Đấu
tranh dân chủ tại Việt Nam : Không phải anh hùng, cũng không phải việc của anh
hùng
Y CHAN - LUẬT
KHOA
14/04/2021
Vừa nguy hiểm, lại
vừa chẳng có chút ý nghĩa thực tế nào, sao vẫn có nhiều người làm thế?
Từ trái qua: Phạm
Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Thúy Hạnh, Cấn Thị Thêu, Phạm Chí Dũng,
Trịnh Bá Phương, sáu trong số những nhà hoạt động bị chính quyền bắt giữ trong
thời gian gần đây. Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh: Thịnh Nguyễn, RFI, Facebook nhân vật
“Khi tôi bị bắt, điều gì sẽ xảy ra?”
Đó ắt phải là câu hỏi thường trực trong đầu của
nhiều người tham gia các phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.
Đó cũng là câu hỏi tu từ phổ biến mà những người
muốn dập tắt các phong trào này ưa dùng để giễu nhại những kẻ mà họ cho là dại.
Bất kể câu hỏi là từ ai, câu trả lời chỉ có một:
chẳng có gì khác biệt xảy ra cả.
Trái đất vẫn sẽ tiếp tục tự quay quanh trục, đồng
thời xoay quanh mặt trời, và cùng với hệ mặt trời xoay quanh dải ngân hà, để rồi
cùng với dải ngân hà xoay vòng hướng về thiên hà gần nhất có tên Tiên Nữ
(Andromeda), cùng lúc tất cả đều bị hút về một tập hợp hàng trăm ngàn thiên hà
được gọi là “kẻ hấp dẫn vĩ đại” (The Great Attractor), trong lúc toàn bộ vũ trụ
vẫn đang nở rộng, đẩy mọi thứ ra xa nhau.
Những chuyển động tính theo đơn vị tỷ tỷ năm
này diễn ra khi nhân loại vẫn đòi thống trị nhau trên cái
chấm nhỏ li ti trong bản đồ vũ trụ.
Đặt trong bối cảnh đó, thật ngớ ngẩn khi nghĩ
rằng một cá nhân có quyền năng chọc thủng hay vá được lỗ hổng nào đó trên đời.
Nhưng chúng ta vẫn thích tin như vậy – niềm
tin vào sức mạnh thay đổi mọi thứ của bản thân, hoặc của một cá nhân nào đó, đặc
biệt là khi cá nhân đó làm chuyện có lợi cho ta.
***
Vào giữa thế kỷ thứ 11, người dân tại thị trấn
Coventry của nước Anh phải oằn mình đóng sưu cao thuế nặng. Họ van xin Bá tước
Leofric, người cai quản khu vực, cho phép giảm thuế. Godiva, vợ của bá tước, cố
gắng thuyết phục chồng mình thuận theo ý dân. Những lời thỉnh cầu đều không có
kết quả. Godiva vẫn kiên trì không bỏ cuộc.
Cô van nài nhiều tới mức Leofric phát bực. Ông
thách đố, nếu Godiva chịu cởi truồng cưỡi ngựa đi khắp thị trấn giữa ban ngày
ban mặt, ông sẽ chấp thuận yêu cầu của cô.
Không ai ngờ Godiva chấp nhận thách thức đó.
Vào một buổi sáng, cô leo lên lưng ngựa, trên người chỉ có bộ tóc xõa che thân,
cưỡi một vòng đi khắp các con phố. Để tỏ lòng kính trọng, người dân thị trấn đều
đóng cửa ở trong nhà, chỉ nghe tiếng vó ngựa đi qua.
Bá tước Leofric sau đó không cách nào khác đành
phải cắt giảm thuế cho dân.
Những nhân vật trên đều có thật trong lịch sử.
Nhưng hầu hết các nhà sử học đều nhận định câu chuyện này là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Bất chấp điều đó, hình ảnh thiếu phụ Godiva khỏa
thân trên lưng ngựa vẫn trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất
trong lịch sử châu Âu. Gần một ngàn năm qua, huyền thoại Godiva – “quà tặng của
Chúa” (gift of God), như ý nghĩa của cái tên – được lan truyền từ thế hệ này
sang thế hệ khác.
Tranh minh họa thiếu
phụ Godiva của John Collier. Nguồn: Wikimedia.
Kể cả khi người ta nghi ngờ về mức độ chân thật
của câu chuyện, ý nghĩa về đức hy sinh vẫn được lan tỏa.
Trong khi đó, rất ít người đặt câu hỏi về vai
trò của ông quan/ người chồng cùng lời thách thức có tính chất hạ nhục người
khác. Cũng không mấy ai nói về vấn đề của dân làng khi phải nhờ đến một người
phụ nữ cởi quần áo để giải cứu mình. Lại càng ít người nói đến việc ngay cả khi
chuyện này có thật, liệu một phương thuốc giải cứu như vậy sẽ có tác dụng trong
bao lâu.
Người ta chỉ thích ca ngợi đức hy sinh.
***
Hy sinh là đức tính phải có của anh hùng. Hay
thậm chí, chỉ cần hy sinh là tự khắc được tôn thành anh hùng.
Quân nhân tử trận trên chiến trường, bất kể lý
do gì, đều được xem là hy sinh và đều trở thành anh hùng. Trong thời bình, nếu
không may thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ, cán bộ cũng sẽ được xem là hy sinh
và được ngợi khen là anh hùng.
Ngay cả không cần phải mất mạng, như nghĩa
nguyên thủy của “hy sinh”, giờ đây bất kỳ ai làm việc gì với rủi ro cao, hoặc
nhận phần thiệt về phần mình mà mang lại lợi ích cho nhiều người, đều có thể được
xem là hy sinh, và đều dễ dàng được tung hô thành anh hùng.
Đó là cách người ta ngợi
ca những người trong tuyến đầu chống dịch, từ các nhân viên y tế, những
nhà khoa học cho đến các nhân viên siêu thị lẫn những shipper giao hàng.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/04/image-11.jpeg
Những gương mặt đại
diện cho hàng chục ngành nghề được tờ Politico vinh danh là “người hùng” trong
chống dịch. Ảnh: Politico.
Thậm chí, trong cơn hưng phấn cao độ, chúng ta
cũng không tiếc lời tụng ca sự “hy sinh” của những “người hùng” bóng đá, các vận
động viên thể thao, các ca sĩ hay diễn viên – những người thuần túy theo đuổi
cái nghề họ ưa thích.
Đó chỉ đơn giản là sự thể hiện lòng biết ơn và
trân trọng với những người làm chuyện tốt, có vấn đề gì đâu?
Biết ơn và trân trọng công sức của người khác
tất nhiên là việc nên làm.
Vấn đề là, bằng một cách thần kỳ nào đó, chúng
ta nhập nhằng giữa tri ân và tôn thờ.
Ta hoàn toàn có thể trân trọng công sức và ghi
ơn người khác mà không phải tôn thờ họ.
Tôn thờ người khác có tác dụng như một loại
thuốc phiện: nó giúp ta phê sảng, tưởng rằng mọi vấn đề của mình đều được (ai
đó) giải quyết, và bản thân thì chẳng phải làm gì nặng nhọc nguy hiểm.
Trong cơn phê của chủ nghĩa anh hùng, không ai
nghĩ tới các vấn đề của hệ thống, của thể chế, của chính bản thân mình.
Hội chứng bàn thờ – thích thờ tụng người hùng
– tạo ra điểm mù trong tư duy (blindspot).
Thể chế có vấn đề? Có người hùng giải quyết.
Người hùng có vấn đề? Tầm bậy! Người hùng không thể có vấn đề được! Chỉ có bọn
ghen ăn tức ở, xấu xa, vô ơn, phản động… mới dám nghi ngờ người hùng.
Đặt bàn thờ trong đầu là cánh cửa rộng toác mời
gọi những kẻ ham muốn quyền lực chui vào và leo lên ngồi xổm trong đó.
Hàng ngàn năm qua, mô típ về những “bậc thánh
hy sinh” gần như chẳng có gì thay đổi. Nếu không phải là sống đói khổ trong
hang, chịu đựng gian nan vất vả, thì sẽ là từ bỏ danh lợi cá nhân, lao tâm khổ
tứ vì dân, vì nước, hay vì lý tưởng thần thánh nào đó.
Adolf Hitler từng
được hàng triệu người xem là “món quà của Thượng Đế”. Ảnh: người dân chào đón
Hitler theo phong cách đặc trưng của Đức Quốc xã. Nguồn: Heinrich Hoffmann/ The
Life Picture Collection/ Getty Images.
Với những người không có tham vọng quyền lực,
đặt họ lên bàn thờ lại không khác chi việc tế sống.
Nó buộc họ phải chấp nhận những khuôn mẫu “hy
sinh” và “anh hùng”, không cho họ có lựa chọn nào khác.
Có bao nhiêu người đi hỏi những ai ở tuyến đầu
chống dịch, rằng họ thích được ca tụng như người hùng hay muốn được yên ổn làm
công việc mà mình lựa chọn?
Có bao nhiêu người đi hỏi những quân nhân, rằng
họ thích được chết vì nghe lệnh của lãnh đạo, hay muốn có một cuộc đời bình
yên, làm chuyện mình yêu thích?
***
Đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam là một lựa
chọn rủi ro đầy nguy hiểm. Không ít lần những cái nhãn “hy sinh” hay “anh hùng”
được gắn lên những người lựa chọn con đường này.
Nhưng họ chẳng phải anh hùng gì cả.
Nguyễn Thúy Hạnh, người vừa bị chính quyền bắt giữ, đứng ra thành lập Quỹ 50k, điều phối
giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm vì không thể khoanh tay đứng nhìn họ bị
chèn ép mà không ai quan tâm.
Phạm Đoan Trang, đồng sáng lập viên của Luật
Khoa bị chính quyền bắt giữ cách đây sáu tháng, quyết định đi
theo con đường làm báo và xuất bản độc lập vì không thể chịu đựng sự thật bị những
kẻ cầm quyền nhào nặn, độc chiếm và thao túng.
Anh em nhà Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, bản
thân là những dân oan mất đất, không thể im lặng trước vụ việc Đồng Tâm khi họ
được chính những người dân nơi đây lên tiếng nhờ vả. Họ không ngừng đưa tin về
sự kiện đàn áp này, bất chấp hiểm nguy treo trên đầu. Cả gia đình, gồm hai anh
em và người mẹ Cấn Thị Thêu, đều bị chính
quyền bắt giữ vào tháng 6/2020.
Từ trái qua: Nguyễn
Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương. Ảnh:
Facebook Huỳnh Ngọc Chênh/ Thịnh Nguyễn/ AFP/ Facebook Trịnh Bá Phương/
Reuters. Đồ họa Luật Khoa.
Những người đó, cùng với hàng trăm hàng ngàn
người khác lên tiếng trước bất công xưa nay, đều không phải anh hùng.
Những việc họ làm có ích cho người khác, nhưng
không ai làm những điều đó để được tôn vinh.
Họ làm vì không có ai khác làm. Họ phải mạo hiểm
vì quá nhiều người khác ngồi yên.
Họ phải làm những kẻ đại
ngốc vì còn quá nhiều người lựa chọn đóng vai khôn ngoan.
Thậm chí, ngoài mũi dùi từ những kẻ hưởng lợi
từ thể chế độc tài, không ít lần các nhà hoạt động dân chủ còn bị những người
mang mác “đấu tranh” khác đâm thọc.
Trong hoàn cảnh như vậy, vì sao còn phải đấu
tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền?
Tôi thường nhớ về một “ngôi trường” đặc biệt
trong trại tập trung của phát xít Đức.
Vào Thế chiến II, trong số những trại tập trung
mà phát xít Đức dựng nên để thảm sát người Do Thái, Auschwitz là cái tên
khét tiếng. Chỉ trong vòng bốn năm rưỡi, lò diệt chủng này đã cướp đi ít nhất
1,1 triệu sinh mạng.
Nhưng cũng tại đây, một chuyện không tưởng đã
xảy ra: trong địa ngục trần gian, có những người vẫn âm thầm mở lớp dạy học cho
các đứa trẻ, thậm chí là xây dựng nên một thư viện, với các quyển sách cũ nát
được bí mật truyền tay nhau.
Cứ thế, “ngôi trường” không tường, không bàn
ghế, không bảng phấn này tồn tại cho đến tận ngày cuối cùng, khi phần lớn “học
sinh” và “thầy cô giáo” đều không còn sống.
Trong quyển sách “The librarian of Auschwitz” (Người thủ thư tại Auschwitz),
tác giả Antonio Iturbe thuật lại cuộc đối thoại vào lúc ban đầu.
Khi thầy giáo trẻ Alfred Hirsch đưa ra ý tưởng
mở trường, phần lớn những tù nhân khác đều nghĩ anh bị điên hoặc ngây thơ.
Ở bên ngoài, quân phát xít đã phá hủy không biết
bao nhiêu ngôi trường. Trong trại tập trung, hàng ngàn người bị giết mỗi ngày.
Làm sao dạy được gì và có thể dạy thứ gì trong hoàn cảnh này?
Hirsch luôn mỉm cười mỗi khi nghe những câu hỏi
như vậy. Không cần biết quân phát xít đã phá hủy bao nhiêu trường học, anh trả
lời, mỗi lần có người dừng lại để kể chuyện và có những đứa trẻ lắng
nghe, như vậy là chúng ta đã xây dựng được một ngôi trường.
Alfred Hirsch, cùng với đa số những tù nhân tại
Auschwitz, chết trước khi được nhìn thấy tự do. Anh mất khi chỉ vừa tròn 28 tuổi.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/04/image-14.jpeg
Alfred Hirsch, hay
còn được gọi là Fredy Hirsch, và phiến đá tưởng niệm được đặt phía trước ngôi
nhà anh sinh ra. Nguồn: Beit Terezin Archive/ Wege gegen das Vergessen/
Wikipedia.
Đấu tranh cho dân chủ tự do tại Việt Nam vào
thời điểm hiện tại, ở một khía cạnh nào đó, cũng tương tự như việc xây trường
và thư viện trong lò mổ của phát xít Đức thời đó.
Một việc vừa nguy hiểm vừa dường như không có
ý nghĩa thực tế nào.
***
Trước đây, trong một tổ chức thuộc loại “cái
gai trong mắt chính quyền”, mỗi khi nghe tin có đồng nghiệp nghỉ việc, ngoài cảm
giác buồn, thoáng qua rất nhanh, tôi luôn thấy nhẹ nhõm. Nhẹ nhõm vì tôi biết họ
sẽ bớt đi một rủi ro.
Tôi cũng chưa bao giờ thất vọng. Tôi biết những
người như vậy, dù ở đâu hay làm gì, cũng sẽ luôn luôn sống thật. Và đó là điều
quan trọng nhất, đặc biệt dưới chế độ này.
Thể chế độc tài được sinh ra và nuôi dưỡng nhờ
vào sự giả dối. Chừng nào còn đủ người chấp nhận cái giả dối, chừng đó nó còn tồn
tại. Khi nào có đủ người dám sống thật, khi đó tự động thể chế này sẽ sụp đổ,
chẳng cần ai phải đấu tranh.
Đó là thì tương lai.
Vào thời điểm hiện tại, số người chấp nhận thỏa
hiệp với dối trá vẫn còn quá nhiều, đủ giúp cho chế độ này được vững chân.
Trong hoàn cảnh đó, bất kể có bao nhiêu người
như tôi bị bắt, hay “hy sinh”, sẽ chẳng có gì khác biệt xảy ra với mảnh đất
này.
Nhưng đó không phải là điều tôi bận tâm.
Tôi không phải người hùng, và chống lại dối
trá vốn dĩ cũng không phải là trách nhiệm của người hùng. Đó là việc của người
thường.
Tôi chỉ làm phần việc của mình.
Phần của người khác, tự họ phải làm.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
No comments:
Post a Comment