Bùi
Uyên, từ Paris
Thứ bảy - 14/11/2020 17:35
http://nhipcauthegioi.hu/goc-nhin/DUOC-HAY-MAT-SAU-TRANH-CAI-6796.html
(NCTG) “Người ta mất niềm tin vào khoa học, báo chí
tự do Phương Tây. Tin vào những thuyết âm mưu, trích nguồn những trang web
không ai kiểm chứng nổi, chỉ cần nó nói đúng với điều mình muốn nghe. Hôm nay
tin tức này hợp tai ta, nó là báo chí của lẽ phải, ngày mai khi nó viết ngược ý
ta, nó là “thổ tả”?”.
http://nhipcauthegioi.hu/uploads/news/2020_11/bc1.jpg
Một cổ động viên của
Donald Trump ở Phoenix (Arizona), sau khi nghe tin Joe Biden giành chiến thắng ở
đây - Ảnh: Oliver Touren (AFP)
Trong một mớ bát nháo ồn
ào trên mạng Facebook Việt Nam quanh bầu cử Mỹ, tôi có cảm giác vừa ghê sợ, vừa
hiếu kỳ. Chuyện một nước xa xôi, nhưng lại là cơ hội nhìn vào tư duy, nhận thức
của xã hội, văn hóa Việt Nam đến đâu, và để soi lại mình.
Đọng lại hôm nay vài câu chuyện, một Facbooker có tiếng chuyên chỉ viết về các
vấn đề bảo vệ môi trường, tác hại của biến đổi khí hậu, bảo vệ động vật... sau
một post lên danh sách những điều Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã làm đi ngược lại
với các mục tiêu mà người yêu môi trường hướng tới, lập tức 2.000 người bỏ theo
dõi.
Một người khác chuyên ngành kiến trúc, chuyên viết về các triết lý thẩm mỹ, xây
dựng đô thị, vạch mặt các dự án bất động sản lũng đoạn chính sách, phá huỷ môi
trường tại Việt Nam, cũng hàng trăm unfollower vì nêu quan điểm về những cái bạn
không đồng ý với vị tổng thống kiêm tỷ phú bất động sản.
Hàng loạt bài viết phân tích hay nêu ý kiến của các Facebooker vốn được hàng
ngàn người theo dõi do ý kiến chỉ trích những sai trái của chính quyền Việt
Nam, hay nói về chính trị thế giới, văn hóa, học thuật - và cả những nhà nghiên
cứu nước ngoài đã đồng hành bao năm để lên tiếng về nhân quyền, dân chủ cho Việt
Nam - cũng bị thóa mạ bằng lời lẽ bẩn thỉu và bị bỏ theo dõi hàng loạt bởi những
người mà rất nhiều trong số đó, trên avatar còn ủng hộ dân chủ, kêu gọi minh
oan vụ án Đồng Tâm, chỉ trích lũ lụt do phá rừng hủy hoại môi trường, ủng hộ
bình đẳng giới.
Giờ đây, giới học thuật,
nghiên cứu, khoa học, báo chí, nhà hoạt động bảo vệ môi trường, trọng thẩm mỹ,
các giá trị nhân bản ... tất cả, một sớm một chiều, bị dán một mác chung: đạo
đức giả, thổ tả, dối trá, thân Tầu... Chỉ vì họ nói những điều thống nhất với
quan điểm và lựa chọn sống của họ.
Trong vài ngày, những người cùng khát khao tiến bộ cho Việt Nam, hoặc ít ra tưởng
cùng yêu môi trường, cùng duy mỹ, tôn trọng các giá trị cốt lõi của nhân loại
như công bằng, quyền con người, quyền tự do... bỗng đứng ở hai chiến tuyến đối
lập và không mong ngày hàn gắn.
Họ nhận ra mình khác nhau ở điểm nào vậy? Sự chia rẽ ấy, liệu chỉ là khác nhau
một quan điểm nhất thời, hay sẽ là những vực sâu không cầu nối nào bắc qua?
Tranh luận để thêm hiểu biết, hay để chặn đường hiểu biết?
Mâu thuẫn để phát triển, triết học nói thế, nhưng mâu thuẫn trên một nền văn
hóa tranh luận thấp thì thật đáng ghê sợ. Thể hiện bởi kẻ tự cho mình có học thức,
mai mỉa, miệt thị người khác ngu dốt, kẻ không thể suy nghĩ lý lẽ thì chỉ thóa
mạ tục tĩu, thậm chí nếu đối diện nhau chắc lăn vào đấm đá nhau rồi.
Đáng sợ hơn, người ta mất niềm tin vào khoa học, báo chí tự do Phương Tây. Tin
vào những thuyết âm mưu, trích nguồn những trang web không ai kiểm chứng nổi,
chỉ cần nó nói đúng với điều mình muốn nghe. Hôm nay tin tức này hợp tai ta, nó
là báo chí của lẽ phải, ngày mai khi nó viết ngược ý ta, nó là “thổ tả”?
http://nhipcauthegioi.hu/uploads/news/2020_11/bc2.jpg
Bầu cử 2020 bất luận có kết cục thế nào đi nữa, cũng
để lại hố sâu ngăn cách trong xã hội Mỹ, và trong rất nhiều người Việt - Ảnh:
Dömötör Bálint (telex.hu)
Ở Tây Âu nói chung, việc đề phòng, có tư duy phản biện với báo chí đã thành...
truyền thống. Người ta tránh nghe đài báo quá nhiều. Bù lại, họ đọc sách khảo cứu
chuyên sâu trong các lĩnh vực họ quan tâm, để xây dựng cho bản thân một nền hiểu
biết cơ bản, để vững vàng hơn tránh bị “dắt mũi”.
Nhưng thái độ đó hoàn toàn khác xa với chuyện tin theo mọi nguồn tin trôi nổi
trên mạng: không có chuyện phủ nhận khoa học, khác xa việc xếp loại mọi nhà
nghiên cứu, lý luận vào hàng “loser”, “lừa bịp”.
Nếu không duy lý và tin
vào khoa học,
thì chúng ta đang kéo nhau về thời mông muội nào đây? Đặt niềm tin vào mê tín,
thầy cúng, chiêm tinh báo mộng chăng?
Vì sao chúng ta tin vào vaccine của Mỹ và Đức hợp tác nghiên cứu hơn là vaccine
Nga và Tàu đã công bố thành công từ vài tháng trước?
Niềm tin đó không phải dựa trên uy tín xây dựng lâu đời? Không phải dựa trên một
nền văn minh tôn trọng sự thật và khoa học?
Hệ lụy xa hơn, rất nhiều người Việt ở hải ngoại rêu rao, sỉ vả các kênh truyền
thông là gian dối, đánh đồng với “báo chí XHCN”, trong khi đó là sản phẩm
của nền báo chí dân chủ, hàng trăm năm xây dựng vị thế bằng tính tin cậy và độc
lập của nó.
Ngược đời là, các kênh báo chí đó nói ngược với quyền lợi của chính phủ đương
nhiệm, hoàn toàn khác với thứ truyền thông tuyên truyền bảo vệ chế độ nắm quyền.
Reo rắc nghi ngờ vào báo chí tự do cho người Việt trong nước, nơi chưa bao giờ
có tự do báo chí đúng nghĩa, có phải là đẩy một bước lùi cho khao khát về một nền
báo chí tiến bộ, có quyền độc lập chỉ trích chính phủ?
Cũng như ảnh hưởng của việc tố cáo “bầu cử toàn gian lận” nhắm vào mô
hình bầu cử vốn từ gần hai thế kỷ được người Mỹ tự hào chặt chẽ và dân chủ. Hy
vọng kết quả những khiếu kiện bầu cử đang dần hé lộ, sẽ được hai “phe”
chấp nhận một cách lịch sự. Vì nếu người Mỹ chối bỏ cả kết quả bầu cử và
phán quyết của tòa án, để bảo vệ cái tôi phe phái của mình đến
cùng, họ sẽ tự chia rẽ trong nước, và huỷ hoại vị thế và nền dân chủ Mỹ.
Cường quốc này không thuyết phục được dân chúng về sự minh bạch của hệ thống bầu
cử dân chủ, thì còn tư cách nào để giám sát, yêu cầu các quốc gia độc tài, toàn
trị khác chống gian lận bầu cử? Rộng hơn là gian lận thương mại, quyền con người?
Còn nước nào “có lợi” hơn từ sự chia rẽ của nước Mỹ, ngoài cường quốc thứ
hai thế giới là Trung Quốc? Và những đòi hỏi dân chủ, minh bạch giám sát quốc tế,
nhân quyền... tại Việt Nam còn có lý lẽ để lấy chuẩn mực Âu - Mỹ?
Dầu sao, vẫn có thể có một cái kết “có hậu” lạc quan. Sau cuộc “chia
rẽ” này, chúng ta bình tĩnh hơn để lấy đó là cơ hội tìm hiểu về thế nào là
báo chí, bầu cử dân chủ, thế nào là đối đầu đảng phái lành mạnh như hàng trăm
năm nay đã thực hành tại các nước dân chủ, ưu nhược của nó. Để lấy đây là dịp
cho mỗi chúng ta “thực hành” trong vai trò một công dân có quyền lựa chọn
đảng phái và hệ giá trị của mình - điều mà có thể cả đời không thành hiện thực.
Thái độ những người tham gia tranh cãi ở hai phe, sẽ là minh chứng thuyết phục
để những ai còn nghi ngờ, nhìn vào một tương lai nếu có dân chủ, đa đảng ở Việt
Nam sẽ bạo loạn, bất ổn hay không. Hay để rồi thấy rằng bầu cử 99% đồng thuận
hiện nay - không tranh cãi, không mâu thuẫn, khi quan điểm của chúng ta có sức ảnh
hưởng không xa hơn phạm vi bàn nhậu - mới là mô hình chúng ta mong muốn?
Bùi Uyên, từ Paris
No comments:
Post a Comment