Trung
Quốc : Thách thức đối ngoại hàng đầu của Joe Biden
Minh
Anh -
RFI
Đăng
ngày: 12/11/2020 - 13:26
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%...joe-biden
Ngày 07/11/2020, Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ,
đã về đầu cuộc đua vào Nhà Trắng, trở thành vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Một
khi yên vị tại phòng Bầu Dục, một trong những hồ sơ đối ngoại đầu tiên ông phải
để tâm đến chính là Trung Quốc. Theo giới quan sát, căng thẳng giữa Bắc Kinh và
Washington ít có cơ may hạ nhiệt.
https://s.rfi.fr/media/display/eed077e2-24d9-11eb-8fe8-005056a98db9/w:980/p:16x9/000_Was8965795.webp
Joe Biden, trên
cương vị phó tổng thống Mỹ, phát biểu tại bộ Ngoại Giao Mỹ khi tiếp phó chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Washington ngày 25/09/2015. AFP - PAUL J.
RICHARDS
Ngày 07/11/2020, Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ,
đã về đầu cuộc đua vào Nhà Trắng, trở thành vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Một
khi yên vị tại phòng Bầu Dục, một trong những hồ sơ đối ngoại đầu tiên ông phải
để tâm đến chính là Trung Quốc. Theo giới quan sát, căng thẳng giữa Bắc Kinh và
Washington ít có cơ may hạ nhiệt.
.
Nước Mỹ trở lại !
« Nước Mỹ dẫn đường
thế giới trở lại ! » tổng thống tân cử Joe Biden đã phát biểu
như trên ngay tại quê nhà, Wilmington, bang Delaware, ngay sau khi có thông báo
kết quả bầu cử. Tuyên bố này làm dấy lên câu hỏi : Phải chăng nước Mỹ sắp
trở lại với những cơ chế đa phương mà Hoa Kỳ thời Donald đã bỏ rơi trong bốn năm
qua ? Hay Washington sẽ can dự nhiều hơn trên trường quốc tế ?
Ông Hubert Vedrine, cựu
ngoại trưởng Pháp, trên làn sóng RFI cảnh báo : Đó chẳng qua chỉ là
những gì châu Âu đang mơ tưởng. Cụm từ « hướng dẫn thế giới »
mà ông Biden nói đến chính là « sự trở về với vai trò lãnh đạo
hàng đầu của Mỹ ».
Thế nhưng, vị thế này của
Mỹ đang bị lung lay, ngày càng bị Trung Quốc cạnh tranh dữ dội. Cuộc chiến
thương mại và công nghệ mà tổng thống Trump khởi động nhằm chống lại Trung Quốc
trong bốn năm qua là một minh chứng rõ ràng.
Ba mươi năm sau khi chiến
tranh lạnh kết thúc, thế cân bằng trên thế giới và khu vực đã có những thay đổi
cơ bản. Hoa Kỳ, tuy vẫn chiếm ưu thế quân sự với phần còn lại của thế giới,
nhưng phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ trong nhiều
lĩnh vực, từ kinh tế, công nghệ cho đến quân sự. Tiến trình này đã được thực hiện
một cách có bài bản và nhắm mục tiêu dài hạn.
Le Monde Diplomatique (số
ra tháng 11/2020) vẽ ra một viễn cảnh mà ở đó thế giới trong tương lai có thể
phải đối mặt với một trong hai kịch bản : Hoặc một trật tự cân bằng các khối
mới giữa Washington và Bắc Kinh được hình thành, hoặc Trung Quốc soán ngôi Hoa
Kỳ lãnh đạo thế giới vào khoảng năm 2050.
.
Trump : Chính
sách châu Á là chống Trung Quốc
Trong cảnh quan này, có lẽ
ông Donald Trump là nguyên thủ Mỹ duy nhất công khai vạch rõ và phê phán những
chính sách sai lầm của những người tiền nhiệm, cũng như nhiều nước phương Tây
khác, đã tạo thuận lợi cho Bắc Kinh vươn lên thành cường quốc. Nguyên thủ Mỹ
còn cho rằng, toàn cầu hóa đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho tầng lớp trung
lưu Mỹ.
Thế nên, trong bốn năm
qua cầm quyền, Donald Trump thực hiện một chính sách ngoại giao co cụm, triệt
thoái Hoa Kỳ ra khỏi nhiều vùng lợi ích mà Washington đã có được. Đặc biệt là
chính sách với châu Á, từng là một ưu tiên hàng đầu dưới tổng thống tiền nhiệm
Barack Obama, đã bị ông phá tan ngay khi bước chân vào Nhà Trắng khi cho rút
Hoa Kỳ khỏi hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Barthélémy Courmont,
chuyên gia về Đông Bắc Á, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, cho rằng chính
sách châu Á của ông Trump chủ yếu được tóm gọn trong hai cách tiếp cận :
Khai mở đối thoại với Bắc Triều Tiên, nhưng do thiếu sự chuẩn bị nên đã thất bại,
và tiến hành « cuộc chiến thương mại » chống Trung Quốc.
Đà đi lên thành cường quốc
của Bắc Kinh, giờ là một nỗi ám ảnh tại Washington, vô hình chung trở thành trọng
tâm trong chính sách đối ngoại chung của Mỹ. Và những cuộc chiến thương mại,
công nghệ cũng như cuộc đối đầu ngoại giao gần như thường nhật giữa Mỹ và Trung
Quốc đã để lại các vết hằn khó phai.
.
Trump và
Biden : Cùng một chiến lược với Trung Quốc
Trong bối cảnh này, liệu
việc Joe Biden đắc cử có làm cho mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc sẽ được cải thiện
hơn hay không ? Đâu là chính sách đối ngoại với Trung Quốc của Joe
Biden ? Về điểm này, Bắc Kinh tỏ ra không mấy ảo tưởng khi hiểu được rằng
« Trump ra đi, nhưng chủ nghĩa Trump vẫn ở lại. »
Trang mạng bằng tiếng Anh
của Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) , cơ quan ngôn luận không chính thức của đảng
Cộng sản Trung Quốc, trong bài xã luận còn đi xa hơn khi cảnh báo :
« Trung Quốc không nên nuôi dưỡng bất kỳ ảo vọng nào khi cho rằng Biden
đắc cử sẽ làm cho quan hệ Mỹ - Trung được hòa dịu hay được cải thiện (…) Đối đầu
giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như sự cảnh giác của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ
ngày càng gia tăng. »
Nói một cách cụ thể :
Trong một chừng mực nào đó, Joe Biden đồng tình với những đánh giá của Trump về
Trung Quốc, do vậy ông cũng sẽ áp dụng cùng một kiểu chính sách với Trung
Quốc như người tiền nhiệm, nhưng có thể theo một phương cách khác. Nhà phân
tích về châu Á, Alice Ekman, Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Châu Âu
(EUISS), trên đài phát thanh France Culture giải thích :
« Ở đây có một sự
đồng thuận giữa hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, theo đó Trung Quốc là
một mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ. Do vậy, tôi không nghĩ rằng sẽ có một
sự thay đổi đường hướng từ phía chính quyền Biden tương lai đối với Trung Quốc.
Có thể chỉ thay đổi về mặt phương pháp, bởi vì trước đó, chẳng có một sự kềm
chế nào hết đối với Trung Quốc trong chiều này cũng như chiều ngược lại.
Lời lẽ đưa ra là quá cứng rắn, đó là chưa kể đến những
việc đã làm và các quyết định đã đưa ra nữa. Chính quyền Mỹ, bộ Thương Mại đã
cho công bố danh sách các thực thể Trung Quốc bị xếp vào diện không thể tin cậy,
nhất là đối với các tập đoàn công nghệ. Thế nên, cạnh tranh thương mại và công
nghệ, theo tôi, vẫn sẽ tiếp tục trong những năm tới. »
Như vậy, đường lối đối
ngoại của Washington đối với Bắc Kinh là bất di bất dịch. Bảo vệ những lợi ích
kinh tế và ưu thế quân sự của Mỹ, cũng như việc chặn đà tiến của Trung Quốc phải
là những ưu tiên hàng đầu. Do đó, châu Á vẫn sẽ làm đấu trường chính giữa
Mỹ và Trung Quốc.
.
Joe Biden : Một
mặt trận chung đối phó Bắc Kinh ?
Trong cuộc đọ sức này,
Joe Biden hy vọng có thể trông cậy vào các đồng minh châu Á và châu Âu từng bị
Donald Trump bỏ rơi, nhằm thành lập một mặt trận chung làm đối trọng với Bắc
Kinh trong nhiều hồ sơ lớn, chẳng hạn như vấn đề Đài Loan.
Theo quan điểm của ông
Jean-François Huchet, giám đốc INALCO Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông
Phương, khi trả lời phỏng vấn đài RFI Tiếng Việt, Đài Loan vẫn sẽ là một chiếc
gai lớn trong quan hệ Trung – Mỹ.
Jean-François
Huchet : « Về phần
Đài Loan, người ta nhận thấy có một sự chuyển hướng của Mỹ muốn thắt chặt hơn nữa
mối quan hệ với Đài Loan. Trong hồ sơ này, về mặt hình thức, chính quyền tương
lai có thể sẽ có ít những hành động khiêu khích hơn những gì tổng thống Trump
làm trước đây. Nhưng về mặt cơ bản, người ta dự báo Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ
khí cho Đài Loan, và việc này có nguy cơ khiến Bắc Kinh phật lòng.
Một khía cạnh khác trong hồ sơ này, đó là có một khả
năng phối hợp với châu Âu. Nghĩa là ông Trump đã gây nhiều xích mích với
châu Âu trên bình diện thương mại và công nghệ. Nếu Hoa Kỳ có thể trở lại với một
mối quan hệ hòa dịu hơn với châu Âu, thì có nhiều hy vọng Mỹ và châu Âu thành lập
một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc trong nhiều hồ sơ, từ chiến tranh
thương mại cho đến cuộc chiến công nghệ, mà cũng có thể cả những vấn đề liên
quan đến sự hiện diện của phương Tây tại châu Á. »
*
Còn với những nước khác
trong khu vực thì sao, nhất là trong vấn đề Biển Đông ? Vẫn theo nhà
nghiên cứu tại INALCO, lập trường của Joe Biden trong mối quan hệ giữa Mỹ với
các nước Đông Nam Á sẽ không có gì khác biệt so với các chính sách của Donald
Trump.
Jean-François
Huchet : « Liên
quan đến Đông Nam Á, tôi cho rằng Hoa Kỳ sẽ trở về với lập trường từng được đưa
ra dưới thời ông Obama. Nghĩa là mối quan hệ với các nước Đông Nam Á có một tầm
quan trọng đáng kể, chứ không chỉ riêng gì với Nhật Bản, Hàn Quốc, những quốc
gia vành đai đối với vùng ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải. Ở
đây, chúng ta cũng đã thấy được một lập trường tương đối rõ ràng từ phía đảng
Dân Chủ, một lần nữa về mặt cơ bản, không có nhiều thay đổi đáng kể so với quan
điểm cứng rắn của chính quyền Trump ».
.
Nhân quyền :
Lá bài sau cùng ?
Có lẽ điểm khác biệt duy
nhất trong chính sách đối ngoại của Joe Biden đối với Bắc Kinh chính là vấn đề
nhân quyền. Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ hay Tây Tạng có thể sẽ được sử dụng
như là một công cụ để cản đà tiến thế bá quyền của Trung Quốc tại châu Á và có
thể xa hơn nữa.
Tuy nhiên, chuyên gia về
Đông Bắc Á, Barthélémy Courmont, trên trang mạng của Viện Quan hệ Quốc tế và
Chiến lược (IRIS), lưu ý rằng « trong suốt ba thập niên qua, cùng với sự
trỗi dậy thành cường quốc, Trung Quốc dường như đã thích nghi được với các
chính quyền Cộng Hòa, vốn dĩ chỉ đọ sức với Bắc Kinh về các vấn đề thương mại,
nhưng tỏ ra kín tiếng về hồ sơ nhân quyền, mà Bắc Kinh luôn xem đấy như là một
hành động can thiệp chuyện nội bộ của Trung Quốc. Nhưng đồng thời các chính quyền
Clinton và Obama cho thấy rõ không có khả năng áp đặt Bắc Kinh về các vấn đề
chính trị, cũng như tất cả các đời tổng thống Mỹ nhìn chung cũng tỏ ra bất
lực trong các vấn đề kinh tế và thương mại. »
Liệu Joe Biden có thể làm
tốt hơn những người tiền nhiệm hay không ? Đây chắc chắn sẽ là một phương
trình khó giải ! Nhất là các đồng minh của Mỹ từ Á đến Âu cũng hiểu rõ một
điều rằng, trong mặt trận chung chống Trung Quốc, giữa Mỹ và họ không có
cùng một đích ngắm. Washington đối đầu với Bắc Kinh còn là vì giành thế bá quyền,
trong khi các đồng minh Á-Âu đối phó với Trung Quốc là chỉ để bảo vệ các lợi
ích cốt lõi !
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Bốn
năm nhiệm kỳ Trump : Trung Quốc trỗi dậy, phương Tây suy yếu
Bầu
cử Mỹ 2020 : Biden đắc cử, nhiều nước châu Á không hồ hởi
No comments:
Post a Comment