Sunday, 15 November 2020

NHỮNG NHÂN VẬT LÃNH ĐẠO ĐỘC ĐOÁN NGÀY NAY KHÔNG PHẢI LÀ PHÁT XÍT - NHƯNG HỌ LÀ MỘT PHẦN CỦA CÙNG MỘT VẤN ĐỀ (Olivia B. Waxman)

 


Những nhân vật lãnh đạo độc đoán ngày nay không phải là phát xít – Nhưng họ là một phần của cùng một vấn đề  

Olivia B. Waxman

Trà Mi dịch thuật

Posted on November 11, 2020

http://54.213.87.54/2020/11/11/nhung-nhan-vat-lanh-dao-doc-doan-ngay-nay-khong-phai-la-phat-xit-nhung-ho-la-mot-phan-cua-cung-mot-van-de/

 

Trump đại diện – cùng với các chính khách như Vladimir Putin của Nga và Viktor Orban của Hungary – một thế hệ lãnh đạo mới, những người làm việc trong hệ thống các nền dân chủ nhưng lại chỉnh sửa chế độ  theo những cách phi dân chủ.

 

https://api.time.com/wp-content/uploads/2020/11/strongmen.jpg?w=800&quality=85

Adolf Hitler và Benito Mussolini đi duyệt hàng rào danh dự ở Rome vào năm 1938 Nguồn: The LIFE Picture Collection / Time Life Pictures / Getty Images

 

Những người chỉ trích Tổng thống Donald Trump đã gọi ông là kẻ phát xít kể từ khi ông tranh cử Tổng thống vào năm 2016 và cách gọi đó tiếp tục diễn ra sau Ngày bầu cử, khi Trump lặp lại những tuyên bố sai trái về việc gian lận bầu cử và những cáo buộc vô căn cứ là Tổng thống đắc cử Biden đã cố đánh cắp cuộc bầu cử. “Donald Trump là một kẻ phát xít”, người dẫn chương trình của Late Show, Stephen Colbert, lập luận trong một cuộc độc thoại đầy cảm xúc vào ngày 5 tháng 11.

 

Nhưng Ruth Ben-Ghiat đã nhìn lại khoảng một thế kỷ lãnh đạo độc tài trong cuốn sách mới của bà, Strongmen: Mussolini to the Present, lập luận rằng “chủ nghĩa phát xít” chỉ nên dùng để mô tả những nhân vật độc tài và các chính quyền độc đảng trong những năm 1920 và 1930, và đặc biệt là triết lý về chinh phục lãnh thổ bắt nguồn từ người lãnh đạo độc tài người Ý Benito Mussolini sau Thế chiến thứ nhất.

 

Thay vào đó, Ben-Ghiat lập luận, Trump đại diện – cùng với các chính khách như Vladimir Putin của Nga và Viktor Orban của Hungary – một thế hệ lãnh đạo mới, những người làm việc trong hệ thống các nền dân chủ nhưng lại chỉnh sửa chế độ  theo những cách phi dân chủ. Ben-Ghiat đã nói chuyện với TIME về vị trí phù hợp trong lịch sử của những nhân vật lãnh đạo này.

 

https://pbs.twimg.com/media/EmbUbsNXIAAbEZh.jpg

Tác phẩm và tác giả. Nguồn: Ruth Ben-Ghiat/Twitter.com

 

TIME: Bà định nghĩa kẻ độc đoán (Strongman) để sửa đổi các định nghĩa trước đây của từ này?

 

BEN-GHIAT: Tôi muốn chứng tỏ rằng có những nhân vật độc đoán mới này – những thứ mà họ làm là mới nhờ mạng xã hội; ít diệt chủng hơn, giam giữ hàng loạt nhiều hơn; họ sử dụng các công cụ cai trị theo một cách khác – nhưng họ buông neo trong truyền thống độc đoán nói chung này. Nhưng người độc đoán là một tập hợp con của những kẻ độc tài đòi hỏi sự trung thành hoàn toàn, bẻ cong nền dân chủ theo nhu cầu của chính họ và sử dụng các hình thức tự tôn của đàn ông (machismo) khác nhau để tương tác với người dân của họ và với những người cai trị khác. Khi Putin cởi áo và phanh ngực, đó không chỉ là sự phù phiếm hay tự ái. Đó là một công cụ hợp pháp chính trị.

 

.

TIME: Điều gì sẽ xảy ra trên thế giới khi những kẻ độc đoán lên nắm quyền?

 

BEN-GHIAT: Lịch sử đã lặp lại nhiều lần, khi đã có những giai đoạn tiến bộ xã hội đáng kể – nó có thể là bình đẳng nam nữ, nó có thể là thế tục hóa, nó có thể là bình đẳng chủng tộc – [điều đó tạo ra] bầu không khí lo lắng tột độ, tức giận tột độ ở những người không thích sự tiến bộ này. Đây là tất cả những nỗi sợ hãi đã hoạt động rất mạnh trong những năm 1920 và những năm 1930. Đây là lúc những nhân vật độc đoán này được ưu ái.

Và họ có thể liên minh với giới tinh hoa bảo thủ, bởi vì điều đó rất, rất quan trọng. Nó phải được ai đó đưa vào dòng chính. Ngay cả trong tình cảnh của một cuộc đảo chính quân sự, người ta vẫn có những động lực tương tự, lý do mà cuộc đảo chính được giới tinh hoa bảo thủ chấp nhận – và đôi khi họ biết nó sắp xảy ra – là vì những lý do tương tự như sợ thay đổi, sợ giải phóng người sai.

 

.

TIME: Bà có hy vọng nghiên cứu của bà thay đổi câu chuyện về bất kỳ kẻ độc đoán nào mà bà đã nghiên cứu không?

 

BEN-GHIAT: Một người là Mussolini, từng là thủ tướng của một nền dân chủ trong ba năm. Trong thời gian đó, ông ta đã làm suy thoái nền dân chủ theo những cách mà ngày nay chúng ta đã rất quen thuộc. Và sau đó ông ta tuyên bố chế độ độc tài để thoát khỏi một cuộc điều tra đặc biệt chống lại anh ta mà có thể đã đưa anh ta vào tù. Vì vậy, tất cả những điều này là rất quen thuộc.

[Cựu Thủ tướng Ý Silvio] Berlusconi – người bị cười nhạo như một anh hề vì tham gia các bữa tiệc tình dục, liên tục thực hiện những trò đùa thô tục – cực kỳ quan trọng đối với việc mở ra bầu không khí chính trị cánh hữu mới này. Ông ta có một đám sùng bái cá nhân thực sự mà không ai ở Ý có được kể từ sau Mussolini. Ông ấy chống người di cư, chống người Hồi giáo. Rất nhiều chương trình nghị sự của những kẻ độc đoán hiện nay – từ Orban đến Putin cho đến Trump ở Mỹ – đã được báo trước bằng những gì Berlusconi đã làm. Berlusconi không bao giờ loại bỏ nền dân chủ, nhưng ông ta xoay sở để nắm chặt lấy nó trong bàn tay của mình.

 

.

TIME: Trong cuốn sách bà trích dẫn Hannah Arendt:

 

BEN-GHIAT:  “Đối tượng lý tưởng của chế độ độc tài toàn trị không phải là Đức Quốc xã bị thuyết phục hay những người Cộng sản bị thuyết phục, mà là những người có sự phân biệt giữa thực tế và hư cấu (tức là thực tế của kinh nghiệm) và sự phân biệt giữa đúng và sai (tức là các tiêu chuẩn của tư duy) không còn nữa.”

 

.

TIME: Điều này áp dụng như thế nào đối với thông tin sai lệch hiện đại?

 

BEN-GHIAT:  [Vào năm 2015,] khi Trump nói rằng chúng ta phải “tìm hiểu những gì đang xảy ra” [về vấn đề nhập cư của người Hồi giáo đến Hoa Kỳ, nói rằng] chúng ta không biết sự thật về một thứ mà tất nhiên chúng ta biết sự thật, Tôi nghĩ, chà, thật thú vị. Ông ta đang cố làm cho chúng ta không chắc chắn về điều đó. Đó không phải là những gì phát xít đã làm. Đó không phải là điều mà Hitler và Mussolini đã làm. Những gì họ nói là luật. [Mussolini] cấm dấu chấm hỏi trong tựa đề trên báo vì nhà báo xác định ý nghĩa của bản tin. Người ta không nên có những cách giải thích khác thay cho thực tế.

Một điều đã thay đổi trong thế kỷ 21 là cuốn cẩm nang của Putin, nó không chỉ xoay quanh việc kiểm duyệt mọi người. Putin cố gắng làm mọi người bối rối, khiến khu vực này ngập những tiếng ồn. Vì vậy, đó là một sự khác biệt lớn trong thế kỷ 21 và nó có thể thực hiện được nhờ tốc độ truyền bá thông tin và mạng xã hội.

 

.

TIME: Cuốn sách của bà cũng lập luận rằng một phần quan trọng của cá tính của kẻ độc đoán là trở thành nạn nhân. Vì sự mạnh mẽ và nam tính cũng là chìa khóa, tại sao một người đàn ông độc đoán lại cần phải miêu tả mình như một nạn nhân?

 

BEN-GHIAT: Tôi rất vui vì bà đã đặt vấn đề đó. Nếu bà nhìn thấy một chính khách mới đang nổi lên và muốn biết liệu người này có khuynh hướng độc đoán và có thể trở thành một kẻ độc đoán hay không, hãy theo dõi xem liệu anh ta có miêu tả mình là nạn nhân hay không. Sự sùng bái nạn nhân là một phần cơ bản của kẻ độc đoán. Và Mussolini là người đã bắt đầu. Họ không đại diện cho người dân của họ như các chính khách dân chủ. Họ là hiện thân của nhân dân. Họ sống trong quần chúng. Họ là người gánh chịu nỗi nhục nhã của người dân với nỗi buồn của họ. Hitler đã làm điều này một cách thành thạo và đó là lý do tại sao mọi người cảm thấy, trong các bài phát biểu, ông ta đang hét lên nỗi đau mà cả nước Đức đều cảm thấy. Ông ta là hiện thân của nạn nhân của Đức. Những người độc đoán thành công nhất đều biết cách làm điều này.

Thuật ngữ săn phù thủy mà Trump sử dụng cũng được Berlusconi dùng; nó cũng được [Recep Tayyip] Erdogan sử dụng. Rất thành công khi nó khiến mọi người cảm thấy họ phải bảo vệ ông ta. Mặt khác, những người này thường xuyên miêu tả mình là một người đàn ông mạnh mẽ và đầy nam tính, nhưng qua việc làm nạn nhân, họ cố gắng kêu gọi mọi người quan tâm đến họ và mọi người cảm thấy cần bảo vệ họ.

 

.

TIME: Điều gì xảy ra với một xã hội sau khi một kẻ độc đoán biến mất?

 

BEN-GHIAT: Các nạn nhân có những vết sẹo trên cơ thể, những tổn thương về gia đình, về xã hội. Nhưng cũng có rất nhiều cách suy nghĩ về thế giới và các nghi lễ mà chúng để lại. Các thể chế bị khoét rỗng, các chuyên gia bị sa thải. Những người có ý nghĩ hư ảo và người cuồng tín được cài đặt trong các bộ máy quan liêu. Và điều này khiến xã hội suy yếu.

Nếu những loại người đó ở lại đủ lâu, toàn bộ nhiều thế hệ phải được huấn luyện lại. Điều này xảy ra sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.

Người Mỹ đã được tiếp xúc với các quá trình này trong một không gian thu nhỏ. Đây là những điều có thể xảy ra ngay cả khi chúng ta không ở trong một chế độ độc tài.

 

.

TIME: Tổng thống Trump là một trong những chính khách bà đã chú trọng đến trong cuốn sách. Bà có nhận thấy bất kỳ điểm tương đồng lịch sử nào đối với hành động của ông ấy quanh cuộc bầu cử không?

 

BEN-GHIAT: Tôi nghĩ những gì chúng ta đang thấy ở đây là điển hình của những nhân vật độc đoán mới, những người ngày nay lên nắm quyền bằng các cuộc bầu cử. Họ sử dụng những lỗ hổng pháp lý, những điểm yếu trong hệ thống quản lý và hệ thống luật pháp, để củng cố quyền lực của họ. Bầu cử bất thường là một đặc điểm của những nhân vật độc đoán ngày nay vì họ không thể loại bỏ các cuộc bầu cử. Đó là một sự khác biệt với thế kỷ 20. Vì vậy, nếu họ phải duy trì các cuộc bầu cử, họ chắc chắn rằng họ sẽ thao túng chúng.

 

 

https://static01.nyt.com/images/2017/05/16/opinion/16tue1/16tue1-videoSixteenByNineJumbo1600.jpg

Họ sử dụng những lỗ hổng pháp lý, những điểm yếu trong hệ thống quản lý và hệ thống luật pháp, để củng cố quyền lực của họ. Ảnh: Onthenet

 

.

TIME: Còn những cách nào khác để người ta nhận ra nếu một người độc đoán đang tranh cử?

 

BEN-GHIAT: Nếu ai đó nói về độ bạo lực của họ theo hướng tích cực, chúng ta có thể chắc chắn rằng họ sẽ không tôn trọng hệ thống dân chủ. Cá nhân họ có liên kết với bạo lực khi vẫn đang trên đường vận động tranh cử không? [Jair] Bolsonaro đã làm điều này. Ông ấy nói về việc nếu ông ta được bầu chọn, Brazil sẽ có một cuộc thanh trừng lớn nhất chưa từng có. Năm 2016 Trump đã nói, “Tôi có thể đứng ở giữa Đại lộ số 5 và bắn ai đó, và tôi sẽ không mất bất kỳ cử tri nào.”

Tôi đã chưng hửng, “Ồ, đây là nó. Chúng ta đang ở đây.”

 

.

TIME: Bà muốn mọi người hiểu những gì sau khi đọc cuốn sách?

 

BEN-GHIAT: Có những tiền lệ lịch sử cho những gì chúng ta đang trải qua. Sự thôi thúc khiến những người sợ thay đổi tìm kiếm niềm an ủi với một người cai trị độc đoán, người ra lệnh cho họ, người nói rằng tôi là tiếng nói của quý vị – điều này không phải là mới.

Chúng ta nghĩ về chủ nghĩa độc đoán như luật pháp và trật tự. Nó hấp dẫn những người thích làm theo mệnh lệnh. Nhưng không chỉ là tuân theo mệnh lệnh. Thật không may, nó cũng giải phóng con người vì bản chất của chủ nghĩa độc đoán là vô luật pháp. Không có gì người ta không thể có được và nhiều người rất vui khi được ở trong môi trường như vậy. Và vì vậy, khi những người này đi qua lịch sử của chúng ta, dù họ đã thành công ở đâu, thì nước Mỹ sẽ phải đặt ra một số câu hỏi gay go về việc họ là ai.

 

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Trump’s defeat leaves Biden and the Democrats to clean up America’s mess | Olivia B. Waxman | TIME | Nov 10, 2020.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats