Saturday 10 April 2021

THÙ GHÉT NGƯỜI MỸ GỐC Á và 'CHỐNG TRUNG QUỐC'? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Thù ghét người Mỹ gốc Á và ‘chống Trung Quốc?’

Hiếu Chân/Người Việt

Apr 9, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/thu-ghet-nguoi-my-goc-a-va-chong-trung-quoc/

 

Các trường hợp người Mỹ gốc Á Châu bị tấn công bạo lực đang xảy ra ngày càng nhiều ở khắp các thành phố. Nó không chỉ đào sâu hố ngăn cách giữa các sắc dân tạo thành Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ mà còn làm xấu hình ảnh nước Mỹ trước thế giới, cản trở chiến lược ngoại giao kết nối đồng minh chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/04/A1-Thu-ghet-nguoi-goc-A-1-1536x864.jpg

Một số người trẻ và sinh viên gốc Việt tổ chức cuộc tuần hành dọc theo công viên Mile Square Regional Park, Fountain Valley, sáng Thứ Bảy, 3 Tháng Tư, để phản đối phong trào kỳ thị người gốc Á và Thái Bình Dương (AAPI). (Hình minh họa: Trà Nhiên/Người Việt)

 

Báo chí gần đây đã tốn nhiều giấy mực để tường trình, phân tích và bình luận về quy mô, nguồn cội của hiện tượng kỳ thị người gốc Á. Có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều thông tin về vấn nạn này trên báo chí và mạng xã hội tại Mỹ. Một khía cạnh ít được chú ý là tác động của vấn nạn tấn công người gốc Á lên dư luận ở ngoài nước và phải chăng có mối liên quan giữa vấn nạn này với chính sách chống Trung Quốc của các chính phủ Hoa Kỳ.

 

 

Những nỗi phẫn nộ

 

Tin tức và hình ảnh những vụ tấn công bạo lực được đưa lên truyền thông ở các nước quê xứ của nạn nhân làm dấy lên những cơn phẫn nộ, dẫn tới những lời phản kháng về ngoại giao và trao cho truyền thông nhà nước Trung Quốc những bằng chứng hiển nhiên để phê phán Hoa Kỳ đã không làm đúng những giá trị nhân quyền cao cả mà người Mỹ quảng bá ở nước ngoài.

 

Khi bà Vilma Kari, một người Mỹ gốc Philippines, bị Brandon Elliott, một thanh niên vô gia cư 38 tuổi từng bị kết tội giết mẹ của mình gần hai thập kỷ trước, tấn công tàn bạo trên đường phố New York hôm 29 Tháng Ba thì vụ hành hung đã được tường thuật nổi bật trên báo chí Philippines và làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ của công chúng lẫn các chính trị gia nước này. Phó Tổng Thống Philippines Leni Robredo lên án vụ tấn công là một diễn biến đáng sợ; Ngoại Trưởng Teodoro Locsin viết tweet: “Câu trả lời cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là quân đội và cảnh sát. Bọn chủng tộc chỉ hiểu bạo lực.”

 

Sau vụ nghi can Robert Aaron Long, 21 tuổi, nổ súng tại ba tiệm spa-massage ở ngoại ô Atlanta hôm 16 Tháng Ba, khiến tám người thiệt mạng, trong đó có sáu người phụ nữ gốc Á, truyền thông Nam Hàn chấn động và đặt nghi vấn về vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ, đặc biệt là việc Hoa Kỳ thường xuyên lên án tình trạng vi phạm nhân quyền ở các nước Bắc Hàn, Trung Quốc và Miến Điện. Xã luận báo kinh tế Maeil ở Seoul tuyên bố: “Trước khi chúng ta thừa nhận chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ là thành thật thì người Mỹ phải có những cố gắng mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tội thù ghét ngay trong nôi bộ nước Mỹ.”

 

 

Nước Mỹ “đạo đức giả?”

 

Trung Quốc tất nhiên không ngoại lệ. Khi hình ảnh một bà cụ gốc Trung Quốc 76 tuổi, nói tiếng Quan Thoại, bị đánh bầm tím mặt mày ở San Francisco hôm đầu Tháng Ba được phát tán rộng rãi trên truyền thông Trung Quốc, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đăng bình luận, kỳ thị chủng tộc chỉ là phần nổi của tảng băng là sự tệ hại của nước Mỹ trong việc bảo vệ quyền con người; và cho rằng “thành tích đáng khinh bỉ” của Mỹ có từ lâu đời, từ sự đối đãi tàn bạo đối với người Mỹ da đỏ bản địa, người nô lệ Phi Châu da đen và người lao công Trung Quốc đến đây từ các thế kỷ trước.

 

Phái đoàn ngoại giao cao cấp của Trung Quốc tại cuộc họp ở Alaska tháng trước cũng nêu lên cái chết tức tưởi của anh da đen George Floyd và các cuộc biểu tình phản kháng Black Lives Matter để lên án cái gọi là đạo đức giả của Mỹ khi phản đối chính sách đàn áp của Trung Quốc tại Tây Tạng và Tân Cương.

 

Trong lúc chính phủ Joe Biden nỗ lực vận động quốc tế đoàn kết chống lại chính sách đàn áp nhân quyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc thì sự gia tăng bạo lực chống người gốc Á ngay trong nước Mỹ đang đặt ra những trở ngại lớn. Nó hủy hoại những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc tạo dựng một chính nghĩa chung với các đồng minh và đối tác trong khu vực như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines và Việt Nam. Chính phủ các nước này sẽ khó mà hợp tác với Hoa Kỳ để đương đầu với Trung Quốc khi những người đồng hương của họ bị đối xử tàn tệ ở ngay chính nước Mỹ.

 

 

Cần xác định nguyên nhân chính: đại dịch COVID-19

 

Tệ nạn kỳ thị chủng tộc đã có gốc rễ lâu đời trong xã hội đa văn hóa, đa chủng tộc của Hoa Kỳ, nhưng sự bộc phát và gia tăng các vụ tấn công người gốc Á hiện nay lại có liên quan mật thiết với đại dịch COVID-19. Không cần phải nói trong hơn một năm qua con virus vô hình vô ảnh này đã gây ra bao nhiêu đau thương khốn khổ cho nước Mỹ.

 

Dân Mỹ, nhất là những người lao động thu nhập thấp, bị tác động nặng nề, có tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong cao nhất thế giới, bị mất việc làm và thu nhập, lại bị giam hãm trong nhà suốt một thời gian dài, trở thành những người phẫn uất nhất với đại dịch. Nỗi căm phẫn của họ, khi không còn kiềm chế được, đã bị đem trút vào những người gốc Á mà họ quan niệm sai lầm là những “thiểu số mẫu mực” (model minority), là những người thành đạt và tệ hơn nữa là những người mang virus đến nước Mỹ. Sự bùng nổ tội ác thù địch chống người gốc Á hiện nay là hậu quả nặng nề mà đại dịch gây ra cho xã hội Mỹ và những cộng đồng thiểu số không tự bảo vệ được dễ bị biến thành con dê tế thần.

 

Cựu Tổng Thống Donald Trump càng đổ dầu vào lửa khi thường xuyên dùng từ “Chinese Virus,” “Kung-flu” để nói về đại dịch nhằm đổ lỗi cho chính phủ Trung Quốc và né tránh trách nhiệm của chính ông ta trong việc ứng phó với đại dịch. Ông Trump, mà một số lớn người Mỹ tôn sùng làm thần tượng, đã không lường trước rằng những phát biểu của ông ta đã kích động nỗi phẫn uất trong lòng một bộ phận dân chúng Mỹ. Đành rằng chính phủ của ông Tập Cận Bình có tội lỗi rất lớn trong sự bùng phát của đại dịch COVID-19, nhưng khi dùng từ “Chinese Virus” bất chấp phản bác của giới chuyên gia y tế, vô hình trung ông Trump đã coi những người dân Trung Quốc như những sinh vật mang mầm bệnh, từ đó làm gia tăng các hành động thù ghét người gốc Á.

 

Nếu như không có đại dịch, nếu chính phủ Trung Quốc làm tròn trách nhiệm của họ ngăn chặn một tai nạn địa phương biến thành một thảm họa toàn cầu, nếu chính phủ Trump làm tốt việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch để 560,000 người Mỹ không phải chết oan uổng và ông Trump không có những phát biểu kích động nặng mùi phân biệt chủng tộc thì chắc chắn hiện tượng kỳ thị, tấn công bạo lực người gốc Á sẽ không trầm trọng như hiện nay.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/04/A1-Thu-ghet-nguoi-goc-A-2-1536x1152.jpg

Nhiều người da trắng có mặt để ủng hộ cuộc tuần hành dọc theo công viên Mile Square Regional Park, Fountain Valley, sáng Thứ Bảy, 3 Tháng Tư, để phản đối phong trào kỳ thị người gốc Á và Thái Bình Dương (AAPI). (Hình minh họa: Trà Nhiên/Người Việt)

 

 

Chống Trung Quốc, không chống người gốc Á

 

Tuy ông Trump và một số cộng sự của ông có phần trách nhiệm, nhưng một số bình luận gia còn đẩy vấn đề đi xa hơn khi cho rằng các chính sách chống Trung Quốc quyết liệt của chính phủ Mỹ trong mấy năm gần đây cũng phải chịu trách nhiệm đã khoét sâu hố ngăn cách và thù hận đối với Trung Quốc và Á Châu nói chung.

 

Lập luận của các bình luận gia này là nỗ lực phản đối các hành vi của Trung Quốc, qua những bài hùng biện chính trị của các quan chức như cựu Ngoại Trưởng Mike Pompeo, cựu cố vấn kinh tế Peter Navarro, Dân Biểu Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri)…, đã thúc đẩy tâm lý lo sợ và thù ghét người Trung Quốc, người Á Châu trong lòng nước Mỹ.

 

Khi chính phủ Mỹ xác định Trung Quốc là “mối đe dọa số 1” thì hậu quả đương nhiên là sản sinh ra một cảm xúc bài Trung Quốc trong dân chúng. Và do hầu hết người Mỹ, và cả người Âu Châu, không phân biệt được người Trung Quốc với các dân tộc Á Châu khác nên mặc nhiên tất cả người gốc Á đều phải hứng chịu hậu quả.

 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhanh chóng khai thác lối lập luận này để phản đối sự phê phán và yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt việc “bôi nhọ” Trung Quốc để làm dịu làn sóng kỳ thị người gốc Á ngay trong nước.

 

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy có mối liên hệ nhân quả giữa chính sách chống Trung Quốc của các chính phủ Hoa Kỳ với vấn nạn kỳ thị người gốc Á. Thêm nữa, các phát biểu chính trị và chính sách chống Trung Quốc của Hoa Kỳ cho tới nay đều nhắm mục tiêu vào các vấn đề cụ thể và rõ ràng, chẳng hạn như chống đàn áp người Duy Ngô Nhĩ thiểu số ở Tân Cương… chứ không chống Trung Quốc một cách chung chung, mơ hồ để có thể gây hiểu lầm là tấn công người Á Châu. Đánh đồng Trung Quốc – đúng hơn là đảng Cộng Sản Trung Quốc – với Á Châu, một châu lục có 50 quốc gia, với người Mỹ gốc Á Châu là một ngộ nhận sai lầm và không có cơ sở.

 

Đánh đồng chính sách chống Trung Quốc của Mỹ với vấn nạn kỳ thị người gốc Á là một thủ đoạn tuyên truyền của Trung Quốc, theo nhận xét của Dân Biểu Stephanie Murphy (Dân Chủ-Florida).

 

“Đó là một phần của một chiến lược rộng lớn hơn mà đảng Cộng Sản Trung Quốc thực hiện để hủy hoại nền dân chủ của chúng ta… để gieo rắc sự bất hòa trong xã hội chúng ta vì họ hiểu rằng khi chúng ta không đoàn kết thì chúng ta yếu hơn trong việc dẫn dắt thế giới chống lại hành vi xấu xa của họ,” bà Murphy – dân biểu gốc Việt duy nhất trong Hạ Viện Hoa Kỳ, tên Việt là Đặng Thị Ngọc Dung – nói với báo The Washington Post.

 

                                                              ***

Không thể nhân danh sự an toàn của người Mỹ gốc Á mà thay đổi đường lối chống Trung Quốc hiện hành của chính phủ Mỹ, được sự ủng hộ lưỡng đảng và đông đảo cử tri. Vấn đề là làm thế nào để người dân Mỹ hiểu rõ và phân biệt được những tội lỗi của đảng Cộng Sản Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc với người dân Trung Quốc và người Mỹ gốc Trung Quốc, người Á Châu nói chung, vốn là những thực thể khác nhau.

Thực tế, giải quyết ổn thỏa vấn nạn kỳ thị người Mỹ gốc Á là yếu tố tối cần thiết trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trong trường kỳ. “Chúng ta phải phân biệt rõ ràng rằng đối thủ cạnh tranh của chúng ta là đảng Cộng Sản Trung Quốc chứ không phải nhân dân Trung Quốc, và chắc chắn không phải là người Mỹ gốc Trung Quốc đang sống ở đây và đóng góp rất nhiều cho đất nước này. Tấn công người Mỹ gốc Á Châu là tấn công chính chúng ta,” bà Murphy nói. [qd]

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats