Saturday, 17 April 2021

THÁCH THỨC CỦA TÂN ĐẠI SỨ MỸ TẠI VIỆT NAM (Hiếu Chân)

 



Thách thức của tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam

Hiếu Chân / Sài Gòn Nhỏ News

April 17, 2021

https://saigonnhonews.com/thach-thuc-cua-tan-dai-su-my-tai-viet-nam/

 

Tổng Thống Joe Biden vừa đề cử ông Marc Knapper làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam, thay đại sứ hiện thời Daniel Kritenbrink mãn nhiệm kỳ ba năm và quay trở lại Bộ Ngoại Giao.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/04/Ong-Marc-Knapper-Hinh-Twitter-750x430.jpg

Ông Marc Knapper. Hình: Twitter.

 

Ông Marc Knapper, ngoài 50 tuổi, là nhà ngoại giao chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm về Châu Á. Từ Tháng Tám, 2018 đến nay, ông là phó phụ tá ngoại trưởng chuyên trách Nam Hàn và Nhật Bản trong Đông Á-Thái Bình Dương sự vụ tại Bộ Ngoại Giao Mỹ. Trước đó, ông đã trải qua nhiều công việc tại Tokyo, Seoul, Hà Nội và Bagdad. Tại Hà Nội, ông Marc Knapper làm tham tán chính trị của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ trong ba năm 2014-2017.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/04/Thach-thuc-tan-dai-su-My-BNG-Hoa-Ky.jpg

Ông Marc Knapper. Hình: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

 

Về học vấn, ông Knapper tốt nghiệp xuất sắc hệ cử nhân tại đại học Princeton University và tốt nghiệp cao học tại đại học Army War College, nơi đào tạo các lãnh đạo tương lai cho quân đội, ngoại giao để thực hiện các chính sách quan trọng. Ông cũng từng học tại Đại Học Tokyo, học chương trình chuyên sâu về Nhật Bản của trường Cao Đẳng Middleburry và một chương trình của Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT) dành cho các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai trong giới làm về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Mỹ. Theo trang web của Bộ Ngoại Giao, ông Knapper có thể nói được ba ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Hàn và tiếng Nhật.

 

Theo đài VOA, ông Marc Knapper được đội ngũ của ông Biden nhắm vào chức đại sứ Mỹ ở Hà Nội từ cách đây nửa năm, khi ông Biden còn đang trong giai đoạn tranh cử. Nhưng để chính thức trở thành người đứng đầu phái bộ ngoại giao của Mỹ ở Việt Nam, ông Marc Knapper còn phải điều trần trước Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện và phải được Thượng Viện bỏ phiếu chuẩn thuận. Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cho rằng ông Knapper sẽ dễ dàng vượt qua quá trình này. Để tiện phân tích, chúng tôi xin phép tạm cho rằng ông Knapper sẽ được bổ nhiệm làm đại sứ tại Hà Nội.

 

Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn nhận xét của hai người từng làm việc cùng ông Knapper tại Hà Nội cho rằng ông Knapper là người có kiến thức uyên thâm, tư duy sắc sảo, có quan điểm cân bằng, không định kiến về Việt Nam.

 

Nhưng lần này quay lại Việt Nam với cương vị đại sứ của chính quyền Biden, ông Knapper có thể phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do tình hình khu vực đã thay đổi nhiều, trong đó nổi bật là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc mà Việt Nam là nước chịu nhiều tác động nhất.

 

VOA cho biết, mới cách đây ba tháng, trong một cuộc hội thảo qua mạng, với tư cách phó phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Marc Knapper đã kêu gọi các đồng minh của Mỹ như Nam Hàn và Nhật Bản lên án những hành vi xấu xa của Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi công nhận cả Nhật Bản lẫn Nam Hàn đều có quan hệ phức tạp và tế nhị với Trung Quốc, về thương mại và các mặt khác. Chắc chắn là chúng tôi không đề nghị kiềm chế Trung Quốc hay cắt đứt quan hệ với họ mà mục đích của chúng tôi là các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Nam Hàn – những nước có chung giá trị và các nguyên tắc dân chủ với Mỹ – cần đứng lên bảo vệ, duy trì các giá trị và các nguyên tắc này.”

 

Quan điểm dẫn trên của ông Knapper phản ánh phần cốt lõi trong chính sách của chính quyền Biden tại Châu Á: vận động các quốc gia dân chủ cùng đứng lên chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc để bảo vệ các giá trị và nguyên tắc dân chủ – tự do.

 

                                                          ***

Người tiền nhiệm của ông Knapper tại Việt Nam, Đại Sứ Daniel Kritenbrink, tuy có nhiều nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ về an ninh quốc phòng và thương mại, nhưng hiếm khi bộc lộ thái độ phê phán Trung Quốc và hầu như không lên tiếng phản đối chính sách đàn áp của Hà Nội đối với những người đấu tranh cho dân chủ tự do. Ông Kritenbrink có chủ trương dung hòa. Ông là đại sứ Mỹ đầu tiên đến thăm Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trường Sơn, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi tập trung chôn cất 10,000 binh sĩ CSVN chết trong cuộc chiến Việt Nam. Ông cũng là đại sứ Mỹ đầu tiên trong một ngày đến thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa tại tỉnh Bình Dương và Nghĩa Trang Liệt Sĩ tại quận 9, Sài Gòn, nơi chôn cất cán binh Cộng Sản.

 

Khi tiếp xúc với cộng đồng người Việt quốc gia ở San Jose, California, được hỏi về trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, vừa bị kết án nặng nề ở Sài Gòn, ông đại sứ tỏ ra lúng túng, không biết ông Dũng là ai.

 

Quan điểm của Đại Sứ Kritenbrink, tất nhiên thể hiện đường lối của chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng Thống Donald Trump, tránh gây căng thẳng với Hà Nội về vấn đề dân chủ nhân quyền, tập trung vào phát triển quan hệ kinh tế và an ninh giữa hai nước. Và có thể nói, ông Kritenbrink đã khá thành công theo hướng này.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/04/VN-Kritenbrink-2-nghia-trang-BienHoa-FB-ToaSaiSu-062220.jpg

Đại Sứ Daniel Kritenbrink (thứ hai từ phải) bày tỏ lòng tôn kính tại Nghĩa Trang Biên Hòa (còn gọi là Bình An) ở tỉnh Bình Dương ngày 21 Tháng Sáu, 2020. (Hình: Facebook Tòa Đại Sứ Mỹ)

 

Trong bài diễn văn giã từ tại buổi tiếp tân chia tay do Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ – ASEAN tổ chức tối 13 Tháng Tư vừa qua tại Hà Nội, Đại Sứ Kritenbrink cho rằng “chỉ có bầu trời là giới hạn cho mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ,” khẳng định Việt Nam là một trong những người bạn tốt nhất của Mỹ. Hà Nội tất nhiên rất hài lòng với nhận xét của ông đại sứ Mỹ dù cho đến nay, hai nước vẫn chưa thể nâng quan hệ lên tầm “đối tác chiến lược” – ngang với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc hoặc Việt Nam-Nhật Bản dù hiện nay quan hệ kinh tế và hợp tác an ninh giữa hai nước khá sâu đậm.

 

Về thương mại, Mỹ đã trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất cảng tăng nhanh nhất của Mỹ với giá trị buôn bán hai chiều năm 2020 đạt gần $90 tỷ, trong đó Mỹ xuất cảng sang Việt Nam $10 tỷ và nhập cảng từ Việt Nam 79.6 tỷ. Các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cũng đã đến thăm Việt Nam hai lần trong nhiệm kỳ của Đại Sứ Kritenbrink.

 

“Tôi thực sự tin tưởng các lợi ích quốc gia căn bản của chúng ta gần như hoàn toàn tương đồng trong nhiều lĩnh vực. Và vì vậy, tôi tin tưởng rằng sự hợp tác giữa chúng ta trong mọi lĩnh vực sẽ tiếp tục phát triển, bao gồm cả lĩnh vực an ninh,” Đại Sứ Kritenbrink nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Thông Tấn Xã Việt Nam vài ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

 

Nhưng sang thời Tổng Thống Joe Biden, lợi ích quốc gia căn bản của Hoa Kỳ và Việt Nam không hoàn toàn tương đồng như nhận xét của Đại Sứ Kritenbrink. Theo những phát biểu đã công bố, mối quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ với các quốc gia khác từ nay sẽ đặt trên nền tảng dân chủ chứ không đơn thuần là thương mại hay an ninh. Tổng Thống Biden nhiều lần cam kết khôi phục vai trò của Mỹ với tư cách là người bảo vệ dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới và sẽ đánh giá các quốc gia dựa trên hồ sơ về các vấn đề nhân quyền của họ.

 

Với Việt Nam, chính phủ Biden một mặt muốn quan hệ mật thiết hơn, muốn Hà Nội hợp tác tích cực hơn với đồng minh ngăn chặn ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Bắc Kinh, ủng hộ một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” nhưng mặt khác cũng muốn Việt Nam cải tổ chính trị, tôn trọng nhân quyền, tự do dân chủ. Nên để ý rằng, dân chủ và nhân quyền không phải là những đòi hỏi riêng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam mà là những giá trị phổ quát của nhân loại mà chính những người Cộng Sản Việt Nam cũng đã công nhận qua việc ký kết tham gia các công ước của Liên Hiệp Quốc và đưa vào hiến pháp Việt Nam từ nhiều năm qua.

 

Trong khi đó nhà cầm quyền ở Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách đu dây giữa hai cường quốc, vừa muốn lợi dụng thị trường của Mỹ, đẩy mạnh xuất cảng hàng hóa sang Mỹ lấy thặng dư thương mại bù vào phần thâm hụt do kinh tế quá phụ thuộc vào Trung Quốc gây ra; vừa muốn lợi dụng uy lực của Mỹ để kìm hãm sự hung hăng của Trung Quốc nhưng không dám tiến gần tới Mỹ vì sợ Bắc Kinh trả đũa.

 

Trong lĩnh vực nhân quyền, đảng Cộng Sản Việt Nam lo sợ nhất là sự chống đối của người dân trong nước bất mãn sâu sắc với sự cai trị của đảng, bùng phát thành các cuộc đấu tranh đòi đất đai nhà cửa, đòi môi trường trong sạch, đòi quyền tối thiểu của người lao động. Thêm vào đó, với não trạng hoang tưởng “nhìn đâu cũng thấy kẻ thù,” lo sợ “diễn biến hòa bình” dẫn tới thay đổi chế độ, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam luôn “nghi ngờ mục tiêu lâu dài của Hoa Kỳ là chấm dứt quyền lực độc tôn của đảng Cộng Sản Việt Nam” như nhận định trong báo cáo của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Công của Quốc Hội Mỹ công bố ngày 16 Tháng Hai, 2021.

 

Tân Đại Sứ Knapper đến Việt Nam vào lúc tình hình chính trị dự báo sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời kỳ tại nhiệm của Đại Sứ Kritenbrink. Sau đại hội đảng lần thứ 13 đầu năm nay, xu hướng “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc của giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam có dấu hiệu nghiêng mạnh về phía Trung Quốc, xa dần ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/04/A1-Thach-thuc-tan-dai-su-My-1-1536x1022-1.jpg

Ông Marc Knapper. Hình: Twitter Marc Knapper.

 

Bộ máy cầm quyền Việt Nam đang được “thay máu,” các quan chức đảng có tư tưởng bảo thủ về chính trị, thân Trung Quốc và ghét Mỹ đã được đưa sang đảm nhiệm các chức vụ cao cấp trong chính phủ, điều hành các công việc đối nội đối ngoại hàng ngày của đất nước; cụ thể như tân Thủ Tướng Phạm Minh Chính, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên… Ngay sau khi sắp xếp xong bộ máy chính phủ trong kỳ họp cuối cùng của Quốc Hội bù nhìn, đảng Cộng Sản Việt Nam đã vội vã “báo cáo kết quả” cho lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Bắc Kinh – một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn là kẻ cầm cương đằng sau hậu trường, chỉ đạo các động tác chính trị quan trọng của giới lãnh đạo Hà Nội.

 

                                          ***

Rõ ràng, tân Đại Sứ Marc Knapper phải giải quyết những bài toán khó. Ông sẽ làm gì để giảm nhẹ cái bóng Trung Quốc đang đè lên giới lãnh đạo Hà Nội, để họ tin tưởng vào thiện chí hợp tác của Hoa Kỳ, giúp cho họ nhận ra và tôn trọng khát vọng dân chủ và phú cường của người dân Việt Nam? Tất nhiên không ai đòi hỏi ở một vị đại sứ cái trách nhiệm “khai sáng” cho cả một tập thể cầm quyền vốn quen thói độc tài toàn trị, tự coi mình là “đỉnh cao trí tuệ” không thèm đếm xỉa đến tiếng nói của gần 100 triệu dân, nhưng chúng ta có quyền hy vọng, sự thay đổi người lãnh đạo phái bộ Hoa Kỳ sẽ kéo theo những sự thay đổi về cách ứng xử có tác động tiến bộ hơn, có lợi hơn cho sự nghiệp dân chủ và nhân quyền ở quê hương Việt Nam.

 

Tương lai quan hệ Việt-Mỹ như thế nào sẽ còn tùy thuộc vào lựa chọn của Tổng Thống Biden và bộ máy ngoại giao ở Washington, DC, Tổng Thống Biden chắc chắn sẽ cân nhắc giữa việc cổ xúy cho vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và nhu cầu khuyến khích Hà Nội tham gia lực lượng đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Là người đại diện của Hoa Kỳ ở Việt Nam, Đại Sứ Knapper có tiếng nói quan trọng trong việc tham mưu cho Washington lựa chọn các ưu tiên chiến lược phù hợp với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và mong ước của người dân Việt Nam.

 

Là người thông thạo tiếng Việt, mong sao ông tân đại sứ sẽ dành nhiều thời gian tiếp xúc với các tầng lớp dân chúng ở hai miền Nam-Bắc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, đặc biệt là của giới xã hội dân sự và những người đấu tranh đang bị giam cầm trong các nhà tù Cộng Sản, để có những nhận định chính xác, những đề nghị tốt cho chính phủ Biden trong tình hình mới.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats