Wednesday, 25 November 2020

TIN GIẢ và MẶT TRÁI CỦA MẠNG XÃ HỘI (Việt Hoàng)

 


Tin giả và mặt trái của mạng xã hội

Việt Hoàng

24/11/20

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/19680-tin-gi-va-m-t-trai-c-a-m-ng-xa-h-i

 

Mạng xã hội ra đời là một tiến bộ của nhân loại khi cho phép mọi người, bất cứ ở đâu và với bất cứ thân phận nào đều có thể nói lên tiếng nói của mình.

 

Mạng xã hội đang cạnh tranh với các cơ quan báo chí truyền thống. Mạng xã hội có ưu điểm là nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng vì ai cũng có thể làm người đưa tin chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet. Trên mạng xã hội thì ai cũng có thể là một nhà báo, sản xuất và truyền tải thông tin. Công việc này trước đây là độc quyền của các cơ quan báo chí và truyền thông chuyên nghiệp.

 

Tuy nhiên mạng xã hội giống như một cái chợ, từ thượng vàng đến hạ cám đều có. Vì là cái chợ nên người tham gia mạng xã hội cũng phong phú và hổ lốn như một cái chợ. Người thông minh, lương thiện và tử tế có; kẻ ngu dốt, dối trá và lừa đảo cũng có.

 

Mạng xã hội vừa là đồng minh vừa là kẻ thù của dân chủ. Nhờ mạng xã hội mà tiếng nói của những kẻ thấp cổ bé họng và những người đang đấu tranh cho dân chủ có cơ hội được biết đến và lắng nghe. Tuy nhiên các chính quyền độc tài, với nguồn lực to lớn của mình, họ cũng biết cách dùng mạng xã hội để ru ngủ quần chúng. Tất nhiên những lời sự thật và tôn trọng lẽ phải có sức mạnh vô biên, sớm muộn cũng sẽ chiến thắng những luận điệu dối trá và mị dân của các chế độ độc tài.

 

Đảng cộng sản Việt Nam luôn tìm cách bịt miệng báo chí tự do và mạng xã hội, họ nhiều lần dọa đóng cửa Facebook là vì thế. Tất nhiên là không thể có chuyện đó vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ nên không thể tùy ý đóng cửa các đại công ty của Mỹ. Dù vậy thì Facebook cũng phải hợp tác ít nhiều với chính quyền Việt Nam vì quyền lợi của chính họ. Doanh thu từ quảng cáo của Facebook tại Việt Nam gần một tỉ USD hàng năm với 60 triệu tài khoản người dùng. Không ít trường hợp các tài khoản của giới bất đồng chính kiến Việt Nam bị khóa tài khoản trong đó có bản thân người viết.

 

Mạng xã hội cho phép mọi người, với trình độ và hiểu biết khác xa nhau có thể cùng tham gia một cuộc thảo luận và điều này không phải lúc nào cũng tốt. Thường thì sẽ dẫn đến bất đồng và cãi nhau. Kiến thức khác nhau, nhân sinh quan và thế giới quan khác nhau nên cách nhìn nhận vấn đề cũng khác nhau. Câu chuyện "thầy bói (mù) xem voi" là một ví dụ. Người sờ vào cái tai voi thì cho rằng voi giống như cái quạt, người sờ vào chân voi thì cho rằng voi giống cái cột đình… Nhiều cuộc thảo luận nghiêm túc và đứng đắn về chính trị trên mạng xã hội đã bị phá hỏng bởi những kẻ quấy rối, có thể là dư luận viên cũng có thể là từ những kẻ thiếu hiểu biết. Cũng vì thế các mạng xã hội đều cho phép lập các nhóm (diễn đàn) riêng và các chức năng hạn chế người tham gia.

 

Một vấn nạn dù không mới nhưng đã nở rộ thời gian qua trên mạng xã hội là nạn tin giả (fake news), nhất là từ sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. Donald Trump là người tấn công mạnh mẽ vào hệ thống báo chí truyền thống Mỹ khi gọi báo chí là "kẻ thù của nhân dân". Trump cũng là người thường xuyên gọi các tin tức bất lợi cho ông từ báo chí là tin giả. Với Trump thì tin gì bất lợi cho ông hoặc ông không thích nghe thì đều là tin giả trong khi đó chính ông là người phát tán và đưa ra nhiều tin giả nhất. Theo tờ Washington Post thì trong gần 4 năm làm tổng thống, Trump đã nói dối và nói sai hơn 20.000 lần, nhất là về đại dịch Covid-19.

 

Sau hiện tượng Donald Trump thì các mạng xã hội cần phải có những bộ qui tắc ứng xử chung cho người tham gia cũng như việc phát hiện và xử lý tin giả kịp thời. Tất nhiên nguyên tắc cốt lõi là phải tôn trọng tự do ngôn luận vì đó là một trong những quyền căn bản của con người mà Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập của Liên Hợp Quốc đã minh định (năm 1948).

 

Chống tin giả là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng của các mạng xã hội như Facebook và Twitter. Hiện tại hai trang mạng này đã có những cố gắng và bước đi đầu tiên khi gắn nhãn "tin chưa được kiểm chứng" lên các status của Donald Trump.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50641348082_c3919f52df.jpg

Theo tờ Washington Post thì trong gần 4 năm làm tổng thống, Trump đã nói dối và nói sai hơn 20.000 lần, nhất là về đại dịch Covid-19.

 

Nạn tin giả không chừa một ai nhưng có lẽ người Việt Nam là bị ảnh hưởng nhiều nhất. Sự chia rẽ vì nạn tin giả xung quanh Donald Trump là một điều rất đáng buồn. Càng đáng buồn hơn khi sự chia rẽ đó cũng rất lớn ngay trong phong trào dân chủ Việt Nam. Nhiều người tranh đấu cho dân chủ có uy tín cũng bị cuốn theo tin giả và khiến họ trở nên cực đoan. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng là nạn nhân của tin giả khi bị tấn công, chửi bới từ những người cuồng Trump. Chúng tôi đã cố gắng im lặng và chịu đựng bằng sự kiên nhẫn và bao dung trong suốt thời gian qua. Chúng tôi tin rằng thời gian sẽ trả lời và trả lại mọi sự thật về đúng bản chất của nó.

 

Tin giả cũng như hàng giả. Hàng giả nhìn thì rất đẹp nhưng không bền. Tin giả mới nghe qua thì rất hay, rất sướng tai nhưng nó làm người nghe u u mê mê và cuối cùng là không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai. Hàng giả cũng như tin giả đều có hại cho mỗi người.

 

Cách chống tin giả dễ nhất là phải chọn nguồn tin để theo dõi và chia sẻ. Thường thì các cơ quan truyền thông báo chí lâu đời là những nguồn tin có uy tín vì có thâm niên và có tiếng tăm. Điều này đúng ngay cả với truyền thông của người Việt. Những tổ chức hoặc các cơ quan báo chí đã có thâm niên và uy tín thường cẩn trọng và đưa tin trung thực hơn là những cá nhân. Uy tín là thứ cần phải xây dựng và được thời gian kiểm chứng.

 

Việt Nam là một trong những mảnh đất màu mỡ cho tin giả. Làm thế nào để ngăn chặn tin giả và sự lan truyền của nó ? Có lẽ mô hình chống tin giả của Đài Loan là một cách để chúng ta tham khảo và học hỏi trong tương lai (1).

 

Trên thực tế đã có nhiều mạng lưới quốc tế thuộc các tổ chức dân sự độc lập đảm nhiệm chức năng kiểm chứng các tin giả như FactCheck.orgSnopes.com và Politifact.com

 

Có một số nguyên tắc và chỉ dẫn để mỗi người có thể nhận biết được tin giả như sau :

 

1. Tiêu đề bài viết : Tiêu đề của các tin giả (fake news) thường rất hấp dẫn, viết in hoa kèm dấu chấm than mang tính chất khẳng định. Nếu bạn thấy một tiêu đề nghe có vẻ khó tin, thì có lẽ nội dung của bài cũng vậy thôi.

 

2. Quan sát đường link : Đường link chứa tin giả thường mô phỏng lại một trang tin đáng tin cậy nào đó, chỉ khác một vài ký tự trong đường dẫn. Bạn nên chú ý kỹ ở điểm này, có thể vào chính trang tin đó để đối chiếu lại.

 

3. Kiểm tra nguồn tin : Cần đảm bảo rằng tin tức đến từ một nguồn đáng tin cậy.

 

4. Kiểm tra định dạng bài viết : Các tin tức giả thường không được chỉnh chu, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp hết sức ngớ ngẩn. Ngoài ra, định dạng bài viết sẽ khá lộn xộn, không thống nhất.

 

5. Kiểm tra ảnh : Tin tức giả thường đi kèm ảnh và video để tăng sự tin tưởng. Tuy nhiên, đa số toàn là ảnh trên mạng, nên bạn cần làm thao tác tìm kiếm hình ảnh đó trên Internet để truy ra nguồn gốc của nó.

 

6. Kiểm tra thông tin thời gian : Tin giả có những mốc thời gian rất vô lý, thậm chí được sửa đổi hết sức trắng trợn.

 

7. Kiểm tra lại thông tin bằng chứng : Kiểm tra nguồn tin của tác giả về độ chính xác. Nếu thiếu bằng chứng, đó nhiều khả năng là tin giả.

 

8. Kiểm tra các trang tin chính thống : Nếu không có bất kỳ trang tin nào đăng tải, đó là dấu hiệu cho thấy đó là tin giả.

 

9. Xem lại tính chất nguồn tin : Đôi khi, người đọc có thể nhầm lẫn giữa một tin giả và một bài viết mang tính chất bông đùa. Hãy kiểm tra lại nguồn đăng tin.

 

10. Một số bài viết hết sức chặt chẽ, nhưng cố tình bóp méo sự thật. Cần phải có tư duy phản biện tốt để nhận biết tính khách quan và đáng tin cậy của bài viết và chia sẻ (share) một cách có trách nhiệm (2).

 

https://live.staticflickr.com/65535/50641348062_c49dd76527.jpg

Thật ra để kiểm chứng một tin giả không khó, khổ nổi khi yêu ai hoặc thích ai rồi thì đâu còn muốn tin vào những điều người khác nói.

 

Thật ra để kiểm chứng một tin giả không khó, khổ nổi khi yêu ai hoặc thích ai rồi thì đâu còn muốn tin vào những điều người khác nói. "Con tim mù lòa" khi yêu là thế. Thậm chí càng bị chỉ trích thì càng yêu, càng tin vào những gì mình đã thích. Tình yêu dành Trump là một ví dụ. Cảm xúc đã thay thế cho lý trí. Chỉ có thời gian mới là liều thuốc chữa lành cho mọi vết thương và sự mê muội. Người Việt từ hai phía (yêu và ghét Trump) nên kiên nhẫn chờ đợi và nếu có phản bác thì cũng nên dùng lý lẽ thay vì cảm xúc.

 

Một sự "độc hại" nữa của mạng xã hội là đã góp phần thổi bùng lên làn sóng dân túy trên khắp thế giới, từ Châu Á tới Châu Âu, từ Châu Phi tới Châu Mỹ mà hiện tượng Donald Trump là một ví dụ. Ông ta đã dùng mạng Twitter để "nói chuyện trực tiếp" với người dân và đưa ra những thông báo quan trọng như việc thay đổi nhân sự cấp cao trong Nhà Trắng. Điều này có thể làm người dân háo hức nhưng lại làm cho hệ thống chính quyền suy yếu và bối rối. Mỗi lời nói của vị nguyên thủ quốc gia đều rất quan trọng và ảnh hưởng đến nhiều người. Các quyết định của chính quyền phải được bàn bạc và thảo luận trước trong nội bộ và do người phát ngôn công bố để đảm bảo sự nghiêm túc và đứng đắn.

 

Muốn chống được tin giả thì người nghe, người đọc phải có kiến thức và trí tuệ. Người Việt dễ bị tin giả chi phối vì bản tính nông nổi và hời hợt. Không ai có thể giúp và nâng mỗi người lên tầm cao của trí tuệ, ngoài chính bản thân người đó.    

 

Việt Hoàng

 

--------------------------------------------------

 

XEM THÊM

 

FAKE NEWS vs VĂN HÓA ĐỌC (Đặng Sơn)

24/11/2020

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats