Cuộc cách mạng ruộng đất rơi vào bế
tắc
Thứ Sáu, 04/16/2021 - 08:37 — VietTuSaiGo
https://www.rfavietnam.com/node/6760
Trước đây chưa đầy mười năm, tôi dự đoán tại
Việt Nam sẽ có một cuộc cách mạng nông điền, và tin rằng cuộc cách mạng này sẽ
làm thay đổi cục diện chính trị quốc gia. Sau dự đoán của tôi vài năm, có những
bước ngoặt về ruộng đất, từ gia đình anh Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng cho đến rất
nhiều gia đình chính thức trở thành dân oan (một bước dẫn nhập cách mạng) ở vườn
hoa Mai Xuân Thưởng, công viên Lý Tự Trọng, Hà Nội. Nhưng rất tiếc, câu chuyện
có vẻ như càng ngày càng đi vào bế tắc bởi hầu hết các dẫn nhập đều không có
phương hướng và qui chuẩn đạo đức. Chính cái sự thiếu phương hướng và qui chuẩn
đạo đức, cuộc cách mạng vừa manh nha đã nhanh chóng đi đến bế tắc và không lối
thoát.
Vậy đâu là phương hướng và qui chuẩn đạo đức?
Nói cho cùng, phương hướng, mục đích của một cuộc cách mạng bao giờ cũng là tự
do, dân chủ, bác ái và tiến bộ. Và các qui chuẩn đạo đức của cuộc cách mạng đó
phải xoay quanh trục Tự Do, Dân Chủ, Bác Ái và Tiến Bộ. Những thuật ngữ này, nếu
chỉ đọc trên miệng và không định nghĩa về nó một cách chính xác thì chắc chắn,
cuộc cách mạng sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Ngay cả cuộc cách mạng tháng
Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng rất thành công của người Cộng sản, nhưng sự
thất bại của nó nằm ở chỗ các qui chuẩn đạo đức cũng như phương hướng lệch lạc
nên mới có tình trạng khủng hoảng tâm lý nhân dân từ cải cách ruộng đất, đấu tố
cho đến tịch biên, đánh tư sản sau này. Và mãi đến bây giờ, cuộc cách mạng
tháng Tám cũng chỉ là một cuộc cách mạng máu, hết sức lệch pha so với chủ
trương nó đã nêu. Càng về sau, nó càng cho thấy đó là một cuộc cách mạng không
có thật bởi nó đã bị đánh tráo mục đích ngày từ đầu. Thay vì chọn tự do, dân chủ,
bác ái như chủ trương nó đã nêu thì nó chuyển sang mục đích vụ lợi của nhóm
lãnh đạo chóp bu và dẫn đến tình trạng cát cứ bên dưới, hệ quả là nó biến thành
một thế lực khủng bố và bóc lột nhân dân.
Nhắc đến cuộc cách mạng này vì hiện tại, những
đường dẫn cách mạng nông điền có dấu hiệu lệch pha, cũng dùng bạo lực, bạo động,
bỏ qua những qui tắc pháp luật và mượn sự bất mãn của nhân dân như một công cụ.
Bởi nếu vì mục đích như đã nói, những khởi sự sẽ có những lựa chọn ít tốn sinh
mạng và ít đổ máu nhất, cũng như việc chọn một hành lang pháp lý gần với thực tại
để bảo đảm đi đến thành công theo mục đích ban đầu. Đảm bảo thành tựu cách mạng
xoay quanh trục bác ái, dân chủ, công bằng, văn minh và tiến bộ.
Những trường hợp tôi ví dụ ở đây tôi sẽ không
nêu đích danh, nhưng chắc chắn có sự lệch pha. Thứ nhất, một số cộng đoàn, tôn
giáo đã xây dựng, mở các cơ sở kinh tế trên đất nông nghiệp và mọi cam kết hay
chuyển nhượng không thông qua cơ quan địa chính cũng như các thủ tục cần thiết
về mặt pháp luật. Rõ ràng ở đây đã có sự bỏ qua, thậm chí cố tình bỏ qua và
không xem hệ thống luật đất đai cũng như các thiết chế về đất đai có giá trị.
Những tập thể lựa chọn theo hướng này có khuynh hướng phi chính phủ và chắc chắn
họ phải đối mặt với chính phủ trong lựa chọn của mình. Trong khi đó, chính phủ
có luật chơi của họ và họ mặc nhiên luật chơi của họ là tiêu chuẩn, là qui chuẩn
đạo đức hiện hành, những gì trái với luật chơi (thông qua luật đất đai) họ sẽ
xem là phi chính phủ, trái luật và thậm chí là “phản động”. Và tất cả những gì
diễn ra lâu nay đã chứng minh điều đó.
Trường hợp khác, các cá nhân ngay từ đầu đã
sai về mặt pháp luật khi xây dựng trên đất chưa cấp sổ đỏ, đất nông nghiệp, lâm
nghiệp (chuyện này diễn ra khá nhiều ở những năm 1980 và được nhà nước cấp sổ đỏ,
nhưng hiện tại, nhà nước cấm tuyệt đối và mọi công trình xây dựng trên đất nông
nghiệp, lâm nghiệp đều bị phá dở) và duy trì nó bằng cách thông đồng với cán bộ
địa phương, chạy các loại giấy tờ để chứng minh sự có mặt của mình như sổ hộ khẩu,
đăng ký điện, đăng ký nước thủy cục… Nhưng không có bìa đỏ. Những việc như thế
có thể du di ở những năm 1980 nhưng hiện tại, các công trình sẽ bị tháo dỡ và nếu
như đó là công trình đầu tư số tiền lớn thì nghiễm nhiên cảnh màn trời chiếu đất
xảy ra và người ta trong chốc lát trở thành dân oan.
Đương nhiên, con số nêu trên không nhiều bằng
các dân oan đích thực, bị cán bộ địa phương toa rập, mánh khóe để lấy đất, cướp
đất trắng trợn nhân danh sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý. Và các dân oan này
phản ứng theo đúng trình tự pháp luật nhưng vẫn bị dìm quyền lợi. Thậm chí, bị
cán bộ địa phương nhân cơ hội trấn áp các “dân oan” của nhóm trên để đè bẹp
luôn nhóm dân oan thực thụ. Đây là vấn đề lợi bất cập hại.
Sở dĩ xảy ra những chuyện đáng tiếc và tương tự
như vậy ở rất nhiều nơi là do ngay từ đầu, bản thân của người dân đã có những lựa
chọn không sòng phẵng với chính bản thân của họ và đương nhiên với luật chơi
nhà nước hiện hành. Bất kỳ đảng phải chính trị nào khi nắm quyền lực nhà nước
trong tay, việc đầu tiên là họ thiết lập hệ thống các qui định có lợi cho họ,
điều này không thể chối bỏ. Vấn đề của đảng độc tài càng khắt khe hơn và nếu
chúng ta cũng lựa chọn một tâm thế phi chính phủ, khước từ mọi luật chơi do họ
đặt ra thì chắc chắn sẽ chẳng có đấu tranh tiến bộ. Bởi mọi qui ước được chấp
nhận, đương nhiên nó phải có lợi cho số đông, bằng chứng là những người từng
không có mảnh đất cắm dùi trước đây vẫn có khẩu phần ruộng sau Khoán 10 năm
1995.
Vấn đề hiện tại, nếu có cách mạng nông điền
thì phải là cuộc cách mạng có lý lẽ, cuộc cách mạng của những dân oan thực thụ,
tất cả các yếu tố dựa vào kẽ hở pháp luật và không thực sự oan ức về mặt pháp
luật sẽ gây khó cho những người oan ức thực thụ. Vấn đề cách mạng nông điền phải
đi từ chỗ đất sở hữu toàn dân sang đất sở hữu của từng người dân. Và đây là câu
chuyện dài, mà khởi sự của nó phải là đấu tranh chống lại những qui định bất cập,
có tính gian lận về mặt chữ nghĩa của cơ quan lập pháp, của đảng cầm quyền, bên
cạnh đó là đấu tranh cho các dân oan sinh ra từ sự tham lam của giới cán bộ.
Một khi trục cách mạng khởi sự từ những yếu tố
trên, chí ít nó cũng đảm bảo được các tiêu chuẩn về đạo đức, tiến bộ, tự do,
dân chủ, văn minh, không rơi vào tình trạng hầm bà lằng như hiện tại. Không có
gì mau sụp đổ hơn việc trút hầm bà lằng giả thật, xấu tốt, thật thà và gian lận…
vào chung một cái lẩu cách mạng. Chắc chắn, những thứ đó sẽ gây tốn kém và
không dùng được!
No comments:
Post a Comment