Friday, 2 April 2021

HỘI ĐỒNG BẢO AN LHQ TỐ CÁO TẬP ĐOÀN QUÂN SỰ MYANMAR ĐÀN ÁP LÀM HÀNG TRĂM NGƯỜI THIỆT MẠNG (RFI / BBC)

 


NỘI DUNG :

Miến Điện : Hội Đồng Bảo An LHQ tố cáo tập đoàn quân sự đàn áp làm hàng trăm người thiệt mạng

Thanh Hà  -  RFI

.

Đảo chính Myanmar: Hơn 40 trẻ em bị quân đội giết hại

BBC Tiếng Việt

 

=============================================

.

.

Miến Điện : Hội Đồng Bảo An LHQ tố cáo tập đoàn quân sự đàn áp làm hàng trăm người thiệt mạng

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 02/04/2021 - 14:05

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210402-mien-dien-hoi-dong-bao-an-lhq-dan-ap-quan-su

 

Hai tháng sau cuộc đảo chính làm hơn 500 người thiệt mạng, ngày 01/04/2021, cựu cố vấn nhà nước Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi bị ghép thêm tôi danh thứ 5. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án tập đoàn quân sự Miến Điện trấn áp dã man người biểu tình.

 

https://s.rfi.fr/media/display/89c23114-939d-11eb-a2b2-005056bf87d6/w:900/p:16x9/2021-03-28T161924Z_220003198_RC2GKM93BUHU_RTRMADP_3_MYANMAR-POLITICS-BRITAIN.webp

.Hoa và những tấm biển tưởng niệm những ggười biểu tình bị giết hại, đặt trước cửa đại sứ quán Miến Điện ở Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 28/03/2021. REUTERS - HENRY NICHOLLS

 

Tại New York, sau hai ngày đàm phán, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chiều qua, 01/04, đã ra thông cáo « bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình đang xấu đi tại Miến Điện (…) mạnh mẽ lên án bạo lực nhắm vào những người biểu tình ôn hòa, làm hàng trăm thường dân thiệt mạng, trong đó có phụ nữ và trẻ em ». Riêng Anh Quốc, ngay trong ngày hôm qua, đã thông báo biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào một tập đoàn do quân đội Miến Điện kiểm soát.

 

Các nước láng giềng Miến Điện, trước mắt, chưa ban hành lệnh cấm vận, trừng phạt quân đội tiến hành đảo chính. Tuy nhiên Thái Lan tuyên bố « quan ngại sâu sắc » về tình hình Miến Điện. Philippines, Malaysia, Indonesia hay Singapore cũng lên tiếng trước tình trạng « bạo lực leo thang » ở Miến Điện.

 

Còn tại Miến Điện, đêm qua, phe chống đảo chính đã tổ chức một đêm canh thức, thắp nến tưởng niệm các nạn nhân và kêu gọi tiếp tục đấu tranh, bãi công kháng cự. Nhiều người đặt hoa tại các trạm xe buýt nơi những người biểu tình bị quân đội sát hại.

 

Từ hôm qua, bộ Giao Thông và Thông Tin ra lệnh cho các nhà cung cấp mạng chận các ngả truy cập internet kể từ hôm nay 02/04/2020. Mục tiêu của chính quyền Naypyidaw là ngăn chận các cuộc xuống đường, không để cho người biểu tình liên lạc với nhau qua các mạng xã hội.

 

Cũng trong ngày hôm qua, luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết bà đã ra trình diện tòa qua cầu truyền hình. Phiên tòa chủ yếu tập trung vào việc chỉ định 8 luật sư chính bảo vệ cho cựu cố vấn Nhà nước Miến Điện.

 

Trong phiên trình diện tòa, lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, đã bị cáo buộc thêm một tội danh mới. Trả lời hãng tin Reuters, luật sự Min Min Soe cho biết, căn cứ vào một đạo luật có từ thời Miến Điện còn là thuộc địa của vương Quốc Ạnh, quân đội nước này cáo buộc bà Aung San Suu Kyi « vi phạm luật bí mật quốc gia ». Đây là tội danh thứ 5 và cũng là tội danh nghiêm trọng nhất, mà tập đoàn quân sự gán cho bà Aung San Suu Kyi. Với tội danh này, bà Aung San Suu Kyi có thể bị lãnh án đến 14 năm tù giam.

 

 

Nguy cơ nội chiến

 

Cho dù bị đàn áp dã man, phe chống đảo chính vẫn rất quyết tâm tiếp tục cuộc đấu trang, như lời một sinh viên Sau Lu Naung tại đại học Rangoon đã trả lời nhà báo Camille Marigaux của RFI :

 

« Chúng tôi yêu cầu người biểu tình trang bị mũ an toàn, kính để bảo vệ và găng tay. Bởi vi trước mặt chúng tôi là những người được trang bị súng ống. Người biểu tình khó có thể đáp trả nhưng chúng tôi có thể cản đường họ. Chúng tôi cũng có vũ khí như là gạch đá, chai bom xăng hay súng cao su. Bạo lực gia tăng từng ngày, đến mức có nhiều người biểu tình đã bị bắt, một số bị giết chết. Dân cư ở những bang khác cũng biểu tình và cũng bị binh lính đàn áp. Quân đội sẽ không buông tha. Quân đội có súng và do vậy họ không sợ gì ai, kể cả lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào. Giải pháp duy nhất để giành thắng lợi và tiến hành thành công cuộc cách mạng này là chúng tôi cũng phải tấn công. Chính vì thế chúng tôi lo ngại và e rằng sẽ có nội chiến ».

 

                                                   ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Miến Điện : Nguy cơ nội chiến và hướng đến công bằng sắc tộc ?

 

Hội Đồng Bảo An lên án đàn áp biểu tình ở Miến Điện

 

Trên 500 thường dân Miến Điện thiệt mạng : Mỹ tăng trừng phạt, Hội Đồng Bảo An họp kín

 

----------------------------------------------------------------------

.

.

Đảo chính Myanmar: Hơn 40 trẻ em bị quân đội giết hại

BBC Tiếng Việt

2 tháng 4 năm 2021

https://www.bbc.com/vietnamese/world-56612654

 

Ít nhất 43 trẻ em đã bị giết bởi các lực lượng vũ trang ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự hồi tháng Hai, theo tổ chức nhân quyền Cứu trợ Trẻ em (Save the Children).

 

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nói Myanmar đang ở trong một "tình huống ác mộng", với nạn nhân nhỏ tuổi nhất chỉ mới 6 tuổi.

 

Một tổ chức địa phương đưa ra con số người chết là 536.

 

Mỹ lên án Myanmar 'trị vì bằng khủng bố'

Myanmar: Tướng lĩnh tiệc tùng sau vụ bắn giết người biểu tình

Những 'cánh sao rơi' trong ngày chết chóc nhất của Myanmar

 

Trong khi đó, nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi đã bị buộc tội vi phạm đạo luật bí mật quốc gia.

Bà Suu Kyi, cùng với 4 đồng minh của bà, bị buộc tội vào tuần trước, nhưng tội danh bị cáo buộc - có mức án tù lên đến 14 năm - giờ mới được làm rõ.

 

Cáo buộc mới đối với bà Suu Kyi ngoài các cáo buộc trước đó là sở hữu máy bộ đàm bất hợp pháp, vi phạm các hạn chế của Covid-19 trong chiến dịch bầu cử năm ngoái và công bố thông tin có thể "gây sợ hãi hoặc báo động".

 

Đặc phái viên của LHQ tại Myanmar đã cảnh báo về nguy cơ một "cuộc tắm máu sắp xảy ra" khi chiến dịch trấn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở nước này ngày càng gia tăng.

 

Lời cảnh báo được đưa ra sau khi bùng phát giao tranh giữa quân đội và dân quân dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới.

 

LHQ đã trở thành tổ chức mới nhất thúc giục gia đình các nhân viên rời đi, nhưng cho biết một số người sẽ ở lại.

 

Tình trạng bất ổn ở Myanmar bắt đầu từ hai tháng trước, khi quân đội giành quyền kiểm soát đất nước sau cuộc bầu cử mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng.

 

Khi hàng chục nghìn người xuống đường trên toàn quốc để phản đối cuộc đảo chính, quân đội đã sử dụng vòi rồng để giải tán họ. Sau một tuần, phản ứng leo thang, đạn cao su và đạn thật được sử dụng.

 

Ngày đẫm máu nhất của cuộc xung đột cho đến nay là vào thứ Bảy, với hơn 100 người thiệt mạng.

 

 

Bé sáu tuổi bị giết

 

Các nhân chứng nói rằng các lực lượng vũ trang đã tấn công người dân một cách ngẫu nhiên trên đường phố, và một số người thậm chí đã bị giết ngay tại nhà của họ.

 

Gia đình của bé gái sáu tuổi Khin Myo Chit nói với BBC rằng cô bé đã bị cảnh sát giết chết khi chạy về phía cha mình trong một cuộc đột kích vào nhà của họ ở thành phố Mandalay vào cuối tháng Ba.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/12BF/production/_117799740_319e8591-4581-4cff-87fb-c9982cd84e63.jpg

Người thân khóc trong lễ tang Tun Tun Aung, người bị giết chết ở Mandalay

 

"Họ đá vào cửa để mở cửa", chị gái của cô bé, May Thu Sumaya, 25 tuổi, nói. "Khi cửa mở, họ hỏi cha tôi xem có người nào khác trong nhà không."

 

Khi cha tôi nói không, họ buộc ông tội nói dối và bắt đầu lục soát ngôi nhà, cô nói.

 

Đó là khoảnh khắc Khin Myo Chit chạy đến chỗ cha của mình. "Sau đó, họ bắn và đánh cô bé," May Thu Sumaya nói.

 

Trong số những người thiệt mạng còn có một cậu bé 14 tuổi được cho là đã bị bắn khi đang ở trong nhà - hoặc gần nhà của cậu ở Mandalay. Một cậu bé khác 13 tuổi bị bắn ở Yangon khi đang chơi trên đường phố.

 

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã cảnh báo rằng số lượng trẻ em bị thương trong các cuộc đụng độ có khả năng rất cao, và đưa ra dẫn chứng trường hợp của một em bé một tuổi bị bắn vào mắt bằng một viên đạn cao su.

 

Tổ chức này cảnh báo rằng bạo lực có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em khi chúng phải chịu đựng sự sợ hãi, đau buồn và căng thẳng.

 

"Trẻ em đã chứng kiến bạo lực và kinh hoàng," Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết trong một tuyên bố. "Rõ ràng là Myanmar không còn là nơi an toàn cho trẻ em."

 

Các luật sư đại diện cho bà Suu Kyi cho biết hôm thứ Năm rằng không rõ liệu thân chủ của họ có biết về cách các sự kiện đang diễn ra trên khắp đất nước hay không.

 

"Chúng tôi không thể nói liệu [bà Suu Kyi] có biết về các tình huống bên ngoài hay không - bà ấy có thể biết hoặc có thể không biết", luật sư Min Min Soe nói với hãng tin Reuters, đồng thời nói thêm rằng nhà lãnh đạo bị lật đổ "dường như trong tình trạng sức khỏe tốt".

 

Bạo lực đã gây ra một làn sóng phản đối quốc tế, với nhiều quốc gia khác nhau - bao gồm cả Mỹ và Anh - thông báo các biện pháp trừng phạt chống lại các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính và các công ty có liên hệ với quân đội.

 

Hôm thứ Năm, Anh đã công bố các biện pháp tiếp theo chống lại Tập đoàn Kinh tế Myanmar (MEC), một tập đoàn đã cung cấp tiền cho quân đội Myanmar.

 

"Quân đội Myanmar đã có những động thái mất nhân tính ở cấp độ mới, với hành vi giết người vô tội, bao gồm cả trẻ em", Ngoại trưởng Dominic Raab nói. "Các hành động mới nhất của Vương quốc Anh nhắm vào một trong những nguồn tài trợ quan trọng của quân đội và tăng thêm các lệnh trừng phạt lên quân đội vì những vi phạm nhân quyền của họ."

 

                                                 ***

Tin liên quan

·          

Myanmar: Mỹ ‘kinh khiếp’ trong ngày chết chóc nhất kể từ cuộc đảo chính

28 tháng 3 năm 2021

.

Đảo chính Myanmar: Tướng lĩnh tiệc tùng sau phản ứng về loạt thảm sát

29 tháng 3 năm 2021

.

Những 'cánh sao rơi' trong ngày chết chóc nhất của Myanmar

30 tháng 3 năm 2021

.

Myanmar: sư chia rẽ quan điểm về đàn áp bạo lực 

31 tháng 3 2021

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats