Saturday, 21 November 2020

VIỆT NAM HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ CUỘC BẦU CỬ HOA KỲ? (Thiện Ý)

 


Việt Nam học được gì từ cuộc bầu cử Hoa Kỳ?

Thiện Ý

19/11/2020

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-hoc-duoc-gi-tu-bau-cu-hoa-ky/5668814.html

 

·         Từ cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ

·         Việt nam rút được kinh nghiệm gì?

Đó là nội dung bài viết và thuyết trình này.

 

 

I - TỪ CUỘC BẦU CỬ TẠI HOA KỲ

 

Khi chúng tôi viết bài thuyết trình này, cuộc bầu cử Tổng Thống và các chức vụ dân cử Tiểu bang cũng như Liên bang tại Hoa Kỳ chưa có kết quả chính thức. Nhưng hầu hết các cơ quan truyền thông dòng chính tại Hoa Kỳ và quốc tế đã xướng danh ứng cử viên Tổng thống đảng Dân Chủ, Joe Biden, là “tổng thống đắc cử.” Kết quả bán chính thức này căn cứ trên số phiếu bầu cử tri đoàn ở đa số các tiểu bang đã đếm xong, vượt quá tiêu chuẩn 270 phiếu để đắc cử.

 

Cuộc bầu cử Tổng thống năm nay đã kết thúc hơn một tuần vẫn chưa có kết quả chính thức. Lý do (1) là vì một số ít Tiểu bang vẫn chưa đếm xong số phiếu bầu khiếm diện của cử tri gửi qua bưu điện; (2) do có sự khởi kiện của ứng viên Cộng Hòa Donald Trump, nói là có sự gian lận bầu cử ở một số Tiểu bang đã kiểm phiếu xong hay chưa xong đã “cướp mất sự thắng cử” của ông. Hầu hết các vụ khiếu kiện này nơi các tiểu bang có tranh chấp đã không có đủ bằng chứng pháp lý cũng như thực tế đã bị tòa bác khước. Một số vụ khiếu kiện vẫn đang tiếp tục, nếu có đủ bằng chứng được Tòa phán quyết cho tái kiểm phiếu, có thể mất thêm thời gian mới có kết quả chính thức.

 

Thế nhưng thời gian kéo dài ấy không phải vô thời hạn, mà phải kết thúc theo đúng tiến trình luật định. Nghĩa là mọi tranh tụng và kết quả về bầu cử phải kết thúc trước ngày họp của đại cử tri đoàn toàn quốc Hoa Kỳ thường diễn ra vào trung tuần tháng 12 năm bầu cử. Đại cử tri đoàn toàn quốc trên nguyên tắc hiến định và luật định là sẽ bầu ra Tổng Thống. Thực tế thường căn cứ trên số phiếu cử tri đoàn ứng viên nào đạt được nhiều nhất toàn quốc, tối thiểu 270, đương nhiên sẽ được xác nhận là Tổng thống đắc cử. Sau đó xác nhận bầu cử chuyển qua Quốc hội chuẩn phê trước khi được cơ quan liên bang đặc trách công bố kết quả chính thức ai là tân Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ (2021-2025). Sự công bố này phải được thực hiện kịp thời trước lễ tuyên thệ của Tân Tổng Thống, diễn ra vào ngày 20-1 năm đầu nhiệm kỳ mới (2021).

 

Thành ra, mặc dầu các cuộc khiếu kiện ồn ào hiện nay của ứng viên Tổng Thống Cộng Hoà là đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhưng chính giới cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ cũng như hầu hết nhân dân Hoa Kỳ đều nghĩ và tin rằng, thực tế gian lận bầu cử rất khó xảy ra và chưa từng xảy ra tại Hoa Kỳ. Vì gian lận phải có tính gian trá, kẻ chủ mưu, với ý đồ làm sai lạc kết quả bầu cử. Trong cuộc bầu cử hiện nay, cũng như các cuộc bầu cử trước đây tại Hoa Kỳ, thường chỉ có những sai sót do sự lầm lẫn, ngay tình trong quá trình bầu phiếu, đếm phiếu của các cơ quan phụ trách; khác với sự gian trá cố tình của cá nhân hay tập thể cử tri; càng không thể là chủ trương dùng gian lận để thắng cử của các chính đảng truyền thống uy tín lâu đời như Dân Chủ hay Cộng Hoà. Do đó những vụ kiện hiện nay rồi cũng kết thúc theo đúng lịch trình thời gian luật định.

 

 

II - VIỆT NAM CÓ THỂ RÚT KINH NGHIỆM GÌ TỪ CUỘC BẦU CỬ HOA KỲ?

 

Theo nhận định của chúng tôi, Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử trên hai mặt tích cực để vận dụng và mặt tiêu cực để tránh xảy ra tại Việt Nam.

 

1 - Việt Nam cần có một bối cảnh ứng cử, tranh cử và bầu cử tự do như Hoa Kỳ

Để có được bối cảnh này điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải chuyển đổi từ chế độ độc tài toàn trị độc đảng, qua chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng.

 

(1) - Vì đây là khung cảnh cần thiết, là điều kiện tiên quyết để thực thi được quyền ứng cử và bầu cử tự do tại Việt Nam. Tất nhiên theo kiểu dân chủ pháp trị Hoa Kỳ, với tam quyền phân lập, không có nghĩa là rập khuôn như đảng CSVN đã chọn và thực thi rập khuôn kiểu chế độ độc tài cộng sản Liên Xô hay Trung Quốc, với tam quyền nhất thể, tuy ba là một. Trái lại chỉ chọn lọc tính tam quyền phân lập, độc lập nhưng không biệt lập, sao cho guồng máy công quyền quốc gia vận hành êm xuôi, có hiệu quả bảo vệ được các quyền tự do dân chủ phù hợp với thực trạng đất nước.

 

Chẳng hạn trong các vụ kiện về gian lận bầu cử hiện nay tại Hoa Kỳ, đã thể hiện rõ sự độc lập của tư pháp qua phán quyết công minh của các quan Toà. Họ chỉ tuân thủ theo Hiến pháp và luật pháp, không thiên vị bất cứ chính đảng hay không bị ảnh hưởng áp lực do các cuộc biều tình rầm rộ trên đường phố của những cử tri ủng hộ ứng cử viên này chống ứng cử viên kia.

 

(2) - Về tiêu cực cần tránh sự lạm dụng nguyên tắc tam quyền trong việc khiếu tố sai phạm bầu cử với động cơ chính trị không trong sáng, có ý đồ vụ lợi cho cá nhân, phe đảng, dẫn đến trì trệ tiến trình bầu cử và công bố kết quả bầu cử. Theo đó các ứng viên hay cử tri cố tình tạo ra các vụ kiện gian lận dù biết rõ những sai phạm ấy nếu có vẫn không làm sai lạc kết quả sau cùng của ứng viên thắng cử. Tiêu cực trong bầu cử này thường dẫn đến hậu quả lợi bất cập hại nhiều mặt cho dân cho nước.

 

2 - Vai trò của chính đảng trong các cuộc ứng cử, tranh cử tại Hoa Kỳ

Trong cuộc bầu cử 2020 tại Hoa Kỳ cũng như các cuộc bầu cử trước đây, các chính đảng, nhất là hai chính đảng lớn Dân Chủ và Cộng Hoà đã luôn đóng vai trò trung tâm, chủ yếu.

 

Hoa Kỳ cũng theo nguyên tắc “Đảng cử dân bầu” nhưng khác với “đảng cử dân bầu” trong chế độ độc tài, độc đảng tại Việt Nam. Vì Hoa Kỳ có hai đảng lớn và nhiều đảng nhỏ, cử người ra tranh cử trong các cuộc bầu cử tự do. Người dân có thể lựa chọn các ứng viên từ hai đảng và ngoài hai đảng cũng như ứng viên cá nhân độc lập (dù hiếm). Còn trong chế độ độc tài, độc đảng CSVN, nguyên tắc “đảng cử dân bầu” thực tế người dân không có quyền lựa chọn nào khác hơn là phải chọn các ứng viên độc đảng cử ra có tính chiếu lệ.

 

Việt Nam cần học tập để có đa đảng trên nguyên tắc, hình thành lưỡng đảng hay tam đảng mạnh trên thực tế trong khung cảnh sinh hoạt dân chủ đa chiều, khác đa nguyên như Hoa Kỳ. Vì Việt Nam khác Hoa Kỳ nhiều mặt.

 

(1) - Về mặt tích cực: Đa đảng trên nguyên tắc có ưu điểm là thể hiện sự tôn trọng quyền dân chủ cho mọi người dân trong việc thành lập chính đảng. Thực tế Việt Nam cũng như nhiều nước khác có chế độ độc tài các kiểu, đang có nhu cầu sinh hoạt đa đảng trên chính trường và trong các cuộc bầu cử các cấp. Giả như Việt Nam sau khi kết thúc quá trình dân chủ hoá, hình thành được chế độ dân chủ pháp trị trong tương lai hậu độc tài toàn trị cộng sản. Trong chế độ dân chủ pháp trị phôi thai này, kinh nghiệm thực tế cho thấy sẽ có tình trạng lạm phát chính đảng, thường dẫn đến bất ổn chính trị và xã hội, bất lợi nhiều mặt cho đất nước (như VNCH ở Miền Nam Việt Nam 1963- 1975)

 

Vì thế, trên thực tế, Việt Nam phải làm sao hình thành được chế độ lưỡng đảng hay tam đảng mạnh, quy tụ được ba khuynh hướng bảo thủ, trung dung và cấp tiến để đào tạo được các chính trị gia tài năng, đạo đức và chuyên nghiệp. Để một khi được nhân dân tín nhiệm qua các cuộc tranh cử và bầu cử tự do, sẽ lãnh đạo, điều hành, quản lý guồng máy công quyền quốc theo đúng ý nguyện của đa số nhân dân; thể hiện được bản chất của “Một chính quyền thực sự do dân, của dân và vì dân”. Qua thực tế, các chính đảng mạnh sẽ tự khẳng định vị thế áp đảo qua thành quả thực hiện các chủ trương chính sách của đảng mình khi nắm quyền. Các chính đảng nhỏ sẽ không còn khả năng cạnh tranh để tồn tại sẽ tự tiêu vong hay tồn tại mà không có ảnh hưởng tiêu cực gây bất ổn trên chính trường. Thực trạng này có thể tìm thấy tại chính trường Hoa Kỳ, với một số đảng nhỏ như đảng Xanh, đảng cộng sản… lu mờ bên cạnh hai chính đảng mạnh là Dân Chủ mang tính cấp tiến và Cộng Hoà mang tính bảo thủ.

 

(2) - Về mặt tiêu cực, dân chủ đa nguyên theo kiểu Mỹ có thể thích hợp với một quốc gia liên bang đa chủng tộc. Thế nhưng không thích hợp cho một quốc gia đơn nhất với một dân tộc Việt chiếm đa số sống chung hài hoà, thống nhất với một thiểu số người dân tộc khác có chung dòng lịch sử trong nhiều thế kỷ qua.

 

Vì vậy, Việt Nam cần hình thành một khung cảnh sinh hoạt chính trị dân chủ đa chiều, không đa nguyên kiểu Mỹ, mà nhất nguyên dân tộc. Vì chỉ có nhất nguyên dân tộc mới giữ vững sự đoàn kết, thống nhất quốc gia; khác với nền dân chủ đa nguyên, đa đảng tại Hoa Kỳ. Chính trong khung cảnh này, Việt Nam có thể tránh được những biểu hiện tiêu cực trong sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ. Tỷ như tình trạng đối kháng ý thức hệ, bất đồng chính kiến trở thành bất hoà, biến mâu thuẫn nội bộ trở thành mâu thuẫn đối kháng (một mất, một còn) như đã thể hiện trong cuộc bầu cử 2020 vừa qua. Các đối thủ chính trị và các cử tri ủng hộ đôi bên ứng viên Cộng Hoà và ứng viên Dân Chủ đã coi nhau như kẻ thù, chụp mũ nhau ý thức hệ này đối kháng với ý thức hệ kia. Thể hiện sự căm tức qua thái độ, hành động, lời nói vô văn hoá, nhục mạ nhau thậm từ; phá đổ mọi quan hệ xã hội, gia đình, tôn giáo vốn tốt đẹp trước đó…

 

3 - Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ cung cách hành xử quyền tự do ứng cử, tranh cử của các ứng viên và tham gia của cử tri trong các cuộc tranh cử và bầu cử tự do tại Hoa Kỳ, gần nhất là cuộc bầu cử năm 2020 hiện nay

 

(1) - Về các ứng viên tranh cử

Về mặt tích cực các ứng viên dân cử Việt Nam cần học tập cung cách ứng cử và hoạt động tranh cử của các ứng viên vào các chức vụ dân cử các cấp, các ngành từ Liên bang đến các Tiểu bang và địa phương tại Hoa Kỳ. Những ứng cử viên dân cử này đều có nhân cách đạo đức, tài năng. Đồng thời đa số đều có kinh nghiệm chính trường, vì thường xuất thân từ các chính đảng lớn là Dân Chủ, Cộng Hoà và ít hơn ở một vài chính đảng nhỏ hay tư cách cá nhân độc lập. Do đó ít nhiều họ đã thể hiện được nhân cách và hoạt động chính trị chuyên nghiệp, nghiêm túc, có hiệu quả theo chiều hướng có lợi cho đất nước.

 

Những thành phần ứng viên dân cử các cấp này đã thể hiện nhân cách đạo đức và tài năng cá nhân qua các cuộc tranh cử. Họ trình bày trung thực chủ trương, chính sách, phương thức thực hiện khả tín, khả thi; với cung cách, ngôn từ tương xứng, có văn hoá để thuyết phục cử tri bàu cho họ. Tất nhiên, bất cứ ứng viên nào cũng có quyền phê bình chỉ trích, đưa ra những khuyết điểm về nhân cách, đạo đức, tài năng, thành tích phục vụ và vạch rõ những sai lầm, bất khả thi của chủ trương chính sách của các đối thủ tranh cử. Nhưng mục đích chỉ là để chứng minh nhân cách đạo đức, tài năng, kinh nghiệm cá nhân của mình hơn các ứng viên đối thủ khác, để cử tri “bầu đúng, cử xứng” những đại diện tài đức thay mặt mình lãnh đạo, điều hành, quản lý đất nước. Cung cách ứng cử, tranh cử theo đúng các nguyên tắc sinh hoạt dân cử thể hiện sự bất đồng mà không bất hòa của đa số các ứng viên dân cử tại Hoa Kỳ, đã thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ pháp trị tốt đẹp tại Hoa Kỳ.

 

Về tiêu cực là đã có một số ít ứng viên tranh cử các cấp trong cuộc bầu cử 2020 tại Hoa Kỳ, đã coi nhẹ việc trình bày chủ trương, chính sách sẽ thực hiện nếu đắc cử là chính. Họ tập trung vào việc đả kích moi móc đời tư cá nhân các ứng viên đối thủ; sử dụng những ngôn từ bất xứng, xúc phạm nặng nề đến nhân cách, nhân phẩm con người.

 

(2) - Về các cử tri tham gia bầu cử

 

Về mặt tích cực cần học tập, là sự tham gia đông đảo của mọi tầng nhân dân Hoa Kỳ, đã phá kỷ lục các cuộc bầu cử trước đây tại Hoa Kỳ. Theo tổng kết bán chính thức chưa đầy đủ thì số phiếu cử tri bầu cho ứng viên Tổng Thống đảng Dân Chủ là Joe Biden đã đạt khoảng gần 80 triệu phiếu bầu. Ứng viên Tổng Thống Cộng Hoà Donald Trump là khoảng 75 triệu phiếu bầu. Tổng số như vậy là gần 160 triệu phiếu bầu cử tri so với khoảng dưới 140 triệu phiếu bầu Tổng thống năm 2016. Đây là một hiện tượng tích cực thể hiện sự quan tâm tham gia đông đảo của người dân Hoa Kỳ.

 

Tất nhiên, tỷ lệ đi bầu đông đảo này khác với tỷ lệ cao thường thấy trong các chế độ độc tài, như chế độ cộng sản tại Việt Nam, các cuộc bầu cử thường đạt gần… 100%, vốn là kết quả biết trước theo sự sắp xếp (biên chế) của đảng cầm quyền độc tôn là đảng CSVN, trong chế độ độc tài toàn trị Cộng Sản.

 

Thiện Ý

Houston, ngày 12-11-2020

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats