Nguyễn
Quang
20/11/2020
https://www.diendan.org/the-gioi/usa-2020-giai-thoat
Sa thải (Fired), thế là hắn đã bị sa thải, nói như hắn vẫn thường
nói trong những năm làm chương trình truyền hình « TV hiện thực » Học
việc (The Apprentice). Hắn trả lại cho chúng ta một giang sơn đất
nước, mà trong bốn năm hắn cầm quyền, người ta tự hỏi liệu có còn « ánh
sáng trên ngọn đồi » của những tiền bối lập quốc 1. Hôm
nay khi hắn sắp sửa « cuốn xéo » sau vỏn vẹn một nhiệm kỳ, người ta
có thể nhìn lại nhãn tiền bốn năm ngổn ngang liểng xiểng : về mặt định chế,
thì nguyên tắc tam quyền phân lập bị nhạo báng, vị thế độc lập của tư pháp bị
xúc phạm, những cơ quan trung gian bị gièm pha, nền dân chủ bị hạ thấp, thậm
chí trở thành một chế độ quân chủ chuyên quyền, với triều đình lớp lang bè đảng,
thủ hạ, sùng thần, gian thần đủ loại ; về mặt các giá trị, thì đồng tiền
được thần thánh hoá, văn hoá nhiễu nhương, khoa học bị ruồng rẫy, tri thức trở
thành hàng hoá, nhân nghĩa trở thành trò cười, lý tưởng thống nhất được biểu
dương trong tiêu ngữ E Pluribus Unum (From Many, One / Muôn
người như một) mà Con Ó Hoa Kỳ ngậm trong mỏ bỗng nhiên mai một. Còn lại
chăng là tự do, mà những định chế hiện tồn còn gìn giữ (bằng chứng là sự chuyển
giao chính quyền hiện nay), nhưng trong chúng ta, không ít người – kể cả những
ai sống xa nước Mỹ – đã trải nghiệm bốn năm qua, bốn năm bị « tước đoạt
nội tâm », nói như nhà điện ảnh Pierre Schoeller, « khắc khoải
giữa cảm nhận thấy đó là một chế độ ô nhục và nỗi kinh hoàng khi thấy nó còn có
thể biến chất xấu xa hơn nữa ».
https://www.diendan.org/the-gioi/usa-2020-giai-thoat/anh.png
You’re Fired
« Làm
cho nước Mỹ vĩ đại trở lại » ?
Điểm lại thành bại của bốn
năm nhiệm kỳ đảo điên 2016-2021, thì không thể không xét tới tính cách của nhân
vật chính, Donald John Trump. Năm 2016, cũng như nhiều người trên thế giới, kẻ
viết bài này đã bàng hoàng chứng kiến sự đăng quang lên ngôi vị tối cao của
đương sự. Rồi cũng tự an ủi, xét cho cùng, Ronald Reagan đã từng là diễn viên
điện ảnh loại B, và Jimmy Carter làm nghề trồng lạc. Nhưng rồi với chuỗi lải nhải
24 000 cái tweet (trong 4 năm), sai chính tả, với ngôn ngữ của
đứa trẻ lên mười – vốn từ vựng loanh quanh mấy chữ « khủng, siêu, tuyệt
vời, thiên tài » – đành phải thừa nhận rằng người cầm quyền ở cường quốc
số 1 là một bạo vương Ubu với một « cái tôi » phì nộn, nói dối kinh
niên (20 000 lời nói dối trong nhiệm kỳ), dốt nát và vô văn hoá cùng cực, nhưng
lại tự phong mình là “ thiên tài ” trong mọi lãnh vực, kể cả những lãnh vực
mà y không biết gì hết. Bạn đọc nào còn nghi ngờ, chỉ cần xem cuộc họp báo của
ngài tổng : ở đây.
Vậy mà chính thị Trump,
trong lễ đăng quang tháng giêng 2017, rồi những năm sau đó, trước Đại hội đồng
LHQ, chẳng đã đọc những bài diễn văn khúc chiết, hoàn chỉnh về « chính
sách mới » của Hoa Kỳ trên thế giới ? Chúng tôi mạn phép hoài nghi và
cũng xin khen ngợi bộ sậu brain trust của ngài tổng thống. Và
xin bàn thẳng vào vấn đề quan trọng hơn, là nội dung « chính sách mới »,
thường được tóm gọn vào mấy chữ : Hoa Kỳ thu mình lại, đặt « nước
Mỹ trên hết ». Tổng thống Trump nói gì trong bài diễn văn nhậm chức ?
« Trong suốt mấy chục năm qua, chúng ta đã làm giàu cho công nghiệp ngoại
quốc, làm thiệt thòi cho công nghiệp Mỹ ; đã trợ cấp cho quân đội cũng những
nước khác trong khi quân đội của chúng ta nghèo đi một cách tội nghiệp ;
chúng ta đã bảo vệ biên giới của nước người mà lại bỏ trồng biên giới nước
ta ; đã chi tiêu hàng tỷ tỷ đô la mà lại để các cơ sở hạ tầng của nước Mỹ
nát bét và rệu rã (…) Chúng ta đã làm cho những nước khác giàu
có lên còn ở nước ta, sự thịnh vượng, sức mạnh và lòng tin đã biết mất nơi chân
trời (…). Ngày hôm nay, chúng ta tìm lại nhau, và chúng ta quyết
định, để mọi người nghe thấy rõ ở mỗi thành phố, mỗi thủ đô, mỗi địa chỉ quyền
lực, rằng : kể từ hôm nay, đất nước chúng ta chỉ có một nhãn quan, đó là
nước Mỹ, và chỉ nước Mỹ, trên hết. Nước Mỹ trước hết. Mọi quyết định về thương
mại, về thuế khoá, về nhập cư, chính sách ngoại giao đều nhằm phục vụ cho các
gia đình, cho người lao động Mỹ ».
Phải nói chủ nghĩa biệt lập
Mỹ không phải mới đây mới có, nó chính thức được bắt đầu từ bài diễn văn giã từ
năm 1796 của George Washington, và đã được Hoa Kỳ nghiêm chỉnh thi hành từ đó
cho đến năm 1917, khi tổng
thống dân chủ Woodrow Wilson quyết định tham chiến trong cuộc Đại chiến thế giới
lần thứ nhất. Sau thất bại của Hội Quốc Liên, với mục tiêu là đảm bảo
hoà bình thông qua luật pháp, chính sách biệt lập, mang tên là « Back
to Normalcy », hay « America first » (nguyên
văn : « Trở lại bình thường », « Nước Mỹ trên hết »),
chính sách biệt lập của Hoa Kỳ sẽ kéo dài cho đến Thế chiến lần thứ hai. Sau
đó, như mọi người đều biết, là Hiệp định Bretton Woods, thành lập Quỹ tiền tệ
quốc tế (IMF) và định chế sau này trở thành Ngân hàng Thế giới (WB). Tiếp theo,
từ những bài học các cuộc xung đột trong thế kỷ 20, nhằm ổn định quan hệ quốc tế,
người ta đã tạo ra một hệ thống đa phương dựa trên ba trụ cột : an
ninh và hoà bình (LHQ), thịnh vượng (IMF và GATT, tiền
thân của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO), và « an sinh » (Hội
đồng Nhân quyền, dựa trên nền tảng Tuyên ngôn Nhân quyền). Vẫn biết ba cột trụ ấy vận hành ngày càng trục
trặc, nhưng chính « chủ nghĩa Trump » đã lật nhào nó xuống vàn năm
2017. Các bên đều có lợi, đó là nền tảng của hệ thống đa phương, từ nay
Trump không hề đếm xỉa. Thay vào đó, chính quyền Hoa Kỳ – không hẳn là biệt lập
chủ nghĩa – giành ưu tiên cho quyền lợi của nước Mỹ. Hậu quả mặc nhiên của sự độc
hành này là vượt qua mọi ràng buộc « phù phiếm » của hệ thống đa
phương – sự cần thiết của an ninh tập thể, quy tắc thương mại quốc tế, đi theo
đó là các tổ chức quốc tế mà nhiệm vụ là điều hoà mậu dịch, quy định những hiệp
ước không xâm lược thương mại giữa các nước đồng minh, và sau cùng là liên đới
trong những đại cuộc chung về môi trường như là chống biến đổi khí hậu… « Làm cho nước Mỹ vì đại
trở lại » ? Với cái giá phải trả như thế nào cho tất cả những ai
không là người Mỹ ?
Chính người Mỹ cũng đã được
nếm mùi trong chính sách ngoại giao, lãnh vực độc quyền của « ngoại giao bằng
(nút bấm) like » sâu chuỗi thả giàn, khi mà công dân Mỹ cũng
như quan chức các bộ (kể cả Bộ ngoại giao) được phổ biến trực tiếp qua mạng
Twitter hay YouTube những quyết định ngoại giao của Tổng thống, thí dụ thừa nhận
chủ quyền của Israel trên cao nguyên Golan, hay là tăng biểu quan thuế đối trên
hàng hoá Trung Quốc. Nhưng
nếu phải nói tới trang sử ô nhục nhất – theo cách nói của Tổng thống Roosevelt – thì phải kể
tới việc Trump bán đứng người Kurd trong một cú điện thoại với Tổng thống Thổ
Nhĩ Kỳ Erdogan, bỏ rơi những người Kurd ở Syria mà trong bao nhiêu năm người
Mỹ đã sử dụng làm trợ lực trong cuộc chiến tranh chống Daech.
Trước những chỉ trích gay
gắt không chỉ đến từ những đồng minh Âu Châu, mà còn từ nước Nga của Putin, từ
Lầu Năm Góc và Đảng Cộng hoà, « thiên tài » địa ốc trả lời bằng cách
trưng ra những cái like trên tài khoản Twitter, chứng tỏ chính sách của mình là
hoàn toàn đúng đắn. Khác nào tay hề vua Ubu trong vở kịch của Alfred
Jarry ?
https://www.diendan.org/the-gioi/usa-2020-giai-thoat/car1.png
Để tôi thắng, chớ không sẽ cho nổ tung mà coi ! (Libératiion, 6.11.2020)
« Tên
Trump là cái tên gì ? »
Tôi chắc rằng khi báo đài
công bố những kết quả kiểm phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, những
người chống Trump đã cảm thấy rùng mình : « làn sóng xanh »
phiếu bầu cho Đảng Dân chủ chẳng thấy đâu, mà ngược lại là một « làn
sóng đỏ » báo hiệu thắng lợi của Đảng cộng hoà ở các tiểu bang, như một
tái bản của ác mộng 2016. Không đi đâu mà vội : đó chỉ là một ảo giác
quang học phái sinh từ phương thức kiểm phiếu, người ta bắt đầu bằng những phiếu
bầu đúng ngày 3.11 tại các phòng bỏ phiếu, rồi mới kiểm những thùng phiếu bỏ từ
những ngày trước, cuối cùng là những phiếu bầu gửi qua bưu điện. Theo truyền thống
bầu cử ở Mỹ, bỏ phiếu trước và bỏ phiếu qua bưu điện là phương thức ưa chuộng của
cử tri dân chủ, vì những lý do xã hội học dễ hiểu (hiển nhiên nhất : ngày
bầu cử là một ngày trong tuần, tức là ngày người ta đi làm). Không kể hiệu ứng
do bệnh dịch covid-19 khiến nhiều cử tri ngại tới phòng phiếu (phải xếp hàng
nhiều giờ), hiện tượng « đỏ chuyển sang xanh » này là một hiện
tượng quen thuộc trong bầu cử ở Mỹ, mà người ta thường gọi bằng hai cụm từ
« red mirage » (ảo ảnh màu đỏ) và « blue shift »
(chuyển màu xanh), liên hệ tới hiện tượng vật lý thiên văn học chuyển màu quang
phổ, bằng chứng của thuyết « Big Bang » vế sự hình thành của vũ trụ.
Nói tóm lại, tuy còn một số phiếu bầu chưa kiểm xong, nhưng ngay bây giờ, có thể
nói rằng kết quả gần như chắc chắc là : với số cử tri tham gia bầu cử lên
tới 66,5 % tổng số cử tri, Joe Biden giành được 279 đại cử tri và 77 triệu
phiếu, còn Donald Trump được 217 đại cử tri và 72 triệu phiếu, cách biệt giữa
hai ứng viên là 62 đại cử tri và 5 triệu phiếu (3,33 % tổng số phiếu). Nói khác đi, nếu đối thủ của
ông không giở trò gì vào giờ chót (theo đúng quy định của luật pháp, cũng chẳng
còn trò gì), thì Joe Biden được bầu làm tổng thống thứ 46 của Hiệp chúng quốc
Mỹ.
Đại để các viện thăm dò ý
kiến không sai lầm về kết quả cuộc bầu cử cũng như trong sự phân bố thắng bại của
hai đảng ở các bang : nói chung, Đảng Cộng hoà đã giữ vững hai thành trì
là bang Texas và bang Florida, Đảng Dân chủ hàn gắn lại được « bức tường
xanh » vùng Đại Hồ mà họ đã mất phiếu năm 2016. Có điều là họ đã đánh
giá thấp hiện tượng Trump : sự gia tăng tổng số cử tri bỏ phiếu đã chia đều
theo tỉ số của hai đảng, Trump chỉ thua 3,33 % phiếu bầu, một con số bình
thường trong một cuộc bầu cử dân chủ, trong khi người ta chờ đợi một khoảng
cách lớn hơn sau nhiệm kỳ bốn năm đầy biến động với bao nhiêu vụ bê bối bị
phanh phui, rồi vụ truất phế, rồi nạn đại dịch (không đươc xử lý, với con số tử
vong 233 000 người, gấp 4 lần số tử vong của lính Mỹ ở Việt Nam !). Bị
chỉ trích, các viện thăm dò giải thích bằng « lá phiếu hổ thẹn » (« shy
vote »), khi người được thăm dò trả lời không đúng, hoặc nói còn đang
do dự, hoặc không chịu trả lời tuy đã quyết định chọn ai rồi : đó là trường
hợp những người « latinos » (gốc Châu Mỹ Latin) mà số phiếu bầu
đã làm nghiêng cán cân về phía Trump ở Florida, trong khi người ra chờ đợi ở họ
một sự liên đối với những người đồng hương bị Trump luôn miệng phỉ nhổ ;
hay là những cử tri dư giả / có bằng cấp nhưng không dám phô trương xu hướng
dân tuý của mình ra ; hoặc một chủng loại mới : những « hắc thủ
(hackers) nói ngược », cố ý nói ngược để « phá chơi chế độ »…
Tóm lại, vấn đề Trump đặt ra cho những viện thăm dò là nó chứa đựng nhiều
« ẩn số chưa biết » hơn là những « ẩn số đã biết », mỗi lần
có bầu cử là họ lại phải đi săn lùng « cử tri Trumpist » ở bên ngoài
Đảng Cộng hoà, vẫn được gọi là GOP (Đảng lớn kỳ cựu) do chính Lincoln sáng lập.
Có lẽ chẳng bao lâu nữa, người ta sẽ không phải đi săn ở ngoài rìa GOP nữa :
từ năm 2020 này trở đi, « chủ nghĩa Trump » sẽ tồn tại như một lực lượng
chính trị – có người đã gọi nó là « chủ nghĩa quốc gia – dân tuý ».
Từ khi Trump nhảy vô
chính trường, tỉ số dân chúng ủng hộ Trump tỏ ra hết sức ổn định, ở một mức
cao, khoảng 40 %. Từ 2016 đến nay, tỉ số ấy không hề giảm đi, bất luận nổ
ra chuyện gì, dù là những chuyện bê bối trong đời tư, những sự nhập nhèm tiền
nong, những trò ma giáo trốn thuế, những vụ tiết lộ qua sách báo 2, về
những khiếm khuyết về đạo đức hay thiểu năng trí tuệ… Mọi sự đều trôi tuột đi
như nước đổ đầu vịt, càng khiến cho đương sự dương dương tự đắc, chắc mẩm mình
làm gì đi nữa cũng sẽ được miễn tố. Có lần, đang diễn thuyết, Trump đã chỉ tay
về phía đám đông và dõng dạc : « Ngay bây giờ, tại đây, tôi có thể
bắn vào bất cứ ai mà tôi vẫn không bị hề hấn gì ». Người ta theo Trump
không như đi theo một chính khách, mà là đi theo một thiên sứ chính
trị, đến mức không thể không đặt ra câu hỏi : « Trump là tên gọi
của cái gì ? ». Câu trả lời khả dĩ, rất thuyết phục,
là : « Của một nước Mỹ Tuyệt Vọng » trong những
năm 2000, nói như hai nhà kinh tế học của Trường đại học Princeton, Anne Case
và Angus Deaton 3. Năm
1976, trong luận văn nổi tiếng, Emmanuel Todd đã tiên đoán sự sụp đổ của Liên
Xô, dựa trên một biến số dân số học duy nhất là tỉ lệ tử vong trẻ em. Gần 40
năm sau, cũng theo hướng đó, năm 2015, Case và Deaton đã cho thấy số tử vong của
những người « da trắng không phải gốc Hispanic » 4 lứa
tuổi 45-54 đã tăng lên từ đầu thế kỷ vì những nguyên nhân sau : tự tử, uống
rượu quá độ, sử dụng ma tuý và thuốc men quá liều lượng… Đến mức nó đã tác động
tới tuổi thọ trung bình của toàn dân Mỹ : tuổi thọ khựng lại (thay vì
tăng) từ năm 2010, rồi giảm xuống trong thời gian 2014-2017. Mà trong thời gian
đó, cụ thể là năm 2016, Hoa Kỳ đứng đầu các nước phương Tây về tăng trưởng và
chỉ số nhân dụng (công ăn việc làm). Còn phải làm rõ thêm mối quan hệ nhân quả
với sự thắng cử năm 2016 của D. Trump – bỏ phiếu vì phẫn nộ và thách thức các
« tầng lớp tinh hoa » (xin đọc tóm tắt nghiên cứu của Case &
Deaton – chú thích (3) – và cập nhật hoá với hậu quả của đại dịch Covid-19).
Những người Mỹ « tuyệt
vọng » của những năm 2000 có được hưởng chút lợi lộc nào trong nhiệm kỳ
vừa qua của Donald Trump ? Không có gì chắc chắn. Từ thập niên 80, kinh tế
Mỹ tăng trưởng chậm, thu nhập bình quân hàng năm tính theo đầu người ở mức
1,4 %. Nhưng nó được phân bố không bình đẳng : thu nhập của 50 % (người
nghèo nhất) hầu như không tăng lên chút nào. Trong 4 năm nhiệm kỳ, cải cách
quan trọng nhất là cuộc cải cách năm 2018, giảm thuế liên bang đánh lên lợi tức
của các công ti từ 35 % xuống 21 % ; nhân gấp đôi ngưỡng miễn
thuế kế thừa gia tài ;
giảm thêm 20 % cho các loại thu nhập không phải là lương tháng, tức là đặc
biệt cho người giàu, tới mức là, như nhà kinh tế Gabriel Zucman đã chỉ
rõ, một nhà tỉ phú phố Wall phải trả thuế (về tỉ số) ít hơn một thầy giáo. Một
cuộc cải cách theo đúng chủ nghĩa « tân tự do » nghiêng về phía người
giàu. Tóm lại, bảo rằng Trump bảo vệ những giai cấp nghèo kém, thì như người Mỹ
thường nói : « b… s… » (có thể dịch sang tiếng Việt bằng hai chữ
ĐM).
Nói rộng hơn, ta có thể
đánh giá thành bại về kinh tế của Donald Trump như thế nào ? “ Từ nay
chúng ta có một nền kinh tế phồn thịnh nhất thế giới », năm 2018 Trump
đã khoe khoang như vậy với những người ủng hộ. Đúng là nền kinh tế Mỹ đã khấm
khá hơn sau mấy thập niên : tỉ số thất nghiệp xuống tới mức 3,5 %,
tăng trưởng đạt 2,3 %. Nhưng dám giành trọn công lao về phía mình, Trump
đã (cố tình) phủ nhận công trạng của người tiền nhiệm (Obama, đối tượng tấn
công thường trực của Trump) : chu kỳ tăng trưởng đã bắt đầu từ 10 năm về
trước, tỉ số thất nghiệp đã giảm đi đều đặn từ 2010… Thực ra, tác động của
chính sách kinh tế và cuộc cải cách thuế khoá năm 2018 nói chung được đánh giá
là khoảng 1 % tăng trưởng, và giảm tỉ số thất nghiệp khoảng 0,5 %, với
cái giá phải trả là bùng nổ nợ công (cuối năm 2019 lên tới 23.201 tỷ $, so với
19.977 tỷ cuối năm 2016), nay đã vượt mức 100 % GDP. Kế hoạch mỗi năm
giảm 1 % chi tiêu của liên bang (trừ ngân sách quốc phòng và y tế) rốt cuộc
đã bị dẹp đi. Nhà kinh tế trưởng của Natixis AM đã kín đáo nhận xét :
« Chính sách kinh tế bành trướng [của chính quyền Trump] không
nhất thiết là chính sách nên thi hành nếu căn cứ vào những nguyên lý kinh tế cơ
bản », và ta có thể thêm : « vả lại, đại dịch
covid-19 nổ ra đã quét sạch những cuộc tranh cãi ».
https://www.diendan.org/the-gioi/usa-2020-giai-thoat/car2.png
Ta bắt tay vào việc
nhé ! (Libétation 9.11.2020)
Khi chúng tôi viết những
dòng này, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, tổng thống thất cử không những
vẫn không chịu công khai thừa nhận thất bại, mà còn tìm đủ cách lươn lẹo ngăn
chận quá trình chuyển tiếp dân chủ. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ta biết bản
ngã vị kỷ bệnh hoạn của nhân vật này, nhất là mối quan hệ tâm bệnh của y đối với
thực tại. Chỉ cần nhớ lại buổi lễ nhậm chức tổng thống tháng giêng 2017. Số người
tụ tập dự lễ ở khu Mall thủ đô Washington DC nhiều chỗ thưa thớt, phát ngôn
viên của Trump đã cãi bướng bằng cách tung ra cụm từ « dữ kiện thay thế »
(alternative facts) nay đã trở thành thông dụng. Còn Trump, khi thấy
mình đã thắng phiếu đại cử tri nhưng thua Hillary Clinton tới 2,5 triệu phiếu cử
tri toàn quốc, đã la toáng lên là có gian lận, ra lệnh thành lập một uỷ ban điều
tra khu biệt, do phó tổng thống Mike Pence chủ trì (bốn năm sau, uỷ ban này vẫn
im hơi lặng tiếng). Có lẽ, dù có bị sa thải ra khỏi Nhà Trắng, cho đến chết,
Trump vẫn rêu rao là mình thắng cử. Nhưng chủ nghĩa Trump còn đó.
Những sự hỗn
độn mà nhiệm kỳ Trump để lại, không chắc gì tân tống thống Joe Biden dọn dẹp
cho xong trước năm 2024 5,
và lúc đó, rất có thể sẽ xuất hiện một phiên bản clone từ hàng
ngũ của GOP, hay từ chính bộ tộc Trump không chừng !
Nguyễn Quang
14.11.2020
nguyên tác tiếng Pháp
: Diễn
Đàn 14.11.2020
bản dịch của Nguyễn
Ngọc Giao
1“ Ánh sáng lấp
lánh trên ngọn đồi “, trong óc tưởng tượng của người hành hương John
Windtrop khi ông xuống tàu năm 1630 để đi sang Bắc Mỹ. Năm 2004, tổng thống
Reagan cũng nói tới “ ánh sáng ” ấy trong bài diễn văn “giã từ”
truyền hình, vài tháng sau ngày Liên Xô sụp đổ. « Trong đàu óc tôi đó là một thành phố
cao cả và kiêu hãnh (…) đông nghẹt những con người đủ loại, chúng sống hài hoà
và an lành, một thành phố với những hải cảng tự do, tấp nập buôn bán và sáng tạo.
Nếu phải xây tường bao quanh, thì bức tường nào cũng trổ cửa ra vào, mở rộng
đón nhận những ai người có chí có tâm đi tới. Thành phố ấy vẫn còn đây, lấp
lánh sáng loà. Như một ngọn hải đăng, như tảng đá nam châm thu hút những con
người tha thiết tự do, cho tất cả những kẻ hành hương từ góc biển chân trời
căng buồm lướt sóng trong đêm tối đi về nơi ánh lửa ». Người
ta có thể nghĩ thế này thế khác về nước Mỹ của Reagan, nhưng chắc chắn đó không
phải là nước Mỹ của Donald Trump.
2 M. Wolff , Fire an
Fury ; Bob Woodward : Fear, và Rage ;
Mary Trump (cháu gái gọi DJ là chú) : Too much and never
enough ; John Bolton : The room where it happened.
3 A. Case, A.
Deaton : United States of despair, Project Syndicate.
Bản dịch tiếng Việt : xem Diễn
Đàn 29.06.2020.
4 Đó là danh từ chính thức, nhưng có thể
liên hệ tới văn học, với những « người da trắng thấp hèn »
trong Chùm nho nổi giận của John Steinbeck hay Con
đường thuốc lá của d’Erskine Caldwell.
5 Hệ thồng bầu cử ở Mỹ cổ lỗ tới mức
mà một tổng thống dân chủ phải « Ngu Công dời núi », không những để
bước vào Nhà Trắng (phải có đa số đại cứ tri), mà còn để cầm quyền (vì vai trò
của Thượng viện, mỗi Bang bất kể lớn nhỏ có đúng 2 nghị sĩ : bang Bắc
Dakota (dân số 760 000 người) và bang Nam Dakota (880 000 người) nặng kí ngang
California (40 triệu dân)). Tháng giêng tới đây, Đảng Dân chủ bắt buộc phải có
thêm một thượng nghị sĩ bằng không Biden sẽ phải bó tay như Obama (trong nhiệm
kỳ thứ nhì).
No comments:
Post a Comment