Sunday, 4 April 2021

KẾ HOẠCH AJP $2,300 TỶ, ĐƯỢC và CHƯA ĐƯỢC (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Kế hoạch AJP $2,300 tỷ, được và chưa được

Hiếu Chân/Người Việt

Apr 3, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ke-hoach-ajp-2300-ty-duoc-va-chua-duoc/

 

Như truyền thông đã báo trước từ lâu, hôm Thứ Tư, 31 Tháng Ba, Tổng Thống Joe Biden đã chính thức công bố chi tiết gói kích thích kinh tế lớn của chính phủ, có tên Kế Hoạch Việc Làm Mỹ (American Jobs Plan, AJP) với nội dung chính là đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật vốn đã cũ kỹ, lạc hậu và nguy hiểm, không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế Hoa Kỳ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/04/A1-Ke-hoach-viec-lam-2300-ty-1536x1022.jpg

Với số tiền đầu tư vào giao thông công chánh ít ỏi, kế hoạch AJP chỉ nhắm tới xây mới và nâng cấp 32,000 kilomet xa lộ liên bang, sửa chữa 10 cây cầu lớn, quan trọng về kinh tế và hơn 10,000 cây cầu nhỏ… Trong hình, làm đường xa lộ 405 ở Los Angeles, California. (Hình minh họa: Kevork Djansezian/Getty Images)

 

Đã có nhiều bài báo phân tích kế hoạch có chi phí tới $2,300 tỷ này, ý kiến ủng hộ có nhiều mà phản đối cũng không ít, nhất là ý định tăng thuế lợi tức để lấy tiền tài trợ cho kế hoạch. Bạn đọc quan tâm có thể tìm thấy các phân tích đó trên báo chí dòng chính, kể cả báo chí tiếng Việt và mạng xã hội Facebook. Chúng tôi chỉ muốn tập trung vào một khía cạnh của vấn đề hiện còn ít được đề cập tới: Kế hoạch AJP có ý nghĩa như thế nào trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc – đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ trên đấu trường thế giới hiện nay.

 

Các nhà kinh tế học thường nói “hạ tầng phải đi trước một bước” vì không hoạt động kinh tế nào có thể cất cánh từ những hệ thống đường sá thiếu thốn và hư hỏng, cầu cống yếu và tắc nghẽn, bến cảng phi trường chật chội hoặc hệ thống điện chập chờn. Nước Mỹ từng có hệ thống hạ tầng hàng đầu thế giới, nhất là hệ thống đường xa lộ liên bang được xây dựng dưới thời Tổng Thống Franklin D. Roosevelt (1882-1945). Nhưng sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, cơ sở hạ tầng của Mỹ đã kém hơn rất nhiều nước, xếp vị trí 13 thế giới về hạ tầng nói chung và thấp hơn nữa trong các lĩnh vực cụ thể như giao thông công cộng, Internet tốc độ cao.

 

Hiệp Hội Kỹ Sư Xây Dựng Hoa Kỳ (American Society of Civil Engineers) đánh giá cơ sở hạ tầng của Mỹ chỉ đạt điểm C-, tức là hạng trung bình. Theo hiệp hội này, cứ 10 cây cầu ở Mỹ có bốn cây đã quá 50 năm tuổi, cứ mỗi 2 phút lại có một vụ bể đường ống nước; và ở khắp nơi người dân dễ dàng chỉ ra những con đường, cầu cống, đường ống, hải cảng và phi trường cũ kỹ, lạc hậu và nguy hiểm. Nhiều khu vực trong nước không có đường truyền Internet tốc độ cao và ổn định. Trong thời gian dịch bệnh, sinh viên học sinh các khu dân cư thu nhập thấp phải bỏ học vì không kết nối được các lớp học trực tuyến.

Với tình trạng hạ tầng như vậy, phát triển kinh tế để nâng cao đời sống người dân đã là chuyện khó, nói gì tới việc cạnh tranh với Trung Quốc – nơi mà đảng Cộng Sản cầm quyền nhiều thập niên qua đã dồn tổng lực vào xây dựng mạng lưới xa lộ, đường sắt tốc độ cao, xây dựng mới nhiều phi trường, hải cảng mà ngay cả các quốc gia phát triển ở Châu Âu cũng thèm muốn và ghen tị. Các nhà quan sát gần đây ghi nhận cứ mỗi năm Trung Quốc lại xây dựng thêm 10,000 cây số xa lộ và 4,000 cây số đường sắt!

 

Hôm 21 Tháng Hai, một tháng sau ngày nhậm chức, Tổng Thống Biden nói với các thượng nghị sĩ: “Nếu chúng ta không hành động, [người Trung Quốc] sẽ ăn hết bữa trưa của chúng ta. Họ đang đầu tư hàng tỷ đô la để giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan tới giao thông công chánh, môi trường và nhiều thứ khác. Chúng ta phải bước lên thôi.”

 

Quan điểm này nhất quán với đường lối cạnh tranh với Trung Quốc của chính phủ Mỹ: một là xây dựng các khối liên minh dân chủ chống độc tài, và hai là xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn, mạnh hơn để Trung Quốc không thể lấn lướt Mỹ trên con đường làm chủ tương lai. Nghĩa là, Mỹ phải đầu tư mạnh vào xây dựng và nâng cấp cả cơ sở giao thông công chánh, Internet tốc độ cao, hệ thống điện năng, nghiên cứu và phát triển các công nghệ của tương lai và đào tạo huấn luyện lực lượng lao động.

 

Tuy vậy, xem xét kế hoạch AJP mà Tổng Thống Biden công bố, không thể không thất vọng. Trong kế hoạch $2,300 tỷ, chỉ có gần một nửa được dành để xây dựng và nâng cấp hạ tầng cơ sở, gồm $621 tỷ cho các dự án giao thông công chánh như cầu, đường, sân bay, giao thông công cộng, trạm sạc xe điện; $111 tỷ cải thiện mạng đường ống cung cấp nước, $100 tỷ mở rộng mạng Internet tốc độ cao và $100 tỷ nâng cấp lưới điện.

 

Gần một nửa chi phí của kế hoạch được dành cho những hạng mục “nhân văn” như $400 tỷ cho việc chăm sóc người cao niên và người khuyết tật, $213 tỷ xây dựng các khu gia cư xanh và hợp túi tiền, $137 tỷ cho hệ thống trường học và nhà trẻ, $100 tỷ cho việc huấn nghệ… Đồng ý rằng những hạng mục này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao điều kiện sinh sống của các cộng đồng dân cư nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội – một mục tiêu lâu dài của đảng Dân Chủ – nhưng so với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế để tăng sức cạnh tranh của nước Mỹ, đó là những hạng mục chưa thật sự cấp bách.

 

Với số tiền đầu tư vào giao thông công chánh ít ỏi như vậy, kế hoạch AJP chỉ nhắm tới mục đích khiêm tốn là xây mới và nâng cấp 32,000 kilomet xa lộ liên bang, sửa chữa 10 cây cầu lớn, quan trọng về kinh tế và hơn 10,000 cây cầu nhỏ, thay thế các đường ống bị nhiễm chì trong hệ thống cung cấp nước, cải thiện hệ thống cung cấp điện, đường truyền Innternet và giao thông công cộng.

 

Đối với doanh nghiệp, kế hoạch AJP dành $180 tỷ cho “nghiên cứu và phát triển (R&D) các công nghệ của tương lai” và $300 tỷ trợ cấp các ngành công nghiệp chế tạo. Những khoản tiền đó xem ra khá lớn nhưng thật sự chẳng đáng so với nhu cầu của nền kinh tế Mỹ và yêu cầu cạnh tranh với Trung Quốc.

 

Mỹ đang bị Trung Quốc bắt kịp và vượt qua ở những lĩnh vực công nghệ mới như viễn thông thế hệ thứ năm (5G), điện toán lượng tử (quantum computer), trí tuệ nhân tạo (AI)… Các tập đoàn kinh tế quốc doanh, hoặc quốc doanh núp bóng tư nhân của Trung Quốc được chính phủ Bắc Kinh trợ cấp rất lớn thông qua việc cấp đất đai, cho vay ưu đãi, miễn giảm thuế… nhằm thực hiện chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) và giành thị phần trên thị trường công nghệ thế giới. Riêng trong lĩnh vực R&D, Quốc Hội Trung Quốc năm ngoái đã quyết định dành mỗi năm $560 tỷ đầu tư cho các công nghệ mới.

 

Trong khi đó, ở Hoa Kỳ đầu tư cho R&D ngày càng giảm và có xu hướng khoán trắng cho các công ty tư nhân theo chủ trương thu nhỏ vai trò của chính phủ và để cho thị trường tự do tự điều tiết. Nếu như vào thời Tổng Thống Ronald Reagan cách đây 20 năm, chi phí cho R&D hằng năm của chính phủ Hoa Kỳ chiếm tới 1.4% tổng sản lượng GDP, tương đương với khoảng $300 tỷ thời giá năm 2021 thì hiện nay tỷ lệ này chỉ còn 0.6%, vào khoảng $130 tỷ.

 

Khoản đầu tư $180 tỷ cho R&D trong kế hoạch AJP của Tổng Thống Biden được phân bổ trải dài trong tám năm, bình quân mỗi năm chỉ có $22.5 tỷ, cộng với ngân sách phân bổ hiện nay thì cũng chỉ trong khoảng $150 tỷ mỗi năm. Để duy trì vị thế dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ mới, trong nền kinh tế số và trí tuệ nhân tạo, cần có thêm nhiều tiền đầu tư vào công nghệ.

 

Lấy một lĩnh vực cụ thể để xem xét: công nghệ bán dẫn. Mỹ là nước phát minh và dẫn đầu công nghệ vi mạch, công nghệ bán dẫn cho đến cuối thế kỷ 20, hình thành nên cả một Thung Lũng Điện Tử (Silicon Valley) ở phía bắc California. Nhưng lợi thế của Mỹ đã trở thành quá khứ. Một kỹ sư người Việt ở Silicon Valley cho biết, về công nghệ bán dẫn, công ty mà anh đang làm việc – một tên tuổi lớn trong ngành – hiện đi sau các đối thủ cạnh tranh như Samsung Electronics của Nam Hàn khoảng 10 năm. TSMC của Đài Loan, Samsung của Nam Hàn từ năm ngoái đã đưa ra thị trường những bộ vi mạch có kích thước 5 nanomet cho điện thoại thông minh thế hệ mới trong khi Intel Mỹ mới bắt đầu xây nhà máy ở Arizona để sản xuất vi mạch 7 nanomet vào năm 2024! Sự vượt trội của Huawei Trung Quốc trong công nghệ viễn thông 5G cũng là một trường hợp cho thấy việc đầu tư không tương xứng vào R&D đã khiến người Mỹ bị qua mặt như thế nào.

 

Khác với Trung Quốc, ở Mỹ các khoản đầu tư của chính phủ chỉ có tính chất xúc tác, mở hướng đi cho các tập đoàn công nghiệp tư nhân và tư nhân mới đóng vai trò chính trong công cuộc canh tân, sáng tạo. Nhưng để có tác dụng xúc tác, khoản đầu tư của chính phủ ít ra phải có quy mô tương xứng và hợp lý.

 

Kế hoạch đầu tư hạ tầng AJP của Tổng Thống Biden là hết sức đúng đắn và cần thiết cho nước Mỹ trong cuộc cạnh tranh hiện nay. Đó cũng là chiến lược dễ đạt được ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, để thu hút được sự đồng thuận của lưỡng đảng trong Quốc Hội, biến kế hoạch thành luật, có lẽ Tổng Thống Biden nên cân nhắc, tạm gác những chương trình chưa thật sự cấp bách để dồn sức vào việc đưa kinh tế Mỹ lên một tầm cao mới, cạnh tranh có hiệu quả với đối thủ bên kia Thái Bình Dương. [qd]

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats