Sài
Gòn một thuở “Dân Ông Tạ đó!”: địa danh quen mà lạ
Huỳnh
Trọng Khang - Người
Đô Thị
12:35 | Thứ sáu, 09/04/2021
https://nguoidothi.net.vn/sai-gon-mot-thuo-dan-ong-ta-do-dia-danh-quen-ma-la-28026.html
Những năm gần đây, độc giả trong nước có thể thấy sự
xuất hiện của hàng loạt đầu sách viết về địa danh Sài Gòn, từ tản mạn đến khảo
cứu chuyên sâu. Nhưng những tác phẩm chỉ chọn viết về một khu vực của Sài Gòn
xem ra còn ít.
Tác giả Cù Mai Công với Sài Gòn một
thuở “Dân Ông Tạ đó!” (NXB Trẻ 2021) đã viết về một chốn mà chắc hẳn
ai sinh sống ở Sài Gòn cũng nghe tên, nhưng biết tường tận thì hiếm: khu Ông Tạ.
Vừa quen vừa lạ
Ngay việc vì sao gọi là “chợ Ông Tạ”, “ngã ba
Ông Tạ”, “cầu Ông Tạ” thì chắc ít người biết. Trong Sài Gòn một thuở
“Dân Ông Tạ đó!”, tác giả Cù Mai Công cho biết, sở dĩ gọi là “khu Ông Tạ”
vì trước có vị lương y chọn ngã ba khu vực này mở phòng mạch cứu giúp người
nghèo.
Cũng theo tác giả Cù Mai Công, ông Tạ sinh năm
1918 mất năm 1983, tên thật là Trần Văn Bỉ, mà sau này nhờ danh tiếng về tài
năng đức độ “đã làm nên một địa danh Sài Gòn nổi tiếng, ngay khi còn sống; được
đặt tên (không chính thức, nhưng ai cũng gọi như vậy)”. Phòng mạch của ông giống
như một điểm trung tâm mà từ đó “một trục Bắc di cư Ông Tạ chính thức khác được
hình thành, hoàn chỉnh khu dân cư Ông Tạ cho tới nay với các giáo xứ: Nam Thái,
An Lạc, Thái Hòa, Tân Chí Linh, Vinh Sơn…”.
Đi xa hơn việc giải nghĩa một địa danh, tác giả
giở lại trang sách xưa để tìm về lịch sử bi tráng. Hậu thế ngày nay đi qua khu
Ông Tạ hẳn sẽ khó hình dung nơi đây khi xưa từng là đại đồn Chí Hòa, quân dân
ta dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tri Phương chống lại quân Pháp xâm lược. Dù đã
kiên cường chống trả, nhưng do lạc hậu về vũ khí nên cuối cùng đại đồn Chí Hòa
bị Pháp san phẳng.
Vì vậy địa danh Ông Tạ tuy mới xuất hiện vào
thế kỷ XX, nhưng đi ra từ một một trang sử kiêu hùng. Trên nền của những thôn
xóm hiền hòa ngày nay, khi xưa chính là trận địa chính, diễn ra những cuộc giao
tranh ác liệt. Tác giả Cù Mai Công cho rằng chính lịch sử đó có ảnh hưởng đến
tính cách con người Ông Tạ như “chấp nhận, kiên cường đối đầu gian khó với máu
liều lĩnh trên vùng đất mới vốn toàn đầm lầy, mồ mả…”.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/4017308a-6497-476b-8526-bc801e530f7d.jpg
Vì “vốn toàn đầm lầy, mồ mả…” nên không thiếu
những chuyện tâm linh truyền miệng được tác giả dành một phần riêng để thuật lại.
Trong phần Tản mạn chuyện ma khu Ông Tạ, là những chuyện mang màu sắc
ma quái khiến cho “cậu nhóc” lúc bấy giờ thường phải “chạy như ma đuổi”.
Ở đó còn sót lại những bộ hài cốt được tìm thấy
trong quá trình xây dựng, phản ánh lịch sử bi thương từ thuở đại đồn Chí Hòa thất
thủ. Tác giả Cù Mai Công dẫn lại Léopold Pallu trong Nam Kỳ viễn chính
ký: “quân An Nam người nào chạy không kịp đều bị giết sạch; trận chiến chấm
dứt bằng một cảnh thảm sát cuối cùng”.
Vùng đất giao hòa
Bắc - Nam
Vốn sinh trưởng ở khu Ông Tạ, tác giả từ nhỏ
đã nghe những chuyện kể, đã chứng kiến những giai đoạn biến động ở khu vực này.
Những kiến thức được bổ sung qua các tài liệu lịch sử càng làm cho tác phẩm tuy
không dày nhưng mang lại cảm giác đầy đặn.
Điểm nổi bật trong Sài Gòn một thuở
“Dân Ông Tạ đó!” có lẽ ở chỗ tác giả đã chỉ ra được sự giao hòa Bắc - Nam ở
khu Ông Tạ. Nếp sống, cách sinh hoạt của đồng bào miền Bắc di cư trong mắt những
người Nam cố cựu cứ “ngồ ngộ”. Mà không chỉ trong cách nhìn của người Nam,
chính đồng bào Bắc di cư khi đặt chân đến vùng đất mới cũng có cảm giác lạ lẫm,
tác giả nói rằng: “Hai bên ngó nhau, nhìn nhau đều thấy là lạ”.
Nhưng không vì sự “là lạ” đó mà nghi kị hay
chia rẽ, trái lại biết cách dung hòa, chung sống với nhau, kết thành tình chòm
xóm để cùng nhau “sống phẻ” trong thời buổi khó khăn. Đặc biệt, tác giả Cù Mai
Công còn chỉ ra được tính cách hào sảng của người Nam bộ như “không thích ganh
đua từng tấc đất với bà con lối xóm”.
Chỉ những nét phác họa thoáng qua cũng đủ cho
độc giả thế hệ sau hình dung về thời tình làng nghĩa xóm còn được xem trọng,
không ganh đua mà cũng không kín cổng cao tường khép lòng với nhau, “nhà cửa bà
con rào sơ sài lắm; nhà này nhà kia khó phân biệt đất của ai. Có nhà cổng rào
xiêu đổ, tối cũng không đóng. Đám con nít chúng tôi khi chơi rượt đuổi vô tận
sân nhà họ, chưa nghe chửi lần nào”.
Sự giao hòa này còn thể hiện ở chỗ những món
ăn mang vị Bắc đã tìm được chỗ đứng ở miền Nam, cho đến những nghề “tưởng chừng
không phù hợp với Sài Gòn” như các tiệm may áo dài khăn đóng, áo the, áo gấm Bắc…
Từ “trung tâm” Ông Tạ cho đến những ngoại vi
như ngã tư Bảy Hiền. Từ những sự kiện còn lưu sử sách đến những món ăn bình
dân. Từ những văn nhân, nghệ sĩ, võ sư sinh sống ở khu Ông Tạ đến du đãng hay
những người dân lương thiện. Sài Gòn một thuở “Dân Ông Tạ đó!” của
tác giả Cù Mai Công đã vẽ nên bức tranh sinh động về một khu vực, dẫu chỉ là một
phần của Sài Gòn, nhưng đủ sức chứa đựng trong đó biết bao thăng trầm, bao phận
người và bao ký ức của nhiều thế hệ.
Bài và ảnh: Huỳnh Trọng Khang
No comments:
Post a Comment