuẩn phát thải
thì “có thể giảm tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ
sinh thái và sức khỏe con người”(1).
Bài viết này đưa ra những thông tin thực tế về
hiện trạng nhiệt điện than tại Việt Nam với mong muốn các nhà hoạch định chính
sách có một góc nhìn đa chiều hơn trên con đường kiếm tìm nguồn điện bền vững
cho Việt Nam.
Nhiệt điện than Việt Nam lạc hậu hơn thế giới 13
năm
BẢNG 1 : PHÂN LOẠI CÔNG NGHỆ NHIỆT ĐIỆN THAN
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/0-111.jpg
Để đánh giá trình độ công nghệ nhiệt điện
than, có hai chỉ tiêu chủ yếu là loại công nghệ áp dụng và hiệu suất vận hành
thực tế đạt được.
Trước hết, cần thống nhất rằng hiệu suất của
nhà máy nhiệt điện than dùng để so sánh là hiệu suất điện thực (còn gọi là hiệu
suất tinh). Đó là tỷ lệ phần trăm giữa sản lượng điện năng phát lên lưới so với
lượng nhiệt năng của than đá nhiên liệu đầu vào.
HÌNH 1 : SO SÁNH CÔNG NGHỆ NHIỆT ĐIỆN THAN VIỆT
NAM VÀ THẾ GIỚI
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/1-35.jpg
Nếu tính cả lượng điện năng tự dùng của nhà
máy, thì đó là hiệu suất điện tổng (còn gọi là hiệu suất thô).
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) phân loại
công nghệ nhiệt điện than theo hiệu suất điện thực, kèm với tiêu thụ than và
phát thải CO2 của từng loại công nghệ (bảng 1).
Theo số liệu của Global Energy Monitor tháng
1-2021, tổng công suất nhiệt điện than toàn thế giới là 1.135.033 MW, trong đó
công nghệ cận tới hạn chiếm 57%, siêu tới hạn chiếm 26% và trên siêu tới hạn
chiếm 17%.
Số liệu của IEA về hiệu suất thực trung bình
toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than trên thế giới năm 2019 là 37,5%.
Tại Việt Nam, dựa trên thông tin của Trung tâm
Điều độ hệ thống điện quốc gia năm 2019(2), nếu tính luôn hai nhà máy Sông Hậu
1 và Hải Dương BOT vừa đưa vào vận hành thì tổng công suất nhiệt điện than cả
nước hiện là 22.130 MW với 30 nhà máy.
Trong đó, có 26 nhà máy áp dụng công nghệ cận
tới hạn với tổng công suất 18.436 MW, chiếm 83%. Chỉ có bốn nhà máy áp dụng
công nghệ siêu tới hạn, gồm Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng
và Sông Hậu 1 với tổng công suất là 3.694 MW, chiếm 17% (hình 1).
Nhiệt điện than của Việt Nam rất lạc hậu so với
thế giới khi chiếm đa số là công nghệ cận tới hạn với dải hiệu suất thấp nhất
và cũng phát thải ô nhiễm cao nhất.
Theo “Cẩm nang Công nghệ Việt Nam năm 2019”do
Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA) phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo
Việt Nam (EREA) và một số cơ quan khác biên soạn, hiệu suất thực trung bình tại
Việt Nam của nhiệt điện than cận tới hạn là 35% và siêu tới hạn là 37%.
Theo tỷ lệ công suất như trên, hiệu suất thực
trung bình toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam hiện nay là 35,3%.
So với thế giới, hiệu suất trung bình của
nhiệt điện than Việt Nam thấp hơn 2,2 điểm phần trăm. Con số này tưởng là không
đáng kể nhưng thực tế, hiệu suất trung bình nhiệt điện than thế giới chỉ tăng
3,4 điểm phần trăm trong 20 năm (1996-2016), từ 34,1% lên 37,5%. Điều đó cũng
có nghĩa nhiệt điện than Việt Nam lạc hậu gần 13 năm so với thế giới.
Đáng chú ý hơn, các nhà máy được quảng bá là
áp dụng công nghệ siêu tới hạn, hiện đại hàng đầu Việt Nam, nhưng hiệu suất điện
thực đạt được lại thuộc dải công nghệ cận tới hạn của thế giới (không cao hơn
39%). Đây là một điều gây ngạc nhiên về hiệu suất nhiệt điện than tại Việt Nam.
Cụ thể, nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có hiệu suất thực
ghi trên nhãn máy là 39,8%. Tuy nhiên, kế hoạch sản xuất của nhà máy này năm
2021 của EVN công bố(3) cho thấy suất tiêu hao nhiệt tinh là 10.200 kJ/kWh.
Nghĩa là, hiệu suất điện thực của nhà máy đạt được chỉ là 3.600 kJ/10.200 kJ =
35,3%, thấp hơn đến 4,6 điểm phần trăm so với số liệu ghi trên nhãn máy. Cẩm
nang Công nghệ Việt Nam năm 2019 cũng khuyến nghị áp dụng hiệu suất điện thực của
công nghệ siêu tới hạn là 37%, thuộc dải hiệu suất công nghệ cận tới hạn của thế
giới.
Thực tế đó nói lên một điều rằng công nghệ gọi
là hiện đại tại Việt Nam chưa hẳn đã là hiện đại của thế giới, xét theo hiệu suất
thực tế đạt được.
Hiệu suất điện
than trên 50% chưa tồn tại trên thế giới và có thể đắt gấp ba lần điện khí
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/0-112.jpg
HÌNH 2 : CÁC NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN THAN CÓ HIỆU
SUẤT CAO NHẤT THẾ GIỚI HIỆN NAY
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/0-112.jpg
BẢNG 2 : SO SÁNH CHI PHÍ ĐẦU TƯ & VẬN HÀNH
CÁC CÔNG NGHỆ NHIỆT ĐIỆN THAN VỚI ĐIỆN KHÍ
Lý giải cho đề xuất tiếp tục xây dựng thêm nhiệt
điện than trong Dự thảo QHĐ8, Viện Năng lượng phản hồi với ý rằng: “Công nghệ
các nhà máy nhiệt điện than hiện nay đã phát triển và tiến bộ vượt bậc”, “hiệu
suất có thể lên đến trên 50%”(4).
Tuy nhiên, điều đó không có thật. Nhà máy nhiệt
điện than hiện đang vận hành thương mại có hiệu suất cao nhất thế giới là RDK
Block 8 của Đức, với hiệu suất đạt được là 47,5%. Hình 2 là danh sách tám nhà
máy nhiệt điện than có hiệu suất cao nhất thế giới hiện nay(5).
Có nhiều cách để nâng cao hiệu suất của nhà
máy nhiệt điện than, trong đó cách để đạt hiệu quả tốt nhất là nâng cao nhiệt độ
và áp suất hơi nước. Nhà máy RDK Block 8 đạt được hiệu suất kỷ lục thế giới hiện
nay nhờ đưa được nhiệt độ hơi đến 600-620 độ C.
Đưa nhiệt độ hơi vượt qua rào cản 620 độ C và
đạt đến 700 độ C nhằm đạt hiệu suất từ 50% trở lên (công nghệ trên siêu tới hạn
cải tiến, A-USC) luôn là nỗi khát khao khó chinh phục của giới khoa học và các
nhà công nghệ trong suốt 30 năm qua.
Tìm ra hợp kim siêu đặc biệt để chống chịu với
điều kiện hoạt động khắc nghiệt đến cực đoan ở nhiệt độ 700 độ C mà không bị
nóng chảy vẫn là bài toán chưa có lời giải, dù hàng núi tiền đã bỏ ra tại Ấn Độ,
Trung Quốc, Nhật, Mỹ và châu Âu.
IEA đưa ra lộ trình áp dụng thử nghiệm công
nghệ A-USC sau năm 2025, và dự kiến đưa vào hoạt động thương mại từ sau năm
2030.
Tuy vậy, điều này không có gì chắc chắn vì những
yêu cầu về kinh phí và hiệu quả kinh tế, trong khi chi phí phát điện từ khí
thiên nhiên, điện gió và điện mặt trời đang suy giảm nhanh chóng.
Ngay trong Báo cáo dự thảo lần 3 của QHĐ8 của
Viện Năng lượng công bố tháng 2-2021 cũng cho thấy nhiệt điện than dù áp dụng
công nghệ nào cũng có suất đầu tư cũng như chi phí vận hành và bảo dưỡng cao
hơn điện khí.
Đặc biệt, suất đầu tư điện than công nghệ trên
siêu tới hạn cải tiến dự kiến gấp ba lần điện khí, chi phí vận hành và bảo dưỡng
cố định cao gần gấp đôi điện khí, trong khi hiệu suất dự kiến lại thấp hơn 10
điểm phần trăm (50% so với 60%). Điều đó cho thấy về mặt kinh tế, đầu tư vào điện
than công nghệ trên siêu tới hạn cải tiến kém hiệu quả hơn nhiều so với đầu tư
vào điện khí.
Vậy, giữa một bên là công nghệ nhiệt điện than
đắt tiền hơn hay chưa thành hình với rủi ro có thể thấy trước, và một bên là
công nghệ nhiệt điện khí thân thiện môi trường hơn, hiệu suất cao hơn, nên đặt
niềm tin vào đâu?
Tiêu chuẩn môi trường
quá dễ dãi và “hào phóng”
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/0-113.jpg
CÁC BIỂU ĐỒ
Tương tự các nước khác, Việt Nam cũng có hai lớp
quy chuẩn để kiểm soát ô nhiễm từ nhiệt điện than, gồm quy chuẩn phát thải từ ống
khói nhà máy và quy chuẩn chất lượng không khí xung quanh.
Dù áp dụng công nghệ hiện đại đến đâu, nếu lơi
lỏng các quy chuẩn quốc gia thì sẽ trả giá bằng sự xuống cấp của chất lượng môi
trường. Điều đó đang xảy ra trong thực tế tại Việt Nam.
Hiện tại, phát thải từ nhà máy nhiệt điện than
được kiểm soát bởi QCVN 22: 2009/BTNMT và chất lượng không khí xung quanh được
kiểm soát bởi QCVN 05: 2013/BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Hình 3a, 3b, 3c so sánh nồng độ tối đa cho
phép các chất ô nhiễm trong khí thải nhà máy nhiệt điện than giữa Việt Nam và
các nước trong khu vực. Hình 3d so sánh chất lượng không khí xung quanh giữa Việt
Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Thời gian qua, Việt Nam chủ yếu tiếp nhận công
nghệ nhiệt điện than từ các nhà thầu Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong
khi các nước này liên tục siết chặt các quy chuẩn phát thải nhiệt điện than
trong nội địa nước họ để kiểm soát ô nhiễm, Việt Nam vẫn “bình chân như vại” suốt
12 năm qua với một bộ quy chuẩn quá dễ dãi.
Công nghệ nhiệt điện than và công nghệ xử lý
môi trường hiện đại tại các nước đó không đồng nghĩa với việc chúng được tự
nguyện bê y nguyên vào Việt Nam nếu quốc gia không có những bộ quy chuẩn môi
trường nghiêm ngặt như nước họ.
Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện than tại Việt
Nam được phép phát thải SO2 với nồng độ tối đa gấp 13 lần Nhật Bản, gấp 5-10 lần
Trung Quốc, và gấp 4 lần Hàn Quốc. Tương tự, nồng độ phát thải NOx gấp 12 lần
Nhật Bản, gấp 7-19 lần Trung Quốc, và gấp 13 lần Hàn Quốc. Cũng như thế, nồng độ
phát thải bụi tổng gấp 40 lần Nhật Bản, gấp 10-20 lần Trung Quốc, và gấp 20 lần
Hàn Quốc.
Nồng độ phát thải bụi tổng của các nhà máy nhiệt
điện than tại Việt Nam cũng cao hàng đầu châu Á, gấp đôi so với quốc gia kế cận
là Indonesia. Dù có áp dụng các hệ số về công suất và hệ số vùng vào quy chuẩn,
giới hạn cho phép thải của các nhà máy điển hình như Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở
rộng hay Thái Bình 1 vẫn cao hơn các nước trên rất nhiều lần.
Các nhà máy nhiệt điện được phát thải một cách
“hào phóng” là nguyên nhân trực tiếp gây tích tụ ô nhiễm và suy thoái chất lượng
môi trường không khí. Năm 2019, Việt Nam bị IQAir(6) xếp thứ 15 thế giới về ô
nhiễm bụi mịn, với nồng độ PM2.5 trung bình năm là 34,1 µg/m3. Hà Nội, Huế, Đà
Nẵng và TPHCM đều ô nhiễm bụi mịn vượt quy chuẩn Việt Nam và khuyến nghị của Tổ
chức Y tế Thế giới (WHO).
Vấn đề là, Việt Nam đang cho phép nồng độ các
chất ô nhiễm trong không khí xung quanh cao hơn nhiều lần so với khuyến nghị của
WHO (hình 3d). Cụ thể, nồng độ bụi PM10 và bụi mịn PM2.5 trung bình năm cao gấp
2,5 lần, trong khi nồng độ SO2 trung bình 24 giờ cao gấp 6,25 lần. Dù không được
tạo hóa “thiết kế” buồng phổi đặc biệt với năng lực vượt trội, người Việt Nam
đang phải chống chịu ô nhiễm gấp nhiều lần so với đồng loại.
Cho phép các nhà máy nhiệt điện than phát thải
quá dễ dãi và quy định nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí xung quanh một cách
quá “hào phóng” chính là mở cửa đón ô nhiễm vào nhà. Công nghệ nhiệt điện than
dù có hiện đại đến đâu chăng nữa mà không siết chặt quy chuẩn thì kỳ vọng
“nồng độ các khí thải sẽ được kiểm soát ở ngưỡng không gây hại đến
sức khỏe con người” chỉ là ảo tưởng(7).
Nhiệt điện than làm giảm độ linh hoạt của lưới
điện và cản trở năng lượng tái tạo
Trong các hệ thống điện, tính linh hoạt của
các nguồn điện là vô cùng cần thiết để đảm bảo sự cân bằng liên tục giữa cung
và cầu. Điều này càng trở nên quan trọng gấp bội khi lưới điện có sự tham gia
ngày càng tăng của các nguồn phát có tính chất biến đổi và bất định như điện
gió và điện mặt trời tại Việt Nam. Trong các công nghệ phát điện truyền thống,
mức độ kém linh hoạt của nhiệt điện than chỉ đứng sau điện hạt nhân. Vì chưa có
điện hạt nhân, nên nhiệt điện than, vốn đang chiếm trên 31% công suất nguồn
phát tại Việt Nam, là nguồn có độ linh hoạt kém nhất.
“Cẩm nang Công nghệ Việt Nam năm 2019” ước
tính thời gian khởi động từ trạng thái ấm của nhà máy nhiệt điện than cận tới hạn
là 5 giờ, siêu tới hạn là 8 giờ. Thời gian khởi động từ trạng thái nguội trung
bình khoảng 10 giờ. Chính vì thời gian khởi động dài, tốc độ điều chỉnh công suất
kém nên nhiệt điện than khó nhường chỗ cho điện mặt trời và điện gió lên lưới
khi sản lượng hai nguồn này tăng cao khi nhu cầu phụ tải xuống thấp. Điều đó giải
thích cho việc phải cắt giảm công suất điện mặt trời thời gian qua và nguy cơ
tương tự với điện gió trong thời gian tới.
Càng phụ thuộc vào nhiệt điện than, tính linh
hoạt của hệ thống điện càng giảm và con đường chuyển đổi sang năng lượng sạch
càng khó khăn. Đó là chưa nói đến nguy cơ bị mắc kẹt với nhiệt điện than giá
cao trong tương lai 30-40 năm tới vì đã lỡ đầu tư trong khi giá các nguồn năng
lượng sạch ngày càng giảm nhanh chóng.
Nhiệt điện than đang được trợ giá nhờ “ăn”
vào môi trường
Xét về bản chất thành phần hóa học, than đá rõ
ràng “bẩn” hơn xăng dầu nhiều lần. Tuy vậy, xăng đang bị áp thuế bảo vệ môi trường
(BVMT) cao gấp 180-360 lần và dầu diesel đang bị áp thuế BVMT cao gấp 80-160 lần
so với than đá. Dù đóng góp đến trên 70% nguồn gây ô nhiễm không khí, số thu
thuế BVMT từ than đá chiếm chưa bao giờ vượt quá 5% tổng thu thuế BVMT hàng
năm.
Theo tính toán của tác giả bài này(8), Việt
Nam hiện đang trợ thuế cho than đá lên đến gần 149.000 tỉ đồng (6,4 tỉ đô la Mỹ)
trong năm 2019. Trong đó, chỉ tính riêng tiền trợ thuế BVMT cho than đá dùng
trong nhiệt điện đã lên đến gần 102.000 tỉ đồng, tương đương 4,4 tỉ đô la.
WTO ước tính có khoảng 60.000 người chết mỗi năm
tại Việt Nam có liên quan đến ô nhiễm không khí. Ngân hàng Thế giới (WB) ước
tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam khoảng 5% GDP mỗi
năm, tương đương 13 tỉ đô la. Theo lượng than đá tiêu thụ, các nhà máy nhiệt điện
than gây ra thiệt hại do ô nhiễm không khí đến 4,5 tỉ đô la mỗi năm.
Nếu chia đều khoản trợ thuế hay thiệt hại môi
trường trên cho sản lượng, nhiệt điện than đang được trợ giá đến 770-780 đồng/kWh(9),
bằng một nửa giá phát điện than đang được cho là rẻ hiện nay. Như vậy, giá thực
của nhiệt điện than không hề rẻ mà thực sự đang ăn mòn vào chất lượng môi trường
và sức khỏe người dân.
Nguy cơ dính bẫy nợ, tăng nhập siêu và phụ
thuộc an ninh năng lượng vào Trung Quốc
Tháng 2-2021, tập đoàn Mitsubishi đã quyết định
rút toàn bộ cổ phần khỏi dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 (1.980 MW) đang xây dựng
trước những áp lực quốc tế trong bối cảnh khí hậu đang biến đổi khó lường. Trước
đó, tháng 12-2019, Ngân hàng Standard Chartered cũng tuyên bố rút lui khỏi việc
tài trợ vốn vay cho dự án này và dự án Vũng Áng 2 (1.200 MW). Với việc năm ngân
hàng tài trợ vốn vay và ba nhà thầu(10) chính của dự án Vĩnh Tân 3 đều đến từ
Trung Quốc, cùng với khả năng Công ty Lưới điện Phương Nam (chủ đầu tư của nhiệt
điện Vĩnh Tân 1 và cũng đến từ Trung Quốc) nhảy vào thay thế Mitsubishi(11), viễn
cảnh dự án này rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc đang hiện hữu rõ ràng.
Theo tổng hợp của Viện Kinh tế năng lượng và
Phân tích tài chính (IEEFA), hiện đã có đến 135 định chế tài chính quốc tế
tuyên bố chấm dứt tài trợ vốn vào nhiệt điện than. Trong đó, có tám ngân hàng
Nhật Bản với sự tham gia mới nhất của JBIC, ngân hàng hợp tác quốc tế đồng thời
đóng vai trò tín dụng xuất khẩu. Hàn Quốc cũng góp mặt với hai ngân hàng, hai
cơ quan tín dụng xuất khẩu và ba công ty bảo hiểm. Đáng lưu ý, không có định chế
tài chính nào của Trung Quốc trong danh sách này, không tính đến Ngân hàng Đầu
tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc lập ra nhưng thực tế là một ngân hàng đa
phương với sự góp vốn của 103 quốc gia, trong đó có Việt Nam góp 0,6855% cổ phần
(663,3 triệu đô la Mỹ)(12).
Điều đó cho thấy rằng trên toàn cầu, Trung Quốc
sắp trở thành “một mình một chợ” thúc đẩy đầu tư và cho vay nhiệt điện than, đi
kèm là xuất khẩu thiết bị công nghệ và thậm chí cả lao động phổ thông đến các
nước tiếp nhận như Việt Nam.
Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) được ông Tập
Cận Bình khởi xướng từ năm 2013 được chứng minh là một công cụ hữu hiệu để
Trung Quốc tăng xuất khẩu và cho vay nhiệt điện than ở nước ngoài. Tổng hợp của
Viện Môi trường toàn cầu (Global Environmental Institute) cho thấy tính đến năm
2016, Trung Quốc tham gia vào đến 240 dự án nhiệt điện than tại 25 quốc gia thuộc
BRI, trong đó Việt Nam xếp thứ tư với 16.594 MW công suất.
Bằng việc áp dụng quy chuẩn phát thải siêu thấp
(ultra low emissions) để nâng cấp các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành
giai đoạn 2014-2020 đã nói ở trên, những nhà máy nào ở Trung Quốc không đáp ứng
yêu cầu này bắt buộc phải ngừng hoạt động sau năm 2020. Vì lẽ đó, chính quyền
Trung Quốc vài năm trước đã bật đèn xanh cho những thiết bị công nghệ không tồn
tại được trong nước tìm đường ra nước ngoài thông qua hỗ trợ tín dụng. Một điển
hình cho con đường xuất khẩu ô nhiễm này là dự án nhiệt điện than West Port
công suất 700 MW vừa được khởi công tháng 8-2020 tại Sihanoukville, Campuchia.
Theo thông tin trên China Dialogue, hai tổ máy
nhiệt điện than này (350 MW/tổ) được tháo dỡ từ một nhà máy bị đóng cửa của
Công ty Chuangyuan tại Hồ Nam, Trung Quốc và được bán với giá 21,7 triệu đô la
Mỹ. Giờ đây, các nhà thầu Trung Quốc đang lắp đặt hai tổ máy này tại
Sihanoukville. Chủ dự án West Port là một liên doanh Campuchia – Trung Quốc
công bố tổng vốn đầu tư dự án này lên đến 1,3 tỉ đô la Mỹ, trong đó có 600 triệu
đô la Mỹ vốn vay của ngân hàng ICBC Trung Quốc. Giới chức Campuchia và Trung Quốc
ca ngợi đây là một dự án điển hình của BRI và cả hai bên cùng có lợi!
Tiếp tục cho phép đầu tư vào nhiệt điện than
là để ngỏ khả năng tiếp tục lún sâu vào nguồn vốn và công nghệ Trung Quốc. Điều
đó làm tăng nguy cơ tăng nhập siêu, sập bẫy nợ, và phụ thuộc an ninh năng lượng
vào Trung Quốc.
Giải pháp cho Việt Nam: cải thiện hiệu suất
nhiệt điện than và siết chặt các quy chuẩn môi trường
Ngoài việc thay thế các nhà máy nhiệt điện
than bằng điện khí trong 10 năm tới như Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam
(VSEA) và các địa phương đã đề xuất, Việt Nam cũng cần cải thiện hiệu suất các
nhà máy điện than đang vận hành để vừa đạt lợi ích kinh tế, vừa có hiệu quả môi
trường.
Năm 2020, tổng sản lượng nhiệt điện than của
Việt Nam là 110,866 tỉ kWh. Do đó, 2,2 điểm phần trăm hiệu suất tương đương
6,797 tỉ kWh. Con số này tương đương sản lượng một nhà máy công suất 1.200 MW vận
hành trong 5.664 giờ mỗi năm.
Do vậy, việc cải thiện hiệu suất các nhà máy
đang vận hành để nâng cao hiệu suất chỉ 2,2 điểm phần trăm đã có thể giúp tiết
kiệm 36.000 tỉ đồng vốn đầu tư (lấy Vĩnh Tân 4 có công suất 1.200 MW làm chuẩn).
Không chỉ thế, giải pháp này còn tạo ra thêm khoảng 13.700 tỉ đồng mỗi năm tiền
điện từ hiệu suất tăng thêm.
Bên cạnh đó, việc siết chặt quy chuẩn khí thải
nhiệt điện đến mức tương đương của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như chỉnh sửa quy
chuẩn chất lượng không khí xung quanh theo đúng khuyến nghị của WHO là yêu cầu
đã quá cấp thiết và không thể chậm trễ hơn được nữa.
Chỉ có triệt để áp dụng các giải pháp đó thì
Việt Nam mới có thể ngăn chặn đà suy thoái môi trường cũng như những thiệt hại
về sức khỏe và kinh tế đang gia tăng do nhiệt điện than gây ra.
(*) Chuyên gia năng lượng và môi trường
(1) http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=426113
(2) Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc
gia. Báo cáo tổng kết vận hành năm 2019
(4) http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=426113
(5) Minerals Council of Australia, 2017.
New generation coal technology: Why HELE coal-fired power generation is part of
Australia’s energy solution
(6) https://www.iqair.com/world-air-quality-ranking
(7) http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=426113
(8) https://www.thesaigontimes.vn/311296/moi-nam-nhiet-dien-than-an-vao-moi-truong-gan-45-ti-do-la.html
(9) https://www.thesaigontimes.vn/311518/hau-qua-cua-dien-than-dau-chi-co-moi-truong.html
(12) https://www.aiib.org/en/about-aiib/governance/members-of-bank/index.html
No comments:
Post a Comment