Monday, 9 November 2020

TÍNH ƯU VIỆT CỦA CÁC ĐỊNH CHẾ DÂN CHỦ HOA KỲ (LS Đào Tăng Dực)

 


TÍNH ƯU VIỆT CỦA CÁC ĐỊNH CHẾ DÂN CHỦ HOA KỲ  

Đào Tăng Dực

01;06  09/11/2020   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2748841368766096&id=100009207787077

 

Tất cả các nền dân chủ chân chính trên thế giới đều phát xuất từ 2 nền dân chủ nguyên thủy. Một là tổng thống chế Hoa Kỳ và hai là đại nghị hay quốc hội chế Vương Quốc Thống Nhất Anh.

 

Sự khác biệt nền tảng giữa hai nền dân chủ này nằm ở chỗ tổng thống chế thì có tam quyền phân lập (hành pháp, lập pháp và tư pháp) theo quan điểm của tư tưởng gia chính trị người Pháp là Montesquieu hầu thực thi quan điểm “kiểm soát và quân bình” (Checks and Balances).

 

Trong khi đó quốc hội chế chỉ có nhị quyền phân lập vì hành pháp (tức Nội các) được chính đảng có đa số dân biểu trong quốc hội thành lập (coi như phát xuất từ lập pháp) và chỉ có tư pháp là độc lập đối với quốc hội mà thôi. Chính vì thế, dưới quốc hội chế, khái niệm “tính tối cao của quốc hội” (Supremacy of Parliament) là then chốt.

 

Bù vào đó thì quốc hội chế minh thị chấp nhận một đối lập chính thức (Official opposition) ngay trong quốc hội để “kiểm soát và quân bình” chính quyền.

 

Nhiều thế kỷ trôi qua, tuy các nền dân chủ Hoa Kỳ và Anh quốc vẫn có một số khuyết điểm, nhưng cả hai đều là những nền dân chủ ưu việt, chân chính và xứng đáng với vai trò những ngọn hải đăng sáng ngời của tiến trình dân chủ hóa toàn nhân loại. Từ 2 mô hình này khai sinh ra những mô hình dung hòa như tổng thống chế tại Pháp, Nam Hàn hoặc Đài Loan chẳng hạn.

 

Tuy nhiên sau Thế Chiến Thứ Hai, Hoa Kỳ vươn lên và trở thành cường quốc kinh tế và quân sự số một. Đế quốc Anh từ từ buôn bỏ các thuộc địa, suy thoái và trở thành một đồng minh và trợ thủ trung kiên của Hoa Kỳ.

 

Song song với sự vươn lên của Hoa Kỳ, thì mô hình dân chủ tổng thống chế và khái niệm tam quyền phân lập ngày càng tỏa sáng trong tâm thức của các nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại các quốc gia đang rên xiết dưới ách độc tài. Nói như thế không có nghĩa là quốc hội chế không phải là một mô hình dân chủ chân chính hoặc kém hơn mô hình tổng thống chế. Mỗi mô hình đều có ưu và khuyết điểm.

 

Cũng chính vì lý do này, các nhà độc tài trên thế giới, từ Iran (giáo phiệt), Nga Sô (Công An Trị), Bắc Hàn, CSTQ, Cuba và CSVN (cộng sản) đều luôn chực chờ cơ hội để chỉ trích hoặc phá hoại nền tảng và sự ổn định của nền dân chủ Hoa Kỳ, hầu tuyên truyền và biện minh cho các chế độ độc tài nơi xử sở của chính họ.

 

Cuộc tổng tuyển cử ngày 3 tháng 11, 2020 tại Hoa Kỳ và những khó khăn kỹ thuật do Đại dịch Vũ Hán gây ra đã bị Putin, Tập Cận Bình và các nhà độc tài khác khai thác như “những khuyết điểm nền tảng” của các nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, hầu củng cố cho các lập luận duy trì độc tài tại các quốc gia họ thống trị.

 

Tuy nhiên họ đã sai lầm ở hai điểm chiến lược sau đây:

 

1. Một là họ đã đánh giá thấp tính ưu việt của các định chế dân chủ Hoa Kỳ bao gồm:

a. Hành pháp bao gồm vị trí tổng thống, guồng máy hành chánh như Bưu Điện (US Postal Service), các cơ quan an ninh quốc gia như FBI, CIA, NSA (National Security Agency)

b. Quốc hội bao gồm Thượng viện và Hạ viện

c. Tư pháp bao gồm các tòa án tiểu bang lên đến tối cao pháp viện tiểu bang, các tòa án liên bang lên đến Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ

d. Một nền báo chí tư nhân độc lập xứng danh là đệ tứ quyền trong một nền dân chủ chân chính.

 

Tất cả những định chế đó tương sinh, tương tùy, một mặt hỗ trợ cho nhau, nhưng mặt khác kềm chế lẫn nhau theo tinh thần “Kiểm Soát và Quân Bình” (Checks and Balances).

Chính vì thế, không phải chỉ có Tổng thống Donald Trump, mà bất cứ ứng cử viên nào, trong bất cứ một cuộc bầu cử nào, cũng có quyền khiếu nại duyệt xét kết quả bầu cử, trong khuôn khổ luật pháp và hiến pháp.

 

Dĩ nhiên quyền khởi tố khiếu nại với Tòa phải căn cứ trên 2 yếu tố luật định. Một là căn bản khởi kiện (grounds of legal action) và hai là chứng cứ (evidence). Nếu hội đủ 2 yếu tố thì Tòa sẽ phân xử. Không hội đủ thì Tòa sẽ trả lại đơn.

 

Chính vì thế, các nguyên thủ quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ đều minh thị bày tỏ niềm tin vững chãi vào sự bền vững của các định chế dân chủ Hoa Kỳ ngày hôm nay.

 

2. Hai là các nhà độc tài đã đánh giá quá thấp sự thông minh của các thần dân họ đang cai trị.

 

Trong thời buổi thặng dư tin học này, khi các công dân Việt Nam, Trung Quốc hoặc Nga Sô chứng kiến cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ và tính trong suốt (transparency) của nó như:

 

a. Báo chí tư nhân được quyền hạch hỏi các chính trị gia, kể các tổng thống Donald Trump

b. Khi TT Trump và ứng cử viên Joe Biden tranh luận công khai trước quần chúng và được đánh giá công khai không thiên vị

c. Khi tiến trình kiểm phiếu được livestream minh bạch

d. Khi chính vị tổng thống đang cầm quyền khiếu nại là kiểm phiếu không công bằng (chứ không phải phe đối lập như tại các quốc gia độc tài khác)

 

Thì thần dân tại các quốc gia độc tài không khỏi ao ước một ngày nào đó quốc gia họ cũng được dân chủ như Hoa Kỳ vậy.

 

Chúng ta có thể dự đoán rằng chỉ trong một thời gian hợp lý, những vấn nạn của cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 sẽ được giải quyết qua sự tương tác giữa các định chế dân chủ vững chắc tại Hoa Kỳ, theo tinh thần “Kiểm Soát và Quân Bình” của Hiến Pháp.

 

Trong khi đó, vì tiếp cận thông tin từ cuộc tổng tuyển cử ngày 3 tháng 11, 2020 tại Hoa Kỳ mà thần dân tại các quốc gia độc tài như Iran, Nga Sô, CSTQ và CSVN càng phẫn nộ với các chế độ độc tài sở tại, hun đúc sự căm thù và gia tốc tiến trình dân chủ hóa hầu nhanh chóng đập tan độc tài đảng trị tại xứ sở của họ.

 

17 BÌNH LUẬN   

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats