Saturday 3 April 2021

CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG COVID-19 CỦA MỸ : KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ (Gregory J. Wallance - The Hill)

 


Chương trình tiêm chủng COVID-19 của Mỹ: không gì là không thể

GREGORY J. WALLANCE  -  The Hill  

Người dịch: An Nguyen & Quyen Tran

02/04/2021

https://www.the-interpreter.org/post/chuong-trinh-tiem-chung-covid-19-cua-my-khong-gi-la-khong-the

 

Translated from THE HILL's article US COVID-19 vaccination program is our 'can do' World War II moment

 

Một đường đua Công thức 1 ở Texas, một đường băng không còn vận hành ở Connecticut và một công viên giải trí Six Flags America ở Maryland có điểm gì chung?

 

By GREGORY J. WALLANCE, on 05-03-2021, 08:00:00

 

https://static.wixstatic.com/media/be74b3_3ec4fb9a1c474cabaf424282a3583781~mv2.png/v1/fill/w_740,h_416,al_c,lg_1,q_90/be74b3_3ec4fb9a1c474cabaf424282a3583781~mv2.webp

 

                                                         ***

 

Một đường đua Công thức 1 ở Texas, một đường băng không còn vận hành ở Connecticut và một công viên giải trí Six Flags America ở Maryland có điểm gì chung? Câu trả lời: những nơi này đều đã được chuyển đổi thành các điểm tiêm chủng COVID-19 hàng loạt.

 

Việc triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 gần như chưa bao giờ suôn sẻ. Nhiều vấn đề vẫn cần được giải quyết, đặc biệt là tiêm chủng cho người cao tuổi, những người có khả năng hoặc nguồn lực hạn chế để đặt lịch hẹn trực tuyến và di chuyển đến các điểm tiêm chủng.

 

Nhưng sự khéo léo và tháo vát đang giúp cho người Mỹ gặt hái kết quả, hệt như trong Thế chiến thứ hai, sau một chuỗi thất bại tan nát vào đầu năm 1942. Nền công nghiệp Mỹ được huy động, các nhà sản xuất ô tô cho ra lò xe tăng và máy bay ném bom, các công ty xe lửa đồ chơi thì chế tạo la bàn cho tàu hải quân.

 

Sự ứng biến đó đang diễn ra ngay trong trận chiến chống lại COVID. Chỉ trong sáu ngày vào tháng Giêng, Trung tâm Y tế Cộng đồng, một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận ở East Hartford, Connecticut, đã thiết lập một điểm tiêm chủng hàng loạt trên đường băng Pratt & Whitney trống trải, phủ đầy tuyết và thiếu điện. Trung tâm này đã đưa xe kéo, máy phát điện, đèn chiếu sáng và nhà vệ sinh di động vào, thiết lập mạng không dây và thuê hàng chục y tá, ngay cả khi họ không biết sẽ được trả công như thế nào

 

Trang web hoạt động với tốc độ nhanh chóng và hiệu quả. Người ta ngồi trên ô tô xếp hàng dài trên đường băng thành 10 hàng song song. (Ai đó đã mang đến hàng nghìn cọc tiêu giao thông màu cam) Lực lượng Vệ binh Quốc gia điều phối những chiếc xe này xuống đường băng, nơi các y tá tiêm chủng, sau đó hướng dẫn những chiếc xe đó đến khu vực chờ đợi để theo dõi các phản ứng phụ. Trang web sử dụng vắc-xin Pfizer- một loại vắc-xin phải được giữ trong tủ đông cực lạnh được đặt tại một sân vận động bóng đá của trường đại học gần đó. Một chiếc xe golf chở các lô vắc-xin chỉ mất hai giờ từ sân vận động đến đường băng. Thời báo New York đã đăng ảnh về hoạt động tại địa điểm tiêm chủng và những bức ảnh đó khiến bạn tự hào là người Mỹ.

 

Trên khắp đất nước, tại những địa điểm không tưởng như trung tâm mua sắm, công viên giải trí và sân vận động thể thao, người dân Mỹ đang làm việc vất vả, cải tiến và trưng dụng tài nguyên (mỗi nhân viên tại đường băng Pratt & Whitney đều được trang bị bộ đàm và IPad). Đây chính là tinh thần “không gì là không thể” kinh điển của người Mỹ.

 

Đại dịch này là một quãng thời gian đen tối đầy rẫy những chết chóc, khổ đau lẫn sự hy sinh và cử chỉ anh hùng. Các thông tấn xã ngày ngày nhắc nhở chúng ta rằng nước Mỹ đã có nhiều công dân ngã xuống vì COVID hơn hết thảy mọi quốc gia. Đến lúc này đây, vẫn còn nhiều sinh mạng người Mỹ mất đi vì COVID, một điều thật bi ai và khó chấp nhận. Thế nhưng, chúng ta cũng đã lấy lại thế chủ động nhờ có công sức của những người như các y tá và Vệ binh Quốc gia tại đường băng Pratt & Whitney. Nước Mỹ hiện cũng đang dẫn đầu về số lượng vaccine đã được tiêm, vượt trội phần còn lại của thế giới.

 

Một cảm giác mới mẻ trong đại dịch COVID này là sự nhẹ nhõm sau khi chích ngừa. Có người thể hiện nó bằng nước mắt, bằng lòng biết ơn, bằng niềm hân hoan, và thậm chí bằng cả bài hát. Phúc thay nữ danh ca Dolly Parton, người đã cất lời hát sau khi được tiêm chủng: “Vaccine, vaccine, vaccine, vacciiine, I’m begging of you, please don’t hesitate (tạm dịch: Vắc xin, vắc xin, vắc xin, vắc xiiin, tôi tha thiết khẩn nài bà con cô bác, xin thôi đừng chần chư chi nữa),” theo giai điệu bản ballad “Jolene” bất hủ của mình, để động viên khán giả cùng làm theo.

 

Trận chiến chống đại dịch COVID-19 tựa như một cuộc chiến tranh toàn diện. Chúng ta vẫn chưa đạt tới thắng lợi trong cuộc chiến này, và mới chỉ có 9% dân số Hoa Kỳ đã tiêm chủng hoàn toàn. Nhưng có lẽ, so với Đệ Nhị Thế Chiến, vị trí hiện tại của chúng ta ít nhất cũng giống như quân Anh sau chiến thắng El Alamein ở Bắc Phi. Winston Churchill đã ra chỉ thị cho nhà thờ khắp nước Anh được phép lần đầu rung chuông kể từ lúc chiến tranh bắt đầu, và dõng dạc tuyên bố, “Đây không phải kết thúc, đây thậm chí còn không phải là khởi đầu của sự kết thúc, mà đây, biết đâu lại là kết thúc của một sự khởi đầu.” Nếu quả thật ta đã đi được đến tận đây, chúng ta đúng là cũng có chút gì đó đáng ăn mừng.

 

 

Người dịch: An Nguyen & Quyen Tran

Biên tập: Khoa Le

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats