Friday, 13 November 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 13/11/2020 (The Economist)

 


Thế giới hôm nay: 13/11/2020

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

13/11/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/11/13/the-gioi-hom-nay-13-11-2020/

 

Donald Trump vừa tung ra hơn một chục tweet đả kích Fox News, nhà đài đã làm rất nhiều để giúp chống đỡ cho nhiệm kỳ tổng thống của ông. Một số người dẫn chương trình bình luận của Fox vẫn theo sát quan điểm của ông nhưng nhóm tin tức của hãng công khai bác bỏ khiếu nại của ông về gian lận bầu cử. Ông Trump đã kêu gọi người theo dõi chuyển sang xem OANN và Newsmax, hai nhà đài cực hữu. Nhưng trang web tin tức Axios đưa tin ông đang lên kế hoạch xây dựng một kênh của riêng mình.

 

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã bổ nhiệm Ron Klain làm chánh văn phòng Nhà Trắng. Ông Klain từng đảm nhiệm vai trò tương tự cho Biden khi ông còn là phó tổng thống. Ông Klain được bổ nhiệm làm “sa hoàng chống Ebola” vào năm 2014, khi căn bệnh này đe dọa nước Mỹ trong một khoảng thời gian ngắn. (Ông được Kevin Spacey thể hiện trong “Recount”, một bộ phim Hollywood về cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi năm 2000).

 

Các đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới ở Mỹ giảm nhẹ trong tuần trước, giảm 48.000 xuống còn 709.000. Điều này tốt hơn một chút so với dự đoán trong bối cảnh nước Mỹ đang trải qua làn sóng ca nhiễm covid-19 thứ ba. Dù vậy, con số xin trợ cấp hàng tuần mới vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình trước đại dịch là 200.000 một tuần.

Một số nhà bán lẻ đã nhanh chóng hết hàng Sony PlayStation 5 ngay sau khi máy chơi game mới này được phát hành. Bán hàng trực tiếp bị hạn chế bởi phong tỏa covid-19, nhưng đơn đặt hàng trước và bán hàng online nhanh chóng cho thấy sự quan tâm mãnh liệt. Việc thiếu hụt các trò giải trí khác đã trở thành lợi thế cho ngành công nghiệp game. Trong tuần này, Microsoft cũng ra mắt Xbox Series X.

 

Ủy ban Châu Âu đưa ra một chiến lược bảo vệ người LGBT, khiến họ có thể có mâu thuẫn với một số nước thành viên phía đông. Các đề xuất, mà các quốc gia thành viên phải đồng ý, bao gồm hình phạt tối thiểu đối với các tội thù ghét LGBT. Nhưng Hungary gần đây đã đề xuất một sửa đổi hiến pháp để ngăn các cặp đồng tính nhận con nuôi, và nhiều thị trấn ở Ba Lan đã tuyên bố “khu vực cấm LGBT”.

 

Emirates lần đầu tiên trong hơn 30 năm thua lỗ nửa đầu năm. Hãng hàng không quốc doanh của Dubai, lớn nhất thế giới tính theo km bay của hành khách quốc tế trước covid-19, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trong sáu tháng tính đến ngày 30 tháng 9, số lượng hành khách giảm 75% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến khoản lỗ 3,4 tỷ đô la, so với lợi nhuận 235 triệu đô la cũng cùng kỳ năm ngoái.

 

GDP của Anh tăng kỷ lục 15,5% trong quý 3, giữa lúc nước này phục hồi sau phong tỏa covid-19 vào mùa xuân. Song, con số này vẫn thấp hơn dự đoán của các nhà dự báo. Sản lượng vẫn thấp hơn 9,6% so với một năm trước – hiệu suất tệ nhất trong các nền kinh tế lớn của Châu Âu.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

ASEAN họp trực tuyến

Các nhà ngoại giao châu Á tạm dừng công việc vào cuối tuần này. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á sẽ tổ chức trực tuyến cuộc gặp hai lần một năm vào thứ Năm, và thảo luận về biến đổi khí hậu, thương mại, an ninh và covid-19. Nhóm dự kiến ​​sẽ khởi động một quỹ coronavirus khu vực và một nguồn dự trữ y tế chung cho các tình huống khẩn cấp trong tương lai.

 

Vào Chủ nhật, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ được ký kết bởi mười quốc gia thành viên ASEAN, cùng với Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Mặc dù Ấn Độ đã từ bỏ thỏa thuận, RCEP vẫn sẽ là hiệp ước thương mại khu vực lớn nhất thế giới, với các nước tham gia tạo ra đến một phần ba GDP toàn cầu. Người Đông Nam Á háo hức mong đợi sự thịnh vượng mà RCEP hứa hẹn, trong khi lo ngại nó sẽ giúp Trung Quốc củng cố vị thế trong khu vực lân cận. Nhiều người kỳ vọng nước Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden kiểm soát Trung Quốc bằng cách tái gia nhập một khối thương mại lớn khác, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

Hàng loạt loại vắc-xin đạt tiến triển tốt

Hôm thứ Hai, Pfizer và BioNTech, hai công ty dược phẩm sản xuất vắc xin chống covid-19, thông báo sản phẩm của họ dường như có hiệu quả hơn 90%. Trong vòng vài tuần, các công ty sẽ có dữ liệu cần thiết để cấp phép khẩn cấp cho phép lưu hành nó. Tin này làm cả thế giới phấn khởi. Nhiều người trong ngành đều cho rằng đến thời điểm này hiệu quả 70% đã là tốt nhất rồi. Nga và Trung Quốc công bố các ứng viên đầy triển vọng. Trong khi các loại vắc xin cạnh tranh cũng đang tiến triển tốt.

 

Kết quả của Pfizer-BioNTech làm tăng xác suất rằng ít nhất một trong các loại vắc xin sẽ chứng minh được hiệu quả. Họ cũng chỉ ra rằng vắc xin sử dụng RNA thông tin có thể hoạt động. Đó là tin tốt cho Moderna, một nhà phát triển vắc xin khác bằng kỹ thuật tương tự. Các thử nghiệm cũng cho thấy việc nhắm mục tiêu vào “protein tăng đột biến” của coronavirus, như những người khác làm, mang lại hiệu quả. Vẫn còn đó những thách thức lớn khi triển khai. Nhưng với rất nhiều sự lựa chọn, hoàn toàn có thể lạc quan.

 

G20 và chương trình tái cấu trúc nợ cho các nước nghèo

Hôm nay, các bộ trưởng tài chính G20 sẽ cố gắng tìm cách giúp đỡ các nước nghèo nhất thế giới, nhiều trong số đó đã bị đè bẹp bởi đại dịch và gánh nặng nợ nần. Viện Tài chính Quốc tế, một nhóm công nghiệp, tính toán rằng 35 trong số các nước châu Phi nghèo nhất sẽ có tỷ lệ nợ công trên GDP trung bình là 480% trong năm nay.

 

Một số khoản nợ này cần được xóa. Để đảm bảo xóa nợ đòi hỏi sự phối hợp giữa các chủ nợ khác nhau, đặc biệt là Trung Quốc, nước có thể nhận tới hơn 40% các khoản thanh toán nợ toàn cầu trong năm 2021. Vì vậy, G20 đang cố gắng tạo ra một khuôn khổ đối xử chủ nợ bình đẳng và đảm bảo không ai phải lo ngại sự hào phóng của họ chỉ để lót túi cho kẻ khác. Nếu thành công, một số người kỳ vọng khuôn khổ cuối cùng sẽ được áp dụng cho các nước giàu hơn nhưng cũng cần được xóa nợ. Nhưng vẫn chưa: các chủ nợ sẽ không hào phóng hết một lượt.

 

Ethiopia đứng trước nguy cơ nội chiến

Cuộc hành quân dài của quân đội theo lệnh thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed tiến vào khu vực phía bắc Tigray hiện đã bước sang ngày thứ mười. Tuần trước, Abiy ra lệnh hành động quân sự chống lại đảng cầm quyền của Tigray, Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF), để đáp trả điều mà ông tuyên bố là một “cuộc tấn công” vào một doanh trại quân đội liên bang gần thủ phủ bang này. Giờ đây ông tuyên bố sẽ lật đổ TPLF và thành lập một chính quyền chuyển tiếp quản lý khu vực.

 

Trong vài ngày qua, hàng trăm người đã chết trong các cuộc giao tranh dọc theo biên giới Tigray, và khoảng 11.000 người Ethiopia đã chạy sang nước láng giềng Sudan. Máy bay chiến đấu của liên bang đang tấn công kho vũ khí và nhiên liệu, mặc dù TPLF – vốn tự hào có hỏa lực đáng kể – tuyên bố đã bắn hạ ít nhất một trong số chúng. Ông Abiy khẳng định đây là một “chiến dịch thực thi pháp luật” đơn giản chống lại một “chế độ quân đội” phản loạn, và không phải một cuộc chiến toàn diện. Nhưng ngày qua ngày hai khái niệm này càng đan xen vào nhau.

 

Moldova bầu tổng thống

Có quá nhiều người Moldova đã di cư đến nỗi các lá phiếu của cộng đồng kiều bào sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào Chủ nhật. Cuộc đua sít sao nhưng có vẻ nghiêng về Maia Sandu, người nổi tiếng là một nhà vận động chống tham nhũng thực thụ. Trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử, tổng số phiếu của cộng đồng kiều bào là 11%. Phần lớn trong số họ bầu cho bà. Trước đây, bà Sandu xuất hiện như một nhân vật lạnh lùng và, ở một đất nước của những định kiến truyền thống, đối thủ gọi khống lên rằng bà là đồng tính nữ.

 

Bà phủ nhận điều này và cố gắng mở rộng liên minh của mình bằng cách tích cực vận động những người nói tiếng Nga, bên cạnh đa số nói tiếng Romania. Nếu đánh bại Igor Dodon, người đương nhiệm thân Tổng thống Nga Vladimir Putin, bà sẽ tìm cách giải tán quốc hội và củng cố quyền lực bằng cách giành quyền kiểm soát chính phủ. Đó sẽ là một tia hy vọng cho vùng đất tham nhũng và thường hay bị quên lãng này của Châu Âu.

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats