Bức
tranh “Tự do dẫn đường cho nhân dân”
Phan
Thành Đạt
25/04/2021
https://baotiengdan.com/2021/04/25/buc-tranh-tu-do-dan-duong-cho-nhan-dan/
Bức tranh sơn dầu ‘Tự do dẫn đường cho nhân dân’ (la Liberté
guidant le peuple), của hoạ sĩ Eugène Delacroix, trở thành biểu tượng
của nền cộng hoà và của chế độ dân chủ Pháp. Tác phẩm nổi tiếng này được trưng
bày tại bảo tàng Louvre. Bức tranh thể hiện tinh thần tự do, đại diện cho văn
hoá, nghệ thuật và truyền thống của nước Pháp.
1. Hoàn cảnh ra đời
của bức tranh
Tác phẩm được hoàn thành năm 1830, Eugène
Delacroix lấy cảm hứng từ cuộc nổi dậy của quần chúng Paris, diễn ra trong
ba ngày 27, 28 và 29 tháng 7 năm 1830. Bạo động nổ ra ở Paris, các tầng lớp
nhân dân xuống đường, lập ra các chiến lũy, chiếm các cơ quan công quyền. Nhiều
người với vũ khí trong tay sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tự do, chống lại chế độ
quân chủ.
Người dân Paris yêu cầu vua Charles X thoái vị,
họ tức giận vì vua Charles X ban hành bốn sắc lệnh bóp nghẹt tự do: Giải tán
phe đối lập, giải tán quốc hội, hạn chế tự do báo chí, thiết lập bầu cử kiểu cũ
để chọn ra các đại diện theo cách không công bằng như trước đây.
Tức giận vì những quy định vô lý này, người
dân đã xuống đường phản đối. Bạo động đã diễn ra trong suốt ba ngày. Kết quả là
Charles X phải từ chức. Louis-Philippe, người kế vị đã hứa sẽ không đụng đến
các quyền tự do của dân. Sau này, người ta gọi ba ngày nổi dậy là ba ngày vẻ
vang của lịch sử.
Hoạ sĩ Eugène Delacroix quan sát cuộc nổi dậy
của quần chúng Paris. Ông là người ngoài cuộc, nhưng không vô tình với sự kiện
này. Trong bức thư viết cho gia đình, ông thể hiện quan điểm của mình: “Tôi
không trực tiếp chiến đấu vì tổ quốc nhưng tôi sẽ vẽ lại sự kiện này cho tổ quốc”.
2. Các nhân vật
trong bức tranh
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/04/0-118.jpg
Bức tranh ‘Tự do dẫn đường cho nhân dân’ (la Liberté
guidant le peuple),
Trong bức tranh ‘Tự do dẫn đường cho nhân
dân’, ta thấy có nhiều nhân vật đại diện cho các tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Ở trung tâm của bức tranh đó là hình ảnh nổi bật của một người phụ nữ, tay phải
cầm lá cờ ba màu, tay trái cầm súng lưỡi lê, đầu đội mũ, ngực trần.
Người phụ nữ giương cao lá cờ, dẫn đường cho mọi
người vượt qua chiến lũy, xông lên phía trước. Nhân vật này là một con người
huyền thoại, con người lãng mạn theo trí tưởng tượng của Eugène Delacroix. Bà
là biểu tượng của tinh thần tự do, của chủ nghĩa lãng mạn và lòng dũng cảm. Bà
là nữ thần tự do dẫn đường cho con người đứng lên tranh đấu.
Hình ảnh nhân vật này là nguồn cảm hứng cho
nhà điêu khắc Auguste Bartholdi tạc bức tượng Tự do chiếu sáng thế giới, “la
Liberté éclairant le monde”. Sau này, người ta thường gọi là tượng “Nữ
thần tự do”. Đây là món quà của nước Pháp tặng cho nước Mỹ nhân dịp kỷ niệm
100 năm ngày tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Mỹ năm 1774. Nữ thần tự do
thay vì cầm lá cờ, bà cầm ngọn đuốc giương cao, chiếu sáng thế giới và soi đường
cho nước Mỹ.
Bên phải bức tranh là hình ảnh một thiếu niên
hai tay cầm súng, miệng la hét, phía xa là hai ngọn tháp cao của Nhà thờ Đức Bà
Paris. Nhân vật thiếu niên trong tranh là nguồn cảm hứng cho Victor Hugo sáng tạo
ra nhân vật chú bé Gavroche, đứa trẻ lang thang của đường phố Paris trong tác
phẩm ‘Những người khốn khổ’, cuốn tiểu thuyết theo chủ nghĩa lãng mạn được
hoàn thành 30 năm sau đó.
Bên trái nữ thần là hình ảnh một trí thức
khoác áo vest màu đen, đầu đội mũ, hai tay nắm chắc khẩu súng trường, đó có thể
chính là hoạ sĩ Eugène Delacroix hay là chân dung một người có học, yêu tự do
và tự nguyện đứng về phía quần chúng lao động. Góc ngoài cùng bên trái là hình ảnh
một sinh viên của trường đại học bách khoa, người ta nhận biết qua chiếc mũ đặc
trưng của sinh viên trường này.
Phía bên phải của người trí thức là hình ảnh một
phụ nữ nông dân, quàng khăn hình chiếc mũ phrygien đang ngước nhìn lá cờ ba màu
trong tay nữ thần tự do. Phía sau người trí thức là hình ảnh người công nhân đội
mũ nồi, tay cầm gươm, theo sau, còn có nhiều người dân Paris khác.
Những người nổi dậy đại diện cho nhiều tầng lớp
xã hội. Họ cùng đi theo nữ thần tự do. Đã có một số người ngã xuống, trong đó
có cả những người lính dẹp loạn theo lệnh của nhà vua. Cảnh xung đột trong
tranh diễn ra vào một buổi chiều trên đường phố Paris. Khói súng đại bác bao
trùm khắp chiến lũy. Tuy nhiên, những người nổi dậy không chùn bước vì họ hiểu
rằng tự do không hề miễn phí.
3. Ý nghĩa của bức
tranh
Sau khi Eugène Delacroix hoàn thành tác phẩm
‘Tự do dẫn đường cho nhân dân’, vua Louis-Philippe đã mua lại với giá 3000
franc. Bức tranh được trưng bày ở bảo tàng hoàng gia, cung điện Luxembourg và
Versailles. Từ năm 1874 đến nay, bức tranh được trưng bày tại bảo tàng Louvre.
Bức tranh mang một thông điệp mạnh mẽ về tinh
thần cách mạng, về các giá trị tự do của nước Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái,
câu khẩu hiệu ra đời sau cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Khi Eugène Delacroix vẽ
bức tranh này, nước Pháp vẫn còn chế độ quân chủ. Sau năm 1870, nước Pháp mới
khôi phục lại nền cộng hoà. Những người theo phe bảo hoàng không thích bức
tranh này vì thông điệp rõ ràng về bạo lực cách mạng để giành tự do.
Với thời gian, bức tranh ‘Tự do dẫn đường cho
nhân dân’ trở thành biểu tượng của nền cộng hoà, của chế độ dân chủ. Bức tranh
là biểu tượng của nước Pháp, được trưng bày khắp nơi trên thế giới.
Những người tham gia phong trào đấu tranh nhằm
thay đổi xã hội, đã lấy cảm hứng từ tác phẩm này. Ví dụ những người trong phong
trào áo khoác vàng ở Pháp đã lấy khung cảnh bức tranh thay các nhân vật trong
tranh bằng những người mang áo khoác vàng…
Ở bảo tàng Louvre, kiệt tác này được trưng bày
trong một gian phòng lớn bên cạnh các tác phẩm nổi tiếng khác như le Radeau de
Méduse của Théodore de Géricault… Gian phòng này ở phía sau gian phòng, nơi có
các bức tranh Mona Lisa và les Noces de Cana.
No comments:
Post a Comment