https://www.facebook.com/trua3/posts/3807041886061371
Đà Nẵng vừa chấp thuận chủ trương kêu gọi đầu
tư khu vực hồ Trước Đông, xã Hoà Nhơn để làm đô thị sinh thái. Việc này theo
tôi là không nên, nhất là ở những vị trí xa trung tâm và còn khá hoang sơ như
thế này. Vì trong đồ án Quy hoạch chung TP.ĐN đến năm 2030 tầm nhìn 2045 mới được
thông qua, quy mô dân số ĐN đã điều chỉnh lại chỉ còn 1,79 triệu dân và cách
đây 2 năm, ông Trương Quang Nghĩa, nguyên Bí thư ĐN cũng đã phát biểu, rằng quỹ
đất ở của thành phố hiện đủ đáp ứng cho 2,5 triệu dân, tức là với dân số 1,13
triệu người như hiện nay cùng tốc độ tăng dân số trung bình 2,54% như 10 năm
qua thì quỹ đất ở của ĐN hiện vẫn đủ đáp ứng đến 30 năm nữa.
Chưa kể, nhiều chuyên gia qui hoạch trong và
ngoài nước cũng đã khuyến nghị ĐN nên định hướng phát triển theo mô hình đô thị
nén ở trung tâm để vừa tăng hiệu quả tài nguyên đất vừa tiết kiệm được quỹ đất
làm khu vui chơi, công viên và các công trình công cộng.
Việc “phát triển đô thị” tràn lan trong quá khứ
đã giúp tốc độ đô thị hoá được đẩy nhanh mà nhà nước lại sớm có nguồn thu từ tiền
sử dụng đất nhưng cũng đã để lại nhiều hệ lụy lâu dài, cả về mặt kinh tế, xã hội
và môi trường, đến mức gần như không thể sửa chữa được. Đó là một đô thị thấp tầng,
dàn trải với quá nhiều nhà ống, ít mảng xanh còn văn hoá bản địa thì ngày càng
mai một khiến chỉ sau mấy chục năm tăng trưởng, giờ đây, ĐN đang có dấu hiệu chững
lại, phải loay hoay giải bài toán khó là làm sao gia tăng được tiện ích căn bản
cho người dân như mật độ cây xanh, bãi đỗ xe công cộng hay các thiết chế văn
hoá trong khi quỹ đất đô thị thì đã dần cạn kiệt.
Vậy mà, không hiểu sao ĐN lại tiếp tục “phát
triển đô thị” ở ngoại ô, nơi nhu cầu ở không cao, lại ngay vị trí hồ chứa nước
có nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ cho nông nghiệp mà không làm ở đây một “vành đai
xanh”- chuyển tiếp giữa vùng đô thị và đồi núi.
Hãy thử hình dung với vị trí hồ nước rộng mênh
mông hiếm hoi còn sót lại cùng thảm thực vật xanh rì bao quanh như ở hồ Trước
Đông, ĐN cải tạo khu vực này thành công viên công cộng với đường dạo ven hồ, đường
đạp xe xuyên qua những tàn cây và bố trí các bãi cắm trại cùng nhiều lò nướng
BBQ nằm rải rác phục vụ các hoạt động dã ngoại cho người dân và du khách mà
xem.
Này nhé, mỗi buổi chiều cuối tuần, nếu đã chán
những khu du lịch ồn ào, đông đúc hoặc “mệt quá giữa thành phố sống chồng lên
nhau”, các gia đình có thể đến đây, vừa chuyện trò ngắm hoàng hôn vừa nướng thịt
bên lò than hồng. Đây đó, ở giữa mặt hồ yên ả là các nhóm trẻ đang chèo sup và
xa xa là những cô cậu học trò đang tư lự đọc sách dưới tán cây xanh mát. Còn những
đứa trẻ, sau một ngày nô đùa mệt nhoài thì việc được ngủ trong lều và ngắm những
vì tinh tú lấp lánh trong màn đêm tĩnh lặng sẽ là một ký ức tuổi thơ khó thể
nào quên.
Làm được vậy có tốt hơn là tổ chức đấu thầu
cho nhà đầu tư khai thác làm đô thị sinh thái, mà thực chất là chỉ thi công vài
ba hạng mục hạ tầng đơn giản rồi phân lô bán nền? Chưa kể, trong chủ trương kêu
gọi đầu tư vào hồ Trước Đông, với diện tích mặt nước, đồi núi lên đến gần 100
ha như vậy mà chỉ có 92 biệt thự, nghĩa là toàn bộ khu vực thiên nhiên tuyệt đẹp
này chỉ dành riêng cho 92 gia đình giàu có nào đó trong khi thành phố lại đang
rất thiếu sân chơi cho thanh thiếu niên tham gia các hoạt động ngoài trời, thì
có phải là càng khoét sâu hơn sự bất bình đẳng giàu nghèo.
Ở hầu hết các dự án thế này, thường thì TP sẽ
chuyển đất từ các mục đích khác nhau sang loại đất ở có thời hạn sử dụng lâu
dài, và thu tiền một lần coi như xong. Sau đó, TP chuyển đổi tài sản này thành
nguồn vốn, bổ sung vào ngân sách một lần và gần như kết thúc việc hưởng giá trị
gia tăng từ quỹ đất ở.
Ngoài ra, thực tế còn cho thấy việc phân lô
bán nền trong quá khứ phần lớn chỉ làm lợi cho những nhóm nhà đầu tư thứ cấp ở
xa vào “lướt sóng” chứ không thật sự có nhu cầu để ở, khiến đất đai bị bỏ hoang
nhiều năm, vừa lãng phí nguồn vốn đầu tư bị chôn vùi vừa gây mất cảnh quan đô
thị.
Tóm lại, phát triển các dự án phân lô bán nền
chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn trước mắt, còn về lâu dài sẽ phát sinh nhiều hệ
lụy cho cả nhà nước và xã hội. Vậy nên, khi quỹ đất không còn nhiều nữa, ĐN cần
giảm phụ thuộc vào nguồn thu này, sớm cơ cấu lại nền kinh tế theo chiều sâu như
công nghiệp, công nghệ thông tin hay các star-up sáng tạo.
Ngày nay, trong một thế giới biến động không
ngừng, những thứ hôm qua được gọi là “xé rào”, là “đột phá” được công chúng vỗ
tay, hoan nghênh thì hôm nay đã có thể trở thành lỗi thời, lạc hậu.
Ngày nay, không nhà lãnh đạo nước văn minh nào
còn khoe khoang về thành tích kêu gọi được nhiều dự án bất động sản về nữa. Qua
rồi những đô thị với nhà cao tầng dày đặc tượng trưng cho sự phát triển được ca
ngợi nữa vì biết đâu bên dưới là những dòng xe hơi sang trọng đang bấm còi inh ỏi
vì tắc đường. Thay vào đó, di sản mà nhà lãnh đạo được nhớ nhất lại là về một tầm
nhìn dài lâu, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid làm đảo lộn cả thế giới, buộc
con người phải soi rọi lại mình và đòi hỏi nhiều hơn nữa vào tư duy phát triển
bền vững.
Một đô thị nhân văn hướng đến chất lượng sống
của người dân, nơi vỉa hè thân thiện phủ rợp bóng cây cho khách bộ hành và người
tàn tật thoải mái đi lại, nơi xe đạp ngày càng được khuyến khích sử dụng và có
mạng lưới làn đường riêng kết nối lại với nhau, nơi công viên chỉ cách nhà dân
mươi phút đi bộ như là quyền được sử dụng nước sạch vậy, nơi không gian công cộng
được chú trọng thiết kế nhiều để ngay cả trẻ em cũng thoải mái nô đùa còn các cộng
đồng dân cư đa dạng, nhiều màu sắc thì thường xuyên gặp gỡ nhau, nơi người giàu
và người nghèo, ai cũng có thể thoải mái tiếp cận bờ sông, bãi biển hay ngọn
núi vì họ mới chính là chủ nhân thật sự của những nơi này.
Tóm lại, một đô thị vị nhân sinh, lấy con người
làm trung tâm, nơi tất cả người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát
triển, cả vật chất lẫn đời sống tinh thần, có trách nhiệm tham gia và tự hào về
phần đóng góp của mình vào đấy mới là một đô thị đáng sống và vững bền.
XEM HÌNH :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=3807029552729271&set=pcb.3807041886061371
https://www.facebook.com/photo/?fbid=3807029682729258&set=pcb.3807041886061371
https://www.facebook.com/photo/?fbid=3807029589395934&set=pcb.3807041886061371
https://www.facebook.com/photo/?fbid=3807029956062564&set=pcb.3807041886061371
https://www.facebook.com/photo/?fbid=3807029839395909&set=pcb.3807041886061371
No comments:
Post a Comment