Phản
biện đối với phát biểu về giáo dục mới nhất của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
RFA
23/11/2020
Trong các phiên thảo luận
Quốc hội Việt Nam gần đây, giáo dục luôn là nội dung được nhiều đại biểu quan
tâm bàn luận. Tại buổi họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều ngày 16/11 vừa
qua, ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo các báo cáo được các tổ
chức quốc tế thực hiện hàng năm, đa phần xếp hạng của Việt Nam đứng vào khoảng
60 đến 70, có nghĩa so với trình độ phát triển kinh tế - xã hội chung thì giáo
dục của đất nước hình chữ S hơn các nước có trình độ tương đương.
Phó Thủ tướng VN Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ một số
vấn đề về giáo dục. quochoi.vn
Trao đổi với RFA vào tối 23/11, Giáo sư, Tiến sĩ
Nguyễn Đình Cống, nguyên Trưởng khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội bày tỏ
quan điểm cá nhân về bảng xếp hạng mà ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói đến:
“Hiện nay như ông Vũ Đức Đam nói, cũng không riêng
ông Vũ Đức Đam mà nhiều người nói là theo xếp hạng của thế giới thì giáo dục Việt
Nam ở vào khoảng 60, nghĩa là rất cao. Người ta dựa vào gì để xếp hạng? Tôi
đoán rằng người ta dựa vào một là số người đi học trên toàn dân, hai là tỉ lệ
xóa nạn mù chữ, ba là trường lớp, đặc biệt là trường đại học. Người ta cũng dựa
vào một vài thành tích của học sinh như các đợt thi quốc tế học sinh Việt Nam
cũng được giải này, giải nọ…”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống
cho rằng có lẽ người ta dựa vào những tiêu chí như ông vừa nêu để xếp hạng giáo
dục Việt Nam tương đối cao. Tuy nhiên, theo ông, thực chất bản chất giáo dục Việt
Nam lại không cao như vậy. Ông giải thích:
“Vì chất lượng học hành của Việt Nam thì khi học
xong ôm một mớ kiến thức không đầu, không đuôi, không rõ ràng. Có những điều
không thể đánh giá được, chỉ cảm nhận được sự xuống cấp của giáo dục Việt Nam.
Cách dạy của người Việt Nam, đặc biệt là chất lượng đội ngũ thầy giáo ở Việt
Nam tôi cho rằng không thể xếp hạng cao ở 60 được. Người ta chẳng qua vì một
vài hình thức gì đấy để xếp hạng mà không phản ánh đúng nền giáo dục Việt Nam.
Tại vì giáo dục Việt Nam mang tội rất nặng, không phải chỉ giáo dục mà cả dân
Việt Nam chạy theo thành tích. Có thành tích mà thành tích dỏm chứ không phải
thành tích thật, báo cáo láo. Nếu dựa vào báo cáo láo đó đánh giá thì khó mà
chính xác.”
Cũng tại buổi chất vấn và
trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra ngày 16/11,
nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến cho rằng phải chăng Việt Nam không có
triết lý giáo dục?
Trả lời câu hỏi này, ông
Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam có triết lý giáo dục, tuy nhiên chỉ là không có
câu trích dẫn để thành kinh điển nói rằng đây là bất di, bất dịch, là triết lý.
Đây không phải lần đầu
các đại biểu quốc hội nhắc đến triết lý giáo dục. Năm ngoái, trong phiên thảo
luận của Quốc hội vào ngày 21/5, một số đại biểu cũng đã nhắc đến yêu cầu Việt
Nam cần có triết lý giáo dục.
Hình minh hoạ. Học
sinh đeo khẩu trang trong lớp học tại trường Marie Curie ở Hà Nội hôm
4/5/2020 AFP
Nói rõ hơn về triết lý
giáo dục tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, từng có hơn
30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục cho hay thực ra triết lý giáo dục lúc
nào cũng có, và được nêu trong các văn bản trong luật giáo dục chẳng hạn. Tuy
nhiên, triết lý giáo dục được thay đổi qua từng giai đoạn. Ông tiếp lời:
“Ở Việt Nam thì từ trước vẫn có các triết lý giáo dục
như tiên học lễ, hậu học văn; không thầy đố mày làm nên; nhất tự vi sư, bán tự
vi sư; ấu bất học lão hà vi, nhân bất học bất tri lý… từ xưa các cụ vẫn dạy
kính trên nhường dưới. Đến thời Việt Nam Cộng hòa thì đưa ra triết lý giáo dục
rất hay là ‘dân tộc, nhân bản và khai phóng’. Tôi cho rằng triết lý giáo dục
đấy khái quát cho phương pháp giáo dục. Còn dưới chế độ cộng sản thì triết lý
giáo dục người ta không muốn theo triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa mà
người ta có những kiểu triết lý giáo dục, những đoạn, những câu nói về quan điểm
giáo dục trong các nghị quyết như giáo dục là quốc sách hàng đầu cho thấy vai
trò của giáo dục, đào tạo con người phát triển toàn diện, trung thành với chủ
nghĩa xã hội… những mục tiêu đó cũng như định nghĩa của triết lý giáo dục, thế
thì người ta cũng coi như là triết lý giáo dục. Nói chung những triết lý ấy
không thể hiện nội dung khái quát và không phản ánh giá trị vai trò, vị trí, chức
năng của giáo dục mang tính nhân loại phổ biến.”
Vẫn theo Phó
Giáo sư Mạc Văn Trang, chính vì không có triết lý giáo dục, quan điểm giáo dục
nhất quán nên mỗi ông Bộ trưởng Giáo dục nói một đằng làm một nẻo, rất lộn xộn.
Đồng quan điểm nêu trên, Giáo
sư Nguyễn Đình Cống cũng cho rằng quan trọng là triết lý giáo dục cần phải
đúng, được thấm sâu vào nhận thức và tình cảm của giáo viên và lãnh đạo để hướng
dẫn họ trong hành động. Nếu đề ra một câu rất hay, rất đúng mà thiếu mất điều
kiện để thực thi thì câu ấy cũng chỉ thành khẩu hiệu suông.
Nhận xét về tình hình
giáo dục hiện nay, Phó Giáo sư Mạc Văn Trang bày tỏ:
“Cái thứ nhất là quan điểm, triết lý, đường lối giáo
dục không xác định rõ được, hiện nay chính trị hóa nền giáo dục. Nội dung giáo
dục không phản ánh những tiến bộ hiện nay. Chẳng hạn như luật đề ra là phổ cập
giáo dục, giáo dục bắt buộc ở tiểu họ, trung học cơ sở nhưng chính ông Bộ trưởng
(Giáo dục) lại đề xuất với Quốc hội là tăng học phí từ năm 2021 lên 12%, đại học
tăng thêm nữa. Việc đó hoàn toàn đi ngược lại với Luật Giáo dục, đi ngược lại với
tinh thần Hiến pháp. Thứ hai là quản lý giáo dục giữa trường công, trường tư
không phân biệt rõ ràng. Rồi lương của giáo viên, quản lý giáo viên.”
Trước đây, trong phiên trả
lời chất chất vấn Đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 1/11/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức
Đam có nêu lên triết lý giáo dục của Việt Nam là “triết lý xây dựng đất nước
dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt
Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có
trách nhiệm quốc tế.”
Đến ngày 16/11 vừa qua,
Phó Thủ tướng chính phủ Hà Nội cho hay triết lý giáo dục của Việt Nam trước hết
là xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng
con người Việt Nam toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có tinh thần dân tộc, có
lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế.
***
Tin, bài liên quan
·
Giảm
trường công tăng trường tư: biểu hiện gì của giáo dục Việt Nam?
·
Việt
Nam đề xuất giảng dạy tiếng Hàn ở cấp tiểu học
·
Mơ
ước của một giáo viên vùng cao: trường có nhà vệ sinh!
·
Học
phí, các khoản phí phải nộp và ý kiến người dân
·
Bộ
Giáo dục- Đào tạo Việt Nam rút lại đề nghị tăng học phí
·
Những
người tìm đến với sách giáo khoa cũ tại Việt Nam
·
“Giáo
dục VN là một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý, chỉ tạo ra được sản phẩm cóp
nhặt!”
·
Ý
kiến về lý giải của Bộ Giáo Dục Việt Nam về việc thay và tăng giá sách giáo
khoa lớp 1
·
Thủ
tướng yêu cầu xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm trong sách giáo khoa lớp 1
·
Thẩm
định lại bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 và nhặt “sạn”, rồi sao nữa…?
No comments:
Post a Comment