Sunday, 8 November 2020

NƯỚC MỸ HẬU BẦU CỬ - KỲ CUỐI : 'MỐI ĐE DỌA CHIẾN LƯỢC' TRUNG QUỐC (Tuổi Trẻ Online)

 



Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ cuối: 'Mối đe dọa chiến lược' Trung Quốc

Tuổi Trẻ Online

08/11/2020 09:34 GMT+7

https://tuoitre.vn/nuoc-my-hau-bau-cu-ky-cuoi-moi-de-doa-chien-luoc-trung-quoc-2020110809091177.htm

 

·         Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 3: Khôi phục kinh tế

·         Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 1: 'Tổng thống của khủng hoảng'

·         Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 2: Hàn gắn các gia đình

 

 

TTO - Trong đối thoại chiến lược Mỹ - Trung năm 2009, tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng: 'Chúng ta không thể dự đoán chắc chắn tương lai sẽ như thế nào, nhưng chúng ta biết điều này: Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định hình thế kỷ 21'.

 

Có lẽ Trung Quốc là quốc gia bên ngoài biên giới nước Mỹ quan tâm nhất ai sẽ là tổng thống tiếp theo của xứ cờ hoa sau cuộc bầu cử ngày 3-11 vừa qua.

 

Mối quan hệ Mỹ - Trung không hoàn toàn yên ả kể từ Chiến tranh lạnh đến nay. Nó chuyển từ đối đầu sang bình thường hóa mối quan hệ, cạnh tranh xen lẫn hợp tác, và chuyển sang căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

 

 

Không thể phủ định "di sản" Trump

 

Sự giằng co sít sao ở nhiều tiểu bang chiến địa, cũng như khẩu chiến về khâu kiểm phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua cho thấy một nước Mỹ ngày càng chia rẽ và phân cực không chỉ ở tầng lớp chính trị tinh hoa mà ở cả tầng lớp cử tri.

 

Nhưng chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc trở thành một trong những chính sách ít ỏi được sự ủng hộ của lưỡng đảng (Cộng hòa và Dân chủ).

 

Trong hơn 2 năm qua, chính quyền Tổng thống Trump được các quốc gia và lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương hoan nghênh từ Nhật Bản, Ấn Độ cho đến Đài Loan, Philippines vì đã đưa ra nhiều chính sách mang tính đối kháng với Trung Quốc.

 

Từ tăng số lượng tuần tra tự do hàng hải và tập trận ở khu vực Biển Đông, đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách bị cấm làm ăn với Mỹ, bắt các nhà khoa học bị tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc, cũng như trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc vì đã thông qua luật an ninh đối với Hong Kong.

 

Chính sự khó đoán, ngôn ngữ "đao to búa lớn", cũng như cách tiếp cận mang tính mạnh bạo trong lĩnh vực an ninh quốc tế của ông Trump đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump không được hoan nghênh tới mức như vậy.

 

Vấn đề hiện nay chính là tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ có cách tiếp cận mới như thế nào đối với Trung Quốc. Dù nhiều khả năng ông Biden đắc cử tổng thống trong nhiệm kỳ tới, cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ thương mại, công nghệ cho đến vai trò lãnh đạo thế giới sẽ tiếp tục kéo dài và có chiều hướng căng thẳng.

 

Do đó, thật sai lầm nếu xem chính sách đối ngoại của ông Biden đối với Trung Quốc là sự phủ định hoàn toàn chính sách của ông Trump.

 

Lý do chính là sự dịch chuyển của địa chính trị. Các quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ như Anh, Pháp, Úc, Nhật và Ấn Độ đã không còn coi Trung Quốc như là một đối tác thuần túy, mà đã có những chính sách mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc trong thời gian qua.

 

Điển hình là từ việc yêu cầu điều tra độc lập nguồn gốc virus corona, ngăn chặn Công ty Huawei của Trung Quốc cung cấp thiết bị viễn thông cho mạng 5G, cho đến phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, cũng như căng thẳng xung đột gây chết người ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

 

Do đó, ông Biden hay ông Trump không thể phớt lờ những thay đổi chuyển dịch sức mạnh từ các quốc gia trong các mạng lưới và sáng kiến của mình. Mỹ không thể một mình duy trì sự đối kháng với Trung Quốc trong một thời gian dài.

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/11/7/photo-1-15994579234042118265328-2read-only-1604764302967425267196.jpg

Phó tổng thống Joe Biden (thứ hai từ trái sang) gặp Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ hai từ phải sang) ở Đô Giang Yển năm 2011 - Ảnh: AFP

 

.

Chính sách sẽ không đổi

 

Khi nhìn vào bức tranh rộng hơn, ông Trump không phải lúc nào cũng cho Trung Quốc thấy rằng Mỹ có thể ép buộc đối thủ và đưa ra luật chơi mới như thế nào.

 

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump nhìn có vẻ cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng lại yếu hơn trên chính trường quốc tế, như rút khỏi Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ra lệnh rút quân khỏi Syria vào tháng 10-2019, rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thậm chí dọa rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới vì cho rằng tổ chức này bị Trung Quốc lũng đoạn.

 

Các tổ chức đa phương không phải là niềm yêu thích của ông Trump và không có gì nghi ngờ ông sẽ tiếp tục như vậy nếu được tái cử. Trong khi đó, ông Biden hứa sẽ giúp Mỹ quay lại vai trò lãnh đạo thế giới trong các tổ chức đa phương và thúc đẩy sự liên kết với các quốc gia đồng minh trong nhiều lĩnh vực để kiềm chế Trung Quốc.

 

Nhiều khả năng chính quyền của ông Biden sẽ nhẹ nhàng trong các ngôn từ đối với Trung Quốc nhưng luôn cảnh giác về một Trung Quốc đang trỗi dậy phá vỡ trật tự quốc tế.

 

Sự khác nhau giữa chính quyền Obama-Biden trước đây vốn được đánh giá là khá mềm yếu và chính quyền Trump-Pence vốn được coi là cứng rắn trong cách đối xử với Trung Quốc đã được nhấn mạnh quá nhiều trong thời gian qua, nhưng nhiều người đã bỏ qua sự tương đồng trong chính sách của hai chính quyền này.

 

Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của ông Trump chẳng qua là sự tiếp nối của chính sách xoay trục và tái cân bằng dưới thời ông Obama. Ngoài ra, cấu trúc chính trị với cơ chế cân bằng và kiềm chế với các nhánh hành pháp và lập pháp ở Mỹ đều có thể tác động lên chính sách đối ngoại.

 

Chính vì vậy, quá tập trung vào nhánh hành pháp, nhấn mạnh vào sự khác nhau giữa ông Trump và ông Biden mà bỏ qua sự thống nhất của lưỡng đảng trong việc định hình chính sách đối ngoại với Trung Quốc là một thiếu sót lớn.

 

Quốc hội Mỹ đã giữ một vai trò quan trọng trong chính sách đối với Trung Quốc trong các thập kỷ qua với quyền lực "tay hòm chìa khóa" và điều khiển chính sách thương mại với nước ngoài.

 

Trong hai năm 2018, 2019, Quốc hội Mỹ thông qua hai đạo luật quan trọng tác động lớn tới quan hệ song phương Mỹ - Trung là đạo luật sáng kiến tái bảo đảm châu Á (ARIA) kêu gọi một chính sách "bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ và của các đồng minh cùng những đối tác của Mỹ", và đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia John S. McCain cho năm tài chính 2019 nhằm cập nhật các quy tắc liên quan đến việc xét duyệt đầu tư và xuất khẩu công nghệ nhạy cảm.

 

Mặc dù Trung Quốc không được đề cập trong đạo luật này nhưng mọi người đều ngầm hiểu mục tiêu chính của đạo luật này nhắm vào Trung Quốc.

 

Theo dữ liệu từ Quốc hội Mỹ, chỉ từ tháng 1-2019 cho đến tháng 8-2020, Quốc hội Mỹ đã đưa ra tới 366 dự luật có nội dung liên quan tới Trung Quốc từ các chủ đề khác nhau như an ninh chuỗi cung ứng, an ninh quốc gia và quốc phòng, nhân quyền và dân, COVID-19, thương mại, đầu tư và nhập cư.

 

Khi chúng ta nhìn vào số lượng lớn các đạo luật liên quan đến Trung Quốc được thông qua gần đây, dù tổng thống sắp tới là ông Trump hay ông Biden, cũng khó có một chính sách khác hơn đối với Trung Quốc với một cơ cấu lưỡng đảng ở Quốc hội hầu như không có thay đổi sau cuộc bầu cử.

 

 

Trung Quốc nói gì về bầu cử Mỹ?

 

Dù xem bầu cử là chuyện nội bộ của nước Mỹ, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành hôm 5-11 cho biết Bắc Kinh hi vọng tổng thống và chính quyền mới của Mỹ sẽ hợp tác với Bắc Kinh và tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, theo trang tin chính thống ECNS của Trung Quốc.

 

"Chúng tôi hi vọng phía Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi" - ông Lạc nói, khi được hỏi về cuộc bầu cử Mỹ đang diễn ra. (ANH THƯ)

 

 

------------------------------------------------------

.

.

Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 3: Khôi phục kinh tế

Tuổi Trẻ Online

07/11/2020 11:21 GMT+7

https://tuoitre.vn/nuoc-my-hau-bau-cu-ky-3-khoi-phuc-kinh-te-20201107101905471.htm

 

TTO - Số liệu từ Cục Phân tích kinh tế Hoa Kỳ (BEA), GDP quý 2-2020 của Mỹ giảm 32,9% - mức giảm thấp nhất trong lịch sử của nền kinh tế này. Đại dịch cũng chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài liên tục hơn 10 năm...

 

·         Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 2: Hàn gắn các gia đình

·         Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 1: 'Tổng thống của khủng hoảng'

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/11/7/bau-cu-my-16047190363661484289784.jpg

Nhiều cửa hàng trên đường Broadway, bang New York phải đóng cửa vì dịch COVID-19, ngày 25-4-2020 - Ảnh: Reuters

 

Vào tháng 10 năm nay, tháng quan trọng nhất trước ngày bầu cử 3-11, tạp chí TIME (Mỹ) tiếp tục khuấy đảo mạng xã hội bằng một trang bìa ấn tượng, diễn tả gần như đầy đủ những gì đương kim Tổng thống Trump đang đối mặt trong cuộc tranh cử với đối thủ Joe Biden.

 

Trên trang bìa ấy, Nhà Trắng được mô tả đơn độc, tối om trong nền bầu trời đêm, bị biểu tượng virus corona chủng mới gây đại dịch COVID-19 bủa vây. Trên nền trời ấy, ánh đèn vàng lẻ loi bên cửa sổ Nhà Trắng trở nên nổi bật hơn.

 

Xét vị trí, có thể thấy đó là một căn phòng có tên "Lincoln Sitting Room". Trong đêm cuối cách đây 46 năm, Nixon đã từ chức và thông báo chia tay cấp dưới cũng trong căn phòng "Lincoln Sitting Room". Nhà Trắng của những ngày tháng 10 là như vậy. Tổng thống Trump sau những lùm xùm trong chính quyền, phải đối mặt với COVID-19, một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi.

 

.

"Thành trì kinh tế" của ông Trump

 

"Mọi người có việc làm nhiều hơn. Ông ta là người dám nói, dám làm", Uyên Minh, một cử tri gốc Việt, trò chuyện với Tuổi Trẻ đêm 3-11, thời điểm hầu hết các thùng phiếu tại Mỹ đã đóng, cảm giác còn lại chỉ là sự hồi hộp chờ kết quả bỏ phiếu.

 

Lấy chồng và có cuộc sống ổn định tại Mỹ, Uyên Minh đã bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, bất kể hiện tại cô là người ở California, một bang có tới 55 phiếu đại cử tri và nghiêng hẳn về Đảng Dân chủ của ông Biden. Cô là trường hợp điển hình có thể phản ánh bức tranh chung về ông Trump của bốn năm qua: dù sao đi nữa, thành tích kinh tế là điều khó chối bỏ. Hoặc ít nhất đây là cảm giác của những người "bình thường" chứ không phải nhận định của các nhà kinh tế học.

 

Thực tế về mặt con số, Trump có thể tự hào về thành tích tạo ra công ăn việc làm. Nhà phân tích Karl W. Smith nhận định trên Bloomberg ngày 30-10 rằng Trump có lý do để tự hào về kinh tế. Trong giai đoạn từ 2009 tới tháng 12-2016 (thời tổng thống Obama), tỉ lệ thất nghiệp đã giảm 5,2 điểm phần trăm, từ 9,9% xuống còn 4,7%. 

 

Tới tháng 12-2019, thời Trump, tỉ lệ thất nghiệp giảm tiếp 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 3,5%. Trước đại dịch COVID-19, thị trường lao động tại Mỹ đã bùng nổ với khoảng 153 triệu lao động làm việc, và tỉ lệ thất nghiệp rơi vào mức thấp nhất trong 50 năm qua.

 

Trong khi đó, giai đoạn 3 năm ông Trump làm tổng thống (2017 - 2019) cũng ghi nhận mức thu nhập của tầng lớp trung lưu tăng đáng kể. Theo Cục Thống kê dân số Mỹ, trong tháng 9 qua, số liệu đã điều chỉnh theo lạm phát cho thấy trung bình các hộ gia đình Mỹ kiếm được 68.703 USD trong năm 2019 - tăng 5.800 USD (hoặc 9%) so với thời điểm 2016. 

 

CNN, một đài chống Trump quyết liệt, chỉ ra rằng thị trường lao động mạnh mẽ đã giúp thu nhập tăng, và hơn 20 bang đã tăng lương tối thiểu, từ đó giúp lao động thu nhập thấp cải thiện đáng kể tiền lương.

 

Chính sách tập trung vào cắt giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp của ông Trump cũng được các doanh nghiệp đón nhận. Nó cũng đóng vai trò đáng kể cho những chỉ số lạc quan trên thị trường chứng khoán, góp phần khiến ông Trump viết trên Twitter vào ngày 19-2-2020 rằng thị trường chứng khoán đã tăng kỷ lục trong lịch sử Mỹ tính "đến nay". Forbes xác nhận đó là tuyên bố chuẩn xác, mặc dù sau đó điểm chứng khoán giảm, đón nhận nhiều đợt phập phù.

 

Thu nhập tăng cũng là lúc tỉ lệ nghèo đói giảm. Ước tính của Cục Điều tra dân số trong khảo sát tháng 3-2020 cho thấy số người Mỹ sống trong cảnh nghèo giảm 6,6 triệu người, tỉ lệ giảm 2,2 điểm phần trăm xuống còn 10,5% dân số.

 

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 quả thực đã thay đổi cuộc chơi bằng việc quét sạch thành tựu kinh tế của ông Trump. Những chỉ số ấn tượng về tỉ lệ thất nghiệp hay số lượng công việc tạo ra đều bị quy định phòng dịch tiêu hủy. Điều này đẩy ông Trump vào tình thế bị tấn công từ nhiều mũi nhọn khác nhau.

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/11/7/my-1604719059228486200062.jpg

Hàng trăm người chờ điền hồ sơ đăng ký trợ cấp thất nghiệp ở Frankfort, bang Kentucky, ngày 18-6-2020 - Ảnh: Reuters

 

.

Trump hay Biden, nước Mỹ vẫn trên hết

 

Vừa qua, Chính phủ Mỹ đã công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý thứ ba tăng rất sốc ở mức 33,1%. Thực tế con số này chỉ phản ánh tỉ lệ tăng hợp lý sau khi đại dịch khiến nó cũng giảm mạnh ở mức tương tự. Nhưng đó là một chỉ số ít nhiều lạc quan cho một nền kinh tế phục hồi của năm sau.

 

Một điểm đặc biệt là ông Biden cũng đưa ra một kế hoạch kinh tế khá toàn diện, nhưng vẫn dựa trên cơ sở mang lại lợi ích tốt nhất cho người Mỹ theo hướng đi của ông Trump - dù khác nhau về chi tiết các bước.

 

Về kế hoạch kinh tế, ông Biden xây dựng chiến lược "nhằm đảm bảo tương lai, "sản xuất tất cả ở Mỹ" bởi "tất cả những người lao động của Mỹ"". Nội dung trên website chiến dịch của ông khẳng định ngành sản xuất Mỹ là động lực cho thế giới dân chủ trong Thế chiến II, và phải là một phần cho động lực của sự thịnh vượng Mỹ ngày nay.

 

Ông Biden cũng cam kết cụ thể hóa kế hoạch "Buy America" (mua hàng Mỹ) mà ông cho rằng Tổng thống Trump không thực hiện triệt để. Theo đó, kế hoạch của Biden muốn tạo ra thêm 5 triệu việc làm, và chính phủ sẽ chi tiêu 400 tỉ USD để mua sản phẩm, dịch vụ Mỹ. Đồng thời, 300 tỉ USD khác sẽ được chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

 

Song song đó, có sự tương đồng về cốt lõi trong các chính sách kinh tế của ông Biden với ông Trump, xét về chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Cụ thể, ông Biden cũng đẩy mạnh "Cung ứng Mỹ", một kế hoạch mang chuỗi sản xuất quay lại Mỹ "để nước Mỹ không lệ thuộc vào Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào trong việc sản xuất những hàng hóa quan trọng trong một cuộc khủng hoảng". Trong mục tiêu biến "Buy America" trở nên thực tế, các tuyên bố của ông Biden bao gồm việc siết chặt các quy định về nguồn gốc xuất xứ, không để sản phẩm dán chữ "Made in America" xuất hiện dễ dàng.

 

Nội dung này khẳng định hiện nay một số sản phẩm ghi "Made in America" vẫn được dán trong các thủ tục thu mua liên bang, bất chấp chỉ có hơn 51% vật liệu sử dụng cho việc sản xuất sản phẩm ấy được tạo ra trong nước. Ông Biden cũng rất chú ý tới việc siết chặt quy định nhằm vào các công ty dán nhãn "Made in America" kể cả khi sản phẩm đó xuất phát từ Trung Quốc hoặc các nước khác.

 

.

Sức tàn phá của COVID-19

 

Số liệu từ Cục Phân tích kinh tế Hoa Kỳ (BEA), GDP quý 2-2020 của Mỹ giảm 32,9% - mức giảm thấp nhất trong lịch sử của nền kinh tế này, cao gấp 4 lần con số đỉnh điểm do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra cách đây hơn 10 năm.

 

Đại dịch cũng chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài liên tục hơn 10 năm - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử Mỹ, đồng thời khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp. Trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh hồi tháng 6-2020, số người thất nghiệp do COVID-19 ở Mỹ đã lên tới 45,7 triệu người, tức mỗi tuần có hơn 1 triệu người thất nghiệp từ lúc bùng dịch.

 

Trước khi đại dịch ập tới, số lượng người xin trợ cấp thất nghiệp trong một tuần chưa bao giờ vượt quá 700.000 người, kể cả trong thời kỳ đại suy thoái.

 

MINH KHÔI tổng hợp

 

                                            ***

 

Trung Quốc được cho là mối đe dọa chiến lược khi đang thách thức vị trí cường quốc số 1 của Mỹ cả trên mặt trận kinh tế lẫn an ninh. Tìm ra cách đối xử đúng đắn với Trung Quốc sẽ là nhiệm vụ quan trọng của vị tổng thống Mỹ tiếp theo, dù đó là ông Trump hay ông Biden.

 

Kỳ tới: "Mối đe dọa chiến lược" Trung Quốc

 

---------------------------------------------------

.

.

Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 2: Hàn gắn các gia đình

Tuổi Trẻ Online

06/11/2020 12:39 GMT+7

https://tuoitre.vn/nuoc-my-hau-bau-cu-ky-2-han-gan-cac-gia-dinh-20201106085948189.htm

 

TTO - Nhưng họ không lường trước được sự phát triển của đảng phái chính trị sẽ dẫn tới những chia rẽ sâu sắc ngay từ bên trong các gia đình.

 

·         Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 1: 'Tổng thống của khủng hoảng'

·         Bầu cử Mỹ 2020: Đêm dài lắm mộng

·         Kiểm lại phiếu bầu tổng thống Mỹ: Mỗi bang mỗi cách

 

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/11/6/caludia-conway-1604627754037940470278.png

Claudia Conway (trái), ái nữ 15 tuổi của bà Kellyanne Conway và ông George Conway, sử dụng mạng xã hội như một công cụ để chống lại cha mẹ mình - Ảnh chụp màn hình

 

.

Con cái đối đầu cha mẹ

 

"Mẹ sẽ bầu cho Tổng thống Trump", Mayra Gomez - một đảng viên Dân chủ lâu năm - báo với con mình khi chỉ còn 5 tháng nữa đến ngày bầu cử. "Bà không còn là mẹ tôi nữa vì bà đã bỏ phiếu cho lão đó", đứa con trai 21 tuổi đáp lại trong sự ngỡ ngàng của người mẹ.

 

Đó là lần cuối cùng hai mẹ con nói chuyện với nhau. Bầu không khí căng thẳng đến mức Gomez không nghĩ chị và con trai có thể hòa giải dù kết quả bầu cử thế nào. "Tổn thương thì cũng đã tổn thương rồi. Trong đầu mọi người, Trump như một con quái vật. Thật buồn vì điều đó. Có những người không thèm nói chuyện với tôi nữa", Gomez - một người giúp việc ngưỡng mộ Trump vì sự cứng rắn với nhập cư bất hợp pháp và các quyết sách kinh tế - tâm sự với Hãng tin Reuters.

 

“Tôi sẽ là tổng thống của người Mỹ. Sẽ không có bang xanh, bang đỏ mà chỉ có duy nhất Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ứng viên Dân chủ Biden ngày 4-11 khẳng định trước lo ngại ông sẽ trở thành tổng thống của Đảng Dân chủ vốn ngày càng thiên tả.

 

Tấn bi kịch của nhà Gomez ngày nay có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu của nước Mỹ, từ các gia đình bình thường đến những nhà có địa vị trong xã hội như Kellyanne Conway, cựu cố vấn của Tổng thống Trump.

 

Nói như tờ NJ.com của bang New Jersey, nơi nhà Conway đang sống, trong thời khắc hỗn loạn và đầy tranh cãi sau bầu cử, người cha George Conway và người mẹ Kellyanne Conway chỉ có duy nhất một mong ước: sự bình yên trở lại gia đình và con gái Claudia Conway.

 

Trong số những người đã từng theo ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016, bà Kellyanne là một trong những người ở lại lâu nhất trong chính quyền sau khi ông nhậm chức. Điều đó, trước nhất nói lên sự trung thành của bà, kế đến là năng lực bản thân. Trớ trêu thay, chồng của Kellyanne, ông George, lại là một người chống Trump dữ dội nhất. Ông đồng sáng lập Lincoln Project, một tổ chức gồm những người thuộc Đảng Cộng hòa làm mọi cách để Trump rời khỏi Nhà Trắng.

 

Bi kịch của nhà Conway không dừng tại đây. Khi Trump đắc cử năm 2016, Claudia - con gái của nhà Conway - chỉ mới 11 tuổi. Ở tuổi 15 hiện tại, Claudi tự nhận mình là một người thiên tả và ủng hộ ứng viên Dân chủ Joe Biden. Em tuyên bố sẽ "tự giải phóng" khỏi cha mẹ mình, những người thuộc Đảng Cộng hòa. Nói là làm, Claudia sử dụng mạng xã hội để đối đầu với chính bậc sinh thành chỉ vì quan điểm chính trị khác biệt.

 

Cuộc "xung đột" giữa Claudia và cha mẹ mình cuối cùng đã dẫn tới sự nhượng bộ. Để cứu vãn gia đình đang trên bờ vực tan nát, Kellyanne quyết định từ chức và rời khỏi Nhà Trắng vào tháng 8-2020, còn George thì rút khỏi Lincoln Project. Nhưng điều đó có khiến bi kịch thôi diễn ra? Có lẽ là chưa. "Tôi đã ép mẹ của mình rời khỏi Nhà Trắng để làm lụn bại chính quyền Trump và cứu lấy nước Mỹ", Claudia tự hào khoe "chiến tích" trên mạng xã hội TikTok.

 

Dù là nền văn hóa hay xã hội nào, con cái xem cha mẹ như kẻ thù rõ ràng là một bi kịch lớn của gia đình.

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/11/6/trump-biden-16046277788092020967380.jpg

Khi kết quả bầu cử năm nay sắp sửa ngã ngũ, nhiều người đã lên tiếng kêu gọi hòa giải. Trong ảnh: Một người mặc áo khoác ủng hộ Trump ngồi gần một người khoác áo ủng hộ Biden - Ảnh: Reuters

 

.

Cần nỗ lực từ hai phía

 

Jaime Saal, một nhà trị liệu tâm lý tại bang Michigan, cũng không nghĩ vết thương của nước Mỹ sẽ mau lành. "Thật không may, tôi không nghĩ rằng việc hàn gắn quốc gia dễ dàng như thay đổi tổng thống. Cần có thời gian và cần nỗ lực từ cả hai bên với sự sẵn sàng buông bỏ và tiến về phía trước" - bà nói.

 

Theo chuyên gia Saal, căng thẳng trong các mối quan hệ cá nhân của người Mỹ đã tăng vọt trong 4 năm qua vì các động lực chính trị, vấn đề y tế và xã hội mà Mỹ phải đối mặt. Ở vị trí là một nhà trị liệu tâm lý, đã không ít lần bà bắt gặp những anh chị em, cha mẹ hoặc vợ chồng không thèm nhìn mặt nhau và đối xử với nhau như người dưng nước lã vì quan điểm chính trị khác biệt.

 

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống gần 4 năm của mình, ông Trump đã khuấy động cảm xúc mạnh mẽ giữa những người ủng hộ và phản đối. Với những người ủng hộ Trump, ông đáng được ngưỡng mộ vì động thái cứng rắn với nhập cư, việc ông bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ và những phát ngôn gây tranh cãi mà họ cho là "nói thẳng".

 

Ngược lại, các đảng viên Dân chủ và những nhà phê bình khác coi cựu doanh nhân tỉ phú như một mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ, người đã gián tiếp giết chết hơn 230.000 người Mỹ trong đại dịch COVID-19.

 

Giờ đây, với việc ông Trump đang thất thế so với đối thủ Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nhiều người Mỹ đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu những rạn nứt gây ra bởi một trong những nhiệm kỳ tổng thống phân cực nhất trong lịch sử Mỹ có thể được xóa bỏ và chữa lành trong bao lâu.

 

Một báo cáo tháng 9-2020 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy gần 80% những người ủng hộ Trump và Biden cho biết họ có rất ít hoặc không có bạn bè nào ủng hộ ứng viên còn lại.

 

Một nghiên cứu khác của Gallup vào tháng 1-2020 cho thấy năm thứ 3 tại vị của Trump đã thiết lập một kỷ lục mới về sự phân cực theo đảng. Trong khi 89% đảng viên Cộng hòa tán thành năng lực của Trump trong nhiệm kỳ năm 2019, chỉ có 7% đảng viên Dân chủ cho rằng ông đang làm tốt công việc của mình.

 

Báo đài Mỹ đã nhiều lần nói về điều mà họ cho là "sự mù quáng" xen lẫn "kiên định" của những người ủng hộ Trump và Biden. Với những người theo Đảng Dân chủ, mọi điều ông Trump làm đều xấu, kể cả trên thực tế là một quyết sách tốt và ngược lại.

 

Bà Gayle McCormick (77 tuổi), người đã ly thân với người chồng 81 tuổi sau khi ông bầu cho Trump vào năm 2016, tin rằng sẽ mất một thời gian dài để nước Mỹ phục hồi trong trường hợp ông Trump thất cử. Là một người ủng hộ Dân chủ, bà Gayle tin đã tới lúc ông Biden trở thành tổng thống mới của nước Mỹ.

 

.

Căng thẳng ở Arizona, Michigan

 

Kết quả bầu cử chưa ngã ngũ khiến nhiều vấn đề phát sinh. Những người ủng hộ Tổng thống Trump, với một số tự trang bị súng ngắn, đã tập trung bên ngoài trung tâm bỏ phiếu quận Maricopa, thành phố Phoenix của Arizona ngày 4-11. Họ đổ về đây sau khi có tin đồn các lá phiếu của đảng viên Cộng hòa đã bị bỏ qua để mang về chiến thắng tại Arizona cho ứng viên Dân chủ Biden. Một cảnh tương tự đã tái diễn sau đó tại Detroit của bang Michigan.

 

Với chủ thuyết "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Donald Trump đã mang lại cho nước Mỹ những thành tựu kinh tế lớn trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Vị tổng thống kế tiếp đứng trước bài toán hóc búa: khôi phục nền kinh tế bị virus corona tàn phá.

 

 

---------------

 

 

Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 1: 'Tổng thống của khủng hoảng'

Tuổi Trẻ Online

05/11/2020 11:59 GMT+7

https://tuoitre.vn/nuoc-my-hau-bau-cu-ky-1-tong-thong-cua-khung-hoang-20201105082132367.htm

 

 

TTO - Cho dù ông Donald Trump hay ông Joe Biden giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11, người thắng cử sẽ bắt đầu một nhiệm kỳ mới trong Nhà Trắng với một 'nước Mỹ hậu bầu cử', bao gồm cả những điểm tích cực cũng như tiêu cực.

 

·         Khi nào sẽ biết kết quả bầu cử Mỹ?

·         Kết quả bầu cử Mỹ: 7 cơ quan truyền thông lớn cho 7 số liệu khác nhau

·         Người Mỹ ở Việt Nam hồi hộp chờ kết quả bầu cử tổng thống

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/11/5/trump-doi-dau-biden-afp-2read-only-16045391170241346725470.jpg

 

Bốn năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, nước Mỹ đã thay đổi nhiều mặt. Cộng với yếu tố bất ngờ, ngoài dự liệu là đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm nước Mỹ biến đổi hoàn toàn so với trước. 

 

Nước Mỹ cuối năm 2020 đã không còn là nước Mỹ của đầu năm 2020 và càng khác xa với nước Mỹ của năm 2016 khi ông Trump lên nắm quyền.

 

 

Khủng hoảng ngoài kịch bản

 

Nếu nước Mỹ bước vào năm 2020 với vị thế tương đối vững chãi thì bước vào năm 2021 bắt đầu một nhiệm kỳ tổng thống mới ở một vị thế khá chông chênh. 

 

Bằng sự lựa chọn của mình, các cử tri đặt lòng tin vào người chiến thắng sẽ có thể đưa nước Mỹ ra khỏi tình thế khủng hoảng của giai đoạn hậu bầu cử này.

 

Nước Mỹ của năm 2020 chìm trong cuộc "khủng hoảng kép" về kinh tế và sức khỏe, dù điều này xảy ra ngoài chủ ý của ông Trump cũng như dự liệu của ông Biden. 

 

Có lẽ chỉ hơn nửa năm trước, khi xây dựng những định hướng lớn cho nhiệm kỳ 2 (đối với ông Trump) cũng như những ý tưởng cho nhiệm kỳ mới (đối với ông Biden), cả hai ông cũng không thể tính đến yếu tố bất định, ngoài kịch bản này.

 

Không chỉ quét sạch những thành quả kinh tế ấn tượng mà ông Trump đã nỗ lực xây dựng trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, dịch COVID-19 còn đặt nước Mỹ trước một cuộc khủng hoảng y tế chưa có lối thoát.

 

Dù rằng có những hi vọng mới với việc kinh tế dần phục hồi và dịch COVID-19 được cho là đang qua giai đoạn đỉnh, liệu rằng tổng thống mới của nước Mỹ có thể đưa nước Mỹ "vĩ đại trở lại" hay đi vào vết xe đổ của các nước châu Âu chìm vào một thập niên mất mát sau cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 2008-2009. 

 

Khôi phục lại lòng tin và vị thế của nước Mỹ trong tương quan so sánh với các đối thủ cạnh tranh đang ngày càng lớn mạnh sẽ là thách thức lớn cho vị tổng thống tương lai của nước Mỹ.

 

Nước Mỹ năm 2020 cũng bị giằng xé trong việc lựa chọn hướng đi nào giữa việc tìm cách tái lập cuộc sống bình thường thông qua các chính sách kiểm soát dịch thận trọng hay mở cửa lại nền kinh tế để đưa các hoạt động xã hội về như cũ. 

 

Với lá phiếu của mình, các cử tri Mỹ được lựa chọn giữa mở cửa kinh tế với ông Trump hay khống chế dịch bệnh với ông Biden. Sự giằng co về số phiếu giữa hai ứng cử viên đã cho thấy sự lựa chọn này không hề dễ dàng.

 

Khi tỉ lệ thất nghiệp đã lên hơn 8% trong khi cùng lúc đã có hơn 230.000 người chết vì COVID-19, những lúng túng của chính phủ liên bang và những chia rẽ của chính quyền từng bang đã làm cho mục tiêu chung là bình thường hóa đời sống xã hội trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 

 

Khống chế dịch bệnh và mở cửa kinh tế sẽ là "liều thuốc thử" đầu tiên cho người chiến thắng trong nhiệm kỳ tổng thống mới này.

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/11/5/mot-nguoi-vo-gia-cu-nam-ben-ngoai-cua-hang-che-chan-bang-van-ep-o-washington-anh-reuters-1-2read-only-1604539130546272943712.jpg

Một người vô gia cư nằm bên ngoài một cửa hàng được che chắn bằng ván ép ở thủ đô Washington ngày 3-11 để đề phòng bạo lực hậu bầu cử - Ảnh: Reuters

 

.

Chia rẽ sâu sắc

.

 

Nước Mỹ của năm 2020 bị chia rẽ hơn bao giờ hết sau nhiều thập niên. Hiếm có khi nào một cuộc bầu cử lại trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về một tổng thống đương nhiệm cùng với di sản 4 năm cầm quyền. 

 

Số lượng cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục ở nhiều nơi để thể hiện ý chí chính trị của mình trong bối cảnh dịch bệnh là chỉ dấu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa những người "ủng hộ Trump" và "chống Trump", giữa "màu đỏ" và "màu xanh", giữa Cộng hòa và Dân chủ.

 

Bên cạnh sự chia rẽ về chính trị, sự chia rẽ về sắc tộc cũng lại bùng lên trong năm 2020 cùng phong trào phản kháng, đòi bình đẳng cho người da màu sau cái chết của George Floyd và đi kèm với đó là làn sóng bạo lực gia tăng, gây bất ổn trên nhiều vùng của nước Mỹ. 

 

Hiếm khi nào người dân Mỹ phải gia cố nhà ở, cửa hàng vì lo ngại bạo loạn xảy ra sau cuộc bầu cử vốn vẫn được coi là biểu tượng và ngày hội thể hiện sự tự do và dân chủ của xã hội Mỹ.

 

Và nước Mỹ của năm 2020 luôn là một ẩn số đầy bất ngờ cho các nước, cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ. 

 

Ông Trump đã làm đảo lộn các mối quan hệ quốc tế với chủ thuyết "nước Mỹ trên hết" của mình: va chạm với đồng minh, bắt tay với đối thủ, tạo ra những kẻ thù mới, phá bỏ các cam kết..., luôn đặt các nước ở thế bị động với những thay đổi của mình.

 

Một số nước đón nhận những thay đổi này một cách tích cực; nhưng nhiều nước khác không hài lòng với những chính sách mới dưới thời đại của ông Trump. 

 

Nhưng tất cả đều có sự e dè và hoài nghi nhất định về sự không ổn định trong chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như về vai trò của nước Mỹ trong trật tự thế giới. Nước Mỹ trong 4 năm tới không chỉ cần "vĩ đại trở lại" ở bên trong mà cũng cần củng cố lại vị thế ở bên ngoài.

 

Như các cử tri Mỹ đã trả lời trong các cuộc thăm dò dư luận, họ đi bỏ phiếu lần này không phải vì lo ngại mất việc làm do khủng hoảng kinh tế, hay vì nguy cơ nhiễm COVID-19 do dịch bệnh lan tràn, hay vì khả năng bị tấn công bạo lực do mâu thuẫn xã hội, họ đi bỏ phiếu để lựa chọn người mà theo họ có thể mang lại một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Cho dù ai là người giành thắng lợi cũng sẽ thừa hưởng một nước Mỹ hậu bầu cử và bước vào năm 2021 như nó vốn có: một nước Mỹ đã thay đổi mà nhờ nó người chiến thắng đã được lựa chọn để trở thành tổng thống. 

 

Các cử tri Mỹ đi bỏ phiếu với kỳ vọng người thắng cử có thể lèo lái nước Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng này.

 

Vị tổng thống mới của nước Mỹ sẽ là "tổng thống của khủng hoảng" và nhiệm kỳ tổng thống tới sẽ được đánh dấu bởi việc nước Mỹ sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng giai đoạn "hậu bầu cử" này như thế nào.

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/11/5/trump-doi-dau-biden-3-afp-2read-only-16045391500021951330327.jpg

Ông Trump và ông Biden trong các cuộc vận động tranh cử năm 2020 - Ảnh: AFP

 

 

"Mẹ sẽ bầu cho Tổng thống Trump" - Mayra Gomez, một đảng viên Dân chủ lâu năm, báo với con mình khi chỉ còn 5 tháng nữa đến ngày bầu cử. "Bà không còn là mẹ tôi nữa vì bà đã bỏ phiếu cho lão đó", đứa con trai 21 tuổi đáp lại trong sự ngỡ ngàng của người mẹ.

 


 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats